óng đá là môn thể thao vua hấp dẫn nhất hành tinh. Trước đây, nhiều nền bóng đá trên thế giới từng cho rằng môn thể thao này ra đời là dành riêng cho nam giới, rằng đây là sân chơi để phái mạnh thỏa sức tranh tài. Ở đó, chẳng hề có bóng dáng hay bước chân của chị em phụ nữ!
Tuy nhiên,...
Bạn có biết đến Marta - nữ hoàng bóng đá, cầu thủ xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá nữ Brazil? Người từng nổi tiếng với biệt danh "Pele mặc váy" đủ để mọi người có thể hình dung ra tài năng của nữ cầu thủ này.
Và trong danh sách những nữ cầu thủ vĩ đại nhất mọi thời đại, không thể thiếu Carolina Morace - nữ danh thủ người Italia, Mia Hamm - tuyển thủ người Mỹ trong sự nghiệp chuyên nghiệp đã ghi được tổng cộng 158 bàn thắng,... và hàng loạt những cái tên khác đã đi vào lịch sử.
Giữa cơ man chuyện về trái bóng lăn, hãy nói đôi chút về đội tuyển nữ Việt Nam - những cô gái vàng thực sự đã làm nên chuyện trên sân cỏ từ "vốn liếng" chẳng có là bao.
Tối 24/8/2017, tuyển nữ Việt Nam bước vào trận đấu cuối cùng tại SEA Games 29 với áp lực đè nặng. Đoàn quân của HLV Mai Đức Chung khi đó gánh trên mình sứ mệnh xua tan nỗi thất vọng của người hâm mộ sau cú sốc mà những chàng trai U.22 đem lại. Các cô gái cần một trận thắng cách biệt 5 bàn trở lên vào lưới chủ nhà Malaysia để lên ngôi hậu.
Và đó là những gì mà các cô gái nỗ lực trong trận chiến ấy: Vũ Thị Nhung mở tỷ số. Nguyễn Thị Liễu tỏa sáng với một cú sút xa vào phút thứ 13. Nguyễn Thị Muôn dứt điểm chuẩn xác gia tăng cách biệt sau đường nhả bóng của Tuyết Dung. Ở những phút cuối của hiệp 1, từ quả phạt góc bên cánh phải, Chương Thị Kiều đánh đầu ngược trở lại cho Huỳnh Như dứt điểm cận thành nâng tỷ số lên 4-0 cho tuyển nữ Việt Nam.
Lúc này, các cô gái chỉ còn cách vinh quang đúng 1 bàn thắng. Họ còn đến 45 phút hiệp 2 để làm điều này. Không chủ quan, vẫn giữ tinh thần thi đấu quả cảm và quyết liệt, họ đã phối hợp để ghi thêm 2 bàn và chính thức trở thành chủ nhân của tấm huy chương vàng môn bóng đá nữ SEA Games 29. Lần này là cú sút đến từ bàn chân của Nguyễn Thị Liễu và đồng đội Nguyễn Thị Muôn.
Chiến thắng đầy vẻ vang một lần nữa gọi tên những cô gái vàng Việt Nam, chính thức ghi danh 5 lần vô địch SEA Games, lần lượt vào các năm 2001, 2003, 2005, 2009 và nay là 2017.
Ngày hôm đó, sau khi lá cờ Tổ quốc tung bay trên sân cỏ, đằng sau những niềm vui vỡ òa hẳn đã có những giọt nước mắt. Những ai đã xem các trận đấu của đội tuyển nữ đều cảm nhận được tinh thần kiên cường của những cô gái này.
Khoác lên mình màu sắc đội tuyển, tuyển nữ không hề mang tâm lý ngại khó, ngại khổ, cũng chưa bao giờ tự so sánh điều kiện của họ với tuyển nam. Họ xem việc thi đấu trên sân cỏ là một lẽ đương nhiên khi đứng vào hàng ngũ, vì màu cờ, vì đam mê chứ không vì có hay không có người hâm mộ. Khổ, nhưng không cam chịu. Mệt, nhưng không buông xuôi. Bóng đá nữ lặng thầm cống hiến, hy sinh trong vạn lần cái thiệt để mang về vinh quang cho nước nhà.
