Suốt cả tháng nay, người Hà Nội xôn xao với tin tức về tòa nhà Hàm Cá Mập ở Hà Nội sẽ bị dỡ bỏ và thay bằng một công trình mới phù hợp hơn với cảnh quan xung quanh. Gần như tất cả đều bày tỏ sự đồng tình, bởi bỏ qua chuyện xấu đẹp tùy vào cảm nhận của mỗi người, thì vẻ ngoài của Hàm Cá Mập đã không còn phù hợp với hình ảnh một Hà Nội bản sắc, nhưng vẫn hiện đại và đầy sức sống của thời đại mới.
Dù là một người khá là cố chấp với những gì thuộc về quá khứ nhưng tôi cũng hoàn toàn ủng hộ quyết định này của thành phố. Hàm Cá Mập không còn tương hợp với những gì đang diễn ra xung quanh nó mỗi ngày, thay đổi là một điều cần thiết để tạo nên một tổ hợp thoáng đãng, văn minh và xanh tươi hơn cho khu vực hồ Gươm và phố cổ. Chỉ là bỗng nhiên, tôi nhớ đến những phiên bản của mình trong ký ức đang lang thang khắp nơi trong thành phố này, đặt dấu chân qua từng địa điểm thân thuộc, gieo cho mình những kỷ niệm đầu đời. Nếu một con người là chính họ nhờ những ký ức đã vun nhặt, thì một thành phố là chính nó nhờ những công trình, những con đường, những góc phố, những hàng cây…Và Hà Nội với một đứa 9x đời đầu như tôi được tạo thành từ vô số những kỷ niệm gắn liền với Hàm Cá Mập, Nhà Tròn, con đường Phan Đình Phùng cây xanh rợp lá, hồ Tây lộng gió vào một tối mùa hè… và còn nhiều nơi chốn cất giấu những cảm xúc riêng tư như thế nữa.
Bài viết này tôi viết tặng cho ký ức của một đứa trẻ đã lớn lên trong vòng tay của Hà Nội, tặng cho một thế hệ 9x đã ở đó để chứng kiến sự đổi thay của một thành phố, và tặng cho những nơi chốn đã ghi dấu một thời thiếu niên trong sáng của chúng tôi.
Tặng cho những nơi chốn đã ghi dấu một thời thiếu niên trong sáng của chúng tôi.
Trong suốt những năm đầu cấp 1, cứ đến mùa hè là tôi được mẹ cho đi học vẽ ở Cung Thiếu Nhi.
Gần như đứa trẻ nào ở Hà Nội cũng từng học hè ở Cung Thiếu Nhi. Nếu không phải là vẽ, đó sẽ là các môn đàn, hát, võ thuật, ngoại ngữ, thể dục,... thậm chí có cả môn Thiết Kế Thời Trang. Với những đứa trẻ vốn chỉ biết đến việc đi học các môn chính như Toán, Văn, Anh,... Cung Thiếu Nhi quả là một thế giới mới đầy mê hoặc với những lớp học rộn ràng, vòng đu quay và đủ thứ niềm vui nghịch ngợm. Mẹ tôi làm việc ở một tòa nhà cũng trên con phố đó, vậy nên tôi thường ở lại Cung rất lâu sau giờ học để chờ mẹ đi làm về. Tôi lang thang khắp các tầng nhà, tò mò khám phá đủ mọi ngóc ngách, Cung Thiếu Nhi quen thuộc với tôi đến nỗi cho tới tận bây giờ khi lục tìm những ký ức về nơi này, tôi vẫn có thể nhớ được những lớp học vẽ được chia theo dãy trải dài khắp hành lang tầng 3 - nơi có ánh sáng chiếu thẳng vào từ khung cửa sổ lớn, nhớ khu dạy võ thuật bên ngoài tầng 2 được lát gạch đá mát lạnh - nơi có chiếc ghế đá rất lớn nhìn thẳng ra bóng cây xanh mát xòa xuống dịu dàng, nhớ cả chiếc thang máy cũ kỹ chỉ đủ cho 5-6 người vào cùng một lúc, hay canteen đặt dưới chân tòa nhà - nơi tôi vẫn tạt vào mua một bịch nước cam mỗi khi không còn chỗ để đi.




