Đối với nhiều người, trong đó đa phần là thế hệ 8x, Chester Bennington là người hùng và cái chết bất ngờ của anh như “một phần tuổi trẻ đã ra đi”.

img

gày 20/7/2017 sẽ trở thành một ngày không bao giờ quên với những thế hệ từng gắn bó với âm nhạc của Linkin Park. Chester Bennington, giọng ca chính của nhóm, đã treo cổ tự vẫn ở tuổi 41, vào đúng ngày sinh nhật của người bạn thân Chris Cornell – cũng đã tự tử vào tháng 5 năm nay. Trên khắp thế giới, từ những fan ruột cho tới những người chỉ biết tới Linkin Park qua một - hai bài hát đều bày tỏ cảm xúc đau buồn. Đối với nhiều người, trong đó đa phần là thế hệ 8x, Chester Bennington là người hùng và cái chết bất ngờ của anh như “một phần tuổi trẻ đã ra đi”.

Viết cho Chester và Linkin Park: Mỗi bài hát đều như một câu chuyện đời của thế hệ chúng tôi - Ảnh 2.

Viết cho Chester và Linkin Park: Mỗi bài hát đều như một câu chuyện đời của thế hệ chúng tôi - Ảnh 3.

img

ùa hè năm 2001, khi đó tôi đang là học sinh lớp 8 lên lớp 9. Thời ấy, Internet đã du nhập được vào Việt Nam một thời gian nhưng vẫn là thứ xa xỉ trị giá 3.000 đồng/tiếng ở các quán net công cộng. Chương trình MTV với hai MC Diễm Quỳnh và Anh Tuấn trên VTV3 khi đó vẫn duy trì lịch phát sóng vào tối thứ tư và thứ bảy hàng tuần, nhưng đã thay Asia Hitlist bằng hai chương trình MTV Fresh (Giới thiệu ca khúc mới) và MTV Most Wanted (Theo yêu cầu). Đến tối chủ nhật, chúng tôi lại có thêm chương trình Most Wanted (sau này được đổi tên là Quick & Snow Show) của anh Quang Quick và chị Ngọc Anh trên sóng radio. Hồi đó công cụ giải trí cho những đứa nghe nhạc quốc tế chỉ có đến vậy thôi. Có điều kiện thì dành dụm tiền mua những chiếc đĩa CD thu lậu có giá từ 10.000 đến 15.000 đồng ở các cửa hàng băng đĩa.

Những đứa nghe nhạc quốc tế của thế hệ 8x thường sẽ chỉ có hai dạng – một là đám mê nhạc hàn lâm, chủ yếu là dân nghe Rock thì sẽ chửi đám nghe nhạc thị trường là không có tai thẩm nhạc. Và ngược lại, đám nghe nhạc "tạp phí lù" - tức là đam mê nhạc Pop, Hip Hop, từ Britney Spears, Backstreet Boys, Aqua cho tới Metallica, Queen, Dream Theatre - sẽ gân cổ lên cãi lại bằng thái độ khinh khỉnh rằng đám nghe Rock rặt toàn lũ khỉ co cụm chơi với nhau!

Và tôi là một đứa thuộc dạng thứ hai.

img
img
img
img
img
img
img

Những album và single đầy quen thuộc với các fan của Linkin Park.

Cái ngày đầu tiên xem MV Crawling của Linkin Park trên tivi, tôi đã rất bất ngờ vì… hay quá, vì quá ấn tượng với chất giọng cao và khỏe khủng khiếp của Chester Bennington. Nhạc hay, MV thì đơn giản nhưng lại có hiệu ứng chất lừ, khác xa những bối cảnh yêu đương sến súa ở MV của các công chúa, hoàng tử nhạc Pop. Từ đó tôi mới biết đến Linkin Park – ban nhạc có cái tên mà mấy đứa trẻ con khi ấy vẫn hay trêu là “nghe giống Lenin Park (công viên Lenin)” ở Hà Nội. Kết thúc kỳ nghỉ hè, tôi lên lớp 9 và tháng 10 năm ấy, Linkin Park đã ra mắt In the End – một bài hát đã trở thành kinh điển với thế hệ 8x và 9x đời đầu. Đang là học sinh, chúng tôi làm gì có nhiều tiền để đi mua đĩa suốt ngày, nhất là Linkin Park nhạc nghe hay thật nhưng lại mới quá, có hai, ba bài thì chưa biết cả album Hybrid Theory có hay không. Và thế là một đứa trong nhóm mua chung xong cả một lũ chuyền tay nhau mượn về nghe ké.

