"Mẹ ơi văn hóa là gì?"
"Văn hóa là cả cuộc sống, là con đường con đi, câu thơ con đọc, bài ca con hát, là mẹ, là con, là những thứ đơn sơ thô mộc cho tới điều kỳ vĩ, lớn lao. Mọi thứ xung quanh làm nên cuộc sống này, đều là một phần văn hóa"
Hơn 4000 năm lịch sử dân tộc, hơn 1010 năm Thăng Long, hình ảnh rồng Việt vẫn vút cao bay lên cùng trí tưởng tượng người trẻ, thổi hồn những giấc mơ và niềm tự hào rất đỗi Việt Nam.
***
Tôi đi giữa đất trời Hà Nội những ngày thu, ngang qua bậc thềm rồng Hoàng Thành tới hồ Tây mênh mông để tìm lại dấu xưa ngàn năm văn hiến. Tự hỏi, điều gì vun đắp nên Thủ Đô hào hùng bản sắc trong chúng tôi, những người trẻ?
Hơn 1010 năm trôi qua, nhiều nét văn hóa đã chìm sâu dưới lớp tích thời gian nhưng có những điều vẫn trường tồn, soi rọi cuộc sống hiện đại. Tiêu biểu là hình tượng Rồng trong tiềm thức người Việt. Một thế hệ người trẻ lớn lên cùng "rồng rắn lên mây", để rồi trưởng thành mang niềm tự hào "con rồng" khắp năm châu.
Văn hóa "chuyển động"- như mẹ tôi từng dạy: từ cái "gốc" vững chãi, người trẻ chúng tôi dựa vào và tiếp nối. Chúng tôi không quên sáng tạo và đổi mới; vừa gìn giữ, vừa phát huy giá trị của cha ông để lại. Và đó là hành trình văn hóa bản sắc "lớn lên" trong thế hệ tôi.
Tôi vẫn nhớ khoảng trời tuổi thơ vờn quanh cùng những "chú rồng". Trên sân trước nhà, bài đồng dao rồng rắn lên mây ngân nga, đưa đám con nít vào một miền cổ tích.
"Rồng rắn lên mây có cây lúc lắc…"
Hình ảnh Rồng Việt đến với người trẻ giản đơn nhưng thấm thía là như vậy. Chẳng ai bảo ai, những câu đồng dao ấy vẫn theo chúng ta từ tấm bé đến khi trưởng thành.
Rồi những năm tháng tuổi xanh đó, đêm trung thu đám trẻ vẫn đi theo đám lân sư rồng, ngày hội làng lại hò reo cổ vũ cho những đám đua thuyền rồng. Dưới ánh trăng và ánh đèn, đám múa lân sư rồng kia náo nhiệt quá, hình ảnh chú rồng mới uy phong lẫm liệt làm sao. Trong mắt đám trẻ thơ, rồng như một điều gì đó vừa lạ lẫm, cao xa nhưng cũng quá gần gũi.
Lũ trẻ lớn lên bằng ca dao huyền thoại, rằng chúng ta là con Rồng cháu tiên, một dòng dõi Tiên Rồng vẻ vang oai hùng. Từ ca dao dung dị, Rồng Việt cũng hóa mình vào những câu chuyện thiêng liêng, chứng minh cho cội nguồn, căn tính của cả dân tộc. Cội nguồn Tiên Rồng ấy, thiêng liêng lắm sao mà quên cho đành. Mỗi đứa trẻ sinh ra dẫu ngàn năm lịch sử vẫn biết về câu chuyện 50 người con theo cha xuống biển, 50 người con theo mẹ lên non. Niềm tự hào Rồng Tiên trong lời kể của mẹ, đưa lũ trẻ vào giấc ngủ êm đềm.
Có lẽ vì vậy, hơn 1010 năm lịch sử Hà Nội đã qua đi, hình ảnh Rồng vẫn đậm sâu trong lòng người Việt. Vì sâu trong mỗi chúng ta, có một "chú rồng" vẫn đang chờ được đánh thức, một niềm tự hào chưa bao giờ vơi.
