Không khó để những vị mạnh thường quân có thể xây dựng một ngôi trường cho trẻ em vùng núi; nhưng với các bạn nhỏ mới khoảng 10 tuổi, tự đứng lên tổ chức một cuộc thi chạy để quyên tiền là điều đáng ngưỡng mộ. Lời hứa về một ngôi trường cho học sinh tại Sìn Hồ, Lai Châu đã thôi thúc các bạn nhỏ tại Hà Nội trong

"Dậy thôi các con, dậy thôi còn đi vào bản".

Lũ trẻ dụi mắt nhìn đồng hồ, mới có 4:30 sáng. Không quen với cái lạnh sáng sớm tại huyện Sìn Hồ, Lai Châu; Dũng, Châu, Thư cùng các bạn co ro trong chăn một lúc rồi mới chui ra khỏi phòng. Lẽ ra hôm nay là Chủ nhật, các em sẽ được ngủ "nướng". Tuy nhiên, những người bạn nhỏ hôm nay sẽ có một hành trình đặc biệt; tới thăm một điểm trường bản để chuẩn bị cho giải chạy sắp tới do chính các em tổ chức.

Từ Hà Nội tới Sìn Hồ: Những đứa trẻ “cõng chữ lên núi” và lời hứa về một ngôi trường cho trẻ em vùng cao - Ảnh 1.
Từ Hà Nội tới Sìn Hồ: Những đứa trẻ “cõng chữ lên núi” và lời hứa về một ngôi trường cho trẻ em vùng cao - Ảnh 2.

Một ngày của Minh Châu - cô bé 10 tuổi và cũng là một trong những thành viên nhỏ tuổi nhất trong đoàn thường bắt đầu vào 6:30 sáng. Sau khi đánh răng rửa mặt xong, bữa sáng đã được mẹ chuẩn bị, bố sẽ chở em tới trường. Trường cô bé cách nhà chỉ vài con đường; với Châu con đường đã trở nên quen thuộc: Vài ngã tư, vài tòa nhà cao tầng và rất đông xe cộ hòa vào dòng người buổi sáng. Chiều bố sẽ lại đón em về, thỉnh thoảng chở đi ăn kem hay đi nhà sách. Cuộc sống của những đứa trẻ thành thị cứ trôi qua như vậy trong êm đềm.

Trong ánh mắt ngời sáng của Châu, cô bé chỉ có thể tưởng tượng ra cuộc sống của trẻ em vùng núi cao Lai Châu qua những từ ngữ đơn giản: "Con nghĩ rằng cuộc sống của các bạn vất vả và thiếu thốn hơn chúng con, các bạn phải đi học xa nữa". Nếu hỏi Châu rằng con biết xa bao nhiêu không, Châu chỉ ước chừng được vài cây số, như quẩn quanh trong Hà Nội.  

Khoảng cách tới với con chữ của trẻ em vùng cao, chắc phải tính bằng quả đồi, sườn núi. Rời ánh đèn đô thị, Minh Châu cùng các bạn đã quyết định lên thăm một điểm trường tại xã Nậm Hăn, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu để thực sự hiểu hơn về cuộc sống khó khăn của các bạn nhỏ nơi vùng cao với mong ước có thể giúp học sinh nghèo nơi đây phần nào. Hành trình "cõng con chữ lên non" của các bạn bắt đầu từ đấy…

"Bọn con đã chuẩn bị rất nhiều thứ cho chuyến thăm điểm trường Lai Châu. Ngoài việc lên kế hoạch cho các trò chơi cho các bạn nhỏ,  con và các bạn cùng nhau chuẩn bị quà cho mọi người nữa. Nhóm truyền thông của con đã chuẩn bị những tờ báo cười vui, có bạn chuẩn bị màu vẽ, có bạn chuẩn bị một ít đồ chơi, chị Bống "chè bưởi" chuẩn bị nhiều vở cho các em".

Đó là những món quà đầu tiên của Châu và các bạn đến tay các em nhỏ tại Lai Châu. Tuy nhiên, ấp ủ tổ chức đường chạy Apax Happy Run để quyên tiền "đưa con chữ lên vùng cao", có lẽ điều các em mong muốn thực hiện lớn lao hơn thế rất nhiều so với độ tuổi mới lên 10 của các em.  

Từ Hà Nội tới Sìn Hồ: Những đứa trẻ “cõng chữ lên núi” và lời hứa về một ngôi trường cho trẻ em vùng cao - Ảnh 4.

