Thế giới và Việt Nam bước qua một thập kỷ mới với bức tranh có phần ảm đam: Dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona hoành hành hơn 3 tuần qua đã gây ra những xáo trộn không nhỏ đối với cuộc sống, vượt ra ngoài biên giới Trung Quốc và lan tới toàn cầu. Mỗi khi có một dịch bệnh bùng phát, người ta mới thấy rõ hơn thế giới đang trở nên "phẳng" như thế nào, một thế giới phẳng để những đường biên giới địa lý không còn là chướng ngại quá lớn để dịch bệnh lây lan chỉ trong vòng chưa đầy một tháng. Tuy nhiên, khi những biên giới địa lý đang dần đóng khép, thế giới phẳng cũng khiến con người xích lại gần nhau hơn, mở rộng cánh cửa của sự sẻ chia, đồng cảm và tương trợ.
Hơn 3 tuần với dịch bệnh viêm phổi cấp corona, một bức tranh sáng tranh tối hiển hiện với công dân toàn cầu. Thế giới luôn thay đổi không ngừng, và thế giới của những tháng đầu năm 2020 cũng đang thay đổi từng giờ khi đứng trước dịch bệnh mới: Đó là thách thức, và cũng là cơ hội cho toàn nhân loại.
PHẦN I:
CHÚNG TA ĐÃ BIẾT ĐỦ
VỀ VIRUS CORONA?
emagazine 2020
Chiều ngày 30/12/2019, bác sĩ Lý Văn Lượng đã nhắn tin cho một nhóm trò chuyện trên WeChat gồm 150 bác sĩ là bạn học cũ và cảnh báo về 7 ca nhiễm virus mà anh cho là giống dịch bệnh SARS cách đây 17 năm. Cảnh báo ấy được chia sẻ trên mạng nhanh chóng nhưng vì không có đủ căn cứ, bác sĩ Lý Văn Lượng đã bị giới chức y tế Vũ Hán triệu tập và giải trình về sự việc. Từ 7 ca nghi lây nhiễm virus mới, tới nay con số đó đã lên tới hơn 40,000 người, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng.
Kể từ chiều ngày 30/12 đó, nhiều người tại Trung Quốc đã mơ hồ đoán được, họ đang phải đối mặt với một dịch bệnh mới - chính xác hơn là một chủng virus corona mới bắt nguồn từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. gần giống với virus SARS. Nhà khoa học Leo Poon, người đầu tiên giải mã loại virus này, cho rằng nó bắt nguồn từ động vật và lây lan sang người.
Các cơ quan y tế Trung Quốc đã báo cáo về một vài trường hợp nhiễm viêm cầu khuẩn cho tổ chức Y tế thế giới vào cuối tháng 12/2019. Nhiều người bệnh đã tiếp xúc với các loại hải sản và các khu chợ thực phẩm tại thành phố Vũ Hán. Chủng virus corona mới này được các nhà khoa học gọi bằng tên gọi 2019-nCoV.
01.
Virus corona dễ lây lan như thế nào?
coronavirus là một nhóm các loại virus phổ biến ở động vật. Trong một vài trường hợp, các nhà khoa học gọi chúng là nhóm virus zoonotic - lây truyền từ các cá thể động vật sang người, theo trung tâm phòng chống dịch bệnh Mỹ. Thông thường, một người nhiễm virus corona có thể lây cho 1,5-3,5 người nếu không được cách ly hiệu quả.
Virus corona có thể lây lan từ những người có tiếp xúc với một số loài động vật. Các nhà khoa học từ WHO cho rằng MERS lây lan từ lạc đà, SARS bắt nguồn từ loài cầy hương. Tác nhân truyền virus corona gây ra đợt bùng nổ dịch tại thành phố Vũ Hán vẫn chưa được xác nhận chính thức. Về việc truyền bệnh từ người sang người, thông thường virus sẽ được truyền qua khi một người khỏe mạnh tiếp xúc với người nhiễm virus corona mà không có biện pháp bảo vệ an toàn hợp lý, ví dụ như thông qua giọt dịch từ việc ho.
Tùy vào khả năng gây bệnh của từng loại virus mà con người có nguy cơ bị nhiễm virus thông qua việc ho, hắt hơi hay bắt tay. Virus cũng có thể lây lan qua việc bạn chạm vào một đồ vật người nhiễm bệnh chạm vào rồi sau đó bạn lại đưa tay lên miệng, mũi hoặc mắt. Những người chăm sóc bệnh nhân cũng có nguy cơ nhiễm virus corona khi chạm vào chất thải của bệnh nhân.
