Mỗi lần công việc căng thẳng, tôi vẫn có thói quen mở mấy bản nhạc xập xình của “Sếp Tùng" để “quẩy". Mỗi lần như vậy ngoại đều lắc đầu ngao ngán:
Tụi bây nghe cái nhạc gì mà lạ lùng. Hát hò gì như... đi ăn cướp.
Nghe vậy tôi đâu có chịu, trả treo liền:
Thời buổi bây giờ tân tiến rồi ngoại ơi, tụi trẻ nó nghe nhạc cỡ này không đó. Ai đâu mà ngồi nghe cải lương, vừa buồn ngủ, vừa sến rện.
Ngoại hờn:
Bây không biết nghe thì đừng có chê, cải lương người ta tuồng tích hay biết chừng nào. Hồi xưa hễ mà có gánh hát về làng là người già trẻ nhỏ xúm nhau đi coi đông đen, nhứt là đoàn nào mà có ông kép...
Biết ngoại sắp “ngồi lại bên nhau kể chuyện nhau nghe" tôi tìm cách chuồn lẹ. Cải lương, hát bội là cả một bầu trời tuổi thơ của ngoại, của mẹ nhưng với tôi là một điều xa lạ. Nhiều khi thấy thương ngoại lắm lắm, cũng ráng ngồi nghe cải lương cùng với ngoại nhưng không thẩm thấu nổi. Cái gì đâu mà bị kiếm đâm xong rồi ăn 3 cái tết vẫn còn hát khúc ca sinh ly tử biệt. Cải lương còn hiểu sơ sơ, chứ hát bội là bó tay luôn. Ca một từ ứ ự ừ ư 8 lần, nói thiệt là thấy nghệ sĩ diễn vất vả nhưng nghe không hiểu thì làm sao biết hay chỗ nào.
Số là hôm nọ theo chân đứa bạn đến triển lãm “Vẽ Về Hát Bội", lần đầu tiên được xem một đoạn hoạt hình vô cùng sinh động về hát bội, hiểu về ý nghĩa của chiếc mặt nạ đầy màu sắc, ngắm những chú búp bê giấy mô phỏng các nhân vật hát bội mà ngoại tôi vẫn mê đắm...Tôi đã thốt lên: “Ơ, thú vị quá!”. Khi nghệ thuật cổ truyền và nghệ thuật hiện đại giao thoa với nhau chúng tạo ra những giá trị vô cùng đặc sắc.
Nghệ thuật Hát bội nói riêng và nghệ thuật truyền thống nói chung vốn không thiếu những vẻ đẹp khiến con người ta rung cảm, nhưng nó vẫn đang chết đi từng ngày vì người trẻ dần “tiết kiệm" cơ hội tiếp cận và hiểu về nó. Game, phim ảnh, du lịch... có quá nhiều thứ hấp dẫn khiến người ta không còn thời gian cho những giá trị cũ xưa. Dẫu vậy, chứng kiến thành quả lao động của 43 nghệ sĩ đứng sau dự án “Vẽ Về Hát Bội" tôi nhận ra vẫn có những người trẻ âm thầm dành công sức, tài năng của mình để kéo nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với công chúng.
Tôi gọi vui 43 nghệ sĩ trong dự án “Vẽ Về Hát Bội" là 43 tên cướp - những tên cướp nhân đạo, họ cướp đi những điều đẹp nhất, những giá trị tinh hoa nhất của Hát bội để rồi chia đều cho tất cả mọi người.
Khi bắt đầu tìm hiểu tôi đã rất ngạc nhiên khi biết rằng những nghệ sĩ thực hiện dự án chỉ vừa bước qua tuổi đôi mươi và họ hoàn toàn không biết, cũng như chưa từng hứng thú với bộ môn nghệ thuật hát bội. Họ là những người rất trẻ, có một cuộc sống rất hiện đại nhưng bỗng một ngày cùng nhau bước trên hành trình tìm về cội nguồn.
Đó là vào một buổi chiều khi hoạ sĩ Huỳnh Kim Liên được lắng nghe nghệ sĩ hát bội Đinh Bằng Phi trăn trở: “Nghệ thuật Hát bội kiểu gì cũng biến mất!”. Một người nghệ sĩ dành cả đời để sống chết với hát bội, giờ đây chứng kiến bộ môn nghệ thuật này ngày một lụi tàn, có khác gì phải nhìn người mình yêu thương đang cận kề cái chết mà không thể làm gì khác.
Thấu hiểu những tâm tư đó, Kim Liên tự nhủ: “Bản thân bác Đinh Bằng Phi đã lớn tuổi rồi, dành cả một đời cho hát bội mà giờ phải nói những điều như vậy thật sự rất đau lòng. Người trẻ như tụi mình để một cái đẹp như vậy chết ở thời đại này mà không làm gì thì cũng là do một phần thờ ơ của mình, chứ không trách ai được”.
Vì những trăn trở đó mà Kim Liên cùng Nguyên Quang đã kêu gọi bạn bè hoạ sĩ, mời mọi người cùng tham gia dự án “Vẽ Về Hát Bội" với mong muốn đem đến một góc nhìn hoàn toàn mới và lý thú về bộ môn nghệ thuật truyền thống tưởng chừng đã xưa như quả...dưa.
