Năm 1989, lần đầu tiên viện hàn lâm âm nhạc Mỹ đưa giải thưởng Màn trình diễn Rap xuất sắc nhất vào…
Xin lỗi tôi nhầm. Phải là: Ngày 12/11/2022, SpaceSpeakers lần đầu tiên tổ chức live-concert kỷ niệm 11 năm hoạt động với những màn trình diễn mà người ta sẽ còn nhắc đến trong một thời gian rất lâu nữa. Câu trên là văn mẫu của tổng đạo diễn Việt Tú mỗi khi anh định chia sẻ điều gì đấy về sức ảnh hưởng của hiphop lên văn hóa đại chúng. Câu dưới là của tôi, và chắc chắn cũng là của hàng nghìn khán giả đã có mặt tại nhà thi đấu Quân khu 7 trong đêm live-concert đáng nhớ này.
SpaceSpeakers và tổng đạo diễn Việt Tú đã làm được điều họ hứa: Một live-concert mới mẻ với hàm lượng sáng tạo và chất xám được vận dụng tối đa để tạo ra những trải nghiệm chưa từng có tiền lệ cho chính những khán giả có mặt ngày hôm ấy!
Có rất nhiều sự hoài nghi trước thềm concert được diễn ra. Từ sân khấu bay cho đến concept “nhập vai”, khán giả khó tính gần như đợi để xem Việt Tú và SpaceSpeakers sẽ làm gì với những gì họ “vẽ” ra. Concept mới cần phải bùng nổ và ấn tượng. Gia vị cũ như sân khấu bay cũng cần phải đảm bảo về sự thú vị và hữu ích. Sự hoài nghi càng được tăng dần trong khoảng thời gian chờ đợi show diễn bắt đầu. Khán đài GA nêm chặt khán giả và riêng việc nghĩ xem nghệ sĩ bước ra ngoài để diễn như thế nào cũng đã là một câu hỏi không có lời giải.
Chỉ cho đến khi Touliver bước lên bục DJ mở màn cho buổi concert, khán giả mới hiểu ra cách live-concert này sẽ được vận hành. Nghệ sĩ có thể bước ra từ bất cứ đâu, và họ sẽ di chuyển đến các vị trí nhất định trên sân khấu vốn nêm kín các fan cuồng nhiệt. Sẽ có một đội bảo an “nằm vùng” dưới sân khấu, làm nhiệm vụ di chuyển khán giả để tạo không gian cho nghệ sĩ bước ra và biểu diễn. Đây là khâu cốt lõi cần được đề cao sự hoàn hảo đến mức tối đa, bởi thành công của các phần trình diễn phụ thuộc hoàn toàn sự mượt mà của việc điều hướng khán giả. Liệu khán giả có đứng đúng nơi họ cần đứng? Và liệu bảo an có đảm bảo được an toàn cho tất cả - khi mà sự phấn khích của các fan luôn được đẩy lên cao nhất?
Chính vì vậy, phải dành lời khen ngợi đầu tiên cho chính đội bảo an của KOSMIK, bởi khối lượng công việc khổng lồ và không tưởng của họ trong hơn 3 tiếng concert. Dù không khí của buổi concert cực kỳ cuồng nhiệt, nhưng hoàn toàn không có một giây phút náo loạn hay bất cứ một sự cố nào cắt ngang. Các nghệ sĩ, vũ đoàn lẫn band nhạc hoàn toàn thoải mái trong việc biểu diễn và thăng hoa, thậm chí tương tác nhiệt tình với các fan xung quanh. Để làm được điều này, có lẽ ekip đã trải qua hàng chục, hàng trăm buổi tập để mọi bánh răng khớp chặt vào nhau và mọi thứ diễn ra một cách hoàn hảo nhất.
Đó là khâu vận hành, còn về phần ý tưởng, có lẽ chúng ta sẽ lại phải dành rất nhiều lời khen cho Việt Tú và SpaceSpeakers về sự điên rồ đầy nghệ sĩ của họ. Phải nói rằng, nếu không phải Việt Tú thì sẽ chẳng có đạo diễn nào có thể làm cho ra chất hiphop của SpaceSpeakers. Việt Tú đam mê và quá hiểu hiphop, anh cũng dày dặn kiến thức và đầy những kinh nghiệm già rơ để điều khiển một show diễn không tưởng như KOSMIK.