Chúng ta lớn lên để rồi nhận ra hình tượng Rồng với một bề dày văn hóa có ý nghĩa lớn lao, gắn với mảnh đất quê hương sâu sắc đến vậy: Thành Thăng Long nghìn năm lịch sử nơi rồng thần vút lên cao chở theo ước vọng của một dân tộc, Hạ Long xanh biếc là nơi rồng đáp xuống, tạo nên một kỳ quan thiên nhiên kỳ vĩ. Xuôi theo thế đất uốn cong hình rồng, những dòng sông đỏ nặng phù sa tạo nên Cửu Long giang, niềm tự hào của người dân miền Tây và cả đất nước.
Hình tượng Rồng Việt vần vũ khắp miền đất nước, chu du trong cả tâm trí những người trẻ, từ ngày thơ bé tới lúc bước vào cuộc đời. Tôi vẫn nhớ những ngày sắp thi đại học, đám học trò lại đổ xô đến Văn Miếu, bước qua Đại Trung Môn và ngước lên nhìn lên chú cá chép. Ta được dạy rằng, hãy luôn nỗ lực để một ngày kia vượt vũ môn, trở thành những chú rồng. Trước bậc thềm Văn Miếu, những "chú cá chép" đang sắp sửa bước vào dòng đời mênh mông rộng lớn thầm ao ước, rồi mình cũng sẽ hóa rồng, vượt mọi gian nan cuộc đời, quăng mình vào thử thách để thành công.
Mỗi nét văn hóa đều linh thiêng, quý giá, mang trong mình bao tầng giá trị được vun đắp qua lịch sử. Giữa vô vàn những biểu tượng văn hóa Việt, khó tìm đâu được một hình ảnh vừa mạnh mẽ, xa vời nhưng lại dễ gần, giản dị như hình tượng Rồng Việt. Thế hệ trẻ được truyền cảm hứng không chỉ bằng những tư tưởng hiện đại mà cả bởi các giá trị truyền thống, dung dưỡng bao bài học về sự nỗ lực, kiên định, nghị lực để rồi mang những chú rồng xưa gửi gắm vào những sáng tạo của thời đại mới.
Rồng Việt không chỉ nuôi dưỡng tâm hồn mà trở thành biểu tượng cho khát vọng lớn lao cùng ước nguyện tuổi trẻ. Đó là điều được thế hệ trước truyền cho thế hệ sau, mong muốn người trẻ sẽ tiếp nối giá trị ý nghĩa, để trên cả hành trình tìm về với cội nguồn mang bản sắc Việt và hướng tới tương lai với bao niềm hy vọng đều có hình bóng Rồng Việt.
Văn hóa có thể lớn lao, có thể bình dị nhưng tuyệt nhiên là cội nguồn trân quý. Người trẻ chúng tôi gửi gắm Rồng Việt vào cuộc sống hiện đại, bằng nhiều cách, ở nhiều khía cạnh, trên mỗi hành trình trải nghiệm để nguồn cội chẳng bao giờ nhạt phai.
Giá trị văn hóa ấy như ngọn đuốc, được bao thế hệ truyền tay, ngàn năm vẫn rực rỡ. Hơn 4000 năm lịch sử dân tộc là bao lần hình tượng Rồng biến đổi, từ sự biến chuyển hình ảnh Rồng thời Lý sang rồng thời Trần, thời Lê, những cách tân hình Rồng trên gốm sứ Bát Tràng, Phù Lãng cho tới hoa văn chạm trổ, thêu hoa long vân trên trang phục triều Nguyễn. Và trong những đồ án cuối kỳ của sinh viên Việt, trong các bộ trang phục Việt dự thi hoa hậu quốc tế, hình ảnh Rồng vẫn là nguồn cảm hứng sáng tạo mãnh liệt cho các bạn trẻ. Không còn là hình tượng xa cách mà chỉ giới thượng lưu hay hoàng tộc mới có thể tiếp cận, rồng trong thế kỷ 21 đã được biến tấu nhịp nhàng, khởi nguồn từ sự mở lòng của người thế hệ trẻ với văn hóa truyền thống.