Không chỉ là nơi chứng kiến tuổi thơ của hàng triệu đứa trẻ, Cung Thiếu Nhi còn là một chứng nhân lịch sử trước những sự đổi thay của Hà Nội. Giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám, mảnh đất xây dựng Cung Thiếu Nhi vốn là Ấu trĩ viên - nơi vui chơi cho các con em của gia đình giàu có trong chính quyền cũ. Cách mạng thành công cũng là lúc Ấu trĩ viên trở thành nơi đặt trụ sở của Ban Chấp ủy Hội Nhi đồng cứu Quốc và tập trung rất nhiều hoạt động cho thiếu nhi Hà Nội cổ vũ tinh thần yêu nước. Sau ngày Giải phóng Thủ đô, Thành đoàn Hà Nội chính thức tiếp quản Ấu Trĩ Viên và biến nơi này thành một trong hai trụ sở làm việc của Ban Thiếu Nhi Hà Nội. Và dù thành phố vẫn thiếu thốn đủ bề, nhưng ở nơi này, Câu lạc bộ thiếu nhi được thành lập để tạo một sân chơi bổ ích, vui tươi và thân thương cho trẻ em Hà Nội trong suốt thời kỳ kháng chiến. Năm 1974, Cung Thiếu Nhi được khởi công xây dựng với sự giúp đỡ của Đoàn Thanh niên Cộng sản Tiệp Khắc (cũ) và chính thức hoàn thành vào năm 1976. Trên diện tích hơn 10 nghìn m2, một tòa nhà 6 tầng bề thế thành hình với 100 phòng học, thậm chí có cả rạp chiếu phim Khăn Quàng Đỏ có quy mô hơn 500 chỗ. Ngày ấy, Hà Nội còn nhiều thiếu thốn, KTS Lê Văn Lân - tác giả thiết kế và giám sát thi công Cung Thiếu Nhi - đã đi xin từng đống gạch hoa vỡ vì bom Mỹ để mang về ghép thành sàn. huy động trần nhôm thừa từ công trình Cung Lao Động Việt Xô để ốp sảnh. Cả thành phố dốc lòng ưu tiên hoàn thiện một tòa lâu đài của niềm vui ở ngay giữa trái tim của Hà Nội để dành tặng trẻ em sau quãng thời gian chiến tranh khốn khó. Sau gần 50 năm xuất hiện, Cung Thiếu Nhi đã trở thành một cung điện mùa hè, một thiên đường của niềm vui, sự sáng tạo và kết nối, nuôi dưỡng năng khiếu, tình yêu với việc khám phá và học hỏi cho rất nhiều thế hệ.
Khi tôi viết những dòng này thì ở một nơi khác tại Hà Nội, một Cung Thiếu Nhi mới với quy mô lớn gấp 4 lần địa điểm hiện tại đang được xây dựng. Dĩ nhiên đây cũng là một niềm vui lớn, một món quà đầy ý nghĩa của thành phố dành tặng cho thiếu nhi. Thành phố đang tiến như vũ bão về phía trước và chưa bao giờ quên nhiệm vụ chắp cánh cho tuổi thơ của những đứa trẻ đang lớn lên ở nơi này. Cung Thiếu Nhi mới sẽ là một thiên đường với những kỷ niệm đẹp đang chờ được ghi dấu của thế hệ tiếp theo. Giống như thế hệ chúng tôi và bố mẹ của mình cũng đã có những kỷ niệm khi vẽ lên những mảng màu thật rực rỡ trong một lớp học vẽ, đi bộ lang thang trong hành lang nghe tiếng hát ngân nga vọng lại, hay chỉ ngồi tựa đầu vào lan can tầng 2 nhìn xuống các anh chị đang tập võ trong chiếc áo trắng muốt trong trẻo như thế.
