Hơn 20 năm trước, game Pokemon ra mắt gen 1 khiến lũ trẻ thích mê. Đám bạn trong xóm nguệch ngoạc vẽ Pikachu, Bulbasaur lên trên mấy trang vở, cặm cụi tô vẽ với chiếc bút sáp mòn vẹt bằng tất cả niềm đam mê nghệ thuật. Cách đây vài ngày, những đứa trẻ ngày nào giờ lại reo vui khi Pokemon ra mắt gen 8 - tạo hình mới, nền tảng công nghệ khác biệt, đồ họa cũng được đánh giá cao hơn chiếc gameboy ngày nào. Cộng đồng vẽ Pokemon "tay mơ" ngày xưa giờ đã biết dùng Wacom để cho ra đời những artwork tuyệt đẹp.
Thế giới đang thay đổi, đến những trò chơi điện tử ngày xưa với hình ảnh pixel cũng đã phải chuyển mình trước guồng quay của xã hội - những điều tưởng chừng như nhỏ bé nhưng hoàn toàn nằm trên trục phát triển của công nghệ. Chỉ có bố mẹ chúng tôi vẫn vậy, vẫn coi những hình vẽ nguệch ngoạc trên sân là "trò trẻ con", vẫn ấp ủ ước mơ cho con làm bác sĩ, kỹ sư, nhân viên ngân hàng. Con đường thành công của thế hệ Baby Boomer dường như ít có điểm giao nhau với những người trẻ Millennials và càng song song với người trẻ gen Z.
Bố mẹ luôn muốn lũ trẻ lớn lên làm một "anh hùng", họ rủ rỉ vào tai con sau khi kết thúc một bộ phim hoạt hình siêu anh hùng "rồi con cũng sẽ khắc tên mình trên đỉnh vinh quang nhé". Nhưng sau mỗi anh hùng luôn có hình bóng của một người họa sĩ vẽ đồ họa, cặm cụi tỉ mẩn cho ra đời những tác phẩm tuyệt đẹp. Sau mỗi bài học ý nghĩa là sự miệt mài của biên kịch, kỹ thuật âm thanh, thiết kế mỹ thuật.
Chúng ta luôn muốn học sinh và thế hệ người trẻ chủ động đón lấy những cơ hội việc làm trong thế kỷ mới, khi nền tảng công nghệ sẽ chiếm thế thượng phong trong mọi ngành xã hội. Có lẽ đã tới lúc, người trẻ cần được "cởi trói" bởi những gánh nặng của cuộc sống "an toàn, nhẹ nhàng, ổn định" được phụ huynh đặt trên vai.
Thế giới đang thay đổi không ngừng, bố mẹ có thể sẽ bước lững thững theo sau còn người trẻ vẫn phải guồng chân để hướng về phía đích cùng trăm ngả đường. Dù đó là một con đường không bằng phẳng, gập ghềnh nhưng chắc chắn sẽ đưa chúng ta tới đích với những lựa chọn và đam mê kiên định của bản thân.
Hãy thử nhìn vào một câu chuyện vĩ mô để soi chiếu vào cuộc đời của người trẻ: 50-100 năm trước, mọi sự thay đổi trên thế giới đều diễn ra từ từ, có thể dự đoán nhưng khi thế giới bước sang thế kỷ 21, nhịp bước của cuộc sống được đẩy lên nhanh hơn. Vậy điều gì tạo nên sự khác biệt của những người trẻ thế hệ trước và thế hệ này? Gen X lấy sự ổn định làm điểm tựa, đi theo con đường được thế hệ đi trước vạch sẵn cho mình. Gen Y và gen Z tự mở con đường riêng cho mình, lựa chọn những công việc theo đam mê và năng lực.
Diễn giả Yubing Zhang tại chương trình TED Talks từng có một bài nói với chủ đề: "Life Begins at the End of Your Comfort Zone" - "Cuộc sống bắt đầu ở điểm cuối của vòng an toàn". Nghịch lý rằng xã hội ngày càng trao quyền cho người trẻ thì vùng an toàn của nhiều người cũng ngày càng nới rộng khi họ nhìn ra được một cuộc sống khốc liệt, cạnh tranh. Còn người thành công thấy điều gì? Họ thấy ngoài vùng an toàn là những cơ hội lớn để vẫy vùng, đúng với tinh thần "Go Big or Go Home" - Bạn chẳng mất gì nếu "Go Big" khi vẫn có một vùng an toàn, như mái nhà để trở về. Ngược lại, cuộc đời sẽ mãi quẩn quanh với lộ trình đại học, kiếm một công việc ổn định, kết hôn, vật vờ tới hết tháng năm xế chiều. Cuộc sống như vậy không sai, nhưng bạn biết mình còn nhiều mơ mộng và đam mê phải không? Sao không dám gạt bỏ những định kiến và xé rào cản bước về phía trước?
