Cùng với trào lưu retro nở rộ những năm gần đây, người người nhà nhà tìm về những giá trị xưa cũ. Cũng phải thôi, cái phong vị cổ điển nó hấp dẫn thế cơ mà. Từ thời trang, xe cộ,… đến cách tổ chức đám cưới cũng phải làm theo phong cách 70s-90s mới chịu. Không chỉ là một xu hướng thời thượng, trào lưu retro này như gợi nhớ về một thời kỳ gian khó của đất nước mà ở đó, tình người và những điều lãng mạn giản đơn chính là điểm sáng giúp người ta vượt qua tất cả.
Chúng ta không còn xa lạ gì những bộ ảnh cưới thời xưa được lan truyền trên mạng, nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi đằng sau đó là những câu chuyện thế nào? Hay bạn đã bao giờ nghe bố mẹ kể bố đã gặp mẹ thế nào, "How I met your mother" phiên bản Việt? Tình yêu ở thời kỳ nào cũng thú vị giống nhau. Soi chiếu dưới góc nhìn hiện đại, câu chuyện của thế hệ đi trước chắc chắn sẽ cho chúng ta những lời bài học quý giá. Hãy cùng chúng tôi sống lại những khoảnh khắc xa xưa qua câu chuyện của 3 cặp vợ chồng, theo lời kể của con cháu họ.
"Ông bà ngoại tôi đến với nhau qua mai mối của gia đình. Nhà bà ở ngay sát vách nhà ông, đến tuổi cập kê nghe cha mẹ nói nhà bên có cậu con thứ hiền lành chăm chỉ, đang học tú tài, bà cũng thuận theo. Thời đó cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy mà. Dù là mối duyên sắp đặt nhưng ông bà sống với nhau vô cùng hòa thuận và viên mãn, đến khi già vẫn chăm sóc nhau từng tí một và nói với nhau những lời tình cảm.
Bà kể ngày xưa là con gái lớn, nhà lại đông con nên chỉ được cho đi học đến hết cấp một rồi phải ở nhà lo việc nhà, đi buôn bán. Bà vẫn day dứt về điều đó lắm, cả khi lấy ông rồi. Lần nào đi có việc mà phải qua trường ông là trường Paul Bert (nay là trường Đồng Khánh – Trưng Vương), bà cũng xấu hổ mà che mặt.
Ông thì kể ông nhớ mãi một năm sau khi kết hôn, buổi tối đi dạo ở Bờ Hồ dịp cuối năm, trời sương giá, bà thỏ thẻ với ông là đã mang thai con đầu lòng, ông vô cùng mừng rỡ.
Chiến tranh liên miên, gia đình chia cắt nhiều bận. Ông lúc thì đi lính, lúc thì đi Nga học. Bà ở nhà nuôi 5 con nhỏ và bố mẹ già. Mấy tháng mới được một lá thư về. Có mùa mưa bão chia tay giữa dòng nước, bà lo ông đi, ông lo bà về.
Có những tình cảm như thế: ban đầu ta không phải là người lựa chọn, nhưng đó lại là người dành cho ta cả đời. Ông bà tôi lấy nhau về rồi mới yêu nhau, mới học cách chung sống cùng người kia, nhưng lại lâu bền hơn tất thảy những mối tình tìm hiểu nhau rõ lâu rồi mới cưới bây giờ. Tôi nghĩ một phần vì thời ông bà mình 2 chữ "hôn nhân" thiêng liêng lắm, không nói bỏ là bỏ dễ dàng như bây giờ. Vợ chồng lấy nhau về phải nhường nhịn, tôn trọng, hay thậm chí hi sinh vì nhau, vì gia đình, và nếu có khúc mắc gì thì cùng nhau giải quyết chứ không bỏ cuộc."