Các ca lây nhiễm từ người sang người đã được xác nhận với Virus corona từ thành phố Vũ Hán. Các chuyên gia vẫn đang tiến hành nghiên cứu để xác định xem đối tượng nào có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao nhất, đối tượng nào có nguy cơ mắc bệnh cao nhất và liệu việc truyền bệnh xảy ra thường xuyên hơn tại bệnh viện hay các khu dân cư. SARS và MERS chủ yếu lây truyền tại các bệnh viện.
02.
Virus corona
nguy hiểm ra sao?
Virus có thể khiến người bệnh ốm, thường bắt đầu với các vấn đề liên quan tới đường hô hấp, tương tự như việc nhiễm cảm lạnh thông thường. Các triệu chứng của coronavirus bao gồm chảy nước mũi, ho, đau họng, có thể kèm đau đầu và sốt. Thường các triệu chứng bệnh sẽ kéo dài vài ngày.
Với những đối tượng có hệ miễn dịch yếu, thường rơi vào người già và trẻ nhỏ, Coronavirus có thể gây ra những vấn đề nguy hiểm hơn như viêm cầu khuẩn hoặc viêm phế quản. Tính ngày 12/02, đã có 1115 ca tử vong do virus Corona gây nên.
MERS và SARS là các chủng virus corona từng gây nên những đại dịch trên toàn thế giới. Được phát hiện vào năm 2012 tại Trung Đông, có 858 ca tử vong/2.494 ca nhiễm bệnh MERS được ghi nhận (tỷ lệ tử vong 34.4%). Tỷ lệ tử vong của dịch bệnh SARS là 9.6% với 774 ca tử vong/8089 trường hợp ghi nhận bệnh trên toàn thế giới. Hiện tại, tỷ lệ tử vong của virus corona rơi vào khoảng 2%.
Ngày 09/01, virus corona diễn biến theo hướng mới khi ca tử vong đầu tiên được ghi nhận tại Trung Quốc. Bệnh nhân là một người đàn ông 66 tuổi tại thành phố Vũ Hán. Tuy nhiên, 2 ngày sau thông tin mới được truyền thông Trung Quốc chia sẻ.
03.
Sẽ mất bao lâu để các
triệu chứng xuất hiện?
Virus Corona từ thành phố Vũ Hán có thời gian phát triển triệu chứng lâu hơn SARS và MERS. Bệnh nhân phát bệnh cúm thông thường khoảng một tuần, sau đó sẽ có triệu chứng khó thở và phải nhập viện. Thời gian ủ bệnh sẽ thường vào khoảng 2-14 ngày. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới từ giáo sư Chung Nam Sơn, chuyên gia hô hấp,, tổ trưởng tổ chuyên gia cấp cao Ủy ban sức khỏe và y tế quốc gia Trung Quốc dẫn đầu một nhóm nghiên cứu về dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona cho biết: Thời gian ủ bệnh chỉ trung bình là 3 ngày, nhưng có thể kéo dài nhất lên đến 24 ngày. Theo New York Times, các nhà khoa học chưa rõ liệu một người có thể lây truyền virus trước khi các triệu chứng xuất hiện hay không.
04.
Tại sao virus corona lại
dễ lây lan từ Vũ Hán?
Virus corona lây lan nhanh có một phần nguyên nhân bởi thành phố Vũ Hán là một điểm trung chuyển giao thông quan trọng không chỉ của Trung Quốc mà cả thế giới. Thành phố Vũ Hán có 11 triệu người, lớn hơn dân số tại New York. Trung bình mỗi ngày, có khoảng 3,500 người bắt chuyến bay thẳng từ Vũ Hán tới các nước khác. Trong giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 11 năm ngoái, có khoảng hơn 2 triệu người di chuyển từ Vũ Hán tới các thành phố khác tại Trung Quốc. Tỷ lệ kết nối giao thông tại Trung Quốc đã tăng cao rất nhiều lần so với giai đoạn năm 2003 trong dịch bệnh SARS.
Tính đến ngày 12/02/2020, đã có 45.183 người nhiễm virus corona, trong đó đã có 1115 người tử vong và 4833 người được chữa khỏi. Phần lớn các ca nhiễm bệnh được ghi nhận tại Trung Quốc. Trước tình trạng phức tạp của dịch bệnh, WHO đã ban bố tình trạng khẩn cấp vào sáng ngày 31/1. Đây là lần thứ 6 WHO ban bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.
Nguồn Getty Images
05.
Đối tượng bị ảnh hưởng
chính từ virus corona?
MERS, SARS và virus corona Vũ Hán thường để lại những hậu quả nghiêm trọng hơn với các bệnh nhân lớn tuổi. Với các ca bệnh ghi nhận từ virus corona Vũ Hán, độ tuổi trung bình của những người mắc bệnh là trên 40 tuổi.
06.
