Còn vài km cuối cùng, con nhỏ gắng chạy. Cái nắng chói chang của một buổi sáng mùa hè như làm chùn chân bất cứ ai tham gia đường chạy bán marathon 21km này. Nó muốn bỏ cuộc, không phải vì ý chí kém mà cơ thể có vẻ như đang hơi quá sức chịu đựng. Con nhỏ nghĩ đến chuyện hôm qua mà tức; lúc đang chạy về nhà thì xe hư, chết máy giữa đường, chiếc xe đằng sau không để ý lao thẳng vào đuôi xe nó. Sẽ chẳng có vấn đề gì xảy ra nếu gã kia không lườm nó rồi phán câu xanh rờn:
“Bán xăng cho phụ nữ làm gì cơ chứ. Không biết cũng bày đặt đi xe cub”.
Nó tức, nhưng không nói được gì thì gã đã mất hút. Đến tối về cơm, con nhỏ kể chuyện ngày hôm nay đi thi chạy cho bố nghe, chẳng ngờ bị bố nạt cho trận.
“Con gái 25 tuổi, lấy chồng không lo, chạy 21km làm gì để hành xác! Vớ vẩn”. Là thế đấy.
Nó vuốt mồ hôi trán, không lấm tấm mà tuôn như suối, nghĩ đến 2 cái chuyện hôm qua vẫn còn tức anh ách. 3km, 2km, rồi còn 500m nữa thôi. Con nhỏ cố hết sức, đích sắp tới mà nó chóng mặt lắm rồi, cảm giác muốn ngã qụy. Vừa vượt qua vạch đích phát, nó ngã quỵ thật. Đám người 2 bên đường đổ ra, nhìn ai đó bế vào trong. Từ từ nhắm mắt lại mà con nhỏ vẫn nghe tiếng văng vẳng…
“Con gái mà ham hố thi chạy làm gì cơ chứ?”
“Chạy làm sao được, ngất là phải, khổ chưa”
Chẳng ai đoái hoài việc nó vừa hoàn thành một chặng đường gian nan, điều mà nếu vài năm trước đây, nó cũng tự nghĩ: “Con gái, làm sao mà làm được…”.
Câu chuyện của cô gái không tên trên, cũng như bao bạn gái khác khắp Việt Nam có lẽ không phải điều hiếm gặp. Những tưởng cái thời “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” đã đi qua, sự lạc hậu, cổ hủ đã lùi vào dĩ vàng thì phụ nữ sẽ có thể tự do, thoát khỏi cái khuôn mẫu của “công dung ngôn hạnh” như “trói” phụ nữ bằng sợi dây vô hình nhưng kỳ thực, định kiến với phụ nữ vẫn còn là điều phổ biến trong xã hội hiện đại. Từ cái vết hằn ăn sâu trong suy nghĩ của mọi người ngay từ khi con nhỏ, phụ nữ bị ràng buộc trong những quy chuẩn của xã hội, gia đình - đâu đó đã trở thành luật bất thành văn mà dần dần chính bản thân người phụ nữ cũng tự nghi hoặc bản thân: Hay là mình chỉ làm được tới vậy?
Định kiến với phụ nữ chẳng trừ một chỗ nào cả, trong thể thao, người ta nói phụ nữ đá bóng làm sao được, trong kinh doanh phụ nữ nắm doanh nghiệp thì bị nói là không ai phục, rồi phụ nữ trên chính trường, làm sao mà thành công? Dẫu có phát triển như nào, người ta vẫn thấy dấu chân của định kiến ở khắp nơi, may ra chỉ trừ góc bếp nếu cô gái đó biết nấu ăn.
Kỳ thực, có vô vàn thứ phục trang đẹp để ướm lên một người phụ nữ nhưng người ta lại thích kết một chiếc váy từ những “chiếc mác” vô hình rồi bắt phụ nữ mặc. Kia là một tờ “không lái xe”, đây có tờ khác ghi “phụ nữ là yếu đuối”. Nếu nhìn nhận theo khoa học, những người phụ nữ có 2 nhiễm sắc thể X trong khi nam giới chỉ có 1X và 1Y. Nhiễm sắc thể X lớn hơn và có nhiều gen hơn nhiễm sắc thể Y nên hệ miễn dịch ở phụ nữ cũng được tăng cường. Yếu ớt hơn nam giới? Nếu còn nghĩ thế, hãy thử xem tuổi thọ của phụ nữ đi và bạn sẽ thấy.