Ở đó, những mùa hè thật sự là tháng ngày đẹp nhất trong tuổi thơ của thế hệ chúng tôi.




Bước vào cấp 2 cũng là lúc vòng tròn cuộc sống của tôi được nới rộng thêm một chút.
Bước vào cấp 2 cũng là lúc vòng tròn cuộc sống của tôi được nới rộng thêm một chút. Tôi đã có những người bạn thân mà chúng tôi cảm thấy đồng điệu về tính cách, chơi hợp, nói chuyện hợp, sở thích hợp - chứ không chỉ là bạn hàng xóm hay bạn cùng bàn.
Nhà tôi bắt đầu lắp truyền hình cáp và tôi biết đến chân trời mới mang tên MTV. Ngày ấy, nếu muốn có một CD nhạc tuyển chọn các bài hát nước ngoài để về bật trên máy VCD hoặc ổ CD-ROM của máy tính, bạn không có cách nào khác ngoài việc mua CD lậu hoặc đi in đĩa. Tôi và một người bạn thân của mình ngày cấp 2 vẫn hay đặt in đĩa ở một tiệm nhỏ trên phố Nguyễn Khắc Cần. Trong thời gian chờ, chúng tôi thường đạp xe quanh khu hồ Gươm và Nhà Hát Lớn, ăn kem xôi, uống hồng trà trân châu gần trường Trần Phú hay ăn xoài dầm thường được bán dạo ở quanh Hồ Gươm.
Nhà Hát Lớn trong ký ức của một đứa trẻ cấp 2 lúc đó là một tòa nhà bề thế, tráng lệ như một tòa lâu đài với những bậc thang cao và rộng. Giống như một thánh đường cao quý, xa hoa và khó chạm tới, sự hiện diện của Nhà Hát Lớn ngay giữa lòng thành phố vừa tự hào và kiêu hãnh, nhưng cũng cực kỳ bí ẩn.
Ở thế hệ của tôi, việc bước chân vào Nhà Hát Lớn giống như một giấc mơ không có thực và không dành cho "người trần". Dù không phải ai cũng từng được vào Nhà Hát Lớn, nhưng có thể nói rằng, người trẻ Hà Nội nào cũng từng ít nhất một vài lần ngồi ở bậc thang phía trước nhà hát - dù một mình, hai mình hay với nhiều bạn bè.
Ngày ấy, tôi và những người bạn của mình hay ngồi trên những bậc thang vào mỗi buổi chiều tan học, trong lúc chờ chiếc đĩa nhạc của mình được in xong, hoặc chỉ đơn giản là rủ nhau lên phố ăn vặt. Trong ánh nắng chiều dịu dàng, chúng tôi phóng tầm mắt ra con đường rộng thênh thang xinh đẹp và nhộn nhịp xe cộ phía trước. Những câu chuyện cứ thế nối đuôi nhau, không đầu không cuối.
Từ Nhà Hát Lớn, chúng tôi sẽ đạp xe men dọc theo phố Tràng Tiền trước mặt. Ngày ấy phố Tràng Tiền chưa có nhiều cửa hàng thời trang sang trọng như bây giờ mà lại có rất nhiều hiệu sách lớn nhỏ. Tôi và các bạn có thể lạc trong đó hàng giờ để đọc ké truyện tranh. Đi thêm một đoạn nữa là tới hồ Gươm, một thế giới to lớn hơn nữa mà những đứa trẻ cấp 2 có thể hào hứng khám phá. Chúng tôi có thể dành hàng giờ để đi bộ hay đạp xe quanh hồ chỉ để tán dóc và ngắm cảnh. Niềm vui ngày đó chỉ đơn giản thế thôi.