Cách thức để phòng
chống virus corona
Theo khuyến cáo của tổ chức y tế thế giới WHO và các cơ quan y tế các nước, hiện tại chưa có vắc-xin đặc trị với chủng virus này. Những phương pháp phòng chống dịch bệnh cơ bản được WHO khuyến nghị gồm có
  • Thường xuyên rửa tay bằng các dung dịch rửa tay có chứa cồn, xà phòng và nước sạch
    01
    phòng chống
    virus corona
  • Che miệng khi ho và hắt hơi bằng khuỷu tay hoặc giấy ăn - sau đó ném giấy ăn đi ngay lập tức và rửa tay
    02
    phòng chống
    virus corona
  • Tránh tiếp xúc gần với những người có triệu chứng ho, sốt
    03
    phòng chống
    virus corona
  • Nếu bạn bị sốt, họ và thấy khó thở, đến ngay các cơ quan y tế và khai báo lại tiểu sử đi lại trong thời gian trước đó
    04
    phòng chống
    virus corona
  • Khi đến các khu vực chợ bán đồ tươi sống, tránh việc tiếp xúc trực tiếp với động vật mà không có đồ bảo vệ
    05
    phòng chống
    virus corona
  • Không tiêu thụ, sử dụng các sản phẩm thịt động vật sống, chưa qua chế biến. Thịt sống, sữa và nội tạng động vật cần được chế biến kỹ lưỡng để tránh lây truyền chéo với các thực phẩm sống
    06
    phòng chống
    virus corona
  • Hạn chế tụ tập đông người
    07
    phòng chống
    virus corona
  • Giữ ấm cơ thể, tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, luyện tập thể thao. Hệ miễn dịch tốt là một trong những cách thức bảo vệ bản thân trước dịch bệnh hiệu quả nhất
    08
    phòng chống
    virus corona
Theo các nhà khoa học, sẽ phải mất cả năm nữa, tối thiểu, để phát triển một loại vaccine đặc trị. Sau đợt bùng nổ dịch SARS vào năm 2003, mất khoảng 20 tháng để phát triển vaccine có thể thử trên người.
PHẦN II:
TỪ VŨ HÁN LAN
TỚI TOÀN CẦU
emagazine 2020
01.
“Ground Zero”
Ngày cuối cùng của năm cũ, 31/12/2019, khi cả thế giới đang rộn ràng đón năm mới, một thông báo được Trung Quốc gửi tới WHO. Một vài ca viêm phổi được ghi nhận tại thành phố Vũ Hán, dù lúc bấy giờ không ai biết virus đó là gì. Tuy nhiên, những bệnh nhân đều có một đặc điểm chung: Họ cùng làm việc tại chợ hải sản Huanan. Đến ngày 07/01, một thông báo chính thức về chủng virus corona mới được Trung Quốc tuyên bố. Số người nhập viện ngày càng nhiều, người đầu tiên tử vong vào ngày 9/1. Ngày 13/01 đánh dấu cuộc “chuyển mình” của virus corona vượt ngoài biên giới Trung Quốc khi những ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận tại Thái Lan - quốc gia có số lượng du khách Trung Quốc đông đảo. Không chỉ tại thành phố Vũ Hán, các thành phố lớn khác tại Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân cũng đã ghi nhận các ca nhiễm bệnh chỉ một tuần sau đó.
Từ Vũ Hán lan tới toàn cầu, tất cả đều bắt nguồn từ “Ground Zero” - khu chợ bán buôn hải sản Huanan, thành phố Vũ Hán. Khu vực này đã bị đóng cửa ngay sau khi phát hiện dịch bệnh.
02.
5 triệu người Vũ Hán đã đi đâu trước khi thành phố Vũ Hán phong tỏa?
Khoảng 5 triệu người dân Vũ Hán rời thành phố trước khi có lệnh phong tỏa, theo thị trưởng thành phố Vũ Hán, ông Zhou Xianwang cho biết vào hôm 26/1. Phần lớn di chuyển tới các thành phố khác tại tỉnh Hồ Bắc. Theo trang web Flight Master, nền tảng du lịch phổ biến tại Trung Quốc, thông báo rằng 3 địa điểm quốc tế được người dân Vũ Hán thường xuyên lui tới nhất giữa ngày 30/12/2019 tới ngày 22/01/2020 (ngày trước thông báo phong tỏa tại Vũ Hán) là các sân bay tại Thái Lan. Ngày 30/01, Thái Lan đã ghi nhận 14 trường hợp mắc virus corona, con số cao nhất ngoài Trung Quốc.
Từ Vũ Hán, khoảng 5 triệu người dân, có thể đã tiếp xúc với mầm bệnh virus corona, tỏa đi khắp thế giới và có thể chính là các vật chủ truyền bệnh. Chính quyền Trung Quốc đã đưa ra kế hoạch đưa tất cả những người Vũ Hán đã rời khỏi thành phố trước khi có lệnh phong tỏa trở lại Trung Quốc để nhằm biện pháp khống chế dịch. Không chỉ riêng thành phố Vũ Hán, tới ngày 24/01, có khoảng 15 thành phố tại tỉnh Hồ Bắc đã bị đặt dưới các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt.