Có một thế giới hoạt hình Disney mà bao bé gái luôn ngưỡng mộ vì ở đó có những cô công chúa sẵn sàng vượt qua những định kiến của xã hội để khẳng định chính mình; một Mulan dám làm những việc tưởng chỉ dành cho nam giới hay cô công chúa tóc mây vượt qua vùng an toàn của bản thân. Thế giới đó không hề xa vời hay mộng tưởng; đã có nhiều người phụ nữ dám gỡ bỏ những chiếc “mác” vô hình trên người và bứt phá thành công với cuộc đời của mình.
Mỗi phụ nữ là một cái tôi độc lập, cá tính và họ không phải là những mặt hàng, đồ vật để mặc định bị gắn mác, an phận với những gì người khác sắp đặt. Bứt ra ngoài những định kiến, họ tiềm tàng nội lực để vượt qua thử thách, “dám làm điều phi thường” (#damlamdieuphithuong) và tạo nên thành công của riêng mình.
Khi bạn đi ngược với đám đông, xã hội sẽ nhìn bạn như một kẻ lập dị, còn khi một người phụ nữ đi ngược với quy chuẩn của xã hội, người ta sẽ nhìn cô bằng con mắt mỉa mai, chê trách hay cả khinh thường. Nhưng rõ ràng chẳng có thành công nào mang dấu chân của cả đám đông khi đỉnh vinh quang chỉ có một. Nếu muốn tự khẳng định chính mình, phụ nữ phải dám đi ngược lại những quy chuẩn áp đặt và khẳng định bản thân mình.
Con đường ấy chẳng những không phủ hoa hồng, người ta còn sẵn sàng ném thêm chướng ngại và nhìn bạn gục ngã. Vượt lên tất cả nghịch cảnh, nhiều người phụ nữ đã thực sự làm nên kỳ tích trong cuộc sống và sự nghiệp của bản thân, tạo nên điều phi thường và trở thành hình mẫu cho các cô gái trẻ học tập. Thành công ấy không đo đếm bằng số tiền kiếm được, vị trí mơ ước họ nắm giữ mà bằng sự can trường vượt lên trên định kiến của xã hội.
Cách đây 3 năm, khi tạp chí Forbes công bố danh sách top 30 người trẻ dưới 30 thành công trong năm 2015, những người làm truyền thông không lạ gì với cái tên Thi Anh Đào hiện đang là giám đốc điều hành của Isobar Việt Nam, thuộc Dentsu Aegis Network. Hình ảnh Thi Anh Đào gắn liền với một người phụ nữ bản lĩnh, tiên phong, dám thử những cái mới khi mà truyền thông ở trong nước vẫn là điều gì đó còn xa lạ với nhiều người, nhất là mảng tiếp thị số (digital marketing). Khởi nghiệp từ khi mới 24 tuổi với công ty Emerald, cô gái trẻ từng du học Anh cho biết con đường ấy không hề dễ dàng như mọi người tưởng. Khi thị phần ngày càng có nhiều đối thủ cạnh tranh, nữ CEO trẻ tuổi đã phải nỗ lực thực sự để giành chỗ đứng trong thị trường. Gian nan là thế, chưa bao giờ cô gái trẻ này có ý định bỏ cuộc. Như Đào từng chia sẻ, đôi khi nghịch cảnh lớn nhất không phải là những gì xảy ra với mình, mà là mình chọn làm gì, là ai trong những nghịch cảnh đó.
Cũng có nền tảng giáo dục tốt và thành công từ sớm, Lê Diệp Kiều Trang là cái tên xuất hiện nhiều trên các trang báo hồi đầu năm 2018 khi trở thành CEO Facebook tại Việt Nam. Câu chuyện của Lê Diệp Kiều Trang được nhiều người nhận định là chuyện “người giàu vượt khó” - sinh ra trong một gia đình có truyền thống kinh doanh , Kiều Trang phải nỗ lực để làm sao khẳng định được bản thân mình, thoát khỏi cái bóng của gia đình. Bước ra khỏi trường đại học Oxford danh giá, Kiều Trang vào làm việc tại tập đoàn tài chính Mc Kinsey nhưng rồi cũng từ bỏ để về Việt Nam thành lập Misfit Wearables cùng chồng - startup được bán với giá 260 triệu USD vào năm 2015. Không chấp nhận dậm chân tại chỗ, nữ CEO 38 tuổi của Facebook Việt Nam đã không ngừng nỗ lực và khẳng định chỗ đứng của mình. Nhưng có lẽ trên tất cả, người ta sẽ phải nhìn nhận Kiều Trang không chỉ là một “tiểu thư nhà giàu” mà là một phụ nữ tài năng, bản lĩnh thực sự.
