Năm 1970 là năm đánh dấu việc ra mắt chiếc TV đầu tiên của Samsung, chiếc TV đen trắng màn hình 12 inch có tên gọi P-3202. Chỉ không lâu sau đó, Samsung đã cho thấy tiềm năng của mình có thể vươn lên vị trí đứng đầu thế giới TV như thế nào.
Đến năm 1976, Samsung đã bán được hơn một triệu đơn vị sản phẩm ở riêng Hàn Quốc. Và chỉ hai năm sau, họ đạt mốc 4 triệu đơn vị sản phẩm, biến công ty trở thành nhà sản xuất TV đen trắng hàng đầu thế giới vào lúc đó. Đến năm 1998, Samsung đạt được một mốc quan trọng khác khi sản xuất chiếc TV màu thứ 20 triệu của mình.
Bước tiến nhảy vọt của Samsung trong ngành công nghiệp TV diễn ra vào năm 1998, khi công ty bắt đầu sản xuất hàng loạt chiếc TV kỹ thuật số đầu tiên trên thế giới. TV kỹ thuật số cũng được xem như một bước tiến cách mạng về kỹ thuật của ngành công nghiệp truyền hình kể từ khi những chiếc TV màu tiến sang truyền hình kỹ thuật số.
Những năm 2000, ngành công nghiệp TV thế giới một lần nữa phải đứng trước một ngã ba đường lựa chọn khó khăn. Vào thời điểm đó, xu hướng TV màn hình phẳng kích thước lớn đang lên ngôi, nhưng liệu công nghệ nào sẽ giành chiến thắng, TV plasma hay TV LCD? TV Plasma lúc đó đang có ưu thế hơn về kích thước lớn (lên đến 63 inch) nhưng nó vẫn có nhược điểm cố hữu về nhiệt độ.
Năm 2004, Samsung đã có một bước đi dũng cảm cho thấy tiềm năng của công nghệ LCD khi giới thiệu chiếc TV LCD phổ thông lớn nhất thế giới khi đó: Samsung LT-P468W với màn hình LCD 46 inch với mức giá bán lẻ 13.400 USD. Không chỉ thu hẹp khoảng cách về kích thước với TV plasma, Samsung LT-P468W còn mang tới độ phân giải 1080p (1920x1080) thực, điều mà chưa TV plasma nào làm được vào lúc đó.
Không những vậy với ưu thế của TV LCD về độ sáng, điện năng tiêu thụ và trọng lượng TV nhẹ hơn so với TV plasma, các hãng TV khác nhanh chóng nắm bắt xu hướng công nghệ này để đưa ra các TV LCD khác với màn hình lớn hơn nữa. Đến hiện tại, thị phần công nghệ TV trên thế giới đã cho thấy sự đúng đắn trong lựa chọn của Samsung.
Rất nhanh sau thời điểm năm 2004, TV LCD chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ trên toàn thế giới, cùng với nó là mức giá bán lẻ cũng như chi phí sản xuất giảm xuống nhanh chóng. Tuy nhiên, các TV màn hình phẳng lúc đó đều theo một công thức thiết kế chung: một tấm nền màn hình phẳng bao quanh bởi viền màn hình mang theo gam màu đen xám nặng nề, như những chiếc TV CRT truyền thống.
Samsung tin rằng điều đó cần phải thay đổi, khi người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm nhiều đến vẻ đẹp thẩm mỹ của bản thân cũng như của không gian sống. Hiểu rõ được điều đó, Samsung đã đi tiên phong trong phong cách thiết kế mới với dấu ấn của dòng TV LCD Bordeaux, lấy cảm hứng từ ly rượu vang giàu cảm xúc.
Thành công của dòng TV này đã làm Samsung vững tin hơn vào hướng đi của mình. Năm 2008, họ cho ra mắt dòng TV LCD series 6: Samsung LN52A650, dòng TV đầu tiên trên thế giới với thiết kế viền kép kết hợp hai màu đỏ và đen. Không chỉ là việc bổ sung thêm màu sắc cho viền màn hình TV, hai màu sắc huyền ảo này còn kết hợp uyển chuyển linh hoạt với nhau khi có thể thay đổi dựa theo góc nhìn của người dùng và điều kiện ánh sáng trong căn phòng.
