“Đôi mắt xanh non” là đôi mắt nhìn đời bằng những cảm xúc nguyên sơ và chân thành nhất, không toan tính, vụ lợi. Đó có thể là đôi mắt con người nhìn cuộc đời, cũng có thể là đôi mắt muông thú khi nhìn vào rừng xanh. Nếu giữ được mọi “đôi mắt xanh non”, ta sẽ duy trì được trạng thái cân bằng, hài hoà giữa nhân sinh...

Tình trạng "xuống cấp" của môi trường tự nhiên và nạn săn bắt động vật hoang dã trái phép đang lấy đi của muông thú những "đôi mắt xanh non". Trivet là chú mèo rừng đang "kiêm nhiệm" vai trò đại sứ giáo dục của Save Vietnam’s Wildlife - một tổ chức bảo tồn động vật hoang dã. Nhìn đôi mắt hiền lành của Trivet, ít ai biết rằng anh bạn đã từng trải qua câu chuyện đầy đau lòng trong quá khứ.

Theo Save Vietnam’s Wildlife, Trivet là nạn nhân của một vụ săn bắt động vật hoang dã trái phép. Anh bạn được người dân đưa đến phòng khám trong tình trạng bàn chân dính bẫy. Trải qua hơn 4 tháng được chữa trị và phục hồi trong điều kiện tốt nhất, Trivet đã lấy lại thể trạng và tinh thần khỏe mạnh, song khả năng sinh tồn hoang dã của anh bạn đã không còn nữa. Trivet vĩnh viễn mất đi bàn chân, không thể trở về sinh sống tại rừng. Từ khu bảo tồn, anh bạn chỉ có thể đưa ánh nhìn xa xăm về đại ngàn. Màu xanh trong đôi mắt của người bạn mèo mãi không còn nguyên vẹn.

Trao lại rừng, trả lại đời “những đôi mắt xanh non” - Ảnh 1.

Trivet là đại diện cho rất nhiều câu chuyện đau thương của những cá thể hoang dã. Giữa bao la núi rừng, hàng trăm chiếc bẫy cắm ở mọi lối đi, những "em bé" thú còn nhỏ đã mồ côi hoặc bị bắt đi xa đàn, những bạn thú trưởng thành bị mất con. Vết thương không chỉ hằn lên da thịt mà còn ghim sâu vào tâm trí. "Đôi mắt xanh non" của chúng bị mờ đi bởi nỗi sợ hãi, cô đơn và tuyệt vọng. Có những đôi mắt tội nghiệp đã chẳng thể ngắm nhìn màu xanh, đón ánh mặt trời một lần nào nữa…

Những đôi mắt hoang dã khép lại, mở ra một câu hỏi lớn: Con người đang nhìn muông thú bằng ánh mắt thế nào?

Nhiều người dân tin vào giá trị y học của động vật hoang dã dẫu không có chứng minh khoa học đầy đủ. Một bộ phận người săn bắt thú rừng để bán với giá rất cao, chế biến thành những của ngon, vật lạ, phục sức phù phiếm. Giá trị tự nhiên, cảm xúc của những con thú vô tội bị phớt lờ. Dưới đôi mắt mờ đục bởi lòng tham và sự vô tâm của một số người, những sinh thể rừng chỉ là một món hàng để thoả mãn nhu cầu sử dụng. Liệu có một phương thức nào để chúng ta có thể "hoá xanh" màu mắt cho cả con người lẫn những người bạn rừng hay không?

Trao lại rừng, trả lại đời “những đôi mắt xanh non” - Ảnh 2.


Trao lại rừng, trả lại đời “những đôi mắt xanh non” - Ảnh 3.

Dẫu thực trạng đau lòng, nước ta vẫn còn nhiều người dân lành giữ cho mình đôi mắt sáng trong và trân quý dành cho thiên nhiên. Họ nhìn thấy từ thiên nhiên những nét đẹp hoang sơ mà gần gũi, thấy được màu xanh bát ngát ánh lên trong cái nhìn hiền lành của thú rừng. Nhưng tận sâu trong mắt họ, những nỗi niềm trước tình trạng động vật hoang dã bị tổn thương do săn bắt trái phép vẫn đau đáu khôn nguôi.

