Gia đình là khái niệm mang tính động, biến đổi theo sự phát triển của xã hội. Chuyển biến hình thái gia đình từ truyền thống chuẩn mực đến sự đa dạng là một sự chuyển biến không hề đơn giản.
Viết lại định nghĩa Gia đình trọn vẹn - Ảnh 1.

Một ngày tháng 5, thảnh thơi lướt web xem tin tức, trái tim người mẹ đơn thân đau thắt lại khi đọc dòng tít "Mẹ ôm hai con nhảy sông tự tử…". Cô bỏ buổi hẹn cafe, dành cả buổi chiều hôm đó trút cạn suy tưởng vào trang blog cá nhân của mình: "Xin đừng chọn cái chết…

Nếu bạn muốn chết, hãy mạnh dạn bước vào bệnh viện, để nhìn kĩ những con người đang vật lộn với bệnh tật chỉ để sống thêm dù chỉ một ngày…

Nếu bạn muốn chết, hãy về nhà và nhìn ngắm cha mẹ mình… Bạn có biết, sau khi bạn chết đi rồi, rắc rối của bạn vẫn sẽ ở nguyên đó, nó chỉ chuyển từ bạn sang những người bạn yêu quý mà thôi?...

Viết lại định nghĩa Gia đình trọn vẹn - Ảnh 2.

Cô tên Nguyễn Minh Nguyệt (sinh 1990, Hà Nội), chủ nhân trang Single Moon - Nhật ký mẹ đơn thân. Nguyệt bộc bạch: "Chẳng mong cầu nổi tiếng, tôi chỉ mong lan tỏa cảm xúc tích cực đến những người mẹ đang tuyệt vọng ngoài kia. Những tổn thương tâm lý không dễ nhìn bằng mắt thường, tôi muốn góp phần chữa lành cho những người kém may mắn đó".

Trang blog nho nhỏ của Nguyệt hữu duyên trở thành bến đỗ tinh thần cho các mẹ đơn thân, vực họ khỏi gục ngã giữa khó khăn cuộc sống.

Viết lại định nghĩa Gia đình trọn vẹn - Ảnh 3.

Năm 2014, Nguyệt từ bỏ công việc và tương lai nhiều triển vọng ở Úc, quyết định về lập nghiệp tại Hà Nội – nơi luôn cho cô cảm giác thuộc về. Tình yêu lúc bấy giờ đơm hoa kết nhụy tạo thành sinh linh bé nhỏ trong cung lòng cô gái đang háo hức được làm mẹ.

"Tuần trước còn đưa nhau đến viện khám thai, đột nhiên phía bên kia thay đổi. Chỉ một câu "Anh không muốn đứa bé, em cân nhắc có nên giữ hay không".. Tôi cắt đứt mọi liên lạc, quyết định tự mình sinh và nuôi con", Nguyệt kể lại.

Khi nói với mẹ về bào thai trong bụng, bà gần như suy sụp. Nguyệt càng phải kiên cường, trở thành chỗ dựa cho mẹ và con mình về tinh thần lẫn kinh tế.

Viết lại định nghĩa Gia đình trọn vẹn - Ảnh 4.

Nguyệt cho rằng quan niệm mẹ đơn thân dễ bi quan khổ sở cũng là một dạng định kiến. Đứa trẻ không phải lỗi lầm cần che giấu, ngược lại, con là ơn phước được trao ban. Thai kỳ của cô tràn ngập niềm vui, bạn bè đưa cô đi khám thai, tập yoga, ăn uống, check-in nhiều địa điểm mới. "Thay vì chìm trong sự bế tắc vì bị bỏ rơi, trong tôi lúc đó ngập tràn lòng biết ơn. Tình yêu thương tôi vẫn nhận đủ đầy, chỉ là từ những người xung quanh chứ không từ bố đứa bé". 

Viết lại định nghĩa Gia đình trọn vẹn - Ảnh 5.

Khi bé An được hai tháng tuổi, Nguyệt được tuyển dụng vào một công ty quốc tế với vai trò quản lý và phát triển kinh doanh. Cô nhìn nhận: "Khác với đơn vị trong nước thường ngại nhận lao động nữ mới sinh, công ty tôi tin rằng phụ nữ hoàn toàn đủ năng lực đảm đương công việc dù có con nhỏ". Cuộc sống của bà mẹ đơn thân là những chuyến công tác liên tục, con thường xuyên ở với bà ngoại, nhưng vẫn luôn kết nối với mẹ nhờ công nghệ thông tin.