Đi qua hồ Gươm thì nhất định bạn sẽ thấy một thứ vô cùng thân quen - đó là tháp đồng hồ khổng lồ với 4 mặt cho 4 hướng khác nhau để người dân xung quanh mỗi khi ngước lên đều có thể thấy được giờ chính xác. Bạn có thể chưa từng bước chân vào Bưu Điện Thành Phố, nhưng chắc chắn, bạn sẽ thấy tháp đồng hồ phía trên bưu điện là một trong những hình ảnh gắn bó với những ký ức của mình về Hà Nội nhất. Từ khi còn là một đứa trẻ con ngồi sau xe bố mẹ, cho đến lúc bắt đầu đạp xe cùng đám bạn cấp 2, hay tự đi xe máy đến trường vào những năm đại học - tôi luôn nhìn lên chiếc tháp đồng hồ mỗi khi lượn qua hồ Gươm. Chiếc tháp đồng hồ to lớn, khiêm nhường, thâm trầm như một người bạn già. Được hoàn thành vào đúng ngày 2/9/1978, tháp đồng hồ ra đời vào thời kỳ đất nước còn khó khăn và không phải ai cũng có cho mình riêng một chiếc đồng hồ. Trong suốt những năm tháng đó, tháp đồng hồ là nơi giúp người Hà Nội cứ ngẩng đầu lên hoặc dỏng tai nghe tiếng chuông ngân nga là biết mấy giờ.
Ngay kể cả đến bây giờ, khi ai cũng đã có cho mình đủ thứ đồng hồ từ tích hợp trong điện thoại, đồng hồ điện tử, cho đến đồng hồ nạm kim cương - thì việc đi qua hồ Gươm và ngước mắt lên nhìn tháp Đồng Hồ vẫn là một thói quen. Không phải để xem giờ, mà chỉ đơn giản là ngắm nhìn một người bạn ấm áp, cẩn trọng và đáng tin cậy - đã luôn ở đó từ khi những con đường còn vắng tiếng xe cộ.
Có rất nhiều người thường nói: Tính cách người Hà Nội thường có sự chậm rãi, thư thái và vô cùng duy mỹ. Tôi nghĩ điều đó đến rất nhiều từ việc người Hà Nội lớn lên với một nhịp sống thong dong, được bao quanh bởi những công trình kiến trúc và cảnh quan đan xen duyên dáng giữa quá khứ và hiện tại. Giữa lòng thành phố có một nhà hát, ở bên cạnh nhà hát lại có hồ, có cây xanh, có phố cổ trầm mặc. Đi giữa khung cảnh ấy, dù có đi bộ, đi xe đạp, xe máy hay ô tô,... bạn cũng sẽ muốn đi chậm lại để ngắm nghía và thưởng thức từng giọt nắng đang rơi trên tán cây, hay nhìn thấy lá rụng như mưa trước hiên một tiệm tạp hóa.
Mãi đến năm cấp 3 tôi mới bước chân vào Hàm Cá Mập.
Dù xuyên suốt tuổi thơ của mình, tôi đã đi qua tòa nhà này không ít lần, dù là cùng bố mẹ hay với bạn bè, thế nhưng chưa bao giờ tôi biết có gì ở trong tòa nhà bệ vệ và sừng sững như hàm của một con cá mập vươn lên từ mặt đất ấy.
Năm cấp 3 đánh dấu một giai đoạn mà tôi đã thật sự bước chân vào hành trình trưởng thành, thật tình cờ cũng là lúc Hà Nội trở mình, đón thật nhiều những thứ mới lạ vào đời sống tinh thần của người dân. Ngày ấy, Hà Nội bắt đầu xuất hiện những tiệm cafe mới nhìn cực kỳ sang chảnh và "quốc tế". Trong mắt đám 9x mới lớn, những hàng quán này hấp dẫn và lung linh chẳng khác những gì mình vẫn xem trên phim hoặc đọc trong truyện là bao. Và tất nhiên, là một tòa nhà ngay giữa trung tâm Hà Nội, lại có view nhìn thẳng ra hồ Gươm - Hàm Cá Mập là nơi hội tụ rất nhiều những tiệm cafe như thế.