Những ai quan tâm đến Hồ Gươm, đặc biệt là những người con của thủ đô hẳn sẽ đều biết đến cái tên Hà Đình Đức - vị Phó Giáo sư được ví như "đứa con của Cụ Rùa". Thế nhưng, cuộc đời nghiên cứu của PGS.TS Hà Đình Đức không chỉ có mỗi hình bóng của Cụ Rùa. Ông còn từng khảo sát và đưa ra chương trình bảo vệ cho loài bò xám, nghiên cứu cả khu hệ động vật của Vườn Quốc gia Bến En (Thanh Hoá), tham gia khởi thảo về Trung tâm Cứu hộ các loài linh trưởng quý hiếm Cúc Phương và Dự thảo Dự án Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn.

PGS.TS Hà Đình Đức dường như chẳng mấy khi trình bày nỗi đau đáu về sự an nguy của động vật hoang dã qua lời ông nói. Trái lại, ông thể hiện bằng hành động, bằng những năm tháng miệt mài gõ cửa chính quyền với từng chương trình bảo vệ những người bạn hoang dã. Đến độ dù tuổi đã ngoài 80, PGS.TS Hà Đình Đức vẫn giữ cho mình một "đôi mắt xanh non", ôm ấp tình cảm thanh thuần cho muông thú như "ôm tròn trái đất". Thậm chí, Phó Giáo sư vẫn tiếp tục nghiên cứu, dõi theo hành trình bảo tồn thú rừng với đôi mắt chẳng bao giờ mỏi.

Trao lại rừng, trả lại đời “những đôi mắt xanh non” - Ảnh 4.

Nếu PGS.TS Hà Đình Đức là đại diện cho hành động bảo vệ động vật của thế hệ trước, nhà bảo tồn Nguyễn Văn Thái - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Save Vietnam’s Wildlife, là gương mặt tiêu biểu với tình yêu bao la dành cho thú rừng của thế hệ hôm nay. Có lẽ tạo hóa đã xếp đặt cho anh mối lương duyên với thiên nhiên từ những ngày anh còn nhỏ. Nhà anh ở xã Văn Phương, huyện Nho Quan, ngay gần bìa rừng. Anh Thái sớm cảm nhận được mùi thơm của đất, hơi thở của cỏ cây, sức sống của tự nhiên và coi rừng như một người bạn tri kỷ.

Trao lại rừng, trả lại đời “những đôi mắt xanh non” - Ảnh 5.

Anh Thái vẫn nhớ như in lần đầu thấy cảnh 2 mẹ con tê tê ôm nhau, tê tê mẹ cuộn tròn bảo vệ tê tê con. Khi đó, anh chỉ mới 10 tuổi, chỉ thấy lòng mình có những cảm thương rất nhẹ. Nhưng như ly nước được đong đầy, càng chứng kiến, sự thương cảm của anh càng tăng lên, nỗi khắc khoải để bảo vệ giống loài này ngày càng lớn. Từ suy tư hoá thành hành động. Từ bìa rừng xa xôi, anh nỗ lực tìm mọi cách để được tiếp cận những tri thức về rừng và động vật hoang dã. Rồi anh chọn bảo tồn động vật hoang dã là sự nghiệp và mục tiêu trọn đời mình.

Với một đôi mắt hừng hực nhiệt huyết, anh Thái không chỉ tập trung vào công việc mà còn mong muốn lan toả tình yêu thiên nhiên đến cộng đồng. Anh Thái chia sẻ niềm khao khát người khác cũng có những "đôi mắt xanh non", nhìn thú rừng với tất cả vẻ đẹp và giá trị tự nhiên của nó, hoàn toàn không nên là giá trị vật chất, phục vụ cho những nhu cầu phù phiếm của con người.

Trao lại rừng, trả lại đời “những đôi mắt xanh non” - Ảnh 6.

Một trong những hoạt động quan trọng của công tác bảo tồn động vật hoang dã là tái thả thú về rừng. Trong quá trình sống ngoài tự nhiên, những "đứa con" của rừng có thể gặp phải tổn thương do cạnh tranh giữa các loài, bị ốm hoặc bị săn bắt. Chúng được cách ly tại các cơ sở cứu hộ, được chăm sóc và phục hồi khả năng sinh tồn để có thể về lại trong vòng tay che chở của mẹ thiên nhiên. "Tái hoang dã" là cuộc đoàn tụ đầy yêu thương giữa thú rừng với môi trường sống, là lúc đôi mắt những người bạn rừng tìm lại được màu "xanh non".