Người ta luôn sợ bước ra khỏi vùng "an toàn" vì những "điểm mù" không rõ phía trước. Đến tận bây giờ, Quỳnh Giang - cô gái sinh năm 1996 người Đà Lạt vẫn chưa bao giờ thấy hối hận vì đã bước khỏi vùng an toàn tại Đại học Tài chính Marketing để theo học ngành Mỹ thuật Đa phương tiện tại Arena Multimedia - một "điểm mù" với bố mẹ Giang cũng như chính cô gái trẻ, lên Sài Gòn học với niềm đam mê sáng tạo và nghệ thuật cháy bỏng. Cái nghề mà theo ngôn ngữ của phụ huynh là "vẽ biển quảng cáo" hay "kẻ băng rôn à con" đã theo Giang suốt vài năm, giúp Giang gặt hái được những thành công đầu đời.
"Mình thực sự hạnh phúc khi đã trở thành một nghệ sĩ 3D cho công ty Bombus sau 4 tháng làm thực tập sinh. Điều khiến mình tự hào nhất không phải được làm ở đâu - quan trọng là bản thân đã dám bước ra khỏi vùng an toàn để chọn con đường đúng đắn. Nếu đã một lần dám đi trên con đường đã chọn, cả cuộc đời phía trước sẽ do bản thân mình làm chủ".
Bên ngoài comfort zone là một fear zone - vùng sợ hãi. Chúng ta chỉ có thể làm chủ cuộc đời mình khi chấp nhận bước qua vùng an toàn, can trường trước những sợ hãi, tự tin bước vào learning zone và vươn mình với growth zone, nơi mỗi người có thể phát triển bản thân, bùng cháy với đam mê và đạt được những thành quả. Có lẽ như Giang nói, một công việc tốt không phải cái đích lớn nhất, điều quan trọng là khi bạn biết mình sẵn sàng đương đầu với mọi điều khó khăn, chọn điểm cuối của vùng an toàn làm điểm xuất phát của cuộc đời.
Nếu năm xưa Edouard Manet không chọn con đường nghệ thuật, theo gia đình làm chính trị, liệu nước Pháp có thêm được một chính trị gia xuất sắc hay mất một họa sĩ bậc thầy? Thành công và kỳ tích không thiên vị bất cứ ai, dù là một chính trị gia hay họa sĩ, miễn bạn có năng lực và kiên định tới cùng với lựa chọn, rồi một ngày vinh quang sẽ gọi tên bạn.
Từ khi nền điện ảnh ra đời, bên cạnh việc tôn vinh những tác phẩm mang nội dung xuất sắc, người ta càng chú trọng hơn tới hình ảnh và kỹ xảo. Các bộ phim từ trước tới nay vẫn cò kè về mặt kịch bản nội dung khi công nghệ chưa thực sự khởi sắc thì ngày nay, sự thay đổi công nghệ hàng ngày khiến cuộc đua trong ngành điện ảnh cũng khốc liệt hơn về mảng kỹ xảo, hình ảnh đồ họa - thậm chí còn mạnh mẽ hơn về ý tưởng khi nhiều kịch bản nội dung đã đi vào khuôn mẫu. Những bộ phim 3D đem đến hình ảnh sống động hơn hẳn 2D, các nghệ sĩ hình ảnh được chú ý và xướng tên khi các tác phẩm của họ ngày càng đẳng cấp: từng sợi vải, lông thú, biểu cảm được khắc họa rõ nét trên poster, trailer. Đó thực sự là những thành tựu của ngành Thiết kế Đồ họa, Mỹ thuật Đa phương tiện mà nếu không có các bạn trẻ dám sẵn sàng bước ra ngoài vùng an toàn thì sẽ không bao giờ đạt được tới trình độ cao như vậy.