Người hùng không thể sống mãi trong thầm lặng thì nay chính là thời điểm người hâm mộ nhớ tới những cô gái nhỏ bé nhưng đầy mạnh mẽ. Dám đương đầu với thử thách để theo đuổi đam mê, họ đã là người chiến thắng trong lòng hơn 90 triệu người Việt Nam.
Điều đáng trân trọng đối với các cô gái là ở chỗ, họ - những người từng bị cho là phái-yếu-không-thể-đá-bóng đã không bao giờ xem nỗi nhọc nhằn là trở lực trên đường đi đến thành công.
Ở một đội bóng mà trong suốt nhiều năm qua tôn chỉ vẫn luôn là sự cống hiến những pha bóng đẹp mắt cho khán giả, có những ngôi sao tấn công, những bậc thầy kỹ thuật, những ảo thuật gia sân cỏ mê hoặc lòng người. Mỗi người mỗi cảnh, mỗi câu chuyện, nhưng tựu chung họ xứng đáng được coi là truyền nhân của những tượng đài bóng đá nữ Việt Nam trước đó.
"Trong khung gỗ, chúng ta sẽ chẳng sợ bất kỳ một đối thủ nào bởi đã có Kiều Trinh!", chị em trong tuyển nữ vẫn hay đùa nhau như thế mỗi khi nhắc đến "lão tướng" kỳ cựu của làng bóng đá nữ Việt Nam.
Đặng Thị Kiều Trinh (SN 1985) - cô gái quê Sa Đéc hiền lành, quen nói lí nha lí nhí. Ai trêu một câu cô đã đỏ mặt tía tai, nhưng hễ cứ xỏ găng là lột xác thành một tay gôn lì lợm. Các chân sút đội bạn đều quý Kiều Trinh là thế nhưng rất... "ngán" cô. Bởi một khi đã lên sân cỏ, cô gái 31 tuổi sẵn sàng vô hiệu hóa tất cả cơ hội ghi bàn của đối thủ. Riêng kể về phận con gái đá bóng, rào cản đầu tiên là… gia đình. Cha mẹ Kiều Trinh dĩ nhiên không muốn cô con gái bé nhỏ của họ dầm mưa dãi nắng theo cái nghiệp quần đùi áo số. Thời đó, cô toàn nói dối bố mẹ đi học thêm để đi đá bóng.
Dù biết đời đá bóng cực khổ, nhưng khi được hỏi: "Nếu biết trước đá bóng cực như thế này, nếu được chọn lại để theo nghề khác đỡ cực hơn, chị có chọn lại không?" – Lần nào cũng vậy, Kiều Trinh đáp: "Em vẫn sẽ đi đá bóng".
Kiều Trinh là vận động viên lớn tuổi nhất của đội tuyển Quốc gia và SEA Games 29 là đợt thi đấu cuối cùng của cô. Chiếc huy chương vàng lần này chính là lời chia tay đẹp nhất dành cho Kiều Trinh. Ngày tuyển nữ Việt Nam lên bục vinh quang tại SEA Games, cô khóc ngon lành:
"Em đi tập đá bóng từ năm 13 tuổi và lên đội tuyển từ năm 2004 đến nay. Như vậy là đã có gần 20 năm vui buồn cùng trái bóng. Hôm nay giành huy chương vàng SEA Games, em rất vui nhưng cũng có chút nuối tiếc vì thời gian tới sẽ không còn được sát cánh cùng các đồng đội nữa. Sau khi giã từ sự nghiệp, em chỉ hy vọng mình có cơ hội tiếp tục theo đuổi niềm đam mê trong vai trò huấn luyện viên".
Giờ thì Kiều Trinh đã là niềm tự hào của cả gia đình, của bà con ở vùng quê nghèo Sa Đéc. Với Kiều Trinh, khoảnh khắc cùng người thân đứng chung trên bục vinh quang trong những dịp được tôn vinh đều là những kỷ niệm đẹp nhất.