Suốt 8 năm qua, trong vai trò người dẫn dắt Save Vietnam’s Wildlife, anh Thái cùng tổ chức của mình đã thực hiện 354 chuyến giải cứu, trực tiếp cứu hộ 2,360 cá thể động vật hoang dã mà trong đó, có đến 1,633 cá thể tê tê. Tiếp nối những hoạt động này, Save Vietnam’s Wildlife đã tái thả thành công khoảng 60% số cá thể, mang lại đôi mắt hiền hoà với sắc xanh vô tận của đại ngàn cho những người bạn rừng. Còn đối với PGS.TS Hà Đình Đức, dẫu công việc chính là nghiên cứu để bảo tồn các giống loài, Phó Giáo sư cũng đánh giá tái hoang dã là một trong những hoạt động chính yếu trong nỗ lực duy trì sự đa dạng và bền vững của hệ sinh thái.

Trao lại rừng, trả lại đời “những đôi mắt xanh non” - Ảnh 7.

Những ngày đầu tháng 4 vừa qua, PGS.TS Hà Đình Đức và nhà bảo tồn Nguyễn Văn Thái - hai tâm hồn thuộc hai thế hệ đã hội ngộ, hòa chung một nhịp đập với thế giới tự nhiên tại sự kiện "Những đôi mắt xanh non". Đây là hoạt động tái hoang dã do thương hiệu mỹ phẩm cao cấp Menard phối hợp với Vườn Quốc gia Cúc Phương tổ chức. "Những đôi mắt xanh non" - cái tên đầy chất thơ mà Menard trân trọng đặt cho sự kiện, được gợi cảm hứng từ thi phẩm "Đôi mắt xanh non" của nhà thơ Xuân Diệu. Cái tên vỏn vẹn 5 chữ nhưng bao hàm nhiều tầng ý nghĩa sâu sắc, gói trọn cả những tâm huyết mà thương hiệu có nguồn gốc Nhật Bản dành cho cộng đồng. Đó là mong muốn khơi lại những cảm xúc thanh thuần nhất khi nhìn vào tự nhiên của chính mình và mọi người, là khao khát bảo vệ động vật hoang dã và các giá trị nguyên thuỷ, tiếp nối những hành động tử tế với thiên nhiên.

Trao lại rừng, trả lại đời “những đôi mắt xanh non” - Ảnh 8.

Dù tuổi đã ngoài 80, PGS.TS Hà Đình Đức vẫn thể hiện được sự nhiệt huyết, say mê mà không một người trẻ nào có thể sánh bằng trong suốt quá trình tham gia sự kiện. Ông luôn để ánh mắt mình dõi theo từng bước chân về rừng của muông thú. Còn với anh Nguyễn Văn Thái, dẫu Vườn Quốc gia Cúc Phương đã là nhà, tái thả động vật hoang dã là công việc thường xuyên, anh vẫn không giấu được niềm hạnh phúc khi nhìn những cá thể khỏe mạnh quay lưng, thoăn thoắt tiến sâu vào lõi rừng. Gần 20 năm miệt mài với công tác bảo tồn, anh Thái đã chứng kiến hàng nghìn cá thể động vật được chính tay mình tái thả về tự nhiên. Nhưng cứ mỗi lần nhìn thấy niềm hân hoan ánh lên trong đáy mắt của từng người bạn rừng khi được quay trở về "nhà", anh như được tiếp thêm niềm tin, sức mạnh để bước tiếp hành trình bảo tồn động vật hoang dã. "Cảm giác như bao nhiêu vất vả, khó khăn suốt mấy năm qua chẳng là gì, mình cứ thế mà đi tiếp thôi" - anh Thái xúc động chia sẻ. Có lẽ khi chứng kiến khoảnh khắc bất kỳ một người bạn rừng nào được trở về "nhà" của mình, đôi mắt ai nấy cũng đều hoá màu xanh non. Ấy là sắc màu của sự gắn kết, hoà hợp với tự nhiên, màu của những tâm hồn chan hoà và nhân ái.

Nỗ lực bảo tồn các loài động vật hoang dã bằng những hoạt động thiết thực, nói "không" với việc tiêu thụ, săn bắt động vật hoang dã chính là ta đang trả lại đời, trả lại rừng và cũng trả lại cho chính mình "những đôi mắt xanh non".