Cái cảm giác của tôi khi lần đầu nghe hết đĩa Hybrid Theory là chất nhạc ấy rất lạ, không phải bài nào cũng dễ nghe nhưng một khi đã ngấm thì gây nghiện kinh khủng. Có những bài nghe nhiều đến mức không thể không lải nhải hát theo, như “Crawling”, “A Place for My Head” và nhất là “In the End”. Nhưng khổ nỗi giọng của Chester Bennington quá cao và quá khủng, theo sao nổi.

Viết cho Chester và Linkin Park: Mỗi bài hát đều như một câu chuyện đời của thế hệ chúng tôi - Ảnh 6.

Tất nhiên không phải ai cũng thích Linkin Park. Cái chất Nu Metal, Rap Metal và Alternative ấy quả thật gây ra nhiều tranh cãi. Các phần tử cực đoan yêu thích các huyền thoại Rock cổ điển như Guns & Roses, Queen, Nirvana, Led Zeppelin, Metallica, The Rolling Stones thì chê nhạc của Linkin Park thị trường, chỉ đáng xếp “hàng chợ”. Nhưng thực ra tôi thấy chúng nó vẫn nghe lén Hybrid Theory, vẫn thuộc lòng In the End, Crawling, Papercut hay Points of Authority. Các thành phần còn lại thì say như điếu đổ, nhất là khi giai đoạn ấy nhạc Teenpop đang thoái trào, Linkin Park như đem đến một làn gió mới – mạnh mẽ, dữ dội, nổi loạn đúng với cái lứa tuổi dở dở ương ương.

Chester Bennington và Mike Shinoda – hai giọng ca chính của Linkin Park với hai phong cách đối lập hoàn toàn nhưng khi đứng cạnh nhau lại tạo nên một sự tổng hòa dễ gây nghiện. Cả hai trở thành những linh hồn thực sự của Linkin Park, thiếu một trong hai là không thể. Nhờ đó, âm nhạc của Linkin Park ngày một lan tỏa mạnh mẽ hơn. Và cũng nhờ đó, nhạc của Linkin Park nghiễm nhiên trở thành thứ nhạc Rock dễ nuốt nhất, thân thiện tai nghe nhạc nhất, nếu ví von thì hãy gọi đó là “Rock cho toàn dân”.

Viết cho Chester và Linkin Park: Mỗi bài hát đều như một câu chuyện đời của thế hệ chúng tôi - Ảnh 7.

Chester Bennington và Mike Shinoda – hai giọng ca chính của Linkin Park với hai phong cách đối lập hoàn toàn nhưng khi đứng cạnh nhau lại tạo nên một sự tổng hòa dễ gây nghiện.

Đến khi Linkin Park ra album thứ hai – Meteora – là vào năm 2003, khi tôi và một lũ 8x khi ấy đang chuẩn bị cho kỳ thi cuối kỳ hai năm lớp 10. Lúc đó, nhà nhà đã bắt đầu có truyền hình cáp, có kênh MTV châu Á có thể nghe nhạc quốc tế 24/24. Cái ngày bọn bạn kháo nhau là “Trên Tự lập có Meteora rồi đấy”, tan học tôi đã phóng xe đạp từ Cửa Bắc tới phố Hàng Bông để sở hữu một chiếc đĩa Meteora giá 10.000 đồng, với bìa đĩa là hình một gã đeo mặt nạ chống khí độc đang ngồi xổm bên mấy lọ sơn xịt. Cái đĩa được bọc trong cái vỏ nilon mỏng manh.  