Tiếp tục dẫn đầu xu thế thiết kế mới trong ngành công nghiệp TV, năm 2009 Samsung cho ra mắt chiếc TV màn hình phẳng mỏng nhất thế giới: Samsung UB46B7020W Ultra Slim, với độ dày chỉ 29,9mm. Không chỉ là một bước đột phá về thiết kế, đi kèm với nó còn là một bước tiến khác về công nghệ màn hình và thiết kế tấm nền.
Đầu tiên, thay vì sử dụng các tấm nền đèn huỳnh quang lạnh CCFL, Samsung sử dụng ma trận đèn diode phát quang (hay đèn LED) giúp tăng cường độ sáng cũng như độ tương phản của hình ảnh và giảm thiểu điện năng tiêu thụ. Không những vậy, để thu hẹp hơn nữa độ dày của màn hình TV LED, Samsung sử dụng công nghệ “đèn LED cạnh” (Edge LED) thay vì đèn LED nền.
Cho đến nay, thiết kế này đã cho thấy giá trị của mình khi trở thành loại TV LED phổ biến nhất hiện nay. Nó cho thấy hướng đi đúng đắn của Samsung trong ngành công nghiệp TV khi mang đến cho người tiêu dùng không chỉ các sản phẩm với những tiện ích cao cấp mà còn mang một thiết kế làm tôn lên vẻ đẹp thẩm mỹ không gian sống của khách hàng.
Việc tìm kiếm và đáp ứng các nhu cầu mới của người dùng trong những thời kỳ mới dường như chưa bao giờ kết thúc với Samsung. Những chiếc smartphone ra đời với khả năng kết nối và kho ứng dụng khổng lồ đang dần biến nó thành thiết bị trung tâm cho nhu cầu giải trí của người dùng, và Samsung nhanh chóng tận dụng cơ hội đó.
Trên nền tảng Internet TV của mình, năm 2010, Samsung giới thiệu cửa hàng ứng dụng cho TV đầu tiên trên thế giới: Samsung Apps. Không chỉ dành cho TV, Samsung Apps còn tham vọng hơn khi hướng tới các nền tảng giải trí tại nhà khác như đầu đĩa Bluray, và thậm chí cả một số dòng smartphone.
Samsung Apps sau này đã trở thành tiền đề cho những chiếc smart TV với kho ứng dụng và hệ sinh thái hoàn thiện hơn. Thay vì dựa vào các ứng dụng có sẵn trên Google Play Store, công ty đã tự xây dựng cho mình một nền tảng ứng dụng riêng để tránh phải phụ thuộc quá nhiều vào đối tác Google. Không lâu sau khi Samsung Apps ra mắt, các đối thủ khác cũng đưa ra những nền tảng ứng dụng của riêng mình.
Cũng trong năm 2010, Samsung lại tiên phong trong thử nghiệm một hướng đi mới cho công nghiệp TV toàn cầu khi giới thiệu chiếc TV 3D Full HD đầu tiên trên thế giới: Samsung LED 3D C7000. Dòng TV mới này mang theo công nghệ 3D chủ động độc quyền của hãng “3D Hyperial Engine”, giúp tự động điều chỉnh màu sắc, độ sáng và chuyển động của hình ảnh để đạt chất lượng cao nhất.
Thành công của những bộ phim bom tấn bằng công nghệ hình ảnh 3D cùng với việc Samsung giới thiệu chiếc TV 3D đầu tiên đã kéo theo hàng loạt ông lớn khác trong lĩnh vực sản xuất TV cũng ra mắt những chiếc TV 3D của riêng họ.
Thế nhưng việc thiếu thốn các chương trình có nội dung 3D cũng như ảnh hưởng của một công nghệ chưa thực sự chín muồi đã khiến người dùng không còn mặn mà với TV 3D nữa. Nhanh chóng nhận ra sự quay lưng của người tiêu dùng, Samsung là một trong những hãng đầu tiên dứt tình với TV 3D để tập trung vào các dòng sản phẩm phù hợp hơn với nhu cầu người dùng.