"Mẹ anh theo nghề thuốc bắc của gia đình, trước nhà ở phố Lãn Ông. Nói chung cũng tất bật. Bố anh thì bị phổi kinh niên, hay đến bốc thuốc, thế nào "bốc" luôn cả cô thầy thuốc (cười). Nói thì bảo chứ, anh thương mẹ lắm, nhiều lúc tự hỏi sao mẹ lấy bố làm gì. Mẹ hồi trẻ xinh xắn giỏi giang, nghề đông y ông ngoại truyền lại, sau làm ở Viện Y học Cổ truyền cũng thăng tiến tốt. Thế mà lấy bố. Bố anh yếu từ bé, lấy vợ về cũng không khá lên dù mẹ anh rất chăm cho. Rồi mất sớm, anh còn chẳng nhớ được nhiều về bố vì hồi đấy anh còn bé quá. Mẹ anh cứ ở vậy nuôi anh thôi.
Người ta cứ nhìn cái chuyện phụ nữ thủ tiết thờ chồng như một lẽ đương nhiên, còn anh thấy đấy là sự hi sinh to lớn lắm. Người phụ nữ trẻ một mình chăm sóc đứa con, rồi còn nuôi cả bố mẹ mình, cả bố mẹ của người chồng đã mất, em thử nghĩ nó vất vả thế nào. Trong nhà vừa phải làm bố vừa phải làm mẹ, vừa làm trụ cột thay chồng mà vẫn phải đảm đương công việc dâu con. Nên anh thương mẹ lắm.
Anh cứ nghĩ phải yêu nhau tới mức nào để người ta chấp nhận cái rủi ro lớn thế về mình, ở đây là mẹ anh chấp nhận chuyện bố anh ốm yếu ấy. Rồi ngay cả khi vất vả nhất, mẹ cũng không tìm cho mình một bờ vai để nương tựa, để sẻ chia mà lại lựa chọn vượt qua một mình. Anh chỉ mong tìm được người nào yêu anh bằng một nửa mẹ yêu bố mà thôi."
"Bố mẹ mình lấy nhau thời đất nước mở cửa rồi nên mọi thứ cũng dễ dàng hơn. Hồi đấy bố là lái xe đường dài, còn mẹ mình là cô sinh viên trường ĐH Ngoại Ngữ, tính tình cởi mở hiện đại lắm. Mẹ thích đồ Tây, thích những thứ vui vẻ hào nhoáng nên gặp bố hoạt bát hào sảng là "bắt sóng" nhau ngay. Hai người hợp gu, đến cả bây giờ mua sắm đồ đạc gì trong nhà cũng giống nhau lắm. Nhưng hồi đấy ông bà mình phản đối vì sợ bố lái xe, hay đi tỉnh, công việc phức tạp. Thế là bố xin chuyển về lái xe cho các cơ quan để được gần vợ con rồi cũng làm ăn bên ngoài. Nhưng mà nói chung là ông bà mình vẫn không thích vì cho rằng bố "không xứng tầm".
Mãi đến tận bây giờ, sau 2 chục năm lấy nhau và gắn bó khăng khít, bố mới chứng tỏ được cho ông bà rằng mình là sự lựa chọn đúng đắn của mẹ. Bố không chỉ chiều vợ yêu con, mà còn cố gắng để cho mẹ con mình có cuộc sống tốt. Mình thấy rằng, cái chuyện môn đăng hộ đối thời nào cũng có thôi, cái chính là tình yêu của mình có đủ lớn để vượt qua nó. Và mình cũng cảm ơn mẹ mình, vì mẹ tuy là một người vô cùng thực tế nhưng lại tin tưởng và đấu tranh cho tình yêu của mình đến cùng, thế nên mới có mình giờ đây, và mình đã thấy được sức mạnh của tình yêu có thể xóa nhòa mọi khoảng cách."
Bạn thấy đấy, thời nào cũng vậy, tình yêu cũng vẹn nguyên những cung bậc cảm xúc như thế, những khó khăn như thế, chỉ thay đổi bối cảnh xã hội mà thôi. Điều then chốt để có một tình yêu lâu bền là bạn phải hết lòng với tình yêu đó và nghiêm túc với nó.
Hãy cứ yêu hết mình, đi thật nhiều nơi, chụp thật nhiều ảnh, tạo nên nhiều kỉ niệm. Để sau này con cháu bạn có nhiều thứ để hào hứng kể lại: "Hồi đấy ông bà mình…".