Phía sau lớp kỳ cựu, lão làng thì tương lai của bóng đá nữ Việt Nam giờ được chuyển giao cho thế hệ của những Chương Thị Kiều, Nguyễn Thị Liễu, Nguyễn Thị Tuyết Dung… Họ dù đến từ những vùng quê khác nhau nhưng cùng chung quyết tâm "lướt" trên biết bao khó khăn, thậm chí là vượt qua định kiến xã hội để theo nghiệp con gái đá bóng.
Với Chương Thị Kiều, cô gái quê Kiên Giang đã bỏ quê nhà lên TPHCM năm 15 tuổi. Đá bóng chưa được bao lâu thì Kiều dính chấn thương rất nặng, phải xa sân cỏ gần cả năm trời khi mới 18 tuổi hồi năm 2013. Theo chẩn đoán của các bác sỹ, cô bị đứt dây chằng chéo trước, vỡ sụn, buộc phải phẫu thuật và nghỉ thi đấu dài hạn. Nhưng Kiều không hề mất niềm tin vào bóng đá, thời gian dưỡng thương cô dành để nghĩ tới những định hướng sau này. Rồi chữ duyên cũng mang cô quay lại cùng đội nữ TPHCM 2 lần vô địch bóng đá nữ Quốc gia các năm 2015 và 2016, cùng ngôi vô địch SEA Games năm 2017.
Ít ai biết được, ngoài bóng đá, Chương Thị Kiều còn có một thời gian kiếm thêm thu nhập bằng nghề làm móng tay, làm tóc. Cô cũng rất có khiếu trong việc may vá với những bức tranh thêu rất đẹp. Đây có thể là hướng đi khác của Kiều sau khi giã từ sân cỏ nhưng thiệt tình, cô vẫn chưa hình dung thế nào là "tương lai". Thực sự tình yêu bóng đã in hằn quá sâu đậm trong con người cô. Đến giờ, đầu gối của Kiều thỉnh thoảng vẫn đau khi vận động quá sức, nhưng nó chỉ càng khiến cô mạnh mẽ hơn, để luôn là một người con Khmer sẽ sớm trở thành cánh chim đầu đàn trong đội tuyển.
Nhắc đến tuyển nữ Việt Nam, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến Nguyễn Thị Liễu - cô gái vốn được mệnh danh là người hùng của bóng đá nữ. Nếu biết cuộc đời của người con gái Hà Nam là những bi kịch cứ nối tiếp nhau, mới càng thêm khâm phục nghị lực phi thường của cô gái nhỏ bé làm rạng danh nước nhà. Sinh ra ở làng quê nghèo thuộc xã Nhân Bình, huyện Lý Nhân, Hà Nam, Liễu không có được hơi ấm của cha từ thuở lọt lòng. Chị em Liễu từ nhỏ vẫn phải bữa đói, bữa no.
Năm 2012, Liễu kết hôn với một người đàn ông ở Thái Nguyên nhưng hạnh phúc đã tan vỡ sau 4 năm. Cuối năm 2013, thời điểm Liễu đang tập trung cùng đội tuyển nữ Việt Nam chuẩn bị cho VCK Asian Cup 2014, mẹ cô qua đời vì ung thư vú. Lúc này, cô tức tốc về quê chịu tang. Theo lời kể của đồng đội, trong căn nhà đơn sơ của Liễu ở quê, chỉ có 3 chiếc vòng hoa bên cạnh quan tài của mẹ Liễu khiến không ai cầm được nước mắt. Chỉ 3 ngày sau, Liễu nén nỗi đau lên đường sang Tây Á dự VCK Asian Cup 2014 cùng đồng đội.
Với Liễu, những gì xảy ra trong cuộc sống khủng khiếp ghê gớm mà nếu không đủ bản lĩnh, nghị lực, cô đã dễ dàng ngã gục. Nhưng chính bóng đá đã giúp Liễu vượt lên mọi khó khăn, trở ngại. "Nếu không có bóng đá, em đã buông xuôi tất cả".
