"Ai cũng mong cầu đủ đầy trong Tết, đủ đầy tinh thần chứ đâu phải đủ đầy vật chất". Dòng status lướt ngang qua Facebook của cậu bạn thân đủ "níu chân" tôi vài phút.
Một buổi chiều tháng Chạp, phố phường đã nhộn nhịp đào mai tươi sắc. Tết rộn ràng trên những con đường dẫn lối vào thành phố khi buôn lái mang theo cơ man biết bao là sản phẩm vào các khu chợ. Họ mang Tết về, mang theo cả những khấp khởi mừng vui của tháng ngày cuối năm, chở theo cả những bồi hồi của người trẻ khi đứng từ trên những tòa nhà văn phòng nhìn xuống dòng xe bên dưới.
Tôi đã có một năm mới "như ý", như những điều ba mẹ vẫn hằng chúc mỗi dịp đầu năm: Một công việc để tôi có thể uống Starbucks mỗi ngày và khoác lên người những bộ quần áo lượt là, mức lương đáng mơ ước với người trẻ mới tốt nghiệp, văn phòng ở giữa con phố sầm uất của Sài Gòn. Nhìn lại một năm đã qua, tôi thấy cuộc sống của mình thực sự "đủ đầy". Vậy mà tôi vẫn luôn cảm thấy có một khoảng trống chưa được lấp đầy, cảm giác của sự trọn vẹn như ý.
Dòng status của cậu bạn thân khiến tôi suy nghĩ. Tết này cậu sẽ phải về nhà muộn hơn mọi năm vì quản lý một quán cà phê giữa trung tâm thành phố, càng đến Giao thừa càng đông đúc. Nhìn những gia đình tíu tít, hồi hộp chờ đón pháo hoa Giao thừa, cậu và đồng nghiệp cũng chạnh lòng. Giờ này ở quê, họ cũng đang quây quần bên mâm cơm Tất niên, rôm rả những câu chuyện khép lại năm cũ, sửa soạn quần áo tinh tươm để đón chờ khoảnh khắc chuyển tiếp năm cũ năm mới. Đành rằng là công việc, là lựa chọn, nhưng cũng thoáng buồn trong những giây phút ấy. Tết năm nào cũng vậy, không biết liệu năm nay Tết sẽ như thế nào.
Tôi biết nhiều người bạn sẽ bám trụ ở thành phố này, vì một năm qua đã khiến nhiều người chật vật với cuộc sống mưu sinh, vì dịch bệnh đã lấy đi những công việc và đồng tiền tiết kiệm cuối cùng của họ. Cuộc sống của những người quanh tôi đã thực sự như ý chưa? Chú bảo vệ dưới chung cư quê tít tận Cà Mau, năm nào 26, 27 Tết cũng vẫn thấy chú vừa ngồi quẹt thẻ xe, vừa gọi điện về cho gia đình. Cố làm nốt mấy ngày giáp Tết để kiếm cho đủ chiếc vé xe về quê; chú bảo cả năm làm xa rồi, Tết không được về nhà thấy nhớ sắp nhỏ ở nhà. Về quê, có tấm bánh thôi cũng thấy đủ đầy quý hóa, vậy mới trọn vẹn chứ.
Mấy đứa bạn đại học của tôi thì kêu chắc Tết này khỏi về nhà quá, ở thành phố làm ngày Tết lương gấp ba, gấp bốn lần, kiếm được chút nào hay chút đấy cho một năm đã qua đầy những biến động.
"Thôi không ăn Tết năm nay với gia đình thì năm sau về ăn Tết cũng được, tranh thủ mấy ngày mà đi kiếm thêm".
Linh - cô em họ tôi vẫn đang mắc kẹt ở Đức. Đi học xa nhưng năm nào con nhỏ cũng phải cố gắng dành dụm tiền để mua một chiếc vé máy bay về ăn Tết cùng ba mẹ. Tôi hiểu rằng đối với người Việt, Tết không chỉ là một thời điểm, Tết là những cảm xúc nhiều người đã đong đầy cả năm, chờ một ngày cuối năm để sẻ chia cùng cả gia đình. Năm nay không về Việt Nam được, con bé chỉ biết ăn Tết qua Facetime, gọi cho bố mẹ, bạn bè và tận hưởng một cái Tết "trực tuyến".
Những niềm vui ngày Tết không trọn vẹn vì cuộc sống công việc và những rối ren thường nhật, cứ xoay vần quanh cuộc đời người thân bên tôi, Tết như vậy sao có thể như ý? Mừng vui vì được thăng chức, có một công việc ổn định để rồi nhìn sang những người bạn thân vẫn đang chật vật, lo toan và vội vàng giữa ngày cuối năm, sao tôi có thể vui cho đặng?
Tôi nhớ những ngày Tết thuở hàn vi, vì cái nghèo của miền Trung, mâm cơm ngày Tết chẳng đầy ắp những sơn hào hải vị nhưng cũng chất đầy nghĩa tình của ba mẹ, cố gắng gom góp cho con một cái Tết thật ấm áp. Vì những khó khăn vẫn ám ảnh tuổi thơ, ba tôi đã quyết định rời quê đi xuất khẩu lao động, vì mong cầu những cái Tết đủ đầy hơn cho ba mẹ, tôi đã luôn nỗ lực để có được vị trí xứng đáng và công việc ổn định. Giữa thành phố 12 triệu dân, tôi và những người trẻ khác vẫn đang chạy theo những giá trị vật chất để mong một cuộc sống tốt đẹp hơn, như ý hơn cho bản thân và gia đình.