Khác với Kiều Trang hay Thi Anh Đào, Tú Phượng là đại diện của thế hệ 9x năng động và trẻ trung. Tuy không có cơ hội được đi du học hay sinh ra trong một gia đình có truyền thống kinh doanh, Tú Phượng đã biết tận dụng những cơ hội mình có, tiếp cận với một lĩnh vực mới mẻ và mở hướng đi cho riêng mình. Không ai có thể nghĩ rằng, METUB Network - 1 trong 4 công ty đối tác của Youtube tại Việt Nam lại được điều hành bởi một cô gái 25 tuổi. Vào thời điểm cách đây vài năm, một dịch vụ tư vấn, hỗ trợ cho các kênh YouTube về cách xây dựng nội dung, kiếm tiền hoặc bán hàng… như METUB gần như chưa xuất hiện tại Việt Nam. Khi mọi thứ đều mới mẻ, kinh nghiệm cũng không quá nhiều và mọi điều kiện khác đều hạn hẹp, cô gái trẻ Tú Phượng đã không ngừng phấn đấu để đưa METUB có được chỗ đứng như ngày hôm nay và ghi tên mình trong danh sách Forbes under 30 Việt Nam 2018.
Với những người làm trong ngành tài chính, cái tên Thái Vân Linh - giám đốc chiến lược của quỹ đầu tư VinaCapital hẳn không còn xa lạ. Xuất hiện trong chương trình Shark Tank Việt Nam, nữ doanh nhân thành công này được nhiều người biết tới hơn. Làm trong ngành tài chính với phần đông nam giới, Shark Linh hiểu rõ những định kiến xã hội mà mình phải vượt qua. Người ta thường cho rằng, chỉ nam giới mới làm chủ được những con số nhưng trên thực tế, rất nhiều người phụ nữ cũng không kém cạnh trong lĩnh vực này. Không phải cứ nhiều người nói rằng phụ nữ không hợp với tài chính thì điều đó là đúng. Có lẽ, sự thành công của Thái Vân Linh chính là nguồn cảm hứng cho phụ nữ bước vào con đường vốn thường trải hoa hồng cho nam giới này.
Nếu như những cái tên như Tú Phượng, Thi Anh Đào, Thái Vân Linh chỉ được một bộ phận đam mê công nghệ hay tài chính biết tới thì có lẽ Đào Chi Anh lại là một câu chuyện khác - một nữ doanh nhân dám thử thách rồi lại vươn mình từ thất bại, người phụ nữ với phong cách và lối sống đã truyền cảm hứng cho một thế hệ trẻ Việt Nam.
Tháng 10/2015, cái tên Đào Chi Anh gây sốt trên các mặt báo khi cô gái trẻ này đã gọi thành công khoản vốn 5,5 triệu USD cho chuỗi cửa hàng chuyên phục vụ đồ ăn Á-Âu KAfe Group. Liên tiếp thời gian sau đó, người ta nhắc tới Chi Anh không chỉ trên cương vị một doanh nhân thành công mà còn là một người phụ nữ trẻ hiện đại, tiên phong với lối sống “ăn sạch” với cuộc sống luôn tràn đầy năng lượng. Đến khi The KAfe đóng cửa cũng như Chi Anh rời vị trí CEO của KAfe Group, ai cũng nghĩ rằng, có lẽ Chi Anh sẽ quay lại với một công việc an nhàn hơn, ít chông chênh hơn như khi cô còn ở Singapore. Nhưng trái lại, cô lại quyết tâm làm lại từ đầu với công việc kinh doanh mới, ngã ở đâu đứng dậy ở đó và không bao giờ nản lòng. Viết về Chi Anh, người ta có thể ra hàng ngàn câu quote, bài học cho những người phụ nữ trẻ. Cô tâm niệm rằng: “Bạn phải liều nhiều lần thì mới có thể đúng một lần. Sẽ có lựa chọn làm bạn thất vọng, nhưng có những lựa chọn sẽ trở nên tuyệt đẹp”.