Con lớn hơn, Nguyệt đưa con theo cùng, thậm chí khi gặp gỡ đối tác. Những chuyến đi giúp con cô cảm nhận sự nỗ lực của mẹ. Cô bé dạn dĩ, hướng ngoại, nhưng tinh tế và tình cảm, luôn chủ động quan tâm bà, họ hàng dù ở cách nhau rất xa. Đó là hạnh phúc lớn nhất mà Nguyệt có được trên hành trình làm mẹ đơn thân.

Viết lại định nghĩa Gia đình trọn vẹn - Ảnh 6.

Cần rất nhiều dũng cảm mới dám kể về tổn thương. Đó là trường hợp của Lê Kim An Nhiên, mẹ đơn thân của cậu con trai tên Bút Chì hiếu động. Nhìn bề ngoài vui tươi năng động, ít ai có thể ngờ rằng bà mẹ đơn thân mạnh mẽ này từng trải qua hàng năm dài là nạn nhân của chứng trầm cảm.

Mẹ con Bút Chì cũng từng có gia đình đủ đầy êm ấm, nhưng ngăn cách hình thành từ khi hai vợ chồng thiếu sự sẻ chia, những vết rạn nhỏ dần lan ra. Chưa ai kịp nhận ra để ngăn chặn, mái ấm bình thường cũng tới ngày tan rã. Sự ngấm ngầm này cũng đi kèm với những căng thẳng tâm lý, dần dà phát triển thành chứng trầm cảm mà bản thân Nhiên cũng không nhận ra.

Viết lại định nghĩa Gia đình trọn vẹn - Ảnh 7.

Năm 2016, An Nhiên sang New Zealand theo học thạc s ĩ Học viện Kỹ nghệ Unitec, chuyên ngành Truyền thông quốc tế và đưa cả con trai cùng theo. Từng làm việc tại các tổ chức phi chính phủ quốc tế, mức lương khi ấy giúp cô chưa từng lo lắng về kinh tế khi sống tại TP. HCM. Quyết định đi du học kéo theo đó là biết bao nỗi lo toan, đã thế còn chăm sóc cậu con trai lúc đó vừa 5 tuổi.

An Nhiên hồi tưởng: "Khi còn ở Việt Nam, chuyện chi tiền cho một bữa ăn nhà hàng, hoặc cho một bộ cánh thời trang chưa bao giờ làm mình chùng tay. Nhưng sang đây mọi chi phí của hai mẹ con gói ghém trong số tiền học bổng ít ỏi, mình bắt đầu phải suy tính từng chút"

An Nhiên nhớ mãi thời gian ở xứ người. Một tối nọ, con nài nỉ quá, cô mới dẫn con đến quán cafe.. Con ăn ngon lành cốc kem 10 đô la, được tính là sang trọng khi kem bình dân hơn chỉ 1/3 giá đó, mẹ thì rối trăm mối. Cô tâm sự: "Thoạt tiên tiếc tiền vì kem đắt, sau đó mình vô cùng hối hận vì thương con, tại sao quyết định đi học của mình lại mang lại nhiều áp lực tâm lý và ảnh hưởng tới con". Lần đầu tiên Nhiên mơ hồ cảm nhận bên trong giằng xé và hình thành lỗ hổng lớn khó hàn gắn.

Khi sự bất ổn ngày càng gia tăng, Nhiên mới đi khám tâm lý. Các bác sĩ cho biết cô đã mắc bệnh trầm cảm nặng. Cô dễ bị kích động, không tỉnh táo, hay lo sợ, mất hết động lực sống, kéo theo đó là bệnh lý khác như huyết áp. Nhiên đúc kết trạng thái lúc đó: Như xác sống biết đi. Cô phải uống thuốc theo liệu trình điều trị của bác sĩ, cố gắng suy nghĩ những điều tích cực.

Viết lại định nghĩa Gia đình trọn vẹn - Ảnh 8.