Đại dịch do chủng virus corona mới đã gây ra cuộc khủng hoảng trên toàn thế giới, không chỉ với vấn đề y tế mà còn trong nhiều khía cạnh khác. Các chuyến bay tới Trung Quốc bị hạn chế, nhiều quốc gia quyết định đóng cửa biên giới đường bộ với Trung Quốc, tình trạng kỳ thị người Trung Quốc và người châu Á nói chung diễn ra tại nhiều nước phương Tây. Với các quốc gia có đường biên giới sát Trung Quốc như Việt Nam, tình trạng ùn ứ hàng hóa nông sản xuất nhập khẩu đã gây nhiều tổn thất cho nông dân. Du lịch trên toàn thế giới tê liệt khi du khách Trung Quốc bị hạn chế tới nhiều quốc gia; các hướng dẫn, ban bố cảnh báo người dân không nên tới Trung Quốc vào thời điểm dịch bệnh căng thẳng cũng được nhiều quốc gia đưa ra. Chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm 51% GDP du lịch của cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2018. Từ tháng 2/2020- 3/2020, có khoảng 1,2 triệu du khách Trung Quốc đã hủy tour tới Thái Lan. Những số liệu tương tự cũng được ghi nhận tại các quốc gia với lượng du khách Trung Quốc đông đảo như Nhật Bản, Australia, Việt Nam, Hàn Quốc…
03.
Con đường lan ra toàn cầu của virus corona diễn ra như thế nào?
Hiện tại, khoảng 27 quốc gia trên toàn thế giới đã ghi nhận các ca nhiễm virus corona, chủ yếu liên quan tới du khách hoặc những người trở về tại Trung Quốc. Ngày 2/2/2020, dịch bệnh corona phát triển theo một diễn biến mới khi xuất hiện ca tử vong đầu tiên ngoài Trung Quốc. Một bệnh nhân 44 tuổi người Trung Quốc đã tử vong tại Philippines. Người đàn ông đến Philippines từ Vũ Hán vào ngày 21/1 sau khi đi qua Hongkong và cũng là bạn đồng hành của người phụ nữ Trung Quốc 38 tuổi - trước đó được xác định là trường hợp nhiễm virus đầu tiên ở Philippines. Trong quá trình nhập viện, bệnh nhân bị viêm phổi nặng và qua đời.
Cũng như các dịch bệnh nổ ra trên toàn cầu, việc thông thương qua lại, các chuyến du lịch, cuộc “di cư” mùa lễ hội… chính là những con đường để virus lan truyền từ thành phố này sang thành phố khác, từ Trung Quốc trên toàn thế giới. Khởi phát tại quốc gia đông dân như Trung Quốc với số người du lịch, làm việc gần như trên toàn cầu, không khó để tưởng tượng con đường lây lan của virus corona sẽ nhanh chóng như thế nào. Chính những vị khách du lịch tới từ Trung Quốc hoặc những người tới Trung Quốc du lịch sẽ là nhóm đối tượng lây lan virus đầu tiên.
Tại châu Á, Thái Lan là quốc gia đầu tiên ghi nhận các ca nhiễm virus corona ngoài Trung Quốc (ngày 13/01), đa phần là các du khách tới từ Trung Quốc và người Thái Lan có tới Vũ Hán du lịch. Với lượng khách du lịch đông đảo từ Trung Quốc, Nhật Bản cũng nhanh chóng có tên trên bản đồ dịch bệnh toàn cầu với ca nhiễm bệnh đầu tiên tại Nhật Bản là một người lái xe khoảng 60 tuổi, sống tại tỉnh Nara. Người đàn ông này chưa từng tới Vũ Hán, Trung Quốc. Từ ngày 08/01-11/01, ông có lái xe chở 31 du khách người Vũ Hán, từ thành phố Osaka lên tới Tokyo. Ông phát hiện các triệu chứng và được nhập viện vào ngày 17/01, theo Japantoday đưa tin. Ngày 20/01, ca nhiễm virus corona đầu tiên được ghi nhận tại Hàn Quốc là một người phụ nữ Trung Quốc 35 tuổi cũng tới từ thành phố Vũ Hán. Người phụ nữ này đã có những triệu chứng ho sốt từ Vũ Hán nhưng vẫn tới Hàn Quốc vào ngày 19/01. Ca lây nhiễm từ người sang người đầu tiên cũng đã ghi nhận tại Hàn Quốc với các trường hợp không đi du lịch hay tới từ Vũ Hán. Tuy sở hữu một nền y tế cộng đồng phát triển, Singapore cũng chung hoàn cảnh tương tự khi có số lượng người nhiễm virus corona lớn ngoài Trung Quốc. Nguyên nhân chính nằm ở việc đất nước này cũng có đông lượng khách du lịch, làm việc tới từ Trung Quốc, mật độ đô thị đông và là nơi trung chuyển của nhiều chuyến bay đi khắp thế giới.