Meteora vẫn là một trong những album tôi yêu thích nhất và nghe đi nghe lại đến mòn cả đĩa những “Somewhere I Belong”, “Faint”, “Numb” hay “Breaking the Habit”. Tới sản phẩm âm nhạc này, Linkin Park đã chính thức thành thần tượng của giới trẻ, truyền cảm hứng cho bao thế hệ đi tập nhạc, thành lập ban nhạc. Từ những cô nàng bánh bèo nhất cho tới những thằng trẻ trâu cứng đầu nhất, quậy như quỷ ở thế hệ tôi, đa số chúng nó khi nhắc tới Linkin Park là đều rất phấn khích. Có những đứa còn khẳng định nhạc của Linkin Park là thứ nhạc Rock duy nhất mà chúng nó nghe.

Viết cho Chester và Linkin Park: Mỗi bài hát đều như một câu chuyện đời của thế hệ chúng tôi - Ảnh 8.

img

hững bài hát phảng phất nỗi u sầu, những sự buồn đau mà thế hệ teen ngày ấy cảm thấy gần gũi, có sự đồng cảm rất lớn. Trong một ngày buồn thối ruột, chỉ cần được ở nhà một mình, nhét đĩa vào và bật dàn loa to hết cỡ để gào cùng Chester, Mike là đời lại vui trở lại. Thế rồi những Minutes to Midnight, A Thousand Suns cứ thế đánh dấu từng giai đoạn trưởng thành của biết bao thế hệ.

Mỗi bài hát của Linkin Park lại như một câu chuyện thay cho lời kể của thế hệ chúng tôi. Đa phần là nói về sự tổn thương, sự cô đơn, sự cô lập chính bản thân. Với tôi và lũ bạn khi ấy, những lúc buồn chán thì nỗi buồn dường như thu bé lại vừa bằng chiếc đĩa Linkin Park. Trong số các bài hát, tôi vẫn thích nhất là “Numb” vì nó nói đến mâu thuẫn thế hệ mà ở cái tuổi cấp ba, chuẩn bị thi đại học và lựa chọn cái gọi là “con đường tương lai”, không ít lần tôi có những cuộc tranh cãi với phụ huynh. Có những ngày học thi, áp lực căng thẳng phải trở thành người này, phải đạt được thành công như người kia khiến tôi chỉ muốn nhốt mình trong phòng và nghe Numb:

Viết cho Chester và Linkin Park: Mỗi bài hát đều như một câu chuyện đời của thế hệ chúng tôi - Ảnh 10.

Ngoài ra, nhờ có Numb mà tôi biết tới cây cầu Charles ở Prague (Cộng hòa Czech) – bối cảnh trong MV. Khi xem trên MTV, không hiểu sao tôi đã vô cùng yêu thích cái không gian ấy và mong có một ngày được đặt chân tới đó. Đến sau này, khi trưởng thành và có những chuyến đi thật xa, tôi đã có dịp ghé thăm cây cầu Tình nổi tiếng ấy, dành hàng giờ đi dạo trên cầu, cắm tai nghe Chester và Mike thổi vào tai giai điệu mạnh mẽ của Numb.

Nhiều người bạn tôi biết cũng ở thế hệ 8x thì nhờ có âm nhạc của Linkin Park, họ mới có quyết tâm thành lập ban nhạc, được truyền cảm hứng theo đuổi ước mơ. Họ đã đi hát, người thành công, kẻ thất bại, mãi là một cái tên vô danh nhưng chưa bao giờ họ từ bỏ đam mê, chưa bao giờ hết chất “nghệ” kể cả khi chỉ ngồi gảy đàn, hát cho một người nghe. Chester đã nói rồi: “Thành công là một điều tốt đẹp nhưng nó đừng nên là lý do duy nhất khiến bạn trở thành nghệ sĩ”.  