Những thành quả công việc, giá trị vật chất tạo ra sẽ mang đến một cảm giác mãn nguyện, sự hài lòng nhất thời cho bản thân mình. Trong tâm thức người Việt, Tết không gói gọn trong câu chuyện của một cá nhân hay một gia đình - Tết gửi gắm những thông điệp về sự đoàn viên, quây quần, những giá trị chia sẻ chung của một cộng đồng, dân tộc. Nhìn về giá trị thực sự của ngày Tết, tôi chợt thấy mình lạc lõng trong những ý niệm về như ý? Có lẽ, cái Tết của tôi chưa thực sự như ý như mình vẫn nghĩ.
Ngày Tết gần kề, chúng ta vẫn đang quay cuồng trong deadline, KPI và những báo cáo cuối năm. Chẳng mấy người có thể đóng máy tính sớm, trở về với gia đình từ ngày 25 Tết để cùng ba mẹ sửa soạn đón năm mới. Những ngày Tết này, khi tôi và em trai vẫn đang miệt mài với công việc trên thành phố, mẹ phải ở nhà một mình vì năm nay ba không thể về Việt Nam. Người ta vẫn nói Tết là dịp để trở về, để bỏ lại những lo toan và mệt mỏi, vui vầy cùng người thân thì mới thấy ngày Tết trọn vẹn.
Ba chưa về, mẹ ở một mình, anh em tôi vẫn hối hả cho những ngày cuối năm, chợt thấy chạnh lòng khi không thể đón một cái Tết đúng nghĩa. Nhưng tôi cũng hiểu ra rằng, Tết không chỉ là dịp để xích lại gần về khoảng cách; chúng ta chỉ thực sự "ở bên" nhau khi tạm gác công việc, bỏ lại những mệt mỏi nơi thành thị xa xôi để trở về nhà, tắt những cuộc gọi, tạm dừng những email và cả công việc. Có như vậy, sự trọn vẹn như ý mới thực sự hiện hữu trong ngày Tết.
Tôi nhận ra rằng vạn sự sẽ chẳng như ý nếu những người thân yêu quanh ta cảm thấy không được như ý. Sự trọn vẹn của cảm giác như ý đến từ sự sẻ chia, gắn kết, hay nói cách khác là tất cả mọi người đều cảm thấy như ý. Ý nghĩa ngày Tết chẳng nằm ở những điều gì xa xôi, không ở trong mâm cao cỗ đầy hay những câu chuyện vật chất để khoe khoang trong ngày Tết. Vì đó là ngày Tết, tôi chỉ mong được thấy gia đình đoàn viên, bên nhau cảm nhận trọn vẹn những khoảnh khắc sum vầy. Vì Tết chỉ như ý, khi chúng ta như ý cùng nhau.
Đang miên man trong những dòng suy nghĩ về ngày Tết, tiếng chuông điện thoại vang lên. Máy điện thoại hiện số thằng bạn thân, "thiêng thật - vừa đọc status của nó xong". Dòng tin ngắn ngủi, vỏn vẹn vài chữ mà như ai thái hành vào mắt tôi thế này.
"Ê tao tính để lại việc cho mấy đứa nhân viên rồi về quê sớm, rồi cùng ba mẹ trang hoàng, mua sắm cho năm mới. Tự nhiên cảm thấy, chẳng gì thoả mãn bằng cảm giác như ý cùng gia đình và những người thân yêu. Còn ở thành phố không? làm chầu bia chia tay nào?!".
Một năm khởi đầu bằng những lời chúc như ý, đi đến tận cùng trọn vẹn cũng nên kết thúc bằng một điều "như ý": Là được trở về bên gia đình, những người thân yêu, đồng hành cùng họ thì từng phút giây đều trọn vẹn và đủ đầy. Ở nhà giờ này, chắc mẹ cũng đang chờ tôi về như mọi năm, một thùng Bia Việt trên tay cùng bao món quà thành phố cho bà con họ hàng. Nhưng tôi biết rằng, với mẹ, nhìn thấy tôi trở về là ngày Tết đã như ý đủ đầy.
Để mùa Tết năm nay trọn vẹn như ý với nhiều hơn những niềm hạnh phúc được lan tỏa, Bia Việt mang đến một chiến dịch đặc biệt với tên gọi "Vạn lời chúc như ý", cùng bạn gửi trao hàng triệu lời chúc một năm như ý tới người thân, bạn bè, hướng tới một năm mới vạn sự bình an cùng muôn điều tốt lành.
Hiểu thấu những nỗi lo toan thường trực trong cuộc sống hiện đại của mỗi người trong ngày Tết, chương trình "Vạn lời chúc như ý" được khởi xướng bởi Zing News và Bia Việt, diễn ra từ ngày 1/1 đến 30/1/2021. "Vạn lời chúc như ý" thay bạn gửi những lời chúc, ước mong đến mọi người xung quanh, để thông qua đó, lan toả tinh thần như ý đến cho tất cả mọi người.
Luôn tôn vinh, trân trọng những giá trị tốt đẹp của người Việt mỗi dịp Tết đến Xuân về, Bia Việt mang đến chiến dịch "Vạn lời chúc như ý" với niềm mong ước củng cố những giá trị truyền thống của người Việt, san sẻ những nỗi lo và gánh nặng của người trẻ trong dịp Tết. Chương trình không chỉ mang đến cho mọi người cơ hội gửi trao lời chúc tới cho mọi người mà còn là cơ hội để mọi người giành được những phần quà có giá trị trong dịp năm mới.