Câu chuyện với các nước phương Tây cũng không phải ngoại lệ. Ca nhiễm virus Corona đầu tiên do lây nhiễm từ người sang người tại Mỹ được ghi nhận vào ngày 30/01 khi một người dân sống ở thành phố Chicago, bang Illinois đã bị nhiễm vi rút Corona mới (2019-ncoV) do lây nhiễm từ vợ, mới trở về từ tâm dịch Vũ Hán. Úc ghi nhận trường hợp virus Corona đầu tiên vào ngày 25/01 - bệnh nhân là một phụ nữ người Trung Quốc, bay tới Úc từ Quảng Châu từ ngày 19/01. 3 trường hợp khác cũng được phát hiện cùng ngày tại bang New South Wales. Pháp là quốc gia đầu tiên tại châu u ghi nhận các ca nhiễm virus Corona (3 người). Cả 3 người này đều là người Trung Quốc, có thời gian ghé qua Vũ Hán hoặc tới từ Vũ Hán. Các quốc gia khác như Phần Lan, Thụy Điển,Tây Ban Nha cũng đã ghi nhận các ca nhiễm virus Corona đầu tiên.
Thế giới chưa bao giờ đầu hàng bất cứ dịch bệnh nào và đâu đó có những sự khởi sắc giữa vô vàn tin tức tăm tối. Song song với tỷ lệ ca nhiễm mới giảm là tỷ lệ người khỏi bệnh và ra viện ngày càng tăng. Cuộc chạy đua với dịch bệnh của các nhà khoa học trên toàn thế giới đã thu được các tín hiệu đáng mừng khi nhiều phát hiện mới, phương pháp y tế tiên tiến được đưa vào trong công tác điều trị bệnh. Số quốc gia nhiễm bệnh không tăng ồ ạt như giai đoạn đầu, nhiều chính phủ đã kiểm soát chặt dịch bệnh để không lây lan trong cộng đồng. Một mùa đông ảm đạm dần qua đi trên toàn thế giới mang theo hy vọng chấm dứt dịch bệnh.
PHẦN III:
VIỆT NAM: Cuộc chiến phòng chống virus corona và tin tốt
emagazine 2020
Ngày 01/02, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra. Quyết định trên đã đánh dấu một bước tiến mới trong quá trình chống lại dịch bệnh corona toàn cầu tại Việt Nam trong suốt 3 tuần qua và kéo theo nhiều sự thay đổi đối với cuộc sống người dân trên khắp cả nước.
01.
15 ca nhiễm virus corona đầu tiên tại Việt Nam
Thời điểm bùng phát dịch bệnh tại Trung Quốc cũng vào cao điểm Tết âm lịch tại Việt Nam và Trung Quốc. Ngày 22/01, Việt Nam xác nhận 2 ca nhiễm virus Corona đầu tiên. Hai trường hợp được xác nhận nhiễm bệnh này đã nhập viện và được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, thành phố Hồ Chí Minh ngay hôm 22/01. Đó là ông Li Ding, 66 tuổi, đi từ Vũ Hán đến Việt Nam thăm con trai đang sinh sống và làm việc tại đây. Người thứ 2 là anh Li Zichao, 28 tuổi, con trai của người đàn ông trên được cho là mắc bệnh từ cha mình. Được biết trước khi nhập viện, hai cha con này đã đi qua Hà Nội, Nha Trang, Long An và thành phố Hồ Chí Minh. Anh Li Zichao được xác nhận là đã khỏi bệnh vào ngày 28/01 khi kết quả xét nghiệm âm tính với virus Corona.
Ngày 30/01, 3 ca nhiễm virus Corona mới đã được ghi nhận. Cả 3 công dân này đều trở về từ Vũ Hán (Trung Quốc), đã được cách ly và điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa và Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương Cơ sở 2 (Hà Nội).
Ngày 01/02, thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tỉnh Khánh Hòa đã có trường hợp đầu tiên mắc bệnh viêm đường hô hấp do virus corona chủng mới (nCoV). Đây là ca nhiễm virus corona thứ 6 tại Việt Nam. Bệnh nhân là nữ lễ tân khách sạn, 25 tuổi, thường trú tại địa chỉ xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Theo báo cáo giám sát dịch tễ học, bệnh nhân có tiếp xúc gần với 2 trường hợp người bệnh người Trung Quốc vào ngày 17/01, cả 2 trường hợp này đã được chẩn đoán nhiễm nCoV. Nữ bệnh nhân khởi phát bệnh vào ngày 18/01 với triệu chứng ho, sốt và đã lấy máu xét nghiệm, kết quả ngày 31/01 cho thấy bệnh nhân dương tính với nCoV. Đây là ca lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên được ghi nhận.