Như vậy đó, âm nhạc của Linkin Park đã len lỏi vào cuộc sống của tôi và thế hệ tôi trong cả khoảng thời gian rất dài, để đến lúc nhìn lại mới thấy mình đã quá lớn, đã đi quá xa từ ngày Chester mở đầu bài In the End bằng câu hát: “It starts with…”. Từ lúc vẫn còn nghe CD Walkman mà nhiều khi đĩa xước cứ kêu pực pực pực phải bỏ ra thổi thổi, lấy bông lau lau cho tới lúc chuyển sang dùng máy nghe nhạc, những “In the End”, “Numb”, “Faint” hay “Shadow of the Day” chưa bao giờ ra khỏi Playlist của tôi.

Viết cho Chester và Linkin Park: Mỗi bài hát đều như một câu chuyện đời của thế hệ chúng tôi - Ảnh 11.

Những lúc thảnh thơi đạp xe, tôi cũng vẫn nghe nhạc của họ. Trong những buổi chiều hè ngập nắng bên hồ, cắm tai nghe Shadow of the Day và đạp xe, nhìn mặt trời lặn, người người tan tầm ra về nó hợp kinh khủng. Hay lúc buổi chiều mùa đông Hà Nội mà ngồi trong quán café, lắng nghe My December thì ngấm thôi rồi.

Những lúc đi hát Karaoke, tôi và chúng bạn lại cao hứng đồng ca In the End – một ca khúc tràn đầy năng lượng mà cứ tiếng nhạc Piano nổi lên là muốn gào theo.

Được một lần xem Linkin Park biểu diễn live, được quẩy cùng Chester Bennington, Mike Shinoda và 500 anh em ngoài đời thực là giấc mơ của không biết bao nhiêu “trai thanh, nữ tú” thế hệ 8x. Và Việt Nam, đã một lần suýt có cơ hội ấy vào năm 2011, khi có trên dưới hai đơn vị có ý định mời Linkin Park biểu diễn ở Hà Nội và TP HCM. Nhưng ở thời điểm ấy, để mời được một ban nhạc đang ở đỉnh cao phong độ về biểu diễn vẫn là điều rất xa vời vì chi phí quá cao, điều kiện cơ sở vật chất chưa đủ đáp ứng và quan trọng nhất là liệu khán giả Việt Nam có dám bỏ tiền đi xem hay không.

Không sang Việt Nam nhưng trong tour diễn năm ấy là A Thousand Suns, Linkin Park đã ghé qua một điểm đến rất gần – Thái Lan. 8x đời cuối và 9x đời đầu khi ấy vẫn đang đi học, ít tiền nên việc đi nước ngoài (dù chỉ là sang Bangkok láng giềng) xem ca nhạc không phải ai cũng dám “chơi”. Nhưng với những đứa như tôi, ở lứa 87 đổ về trước thì “một khi đã máu, đừng hỏi bố cháu là ai” – thế hệ bắt đầu ra trường đi làm, đã có tiền đủ để tự thưởng cho mình một kỳ nghỉ đúng nghĩa của những năm tháng tuổi trẻ. Và chúng tôi lên đường sang Bangkok. Đó là concert quốc tế đầu tiên trong đời tôi, với tấm vé khu đứng tự do loại hai trị giá 2 triệu đồng.  

Đêm nhạc của Linkin Park diễn ra tại Aktiv Square, một sân khấu ngoài trời vốn là sân bay cũ ở ngoại ô Thái Lan, đúng vào một ngày mưa tầm tã. Có ít nhất ba nhóm fan người Việt có mặt tại đêm diễn này. Chúng tôi tình cờ gặp nhau trên sân, giao lưu và đã cùng nhau hát những bài hát đã thuộc lòng với chính Chester Bennington, Mike Shinoda bằng xương, bằng thịt. Buổi biểu diễn hôm ấy bắt đầu rất muộn vì trời mưa lớn, hai ban nhạc Thái Lan mở màn rồi mà mãi các anh chưa chịu ra. Khán giả thì mặc áo mưa giấy và đứng dưới mưa chờ đợi. Thế rồi hai tiếng trôi qua thật nhanh với những “Faint”, “Numb”, “Crawling” và kết thúc chính là “In the End” với “Bleed It Out”. Chester và Mike, đứng trên sân khấu, chắp tay cúi chào hàng chục nghìn người hâm mộ.