Hiphop là gì? Hiphop không chỉ là mấy chàng trai cô gái ăn mặc đẹp, lắp kim cương đồ hiệu đầy người và lên flex vài câu rap. Hiphop không chỉ là một thế giới của sự màu mè và trưng trổ, không chỉ là phô diễn tất cả những gì giàu có và hào nhoáng, càng không phải dăm ba cậu trai giận dữ quay lưng với cuộc đời vì chẳng ai hiểu tôi hết. Rất nhiều người đã thử làm hiphop bằng những công thức đó, và xin lỗi, họ mới chỉ chạm đến những gì bề ngoài nhất của hiphop mà thôi. Hiphop là những cảm xúc nguyên bản và dữ dội nhất của con người. Đó có thể là niềm tự hào, là sự kiêu hãnh, là khổ đau, là hạnh phúc, là tình yêu bùng cháy hay đôi khi là cả những phút giây lãng mạn của một chàng trai lâu rồi mới biết rung động.
Là một đạo diễn có tư tưởng và thẩm mỹ đương đại, Việt Tú rất biết cách vận dụng điểm mạnh của mình ở những sân khấu hoành tráng, được dàn dựng phức tạp để phô diễn toàn bộ sự hùng hậu và chất đường phố cực chiến của SpaceSpeakers. Với sự đồng hành của Heineken Silver luôn "chuẩn gu" Gen Z, concert kỷ niệm của nhà SpaceSpeakers đã gây ấn tượng mạnh cho khán giả ngay từ những stage đầu tiên. Tôi đang nói về phần mở đầu ấn tượng, trong tiếng nhạc gằn dồn dập, Touliver đứng chơi nhạc trên bàn DJ được lắp led xanh, các thành viên khác lần lượt bước ra sân khấu cùng đoàn vũ công và thậm chí là xe phân khối lớn. Tất cả quyện vào nhau với ánh đèn đỏ rực chiếu xiên khắp khán đài và một hai chiếc drone bay vòng vòng. Một khung cảnh đầy cảm hứng vị lai và đậm chất cinematic.
Xuyên suốt sau đó, nhịp độ chương trình được gia giảm một cách hợp lý, vừa để các phần trình diễn còn lại phù hợp giai điệu của bài hát và cũng là để điều khiển cảm xúc của khán giả. Điều đáng nể là, trong không gian đơn giản chỉ với các cục bàn nâng được đặt ở giữa và hai bên, cộng với một sân khấu bay linh hoạt nâng lên hạ xuống - hầu như không có một tiết mục nào được dàn dựng trùng nhau hay chiêu trò nào được xài quá 2 lần. Tôi có thể wow vì cách Binz đứng giữa sân khấu bay, xung quanh là 4 tấm màn bao phủ để chiếu lên đó hình ảnh live trực diện của anh đang trình diễn Don’t Break My Heart. Nhưng chỉ một lần vậy thôi, đạo diễn Việt Tú không cho tôi có một cơ hội thứ 2 để xem phần dàn dựng đó với bất cứ một ca khúc nào khác.
Với list nhạc trải dài từ nhạc hiphop, nhạc house cho đến nhạc… tình, người xem có thể quẩy sung như khi lên club với những sân khấu choáng ngợp và đồ sộ, nhưng sau đó có thể nức nở vì sự sắp đặt tinh tế trong những bài hát sâu lắng hơn. Kimmese và JustaTee mang đến hai set nhạc đầy hoài niệm với những bản tình ca Rn’B sau 10 năm vẫn không hề lỗi thời. Bổ trợ cho họ là sự thể hiện tuyệt vời của các vũ công khi kể lại những câu chuyện tình yêu theo từng bối cảnh khác nhau, hoặc đôi khi chỉ là ca sĩ với một bầu trời lung linh ánh đèn flash. Phần trình diễn của Binz để gửi tặng Châu Bùi cũng được gạt bỏ đi hết mọi chi tiết rườm rà, chỉ là Binz ở giữa sân khấu lơ lửng, cùng chiếc đàn guitar mộc mạc, bẽn lẽn nhờ hàng nghìn khán giả tiếp thêm sức mạnh để bày tỏ tình cảm cho người con gái anh yêu.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện của các nghệ sĩ mới hay ca sĩ khách mời cũng được đầu tư không kém. 16.Typh gây ấn tượng với bài hát mới cùng sân khấu là bàn tiệc trải dài lấy cảm hứng từ bức tranh Last Supper của Da Vinci. Lil Wyun vốn không phải là thành viên của SpaceSpeakers, nhưng cũng được ưu ái với hai sân khấu tối giản và để ánh sáng đỉnh cao và công nghệ 3D mapping được phát huy tối đa sức mạnh của nó.