Thế giới của hội 9x ngày đấy bỗng nhiên trở nên đầy màu sắc, và những màu sắc ấy được hiện lên rõ ràng trên những trang báo Hoa Học Trò. Một đứa 9x mơ mộng của ngày ấy thường đọc truyện ngắn của Nhật Minh, những câu chuyện lãng mạn tuổi gà bông, nơi những thiếu niên thành thị học trường chuyên, có phòng riêng và hết giờ học sẽ ra Gloria Jeans vừa uống chocolate, vừa cắm tai nnghe nhạc và học bài.
Gloria Jeans khi đó là hàng cafe xịn nhất, sang nhất và… Tây nhất cái Hà Nội nhỏ bé này. Quán nằm ở tầng 1 Hàm Cá Mập, với chỗ ngồi ăn tiền là dãy bàn sát cửa kính, nhìn thẳng ra phố Đinh Liệt phía trước. Tôi thì dĩ nhiên là… đú. Lần đầu tiên bước vào Hàm Cá Mập của tôi cũng là vì ly cafe Gloria Jeans mà tôi đã đọc được ở trên báo Hoa Học Trò. Tôi vẫn nhớ món đầu tiên mình uống là Coco Loco, tôi cũng phải ngồi ở cái bàn sát cửa kính, cũng phải bật một bản nhạc emo trên chiếc máy nghe nhạc Mp3 nhỏ xíu, rồi cũng giả vờ lôi sách ra đọc. Chao ôi! Thì ra đây là cảm giác bận rộn, thi vị, xen lẫn mùi hương sành điệu của nữ chính phim tuổi teen nước ngoài vẫn thường trải nghiệm!




Ngoài Gloria Jeans thì Hàm Cá Mập còn có Avalon. Các dân chơi đời đầu của Hà Nội không ai là không biết quán cafe sang chảnh, nằm ở tầng 3 hay 4 gì đấy (tôi thật tình không còn nhớ). Vừa ở trên tầng cao tòa nhà đắc địa nhất khu hồ Gươm, lại phóng được tầm nhìn bao quát khắp hồ và khu phố cổ xung quanh, Avalon đích thực là điểm hẹn hò chảnh nhất Hà Nội thời đấy, hoặc là trong mắt một đứa trẻ con mới học cấp 3 như tôi thì là vậy. Tôi thậm chí còn nhớ ly nước đầu tiên mình uống ở đó là nước dưa hấu. Và dù mới chỉ dám ngồi đó 2-3 lần hiếm hoi thôi, nhưng khi ấy tôi đã cảm thấy mình sành điệu và ngầu lắm rồi.
Một địa điểm đáng nhớ của tôi trong những năm cấp 3 không thể không kể đến Nhà Thờ Lớn. Dù chưa từng bước chân vào Nhà Thờ Lớn, nhưng trong suốt tháng ngày thiếu niên ấy, tôi và các bạn của mình đã cắm rễ ở hàng trà chanh quanh nhà thờ một cách ròng rã. Sau mỗi giờ tan học. Những ngày được nghỉ. Thậm chí là cả những buổi trốn học.
Người ta hay nói đến Hà Nội là phải đi trà chanh vỉa hè ở Nhà Thờ để hiểu về thói quen ngồi tán dóc vỉa hè, ngắm phố phường của người Hà Nội. Cái này tôi đồng ý, dù rằng bây giờ tôi đã lớn và không còn thích ngồi cắn hạt dưa ở nơi nào quá đông người nữa. Nhưng cái thú vị của việc ngồi uống một ly trà chanh mát lạnh, phóng mắt nhìn ra một công trình đẹp đẽ như Nhà Thờ Lớn, thỉnh thoảng sẽ nghe thấy tiếng chuông ngân nga vào buổi chiều - đó là sự thi vị, một thú vui nho nhã, thanh cảnh nhất mà người Hà Nội có thể giới thiệu đến bạn.