Nếu như người Hà Nội tự hào vì con đường gốm sứ với nhiều bức khảm rồng uốn lượn nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, phố đi bộ Phùng Hưng với những bức tranh vẽ đám múa rồng hay tượng rồng thời Lý hồ Tây, người dân Đà Nẵng cũng có niềm tự hào với cây cầu Rồng độc nhất vô nhị mà du khách không thể bỏ qua mỗi khi tới thành phố biển xinh đẹp này. Hình tượng rồng có thể khác nhau, đâu đó pha trộn những nét hiện đại bên cạnh vẻ đẹp truyền thống nhưng vẫn gửi gắm những giá trị văn hóa bằng nhiều cách tới người trẻ. Không gò mình trong những công trình kiến trúc đền chùa cổ kính, dáng rồng thiêng vút lên cao, ôm ấp những công trình hiện đại đầy sáng tạo.
Từ quá khứ, hình ảnh Rồng Việt được người trẻ đưa vào trong cảm thức sáng tạo của mình một cách tự nhiên, mềm mại, hợp thời và hiện đại. Chúng ta vẫn không quên Pikalong, chú rồng đáng yêu từng nổi đình đám trên mạng xã hội. Một thế hệ trẻ Việt đang lần hồi lại quá khứ với niềm đam mê cho Cổ phục; làm sống lại những chú rồng uyển chuyển trên áo Nhật Bình. Thế hệ trẻ ngày nay - cả các nghệ sĩ và công chúng, đều mở lòng đón những hình ảnh rồng đầy sáng tạo, phá cách. Chính những sự mới mẻ, đâu đó không "tròn trịa" đó, lại giúp văn hóa tới gần hơn với cuộc sống hiện đại. Bứt ra khỏi khuôn mẫu nhưng vẫn có sự tôn trọng dành cho các giá trị truyền thống, thế hệ trẻ Việt đang mang hình ảnh rồng đi xa hơn, gửi gắm niềm tự hào "con Rồng cháu Tiên" vào trong nhiều sản phẩm đậm bản sắc Việt.
Người trẻ Việt không xa rời văn hóa truyền thống. Cách người trẻ tiếp nhận hình ảnh Rồng - một mảnh ghép quan trọng của nền văn hóa mấy nghìn năm lịch sử, chính là minh chứng rõ rệt cho sức sống mãnh liệt của những giá trị truyền thống và niềm tin của thế hệ đi trước cho những chủ nhân tương lai của đất nước.
Bên những lớp học, lũ trẻ vẫn ê a câu chuyện về con Rồng cháu Tiên. Trong những hội hè, đám múa lân sư rồng vẫn rộn ràng tiếng hò reo của đoàn người diễu hành. Nhưng trên đường phố, thế hệ trẻ đang kể chuyện "Con Rồng" bằng những điều khác biệt. Những mẫu giày mang cảm hứng rồng bay của Biti’s, kiêu hãnh và ngạo nghễ, chính là cách các bạn trẻ truyền tải tuyên ngôn về giá trị văn hóa truyền thống không rập khuôn và sáng tạo, bứt ra khỏi những khuôn mẫu lâu đời. Những cảm hứng nghìn năm tuổi ấy hòa quyện cùng tinh thần đổi mới trẻ trung của lớp trẻ đã tạo nên những sản phẩm tuyệt vời.
Giữa cuộc sống hối hả, lòng tôi dấy lên bao tự hào khi nhìn thấy những người Việt trẻ mỗi ngày đều đang nỗ lực bảo tồn văn hóa truyền thống, quảng bá hình ảnh Rồng Việt. Sự kế thừa văn hóa từ hình ảnh Rồng thiêng với những sản phẩm #ProudlyMadeinVietnam đang từng ngày từng giờ điểm tô cho bản sắc Việt, củng cố niềm tự hào của cả dân tộc. Hành trình vươn biển lớn bắt đầu từ những bước nhỏ ở hiện tại, từ những tấm áo ta mặc, đôi giày ta mang gửi gắm niềm tinh hoa sáng tạo của cả thế hệ.
Và một ngày kia, Rồng Việt sẽ bay cao cùng ước mơ và khát vọng của người trẻ, như cách họ đang tiếp nối văn hóa truyền thống, rộng mở trái tim và khối óc để đón nhận tinh hoa văn hóa của cả ngàn xưa và ngày nay.