Một chút tiếc nuối của tôi về việc KOSMIK chưa thực sự có một câu chuyện liền mạch mà chỉ đơn giản là 3 chương Quá khứ, Hiện tại, Tương lai, cùng sự xuất hiện lần lượt của các nghệ sĩ thông qua từng clip intro phỏng vấn ngắn. Bên cạnh đó, tôi cũng mong chờ những màn kết hợp mới mẻ giữa các thành viên nhưng thay vào đó chỉ là những bài hát và phần kết hợp quen thuộc vốn đã được nghe đi nghe lại trong suốt nhiều năm vừa qua. Dù vậy, đặt vào bối cảnh với hơn 11, 12 nghệ sĩ và hàng chục bài hát, tôi nghĩ sự sắp xếp an toàn này là điều có thể hiểu được để có thể đảm bảo sự tỏa sáng cho tất cả các thành viên và khách mời.
Dĩ nhiên là đến với concert của SpaceSpeakers, cái người ta chờ đợi nhất chính là âm nhạc. 11 năm kể từ khi xuất hiện, SpaceSpeakers chưa bao giờ khiến người nghe thất vọng với bất cứ sản phẩm nào của mình.Touliver có thể tự hào rằng SpaceSpeakers đã tạo ra một thứ tiêu chuẩn của riêng họ trong làng nhạc Việt. Chẳng cần phải giống ai, cũng chẳng cần phải chạy theo ai. Đây là lãnh địa của chúng tôi, nếu thích, mời bạn nhập cuộc.
Trong suốt 3 tiếng của KOSMIK, khán giả được ôn lại những ký ức thanh xuân với những bản Rn’B đã trở thành một phần quan trọng của tuổi trẻ. Real Love, Hương Ngọc Lan hay Lời Nói Dối Chân Thật… đều được phối lại nhưng vẫn giữ được những thanh âm dìu dặt và đầy hoài niệm. Hơn 1 nửa các bài hát trong KOSMIK đều là các ca khúc cũ, vậy nên những sự làm mới được chạm đến một cách rất nhẹ nhàng nhằm giữ nguyên những xúc cảm chúng đã từng mang tới cho ký ức mỗi người.
Với những ca khúc được ra mắt trong thời gian gần đây, SpaceSpeakers mang đến những thể nghiệm mới lạ để khoác lên chúng một vẻ ngoài đúng-là-họ. Các bản phối được bơm vào một thứ năng lượng căng trào để đúng với không khí của một buổi concert, khán giả gần như khó mà xuống nổi một nhịp nào bởi những âm thanh “đặc sản” của SpceSpeakers. Những set nhạc điện tử đan xen giữa 3 phần được Touliver, Tinle và Triple D thể hiện đã làm tốt nhiệm vụ của nó. Touliver với phần mở đầu địa chấn, Tinle là sự lém lỉnh và nghịch ngợm của tuổi trẻ còn Triple D đẩy bầu không khí trở lại sự náo nhiệt với một set nhạc cực dữ dằn. Ngay cả các nghệ sĩ khách mời cũng tỏ ra không hề kém cạnh, Andree với chất gangz đặc trưng, hay Lil’ Wyun với màn trình diễn mang hơi thở đường phố đặc sệt, khiến tôi dám chắc rằng chính cậu là một trong những rapper trẻ xuất sắc nhất của Việt Nam hiện tại và chắc chắn sẽ là một ngôi sao hiphop của tương lai.