Các ca nhiễm bệnh trong các ngày tiếp theo đều là các công nhân và người có tiếp xúc với những công nhân làm việc tại thành phố Vũ Hán trở về tỉnh Vĩnh Phúc. Tỉnh Vĩnh Phúc cũng đang là địa phương có số lượng người nhiễm virus corona nhiều nhất trên cả nước với 9 người.
Như vậy, tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới tại Việt Nam đã nâng lên con số 15, tính đến hết ngày 11/02. Các trường hợp khác vẫn đang được theo dõi chặt chẽ để phòng chống và điều trị kịp thời. Những bệnh viện dã chiến và khu cách ly cũng được thiết lập để phòng trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp trong những ngày tới. Những tín hiệu đáng mừng đã xuất hiện khi ở Việt Nam có tới 6 ca đã được chữa khỏi trên tổng số 15 ca nhiễm bệnh.
02.
“Cuộc chiến” khẩu trang và làn sóng tin giả
Giữa những ngày toàn thế giới đang gồng mình chống lại đại dịch corona, người dân Việt Nam cũng phải ra sức “chống lại” 2 cuộc chiến khác: Giá khẩu trang tăng lên như vũ bão và cuộc chiến chống lại “tin giả”.
Khẩu trang đã thực sự trở thành cụm từ nóng trong những ngày qua khi người dân đổ xô đi mua khẩu trang khi tin tức về 3 bệnh nhân người Việt Nam đầu tiên được xác định. Câu chuyện chiếc khẩu trang giữa ngày dịch bệnh đã để lộ ra nhiều vấn đề trong xã hội: Tâm lý làm giàu trên nỗi đau của người khác của một bộ phận người bán hàng, sự thiếu kiến thức của nhiều người khi đứng trước các tình huống khẩn cấp, khoảng cách giàu nghèo, lòng trắc ẩn giữa thời buổi khó khăn và cả những vấn đề về y tế công cộng.
Người mua hàng không có lựa chọn nào khả dĩ hơn khi họ nghĩ khẩu trang là thứ duy nhất có thể giúp họ tránh được bệnh tật. Khi phải chọn lựa giữa chiếc khẩu trang giá cao và nguy cơ nhiễm virus chết người, khách hàng đành phải móc hầu bao cho chiếc khẩu trang ấy. Ai đó thở dài: “Dịch bệnh mang tính thời điểm, nhưng lòng tham của nhiều người là điều cố hữu”.
Tuy nhiên, sau vài ngày cộng đồng kêu gọi, cơn sốt khẩu trang đã phần nào được hạ nhiệt và bình ổn trở lại.
Và bây giờ, là lúc chúng ta nói về tin giả.
Một đặc tính cơ bản của tin giả là thường có yếu tố gây hoang mang cao, đánh trúng vào tâm lý sợ hãi của độc giả nên thường được chia sẻ với tốc độ nhanh. Tin giả cũng thường đưa cho người đọc những lời khuyên tưởng chừng như hết sức đơn giản trước các vấn đề nghiêm trọng vì hiểu rằng, độc giả đang thực sự có nhu cầu giải quyết vấn đề bằng mọi cách. Chính vì vậy, khi tiếp xúc với một thông tin viral trên mạng xã hội, hãy tỉnh táo để không bị đánh lừa. Câu chuyện về virus corona cũng không phải ngoại lệ khi có nhiều fake news hội tụ đầy đủ những yếu tố đó.
Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, số lượng cư dân mạng bị xử phạt hành chính còn nhiều hơn số lượng các ca nhiễm virus corona mới. Các thông tin bịa đặt sai sự thật thường bao gồm việc đưa ra thông tin về người nhiễm bệnh tại các địa phương không có căn cứ, xuyên tạc tình hình liên quan đến dịch bệnh tại Việt Nam (phun thuốc ngừa dịch cúm liên quan corona bằng máy bay trên trời, virus corona gây ra cái chết của vài nghìn người…). Chưa khi nào, người ta thấy số lượng tin giả được đăng tải lên mạng ồ ạt và có nhiều trường hợp bị xử lý như vậy.
Người ta có thể không chết vì dịch bệnh ngay lập tức, nhưng nhiều người có thể chết vì thiếu hiểu biết và tin vào những thông tin sai sự thật trên Facebook. Virus corona không đáng sợ bằng những virus tin giả - mầm mống hủy hoại niềm tin của cộng đồng và có thể đẩy vấn đề nghiêm trọng hơn.