Ông Chung nổi tiếng là hiền, hiền đến mức... "chết danh" cùng bóng đá nữ. Với thành tích nổi bật nhất là đưa bóng đá nữ Việt Nam lần thứ 5 giành HCV SEA Games, HLV Mai Đức Chung đã được nhận giải thưởng HLV bóng đá nữ xuất sắc nhất năm. Đây là huy chương vàng lần thứ 5 của bóng đá nữ Việt Nam tại SEA Games, trong đó 3 lần là dưới sự huấn luyện của ông.
Với những cô gái bé nhỏ của tuyển nữ Quốc gia, ông Chung thường xưng bố gọi con đầy thân thương. Trong 20 năm gắn bó với đội nữ, người cha già tựu chung mọi chuyện đều có cái vui cái buồn, có cả thành công và thất bại. Đội ngũ giống như một mắt xích, một bó đũa vậy nên nếu bị tách ra thì không thể tập hợp sức mạnh được. Trên hết là tinh thần đoàn kết trong một gia đình đông con, một tập thể, một mái nhà.
Thông thường bóng đá nam vất vả thế nào thì bóng đá nữ vất vả gấp đôi như thế. "Một ngày các vận động viên nữ của tôi tập 2 buổi không kể nắng mưa. Nhất là có những buổi chị em phải tập dưới trời nắng nóng 30 độ C, chưa kể còn bệnh tật khác nữa. Xuất thân là HLV đội tuyển nam nên khi chuyển qua tuyển nữ, tôi thấy rất thương các cháu. Muốn có thành tích phải vượt qua sóng gió".
Đối với nam giới, mâu thuẫn có thể giải quyết nhanh, nhưng với nữ thì lại rất khó xử. Bản thân HLV Chung hiểu rõ những đứa con của mình không ai hoàn hảo, bản thân mỗi cá nhân đều có nhược điểm. Tuy nhiên cái ông hướng tới là sự công bằng - công bằng cho tất cả mọi người.
"Tôi rất thận trọng và có kinh nghiệm. Ví dụ như mỗi bạn có nhược điểm gì. Điều thứ nhất tôi không bao giờ phê phán trước toàn đội. Tôi phải giữ thể diện cho bạn đó bằng cách gọi bạn ra nói chuyện riêng trước hoặc sau buổi tập.
Chúng ta ở CLB thì chúng ta có đối đầu với nhau ở trong các trận đấu quyết liệt. Cái đó với thể thao, nhất là bóng đá thì càng hiển nhiên. Nhưng bây giờ chúng ta đã tựu chung dưới một mái nhà của liên đoàn bóng đá Việt Nam và trước ngực chúng ta có lá cờ Tổ quốc. Chúng ta là đại diện cho đất nước, không có lý gì chúng ta mất đoàn kết. Mọi người phải thương yêu nhau như chị em một nhà. Nếu có vấn đề gì cứ nói trực tiếp, đừng có ngại ngần gì cả, tôi sẵn sàng giải quyết".
Ngày ngôi hậu của bóng đá Đông Nam Á trở lại Việt Nam, HLV Chung đầy tự hào và biết ơn trước bản lĩnh và sự đồng tâm của các cô gái. Bởi trong tổng 5 tấm huy chương vàng thì 3 chiến thắng có được là nhờ sự dẫn dắt của ông. HLV Chung khẳng định thành tích này đầu tiên phải nhờ sự đoàn kết, thương yêu của toàn đội, sự góp sức chung tay của ban huấn luyện cũng như toàn thể vận động viên. "Công lao chung là của toàn đội chứ không phải do một cá nhân nào. Trong lòng tôi thầm cảm ơn các cổ động viên của chúng ta. Có những trận đấu dưới thời tiết nóng nực, sân vận động chỉ có 2 cổ động viên người Việt Nam. Toàn sân ngập tràn khán giả nước chủ nhà chỉ độc duy nhất 2 người mang cờ Việt Nam đến cổ vũ, tôi cảm động lắm".