Tiếng gà gáy vang khắp hủm, Lý Xuân Nghiêm, cậu bé 12 tuổi người dân tộc Dao thức dậy như bao đứa trẻ trong bản. Học muộn một năm nên giờ Nghiêm mới học lớp 5. Sau bữa sáng đơn giản với cơm hoặc cháo, bố đèo Nghiêm bằng xe máy xuống xã học. Tuy nhà cách trường chỉ khoảng 12km thôi nhưng hai bố con phải mất cả tiếng đồng hồ, băng qua những con dốc đầy đá hộc, những con đường sạt lở hay bùn sình sau một trận mưa đêm. Nghiêm kể rằng có những hôm xe hỏng, hai bố con lại phải lùi lũi dắt bộ. Em ở trường dưới xã cả tuần, đến cuối tuần bố sẽ đón về.

Có đường, có điện, có xe máy, con đường đến trường tuy đã dễ dàng hơn ngày xưa nhưng vẫn còn lắm gian nan, thiếu thốn đủ bề. Các em nào biết tới nhà sách, rạp chiếu phim hay đồ ăn nhanh là gì. Trên những triền đồi, chỉ có nắng gắt và tiếng lũ trẻ nô đùa.

Điểm trường mà nhóm học sinh Hà Nội tới thăm thuộc bản Nậm Lốt, xã Nậm Hăn, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Từ huyện Sìn Hồ, Minh Châu và các bạn phải đi hơn 3 tiếng đồng hồ trên xe ô tô và đi bộ thêm khoảng một cây số nữa mới vào tới điểm bản. Cả xã Nậm Hăn chỉ có 1 trường tiểu học và 1 trường trung học cơ sở nằm ở trung tâm xã; mỗi điểm bản có một ngôi trường nhỏ với 2 phòng học ọp ẹp, dột nát, chỉ cho học sinh lớp một và lớp hai học. Muốn học lên cao hơn, các em phải đi xuống xã cách xa cả vài chục cây số.  

Từ Hà Nội tới Sìn Hồ: Những đứa trẻ “cõng chữ lên núi” và lời hứa về một ngôi trường cho trẻ em vùng cao - Ảnh 5.

Cô Vũ Thị Lan Hương là một giáo viên người Yên Bái lên và hiện đang dạy ở trường tiểu học xã Nậm Hăn. Gắn bó với xã Nậm Hăn đã 11 năm cũng là ngần ấy năm theo nghề dạy học, cô Hương chia sẻ rằng ở đây toàn học sinh dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Dao và người Khơ Mú nên việc giao tiếp gặp khó khăn. Cơ sở vật chất cũng không đầy đủ cho hoạt động dạy và học của cô trò. Ngôi trường ọp ẹp của bản Nậm Lốt còn là ngôi trường mới do nằm ở vị trí xa nên được ưu tiên xây trước. Trước đây khi chưa có trường, cô Hương và các em học sinh còn phải ngồi dưới sàn của các gia đình trong bản để học lấy cái chữ.

"Mọi năm vào tầm này gió lốc vào, các học sinh và thầy cô phải chui hết xuống gầm bàn để tránh bão. Thường vào mùa nương, các em hay nghỉ học nhiều nên giáo viên và ban giám hiệu phải tới từng nhà vận động. Khổ nhất là những ngày trời mưa, chúng tôi phải đi bộ và đẩy xe tận ngoài đường cái cách đây mấy km. Bản Nậm Lốt có hai giáo viên cho hai lớp, ở xã thì có khoảng 20 giáo viên. Giáo viên chúng tôi phải thuê nhà ở hay làm nhà riêng để cắm bản. Các giáo viên luân phiên nhau cắm bản, lúc thì ở trường xã, lúc thì dạy dưới bản", cô Hương tâm sự. Nhiều lúc cũng nhớ nhà, nhớ con cái nhưng nhiều thầy cô không về được, một phần vì thương lũ học trò nghèo nơi đây. Đa phần các em chỉ học tới hết cấp hai rồi bỏ học.

Em Lý Thị Tâm người Dao 12 tuổi cũng phải xuống dưới xã học lớp năm. Bọn em ở chung một phòng 24 người, chắc vỏn vẹn được 15 m2. Mùa hè thì nóng nên nhiều khi các em phải lên lớp ngủ cho mát. Hiểu nỗi vất vả của những người gieo con chữ và thương bản làng mình nghèo, Tâm hay Nghiêm đều nuôi ước mơ được trở thành cô giáo.

"Em muốn trở thành cô giáo, cô giáo dạy môn tập làm văn", Tâm rụt rè trả lời.

"Em muốn làm giáo viên dạy Toán vì em thích môn Toán nhất", Nghiêm nói.