Tốt nghiệp trở về nước, sự giúp sức của ba mẹ, gia đình và bạn bè trở thành trợ lực tinh thần kịp thời của An Nhiên, nhưng chứng bệnh trầm cảm vẫn dai dẳng bám theo cô. "Mình mới dừng uống thuốc sau 4 năm đằng đẵng sống chung với trầm cảm", Nhiên nói thêm.. Cô học cách tự cân bằng cảm xúc, giảm áp lực, ăn ngủ khoa học, kiềm chế suy nghĩ tiêu cực, tạo ra niềm vui khi tâm trạng tồi tệ… Nhờ sự đồng cảm và chung tay với con trai, cô mới dần tìm lại chính mình trước kia.

Viết lại định nghĩa Gia đình trọn vẹn - Ảnh 9.

Vừa là ba vừa là mẹ, vừa chăm sóc con vừa kiếm tiền sinh kế, cô lo nhất nếu chẳng may mình nằm xuống ai sẽ lo cho con. Sợ mãi không phải cách, Nhiên chọn đối đầu bằng cách hoạch định tài chính lâu dài cho con". Cô dành dụm tiền lương mỗi tháng cho vào một khoản chi phí học tập của Bút Chì khi trưởng thành, mua gói bảo hiểm cho cả mẹ và con.

Nhiên hồi tưởng: "Có một lần đi công tác, máy bay vào trường không khí xấu rung lắc dữ dội. Vốn mắc chứng rối loạn lo âu, tôi sợ hãi không biết phản ứng tâm lý tiêu cực khi mình sắp chết. Nếu tôi xảy ra việc, Bút Chì còn ông bà, họ hàng, và cả khoản dành dụm đủ để con hoàn tất việc học. Tôi lúc đó mới thực thấy lòng an tâm".

Hiện tại, An Nhiên tham gia giảng dạy các ngành truyền thông, nhiếp ảnh tại nhiều trường đại học và trung tâm đào tạo quốc tế. Cuộc sống của mẹ con cô không quá dư dả nhưng quan trọng là chính Nhiên tìm lại được sự cân bằng cho mình và cả con. 

Viết lại định nghĩa Gia đình trọn vẹn - Ảnh 10.

Nếu chỉ xem livestream online, ít ai nhận ra cô chủ trẻ Nguyễn Thị Nhiệm (sinh 1997, Bình Thuận) là người khiếm khuyết vận động. Gương mặt xinh xắn, giọng nói trong trẻo lanh lợi, năng lượng tích cực của Nhiệm lan tỏa đến người đối diện.

Cô bé Nhiệm cảm nhận đôi chân mình yếu ớt từ khi còn nhỏ. Bước đi xiêu vẹo, Nhiệm chưa bao giờ được hòa vào niềm vui nhảy dây, chơi lò cò cùng chúng bạn. Cô nào dám than khi ba đi làm xa kiếm từng đồng còm cõi, mẹ chạy ăn từng bữa cho 6 đứa con. Thôi thì đành dối lòng mình bị hạn chế vận động bẩm sinh, đành nén khóc nghỉ học phụ mẹ kiếm tiền từ năm lớp 11 vì biết dù học tới đâu cũng khó có tương lai như người bình thường. 

Viết lại định nghĩa Gia đình trọn vẹn - Ảnh 11.

Nhiệm cất hết mọi ước mơ về tình yêu, học vấn, sự nghiệp. Cô chăm chú học nghề sửa điện thoại và tập tành bán hàng online. Rồi bỗng đâu cô nhận được lời tỏ tình của anh shipper tên Lộc - người hiền lành, kiệm lời, nhiều lần đến cửa hàng nơi Nhiệm làm nhận hàng đi giao. Nhiệm từ chối, cô nghĩ khổ một mình thôi, nỡ nào làm khổ thêm một người khác.

Biến cố đến với Nhiệm vào năm 2018. Chân đau tới không đi nổi. Bác sĩ bảo cột sống cô có khối u tủy lớn đã lan rộng. May mắn phẫu thuật hết khối u, nhưng Nhiệm cũng mất đi cơ hội đi lại trên hai chân. Đời cô từ đó gắn chặt với chiếc xe lăn.

Gặp lại Lộc sau khi mổ, anh chỉ nắm chặt thành xe lăn, mãi mới cất lời: "Thấy em vậy, anh thương em hơn!". Lộc chọn ở cạnh Nhiệm, chia sẻ khi cô toát mồ hôi tập vật lý trị liệu, bế cô đi tái khám…. Lộc đi làm xa, mỗi tuần anh đều vượt quãng đường gần 200km trên chiếc Sirius cà tàng để được gặp Nhiệm. Tình yêu của hai người gặp sự phản đối dữ dội của cả hai bên gia đình.