“Ngôn ngữ của người trẻ tư duy của người trẻ về văn hoá hát bội, sẽ là một cách tiệm cận nhất đối với những bạn trẻ khác, lúc đó việc bảo tồn văn hoá nó cũng trở nên hiện đại hơn và gần gũi hơn" - hoạ sĩ Quang Nhật chia sẻ về cách làm của dự án.
Cho đến khi khởi động dự án, các nghệ sĩ mới bắt đầu tìm kiếm tư liệu cũng như nghiên cứu về nghệ thuật hát Bội. Mặc dù tư liệu về hát bội không có nhiều, nhưng sau khi được xem vài ảnh chụp, clip về hát bội, các họa sĩ trẻ đã vô cùng thích thú vì hóa ra hát bội của người Việt mình đẹp quá. Một vẻ đẹp không chỉ nằm trong sự hào nhoáng bên ngoài.
Hoạ sĩ Nguyễn Vinh tâm sự: “Trong thời điểm hiện tại thế hệ trẻ không quan tâm nhiều về hát bội, bởi nó là một cái gì đó quá già cỗi. Tham gia dự án tụi mình mới bắt đầu đi tìm hiểu về hát bội, lúc đó mới nhận ra nét đẹp của môn nghệ thuật này không đơn thuần nằm ở vẻ bề ngoài".
Tôi còn nhớ có lần NSND Đinh Bằng Phi có kể một ví dụ hóm hỉnh như thế này:
“Ngôn ngữ của hát bội hơi dông dài nhưng rất uyên bác. Tôi lấy ví dụ một lớp diễn như thế này để mọi người dễ hình dung. Trong lớp diễn quan Tư Đồ mời Lữ Bố đến phủ. Anh Lữ bố thấy Điêu Thuyền ra rót rượu đãi khách, ảnh khoái quá mới hỏi:
Thưa quan tư đồ! Xem lệnh ái đào đương thắm lá. Nhắm tiểu thơ mai nở xanh cây. Vậy thì đã có nơi chỉ thắm trao tay, hay vẫn còn vườn xuân kín cổng vậy hả ngài?”.
Muốn hỏi con gái người ta có chồng chưa, thì nói đại là có chồng chưa, mắc gì phải nói cho dài. Nhưng cách hát đó làm người ta khoái, nó rất là thanh mai. Đào đương thắm lá, nghĩa là đào lá còn xanh ý chỉ người còn trẻ. Mai nở xanh cây, mai còn xanh chưa nở hoa tức là đang đợi chờ gì đó. Đã có nơi chỉ thắm trao tay, người xưa lúc cưới hỏi người ta buộc sợi chỉ đỏ nơi tay, ý hỏi đã có mối mai nào chưa. Vườn xuân kín cổng, ý hỏi cái vườn này có ai vô chưa.
Ông quan Tư Đồ thay vì người ta nói: ờ nó chưa có chồng. Thì ông cũng dông dài:
Lữ công hầu à, ha ha ha ha. Như con gái của lão đây, ngọc sáng còn đợi giá, chim lành chưa chọn cây, rạng đài gương chưa kẻ vẽ mày ngài, nên lão treo tước chờ người buông đặng ngọc đó mà.
Bởi sử dụng nhiều từ Hán - Nôm và bóng bẩy nên nhiều khán giả xem lần đầu sẽ khó có thể hiểu được".
Xuất phát điểm ban đầu, các nghệ sĩ trong dự án “Vẽ Về Hát Bội" chỉ mong muốn làm "một đốm lửa nhỏ" lan toả đến cộng đồng, thế nhưng chỉ trong 2 tháng ngắn ngủi, 43 họa sĩ cùng với khoảng 100 người hỗ trợ đã thực hiện được những việc mà chính họ cũng không ngờ nổi.
Một triển lãm 10 ngày ở Nhà hát Chợ Lớn (TP HCM) cùng các buổi workshop. Ba đêm diễn hai vở tuồng kinh điển: San Hậu và An Tư Công Chúa. Bốn bộ áo dài họa tiết tuồng và bức thảm tranh mặt nạ của họa sĩ Sĩ Hoàng. Một cuốn sách mang tên Vẽ về hát bội dày 136 trang ghi lại lịch sử hình thành và phát triển của hát bội, khắc họa những nét tinh hoa của hát bội và in lại hơn 40 bức tranh trong triển lãm. Một cuốn sách hướng dẫn tranh gấp giấy, app điện thoại, lego. Một công trình bảo vệ luận văn thạc sĩ về "Phương pháp khơi gợi ý thức thưởng thức, bảo vệ di sản phù hợp với thời đại mới".
Lửa truyền lửa, không dừng lại trong khuôn khổ triển lãm, dự án “Vẽ Về Hát Bội" vẫn tiếp tục hoạt động để đưa hát bội đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là người trẻ. Chúng ta không có quyền ép buộc người trẻ phải ngay lập tức yêu quý và gìn giữ những giá trị truyền thống của dân tộc, nhưng với những gì mà Vẽ Về Hát Bội đã làm được thì hoàn toàn có thể khẳng định rằng giới trẻ không hề vô cảm với nghệ thuật truyền thống, nếu họ hiểu và tìm được sự đồng điệu trong chính trái tim mình.
Cùng ngắm nhìn lại những tác phẩm nghệ thuật đầy tâm huyết của các nghệ sĩ trẻ trong dự án Vẽ Về Hát Bội