“Bạn cần vững vàng đi trên con đường mình đã chọn và không bị chi phối bởi những thứ xung quanh. Nếu bạn để ý quá nhiều, bạn sẽ bị rơi vào một cái guồng đối phó, tấn công lại những lời chê của thiên hạ, và vô tình phải chạy theo con đường của người khác”, Chi Anh từng chia sẻ. Nghĩ được như vậy đã là một thành công của Chi Anh khi mà giờ đây với nhiều cô gái trẻ, cuộc sống của họ lại nằm trong tay của xã hội và những định kiến giới không có hồi kết.
Những người theo chủ nghĩa hiện sinh tin rằng cuộc sống luôn có lựa chọn; thay vì ngồi yên một chỗ, ru bản thân ngủ vùi trong những luận điệu của xã hội, bạn có thể bứt ra khỏi định kiến cố hữu, vượt qua khỏi cái bóng quá lớn của mọi người xung quanh và đặc biệt là của bản thân mình để vươn tới thành công; cuộc sống là vậy, nếu Chi Anh không vượt qua được con số 5,5 triệu USD, không qua được cái bóng của thất bại, liệu cô có thể đứng dậy một lần nữa?
Đã bao giờ bạn tự hỏi, điểm khác biệt của những người phụ nữ thành công và những người phụ nữ chưa thành công không?
J.K Rowling đã bị từ chối 12 lần trước khi cuốn sách của cô được xuất bản và trở thành hiện tượng toàn cầu. Nếu J.K không thử, có lẽ giờ cô vẫn đang ở đâu đó, làm một công việc văn phòng không ai biết.
Oprah Winfrey đã bị đuổi việc và giám đốc nói rằng “Cô không hợp với truyền hình đâu”, để rồi sau hơn 30 năm bà đã trở thành một biểu tượng truyền thông của thế giới.
Katy Perry đã từng bị hủy hợp đồng với 3 hãng thu âm, album đầu tiên của cô chỉ bán được 200 bản.
Phụ nữ thành công nhìn nhận thất bại chỉ mang tính tạm thời; họ không ngừng cho bản thân thêm cơ hội đột phá và tiến tới, cứ nỗ lực thêm chút nữa, thử thách chính mình để rồi nhận ra rằng mình có thể làm được điều phi thường. Nếu chúng ta không cho mình cơ hội thì có khác gì việc chấp nhận những định kiến xã hội ấy là đúng? Muốn xã hội và mọi người xung quanh nhìn nhận mình theo cách khác, bản thân mỗi người phụ nữ phải có niềm tin vào bản thân mình. Thi Anh Đào, Lê Diệp Kiều Trang, Tú Phượng, Thái Vân Linh hay Đào Chi Anh đều là những cái tôi khác biệt và không giới hạn bản thân mình trong những chiếc áo gò bó của định kiến. Điều quan trọng không nằm ở xã hội nghĩ gì về bạn mà nằm ở việc bạn tự nghĩ gì về chính mình, bạn có đủ can đảm, có “dám” làm những điều kỳ diệu ấy hay không.
Hơn 3 tỷ phụ nữ trên hành tinh, hơn 40 triệu phụ nữ tại Việt Nam, họ có cuộc sống khác nhau, vấn đề khác nhau nhưng trong ai cũng tồn tại một nghị lực phi thường, ước mơ được bứt ra khỏi những khuôn mẫu. Một chiếc áo không làm nên thầy tu và những chiếc “mác” vô hình cũng không định hình một người phụ nữ - không có cái gì là “phụ nữ phải thế”. Có lẽ đã đến lúc, chúng ta nên ngừng viết về thành công từ góc nhìn của nam giới, hãy để phụ nữ tự viết lên câu chuyện thành công của riêng mình. Thành công không gói gọn trong một công việc tốt, sự giàu có hay thành đạt. Đó đơn giản chỉ là khi những người phụ nữ dám vượt qua khuôn mẫu của xã hội, bứt ra khỏi những giới hạn bó buộc tiềm năng của họ, theo đuổi điều mình thích và làm nên những điều phi thường trong cuộc đời.
Phi thường (danh từ): Là khi bạn dám vượt qua những định kiến của xã hội và trên hết, vượt qua nỗi sợ của bản thân để làm điều khác biệt.