Lộc ít nói nhưng rất kiên định, bất chấp sự phản đối của bố mẹ bỏ hết tất cả để đến với Nhiệm. Mưa dầm thấm lâu, bằng sự chân thành và kiên quyết, cả hai cuối cùng đã thuyết phục bố mẹ đồng ý. Một đám cưới được tổ chức với sự góp mặt đông đủ của hai họ. "Đúng là không có sự cố gắng nào là vô nghĩa, mặc dù không thể hiện ra bên ngoài nhưng bố mẹ đã âm thầm chấp nhận em là con dâu rồi", Nhiệm nở nụ cười hạnh phúc.

Viết lại định nghĩa Gia đình trọn vẹn - Ảnh 12.

Gần 1 năm sau ngày cưới, hai vợ chồng đón nhận thông tin sắp làm cha mẹ với tâm thế dè dặt. Bác sĩ khuyên không nên giữ thai vì con có nguy cơ dị tật. Việc mang thai tác động xấu lên cột sống vốn yếu ớt của mẹ. Nhiệm chỉ còn cách tra cứu Internet, tìm hiểu tất cả những trường hợp như mình và tự nuôi hy vọng. Cô quyết định giữ lại con. May mắn thay, bé con sinh ra hoàn toàn lành lặn và khỏe mạnh, là hạnh phúc vô bờ bến của cả hai gia đình. Vợ chồng cô đặt tên con là Mộc Nhiên với mong muốn sau này con lớn lên mộc mạc, hồn nhiên và hạnh phúc.

Hiện tại, vừa chăm con, Nhiệm nỗ lực tự học để nâng cao kỹ năng bán hàng, viết content cho sản phẩm, chỉnh sửa hình ảnh... Buôn bán được bao nhiêu đều tích cóp cho tương lai của bé. Cô tin vào nỗ lực và tình yêu thương của vợ chồng mình đủ sức bảo vệ con giữa bộn bề khó khăn của cuộc sống. 

Viết lại định nghĩa Gia đình trọn vẹn - Ảnh 13.

Chẳng ai mong muốn và lựa chọn cuộc sống nhiều thử thách để được xem như người hùng dám đi ngược khuôn mẫu. Suy cho cùng, cái quý nhất của cuộc đời là tự do làm điều mình yêu, sống cuộc đời mình hài lòng nhất. Những người mẹ đơn thân, khuyết tật tự mình xây dựng hạnh phúc gia đình, chấp nhận đối đầu thất bại để được trưởng thành, với đích đến cuối cùng là mang lại mái ấm an toàn cho con mình.

Viết lại định nghĩa Gia đình trọn vẹn - Ảnh 14.

Bên cạnh việc mang tới những sản phẩm bảo vệ sức khỏe gia đình và cộng đồng, Lifebuoy nỗ lực góp thêm tiếng nói viết lại định nghĩa gia đình, thay đổi ý thức cộng đồng về những gia đình không theo khuôn mẫu định sẵn. Hoạt động của Lifebuoy nhằm mang lại sự an toàn thực sự cho tất cả những gia đình, bất kể họ là ai, với sứ mệnh "Safety For All - An Toàn Cho Tất Cả" và thông điệp rõ nét: "Gia đình, cũng như sự an toàn, sinh ra bởi tình yêu, không phải định kiến".

Viết lại định nghĩa Gia đình trọn vẹn - Ảnh 15.

Lifebuoy tin rằng, gia đình chỉ đơn giản là nơi tình yêu được vun đắp và sẻ chia. Mỗi gia đình, dù song tính, dị tính, đồng tính, đơn thân, hay có thế nào đi nữa đều sẽ là một bảng màu góp vào sự đa sắc của xã hội. Ai cũng xứng đáng có cho riêng mình một gia đình hạnh phúc và xứng đáng cảm thấy an toàn khi ở bên cạnh gia đình của mình.

Bởi…

Gia đình, cũng giống như sự an toàn, được sinh ra từ tình yêu, không phải định kiến.

AD
Minh Trang
29/06/2022
https://kenh14.vn/viet-lai-dinh-nghia-gia-dinh-tron-ven-20220629124954267.chn