Trong khi tập trung vào việc cải thiện trải nghiệm hình ảnh của người dùng, Samsung nhận ra một vấn đề đối với những TV màn hình lớn, đó là khoảng cách từ mắt nhìn đến các phần của màn hình là khác nhau, và do đó có thể ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng về chất lượng hình ảnh. Đó là lúc họ cho ra đời một chiếc TV màn hình cong đầu tiên trên thế giới vào năm 2013: Samsung KE55S9C với màn hình OLED 55 inch.
Thiết kế màn hình cong này có nghĩa là khoảng cách từ người xem đến mọi vị trí trên màn hình TV là như nhau, loại bỏ được hiện tượng méo hình ảnh, giúp đem lại trải nghiệm trọn vẹn hơn cho người xem. Không chỉ vậy, nó còn có một thiết kế đầy ấn tượng: toàn bộ chiếc TV được nổi bật lên với một tấm màn hình thủy tinh cong ở trung tâm của một bộ khung bằng nhôm vuông vức.
Với tiền đề từ chiếc TV màn hình cong đầu tiên trên thế giới, Samsung tiến xa hơn nữa với hướng thiết kế này khi vào năm 2014, hãng ra mắt chiếc TV đầu tiên có tính năng bendable – hay màn hình có thể uốn cong – chiếc TV là một màn hình khổng lồ 85 inch với độ phân giải UHD, có thể chuyển đổi từ trạng thái phẳng sang cong, chỉ với một nút bấm.
Một bước tiến đột phá không chỉ về công nghệ mà còn cả thiết kế sản phẩm, khi người xem không còn phải đắn đo về nên chọn màn hình cong hay màn hình phẳng, thay vào đó là một giải pháp TV hai trong một cho cả hai nhu cầu này. Tất cả quá trình chuyển đổi chỉ cần một nút bấm và ý muốn của người dùng.
Mang đến cho người dùng sự chủ động cho lựa chọn của mình là triết lý cao hơn cả trong những chiếc TV với màn hình có tính năng đặc biệt này.
Cũng trong năm 2014, Samsung còn mang đến một đột phá khác cho ngành công nghiệp TV tiêu dùng: chiếc TV màn hình cong Samsung UN105S9W với độ phân giải 5.120 x 2.160 px và kích thước khổng lồ 105 inch, biến nó trở thành chiếc TV màn hình cong lớn nhất thế giới vào thời điểm ra mắt.
Không chỉ nâng cao đến mức tối đa trải nghiệm của người dùng, chiếc TV này còn cho thấy tham vọng của Samsung khi muốn đẩy xa hơn nữa các giới hạn về công nghệ để phục vụ người dùng. Không chỉ có màn hình lớn nhất, độ phân giải 5K cũng biến UN105S9W trở thành một trong những chiếc TV có độ phân giải cao nhất thế giới khi nó ra mắt. Và nó cũng có mức giá khổng lồ không kém 120.000 USD, hay chính xác hơn 119.999 USD.
Từng làm việc trên hàng loạt loại công nghệ màn hình cao cấp khác như LED, OLED, Samsung hiểu rõ ưu nhược điểm của mỗi loại công nghệ đó, do vậy hãng đã chọn một hướng đi khác cho tương lai của mình. Công nghệ chấm lượng tử Quantum Dot chính là thứ hãng đang tìm kiếm để đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của người dùng.
Trong khi đối thủ lão làng Sony đã phải từ bỏ công nghệ này do không thể vượt qua trở ngại về Cadmium – một kim loại nặng độc hại với con người trong vật liệu màn hình, trong năm 2016, Samsung đã trở thành hãng đầu tiên trên thế giới ra mắt chiếc TV với màn hình chấm lượng tử Quantum Dot không chứa Cadmium.
Vượt qua được thách thức về vật liệu độc hại, công nghệ Quantum Dot giúp Samsung tạo ra những chiếc TV với độ sáng đến 1.000 nit, cao hơn hẳn độ sáng 400 nit của các TV thông thường trong khi vẫn giữ nguyên năng lượng tiêu thụ. Ngoài ra, cũng nhờ công nghệ này, khả năng hiển thị chính xác màu sắc tăng thêm 25%.