Lần nào đi qua con phố Lý Quốc Sư chật hẹp và đông đúc, tôi cũng không quên quay đầu sang bên trái để ngắm Nhà Thờ Lớn mỗi khi xe của mình lướt qua. Nhất là vào mỗi mùa Giáng sinh, cái thói quen chờ đợi Nhà Thờ Lớn trang trí tiểu cảnh phía trước cũng là một niềm vui, một sự háo hức của tất cả người Hà Nội. Nhà Thờ Lớn - vì thế - gắn liền với đời sống của người Hà Nội nhiều hơn những gì mà người ngoài có thể tưởng tượng.
Sự trầm mặc, uy nghi và bí ẩn của nhà thờ đã khoác lên mình cả khu phố xung quanh một vẻ đẹp của thời gian, trong khi sự ồn ào, náo nhiệt của những đám đông ngồi trà chanh xung quanh đó - lại giống như một hơi thở sống động của cuộc sống. Tất cả được đặt cạnh nhau, tương phản thú vị như quá khứ và hiện tại, mới mẻ và xưa cũ, thần thánh và trần gian.
Khung cảnh đó như tất cả những hương vị đã làm nên sự đặc biệt của thành phố này, nơi mà vẻ đẹp của quá khứ vẫn lẩn quất như ánh nắng lấp lánh trong dòng chảy tiến về phía trước của thời đại.
Có lần tôi tự hỏi: Một người có còn là chính họ khi đã mất đi hết ký ức không?
Con người hiện tại là tổng hòa của những trải nghiệm, những cảm xúc, những bài học sau mỗi lần vấp ngã và kinh nghiệm sau mỗi lần đứng lên. Mọi dặm đường của hành trình cuộc sống đều góp phần vào việc định hình căn tính và cách mỗi người hiện diện. Ký ức là sợi dây nối mọi khoảnh khắc của cuộc đời thành một câu chuyện có ý nghĩa. Vậy khi ký ức mất đi, con người hiện tại có còn là con người cũ - hay đã là một phiên bản mới với tờ giấy trắng chờ đợi những trải nghiệm mới vẽ lên một câu chuyện mới của một con người mới?
Và nếu đặt câu hỏi ấy lên một thành phố, liệu một thành phố có còn là chính nó khi những ngôi nhà, những công trình, những con đường đã là một phần ký ức của các thế hệ - rồi đây cũng sẽ đổi thay?
Tôi đã xa Hà Nội được 5 năm, một quãng thời gian cũng khá ngắn ngủi. Nhưng mỗi lần trở về, dù chỉ cách nhau vài tháng, tôi vẫn không ít lần phải ngạc nhiên vì sự đổi thay của thành phố mình từng lớn lên. Những công trình mới, những tòa nhà hiện đại và đẹp đẽ xuất hiện, người trẻ Hà Nội có thêm nhiều lựa chọn cho đời sống tinh thần, cho niềm vui và sự giải trí. Cũng giống như một con người, một thành phố cũng cần phải tiến lên phía trước khi chấp nhận từ bỏ những gì không còn phù hợp với bản thân, trong khi vẫn trân trọng và nâng niu những giá trị tốt đẹp và mang đậm căn tính văn hóa. Hà Nội rồi sẽ là một Hà Nội mới, hiện đại hơn, thú vị hơn, giàu sức sống hơn với những đổi thay tiên quyết cho thời đại mới. Nhưng cũng vẫn sẽ là một Hà Nội cũ với những công trình lịch sử, những con đường, những góc phố biểu tượng.
Hà Nội của bây giờ vẫn sẽ là nơi để lưu giữ những ký ức mới cho hiện tại và tương lai, nhưng cũng vẫn sẽ là Hà Nội đầy ắp kỷ niệm, ký ức và niềm vui của những ngày quá khứ.
Hà Nội vẫn sẽ là Hà Nội, tới chừng nào chúng ta vẫn thấy mình của những ngày thơ bé đang đi bộ tha thẩn trong những hàng lang Cung thiếu nhi, ngồi trên những bậc thang của Nhà Hát Lớn hay đạp xe rong ruổi khắp những con đường thân thương.