Chí Linh, một sinh viên tại Arena Multimedia, cũng là một trong những người trẻ đã bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân và có trong mình những "kỳ tích" - với người trẻ mới bước vào nghề thì mọi thành công đều xứng đáng được ngợi khen. Ở tuổi 20, cậu đã sở hữu một Portfolio đáng ngưỡng mộ: VFX Artist tại Sparta Post-Production, Graphic Designer tại BSS Group, Artist tại Tuổi Trẻ Cười. Chia sẻ về con đường của ngành thiết kế, cậu cười:
Là một người trẻ dám theo đuổi đam mê, Chí Linh hiểu rõ được vị thế của ngành thiết kế sáng tạo trong thế kỷ 21 cũng như cái nhìn cởi mở hơn với những người nghệ sĩ. Dấu ấn của những người trẻ sáng tạo xuất hiện trên mọi khía cạnh của cuộc sống, từ những hình ảnh quảng cáo độc đáo của Durex tới TVC ấn tượng của các thương hiệu đình đám như Prada, Balmain, từ các artwork hiện đại tới những dự án khôi phục giá trị văn hóa Việt. Bạn có nhận ra những sản phẩm "viral" trên mạng xã hội đều thể hiện sự sáng tạo vượt trội và trình độ xuất sắc của những designer, artist? Những "kỳ tích" của ngành thiết kế đồ họa mỗi năm lại khiến công chúng ngỡ ngàng.
Không phải ở bất cứ ngành nghề nào, người trẻ cũng có cơ hội khẳng định tài năng bản thân và phong cách riêng như ngành thiết kế đồ họa. Trước khi có thể hiện thực hóa ước mơ và chạm tới thành công, bạn vẫn cần ghi nhớ một điều hết sức đơn giản: Hãy sẵn sàng bước ra ngoài vùng an toàn của bản thân.
Tuổi trẻ có lẽ không chỉ như cơn mưa rào, tuổi trẻ như một đợt sóng vậy. Những người trẻ lựa chọn con đường mỹ thuật đa phương tiện sẽ phải vượt lên những con sóng lớn: Rào cản gia đình, áp lực và định kiến từ xã hội với việc học đại học và quan trọng hơn là sự hoài nghi với chính bản thân mình: Liệu đó có phải một lựa chọn tình thế không? Cứ mãi làm một designer rồi cuộc đời sẽ đi về đâu? Và thực sự… tôi có đủ đam mê với con đường này không?
Nếu có ngành nghề nào vừa khắt khe nhưng cũng vừa mơ mộng thì đó chính là Mỹ thuật Đa phương tiện. Nơi ấy có sự đào thải khốc liệt, có bao bộ não đang ngày đêm sáng tạo ý tưởng, có cả những cá tính nổi trội vẫn tìm tòi con đường tiên phong. Nếu bạn vượt qua được những con sóng thách thức, cả phần còn lại của tuổi trẻ sẽ là những tháng ngày thỏa sức vẫy vùng. Mỹ thuật Đa phương tiện không phải câu chuyện của những thứ thời thượng một sớm một chiều, đó là tương lai của ngành sáng tạo.
Thạc sĩ Vũ Anh Đức - Giám đốc Đào tạo Arena Multimedia từng chia sẻ: "Ngành Mỹ thuật Đa phương tiện đòi hỏi mỗi cá nhân phải liên tục cập nhật, trau dồi kiến thức về chuyên môn, cũng như kiến thức bổ trợ (văn hoá, chính trị, xã hội) để có thể thích ứng với yêu cầu từ khách hàng và nghề nghiệp. Nghề nào cũng đầy rẫy những khó khăn, tuy nhiên những ai có đam mê, có tình yêu với nghề, có niềm tin với nghề thì cơ hội luôn rộng mở với các bạn, các bạn sẽ tìm được chỗ đứng và hướng đi phát triển của bản thân".
Lựa chọn Arena Multimedia, bạn sẽ luôn được cập nhật chương trình giảng dạy bằng những công nghệ tiên tiến nhất và phù hợp nhất cho các nhà thiết kế tương lai, được tham gia vào những bài tập "thực chiến", cơ hội nghề nghiệp ngay khi đang học và trên hết, bạn sẽ luôn được gợi nhắc về một hành trình mà mỗi người trẻ cần có trong hành trang cuộc đời: Vượt qua vùng an toàn của bản thân để sống một cuộc đời hằng mong ước.