Làm HLV tuyển nữ có những cái tủi thân khi nhìn 2 hình ảnh khác nhau trên sân. Cảnh đông đúc cổ động viên bên sân nam đối lập với tình cảnh thưa thớt bên tuyển nữ. "Chứng kiến 2 hình ảnh đó, tôi chạnh lòng lắm! Nhưng mình không thể trách các cổ động viên được".
Những giây phút đầy căng thẳng trước trận đấu cuối cùng của tuyển nữ tại SEA Games 29, ông Chung tập hợp cả đội: "Các con cứ hết sức bình tĩnh, đừng suy nghĩ khó khăn. Cái giải quyết của chúng ta là trên sân, đừng nôn nóng, căng thẳng mà phải bình tĩnh trong từng tình huống".
Chỉ đến khi hết hiệp 1, những cô gái vàng ghi 4 bàn thắng liên tiếp, HLV Chung mới dám thở phào nhẹ nhõm. Tới hiệp 2, đội tuyển Việt Nam kết thúc trận đấu với 2 bàn thắng nữa, mọi cảm xúc lúc này như vỡ òa tại khán đài. "Tôi sung sướng đến tột độ, khán giả kéo hết từ sân bóng đá nam sang bóng đá nữ. Mọi người cùng giương cao cờ Việt Nam để cổ vũ cho bóng đã nữ, tôi thầm cảm ơn khán giả đã giúp chúng tôi vô địch".
Thường cuối mỗi buổi tập, ông Chung là người rời sân sau cùng, nhặt từng chiếc áo tập vương vãi trên sân gom lại, xách giỏ nhặt từng quả bóng cho học trò, nhắc nhở từng cầu thủ phủi giày cho sạch đất trước khi vào phòng thay quần áo. Khi đó, trông ông giống một người cha cặm cụi lo cho đàn con nhỏ hơn là một HLV trưởng đội tuyển Quốc gia. Cũng bởi vì là một người cha, ông hiểu hơn ai hết hoàn cảnh của từng thành viên trong đội tuyển. Có lúc ông đã phát khóc khi gặp gỡ, chứng kiến từng câu chuyện buồn.
"Có một bạn mẹ mất, đến ngày giỗ mẹ không dám nói. Buổi hôm đó bạn tập luyện hơi chểnh mảng, hơi buồn buồn nên sau buổi tập tôi có hỏi thăm: Hôm nay con tập không được chất lượng lắm, có vấn đề gì cần cứ nói cho bác nghe, bác chia sẻ vói con. Thế là bạn ấy khóc: "Ngày mai là ngày giỗ đầu mẹ con, con sợ nên không dám nói với bác". Lúc đó tôi rất thương, dặn dò lần sau nếu có những việc cần thiết như thế chỉ cần nói trước với bác, bác hết sức thông cảm".
Chia tay nhiều lần nhưng rút cuộc cũng tái hợp, chiếc ghế HLV trưởng đội tuyển nữ Việt Nam dường như gắn chặt với ông Mai Đức Chung như duyên nợ. Và chẳng ai rõ mối nhân duyên này sẽ còn kéo dài bao lâu, chỉ biết bên trong con người ông Chung vẫn còn sục sôi như ngày đầu mới dẫn dắt những cô gái vàng.
"Tôi còn sức khỏe thì còn gắn bó với bóng đá, nhất là bóng đá nữ. Bóng đá nữ đã mang lại niềm vinh quang cho tôi thì tôi lúc nào cũng sẵn sàng với bóng đá nữ".
Huy chương vàng là sự kết tinh của nhiều yếu tố và nó không đến với những cô gái này chỉ vì "ăn may". Bởi có may mắn nào lại đến tận 5 lần với một đội bóng nữ cơ chứ? Họ chiến thắng vì tinh thần thi đấu quả cảm dù sau lưng vẫn là nỗi lo cơm áo gạo tiền, họ tiếp nối thành công vì chưa bao giờ ngủ vùi trong vinh quang của chiến thắng. Và vì bên cạnh họ có bố Chung cùng hàng triệu cổ động viên âm thầm dõi bước.