03.
Cuộc sống của người dân giữa mùa dịch
Ngày cuối tuần, người đi bộ trên hồ Gươm giảm đáng kể. Tháng ngày hội hè liên miên, không khí tại Hà Nội, Sài Gòn và nhiều địa phương khoác lên vẻ trầm mặc hơn mọi năm. Ai cũng hiểu, vì virus corona.
Giữa những ngày nay, cuộc sống của người dân tại khắp mọi miền cả nước chứng kiến sự xáo trộn đáng kể. Người ta không tụ tập hàng quán, hội hè nhiều mà vô tình chạm mặt nhau trước hiệu thuốc nhiều hơn. Các buổi hò hẹn quán xá cũng yên tĩnh hơn, tránh để dịch cơ thể thông qua việc cười nói, hắt xì bắn vào mặt nhau. Nhiều người vẫn cười nói, vui vẻ nhưng dưới một lớp khẩu trang. Đâu đâu cũng thấy người ta đeo khẩu trang, từ khu vui chơi, siêu thị, quán cà phê, trà chanh, trà đá, chợ dân sinh…
Trẻ con hân hoan vì nhiều nhà trường đã cho nghỉ học, hoặc các ông bố bà mẹ cũng không yên tâm để con em mình ra chỗ đông người. Các bà nội trợ khẽ chau mày khi giá thực phẩm vẫn nhích lên đáng kể, giữa cơn dịch bệnh lại càng khan hiếm hơn khi nhiều người có tâm lý tích trữ đồ trong nhà. Những tiếng thở dài lẫn trong bầu không khí ảm đạm, bụi bặm khi chỉ số ô nhiễm không khí vẫn tăng cao trên 200 ở Hà Nội. Liệu bao giờ dịch bệnh mới qua đi để trả cuộc sống trở lại nhịp bình thường?
04.
Và những niềm hy vọng
Đâu đó giữa cuộc sống thường ngày, giữa “cơn bão” corona đang quét qua các thành phố lớn, người ta vẫn thấy những tia hy vọng tách bầu trời u ám, trả lại niềm tin cho cộng đồng.
Giữa cơn khủng hoảng khẩu trang, các bộ ban ngành liên quan đã hành động rất nhanh, xử phạt những đối tượng đẩy giá, ăn tiền trên nỗi lo sợ của người dân. Tin tức về các cửa hàng bị xử phạt, tước giấy phép hoạt động khiến nhiều người thấy an tâm hơn giữa cơn sốt khẩu trang.
Trên vỉa hè nhiều con phố Sài Gòn, những chiếc khẩu trang miễn phí được trao tặng. Người ta trao nhau tình người, trao nhau niềm tin vào sự tử tế trong xã hội; chiếc khẩu trang trao đi ấy có thể vẫn chưa phải là giải pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh dịch nhưng đã phần nào phá bỏ những bức tường vô cảm đang manh nha được dựng lên giữa thời điểm khó khăn của cả đất nước.
Sáng 07/02, một tin vui từ các cơ quan Y tế đã khiến người dân Việt Nam không khỏi tự hào: các chuyên viên, bác sĩ tại viện vệ sinh dịch tễ trung ương đã nghiên cứu nuôi cấy, phân lập thành công chủng virus corona mới - một bước tiến quan trọng trong công tác chống dịch, giúp các bác sĩ có thể xét nghiệm nhanh được những người nhiễm và nghi nhiễm nCoV. Đây chính là tiền đề cho việc nghiên cứu vắc xin phòng chống virus corona cho tương lai. Trong khi những người dân đang gồng cùng đồng lòng để vượt qua dịch bệnh, đội ngũ bác sĩ và những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Y học tại Việt Nam cũng đang dốc hết sức mình, ngày đêm nỗ lực để khắc chế virus corona. Một tia hy vọng nữa bừng sáng, niềm tin vào một hành trình chống dịch bệnh thành công tại Việt Nam lại được thổi bùng lên trong mỗi con người.
Những ca nhiễm bệnh đầu tiên đã được chữa khỏi tại Việt Nam. Với 15 trường hợp nhiễm virus corona, tính đến ngày 11/02, đã có tới 6 trường hợp bệnh nhân đã khỏi và được xuất viện. Các biện pháp khẩn cấp đang được triển khai nhanh chóng với sự quyết liệt của toàn dân và các bộ ban ngành liên quan. Việt Nam bước qua dịch bệnh SARS với những bài học được thế giới tán dương và chúng ta sẽ tiếp tục thành công với dịch bệnh corona lần này. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có công tác phòng và khống chế dịch tốt.