Giữa sự khác biệt về ngôn ngữ và hoàn cảnh sống, Nghiêm, Tâm vẫn có những điểm chung với Minh Châu, Anh Thư: Ước mơ giản dị mà cao đẹp cho cuộc sống này. Nơi rừng sâu xa thẳm, ánh sáng tri thức vẫn thôi thúc các em, rọi soi con đường tới trường.

img
img
img
img
img
img
img
img
img
img

Từ Hà Nội tới Sìn Hồ: Những đứa trẻ “cõng chữ lên núi” và lời hứa về một ngôi trường cho trẻ em vùng cao - Ảnh 7.
Từ Hà Nội tới Sìn Hồ: Những đứa trẻ “cõng chữ lên núi” và lời hứa về một ngôi trường cho trẻ em vùng cao - Ảnh 8.

Những người dân tại bản Nậm Lốt đã chờ cả buổi sáng để đón đoàn các bạn học sinh Hà Nội xuống. Họ háo hức mặc quần áo mới, tụ tập quanh khoảng sân trường nhỏ xíu để xem những màn biểu diễn múa hát, giao lưu và tặng quà cho học sinh nơi đây. Có nhiều đoàn thiện nguyện từng tới xã Nậm Hăn nhưng không mấy ai xuống hẳn bản. Bố mẹ các em lúc đó đã phải vất vả đưa các con xuống trường giao lưu, nhiều khi phải đợi từ sáng tới chiều.

Sau chương trình giao lưu, Dũng cùng các bạn tiếp tục giúp những bạn học sinh tại trường bản học vẽ và học tiếng Anh đơn giản.

"Vì chưa quen nên các bạn còn khá rụt rè. Nhưng một lúc sau mọi người đều nhiệt tình và giơ tay nhiều hơn ạ", Dũng chia sẻ.

Trong lớp vang lên những tiếng giảng bài, tiếng cười nói của người dân địa phương đứng quanh lớp học; bên ngoài sân, nhóm của Châu, Anh Thư có những cuộc trò chuyện gần gũi hơn với một vài bạn học sinh. Bên hiên căn nhà gỗ, Châu ngồi trò chuyện với Tâm.

"Cậu mong muốn điều gì nhất?".

Vẫn với giọng nói lí nhí vì ngại và không sõi tiếng Kinh, Tâm trả lời: "Mong có trường mới khang trang hơn, có sách vở học".

Những mong mỏi đó không chỉ của riêng Tâm, Nghiêm mà của toàn bộ các thầy cô ở xã và bản Nậm Lốt. Người dân bản nơi đây có thể sống thiếu điện, thiếu nước, bồ thóc đôi khi không đầy nhưng ai cũng mong mỏi cho con cái mình có thể học hành tới nơi tới chốn. Để những mùa mưa gió, thầy trò không phải lấy chậu ra hứng, trốn dưới gầm bàn và những ngày hè không còn những tia nắng rọi khắp phòng qua những tấm ván ọp ẹp. Ngôi trường nhỏ nơi cuối con đường như điểm sáng của cả bản, với bao hy vọng và ước mơ về một lương lai cho lũ trẻ nơi núi rừng Tây Bắc.  

Từ Hà Nội tới Sìn Hồ: Những đứa trẻ “cõng chữ lên núi” và lời hứa về một ngôi trường cho trẻ em vùng cao - Ảnh 9.

Minh Châu, Hoàng Dũng, Anh Thư và tất cả các em nhỏ trong nhóm lãnh đạo nhí của Apax Happy Run 2019 có lẽ đã hiểu hơn phần nào về khoảng cách từ nhà tới trường của trẻ em vùng cao. Đó là một quả đồi, một con đường đèo, những khoảng cách địa lý không dễ gì xóa bỏ. Ngôi trường, vốn là điều tất yếu trong cuộc sống của Châu hay Dũng lại là điều xa xỉ với nhiều em nhỏ vùng cao, chưa nói gì tới việc đi học thêm tiếng Anh, đi nhà sách hay công viên cuối tuần. Và quan trọng hơn, các em đã biết mục tiêu của mình cho đường chạy Happy Run sắp tới là gì.

Một ngôi trường khang sang hơn, sạch sẽ hơn cho học sinh bản Nậm Lốt.

Rời Nậm Lốt, rời Sìn Hồ khi mặt trời vừa lên cao, chuyến xe đưa các bạn trở về Hà Nội mất tới 15 tiếng đồng hồ. Trên xe lúc này không còn cồng kềnh những món quà, thùng hàng cho các bạn nhỏ dân tộc nhưng có một thứ "nặng nề" hơn đang chất chứa trong lòng lũ trẻ.

Lời hứa về một ngôi trường! Nhất định sẽ trở lại.