img
img
img
img
img
img
img
img

Nụ cười và cái dáng gầy gò khi co người gào thét trong mỗi concert của Chester sẽ còn mãi trong trái tim các fan, bây giờ và cả sau này. 

Viết cho Chester và Linkin Park: Mỗi bài hát đều như một câu chuyện đời của thế hệ chúng tôi - Ảnh 13.

img

inkin Park từng là cái tên số một nhưng sau này, với sự xuất hiện của vô số ban nhạc mới và dòng chảy thời gian của âm nhạc, tình cảm của người hâm mộ phần nào cũng được san sẻ. Chester, Mike vẫn là huyền thoại của 8x, vẫn có một lượng fan khổng lồ nhưng đa phần người hâm mộ vẫn nhớ đến chất nhạc của họ trong bốn album đầu tiên hơn. Những Living Things, The Hunting Party vẫn bán chạy nhưng độ ảnh hưởng thì giảm dần. Tới One More Light phát hành năm nay, việc Linkin Park chuyển hướng sang Electropop thời thượng tạo nên vô số tranh cãi. Thậm chí trong một lần phỏng vấn, Chester đã phải nói rằng hãy quên chất nhạc của họ trong Hybrid Theory đi để đón nhận cái mới.

Chất Nu Metal của Linkin Park từng là xu thế số một nhưng theo dòng chảy thời gian, âm nhạc ngày một phát triển hơn. Khán giả là những người trung thành nhất nhưng cũng sẽ là những kẻ trở mặt chỉ trong chớp nhoáng. Linkin Park ngày một già đi, Chester phải chống chọi với ma túy và rượu trong nhiều năm liền. Ngay cả người bạn thân Chris Cornell của anh cũng đã tự kết liễu đời mình một thời gian trước đó. Dường như với những nghệ sĩ nhạc Rock, đằng sau vẻ ngoài gai góc, dữ dội, xù xì, nổi loạn của họ thì bên trong lại là một tâm hồn rất cô đơn, dễ trở thành vỡ vụn, cũng bởi chính những tâm sự dồn nén trong từng lời hát và chất tự sự mong manh bọc trong cái đanh thép phong cách Rock.

Chester từng nói: “Bề ngoài tôi rất mạnh mẽ, nhưng thực ra không hẳn hoàn toàn là như vậy. Tôi chưa bao giờ hoàn hảo, và chẳng ai trong số chúng ta như vậy”.

Viết cho Chester và Linkin Park: Mỗi bài hát đều như một câu chuyện đời của thế hệ chúng tôi - Ảnh 15.

Sự sáng tạo, đam mê và ánh hào quang trên sân khấu của người nghệ sĩ có thể là một món quà trời phú, nhưng cũng có thể là một món nợ của thần chết mà sớm hay muộn họ cũng phải trả…

Và Chester Bennington, ở tuổi 41, như lời bài hát In the End đã tạo nên tên tuổi cho cả nhóm: “Tôi đã cố gắng thật nhiều và đi được thật xa. Nhưng cuối cùng, điều đó không còn quan trọng nữa” - anh đã tự giải thoát mình bằng một hành trình thật xa để thoát khỏi những đớn đau tâm lý dằn vặt. Nhưng trên tất cả, Chester Bennington đã cố gắng đủ nhiều, đi được đủ xa để những bản nhạc của Linkin Park, chất giọng có một không hai của anh trở thành thứ di sản quý giá và tiếp tục truyền cảm hứng đến cho nhiều thế hệ.

Nick M
nhatanhngx, Tố Linh
Theo Trí Thức Trẻ22/07/2017