Ngày 10/2, mạng xã hội tràn ngập hình ảnh về chuyến bay của hãng Vietnam Airlines đón người Việt trở về từ Vũ Hán. Trong khi tại nhiều quốc gia, người ta vẫn đang tranh cãi xem có nên đón công dân về không, cách ly họ ở đâu, nhân viên hàng không không chịu bay vì sợ lây bệnh, các cơ quan chức năng Việt nam đã hành động mạnh mẽ, đưa công dân Việt Nam từ Vũ Hán trở về nước với tinh thần “không ai bị bỏ lại”. Công tác an toàn được đảm bảo tuyệt đối để các nhân viên hàng không, chuyên viên y tế có một chuyến bay thành công. Vũ Hán như một thành phố nhiều người chỉ muốn ra không ai muốn vào nhưng phi hành đoàn trên chuyến bay ngày 10/02 hiểu rằng đón những người Việt ở giữa vùng dịch bệnh trở về quê hương an toàn là một nhiệm vụ thiêng liêng, có ý nghĩa với cả dân tộc. Giữa ngày giá lạnh tại sân bay Vân Đồn, câu chuyện về chuyến bay khiến người ta thấy ấm lòng hơn cả...
Tới thời điểm hiện tại, dù dịch bệnh vẫn đang có những diễn biến phức tạp, khó lường nhưng có một điều có thể khẳng định, đó là Bộ Y tế - cơ quan đầu ngành chỉ đạo công tác phòng chống dịch đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình.
Ngay sau khi ghi nhận trường hợp dương tính với nCoV đầu tiên tại Việt Nam, hàng loạt các biện pháp ứng phó với dịch đã được Bộ Y tế lập tức triển khai nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh. Các đội phản ứng nhanh được thành lập với nòng cốt là các bác sĩ hàng đầu để kịp thời hỗ trợ tới từng địa phương, công tác khoanh vùng đối tượng nghi nhiễm được thực hiện tức thì. Các khu cách ly, các bệnh viện dã chiến nhanh chóng được thành lập để sẵn sàng với tình huống xấu nhất...
Bên cạnh đó, việc công khai, phổ biến thông tin về dịch bệnh cũng được Bộ Y tế chú trọng. Một cổng thông tin điện tử được nhanh chóng cho ra mắt, nơi người dân có thể truy cập và tìm được các thông tin cập nhật, chính xác và chính thống nhất về dịch. Cùng với đó là hàng loạt tài liệu, hướng dẫn kỹ lưỡng về phương pháp phòng chống dịch (như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn...) cũng được Bộ thông tin đến từng người qua mọi phương tiện truyền thông hiện tại như mạng xã hội, tin nhắn điện thoại…
Với công tác phòng chống dịch bệnh nói chung, thì nhanh, kịp thời và chính xác là yêu tố then chốt giúp đẩy nhanh việc dập dịch. Tới hiện tại, Bộ Y tế khiến người dân cảm thấy yên tâm, cảm thấy mình đang được bảo vệ một cách tích cực, cũng là ở 3 khía cạnh này.
Thế giới đã đi qua nhiều lần dịch bệnh, năm 2020 đã bắt đầu với nhiều biến động, những khó khăn và mọi thứ dường như chỉ là bắt đầu. Lịch sử đã chứng minh rằng dù phải đương đầu với bất cứ điều gì, con người cũng sẽ vượt qua được.
Tính đến ngày 12/02/2020, số ca nhiễm mới trên thế giới đã giảm rất mạnh. Ở thời điểm hiện tại, số người đã hồi phục và được chữa trị thành công cũng tăng nhanh. Chúng ta đang được thấy cả thế giới cùng dồn mọi nỗ lực để kiểm soát dịch bệnh, và chúng ta đang dần nhìn thấy những tia sáng. Ngày 11/2/2020, Tổng giám đốc WHO - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 11/2 cũng đã phát biểu với niềm tin chắc chắn rằng cơ hội chặn đứng virus corona là “hoàn toàn thực tế". Chúng ta có quyền nghĩ đến một viễn cảnh ngày càng tích cực sau chuỗi dài chìm trong những hoang mang.
Trong những tin nhắn gửi đến người dân của Bộ Y Tế, lúc nào ở cuối tin cũng được kết thúc bằng câu Việt Nam quyết thắng dịch. Suốt những ngày qua, chúng ta bước đi trong những cảm xúc lẫn lộn, hầu hết đều là hoang mang, lo lắng. Nhưng chưa bao giờ chúng ta cảm thấy lẻ loi. Ý thức và sự đồng lòng của mọi người dân, sự nỗ lực và quyết tâm của chính phủ, của Bộ Y Tế - tất cả tạo nên một niềm tin mạnh mẽ, rằng dù có khó khăn đến đâu chúng ta cũng sẽ vượt qua, chỉ cần chúng ta vững vàng nắm tay nhau.