Nhưng để nói về điểm nhấn khiến tôi ấn tượng nhất cả chương trình, thì chắc chắn tôi xin dành những lời có cánh cho set nhạc của Soobin. Trong suốt 15’, SOOBIN thể hiện nghệ sĩ tính của mình một cách cực kỳ thăng hoa và mỗi giây phút đều tiệm cận gần hơn đến sự hoàn hảo. Soobin vừa chơi đàn piano, vừa phô diễn chất giọng êm ái nhưng cũng cực kỳ dữ dội khi chạm cao trào. Với sự hỗ trợ của band nhạc, khía cạnh nghệ sĩ trong SOOBIN được thoả sức vẫy vùng, vượt ra khỏi những vùng an toàn của bản thân lẫn sự mong đợi của khán giả, và cuối cùng là khiến cả khán phòng vỡ oà khi thể hiện kỹ năng chơi trống cực cháy. SOOBIN cho thấy anh không chỉ là một ngôi sao giải trí với năng lượng bùng nổ, mà còn sở hữu bản năng liều lĩnh của một người nghệ sĩ thực thụ.
Bên cạnh đó, không thể thiếu phần xuất hiện của SlimV ở vị trí chỉ huy dàn nhạc cực ngầu và classy, cho thấy vai trò không thể thay thế của anh trong việc tạo ra chiều sâu trong âm nhạc của SS. Xuyên suốt KOSMIK, đàn dây và dàn nhạc là những yếu tố được cài cắm liên tục trong các màn trình diễn. Điều này không chỉ giải quyết về phần nhìn: Đẹp và sang. Mà còn thể hiện tham vọng không giấu giếm của SpaceSpeakers khi nói rằng: Chúng tôi hoàn toàn có thể hàn lâm theo cách của riêng mình.
Bên cạnh những yếu tố về dàn dựng, thì có lẽ, cảm xúc chính là thứ khiến khán giả phải nhớ nhất khi nhắc đến KOSMIK.
Vốn dĩ, chặng đường 10 năm hay ở đây là 11 năm luôn là một cái gì đó cực kỳ ý nghĩa. Nó đủ dài để chứng minh cho thành quả của những gì đã qua, vừa đủ ngắn để tràn đầy hy vọng cho những gì sắp tới. Với SpaceSpeakers, 11 năm không chỉ là tình anh em gắn kết giữa các thành viên, những gì họ đạt được còn là câu trả lời cho ước mơ lớn lao họ đã mang khi còn là những cô cậu nhóc.
Là một 9x đời đầu, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, tôi hoàn toàn được sống lại cái cảm giác của một thời thanh xuân. Là vì âm nhạc, dĩ nhiên. Tôi trưởng thành cùng với những Real Love, Hương Ngọc Lan, với giọng hát dìu dặt của Kimmese và Justatee. Nhưng cũng bởi cái bầu không khí khó trộn lẫn của underground những năm 2000 được tái hiện lại một cách sống động qua concept sân khấu nhập vai này. Hình ảnh đám đông tụ tập, chen chúc quây thành một vòng tròn mà nghệ sĩ đứng giữa chơi nhạc - là ký ức của đám 8x, 9x từng một thời mon men lên cung và nhà tròn sau mỗi buổi học, chỉ để được là một phần của cái văn hóa hiphop mới được du nhập vào Việt Nam thời ấy.
Những nghệ sĩ đến từ đường phố, trình diễn trên những sân khấu là rìa công viên hay bậc thềm của cung văn hóa, tuổi chỉ trạc trạc chúng tôi. Tôi từng một lần bắt gặp Justatee ở hàng trà đá trước cửa Web - một hàng quần áo hiphop cực nổi trên phố Cửa Bắc ngày xưa, trong bộ tracksuit thùng thình màu trắng. Và bây giờ, vẫn là anh chàng đấy, tỏa sáng dưới ánh đèn sân khấu rực rỡ, với những bài hát mà cả nghìn người trong concert đều đã thuộc làu. Hay như hình ảnh Touliver chơi nhạc trong set mở đầu giữa ánh đèn đỏ có chút gợi nhắc về những buổi party Wall of Dub cách đây cả chục năm. Chỉ có điều khác là, không phải là ở căn phòng mấy chục mét vuông trên tầng 2 Hà Nội Rock City ngày xưa. Giờ đây SpaceSpeaker đang trình diễn cho liveshow hoành tráng của riêng họ, trong một nhà thi đấu với sự góp mặt của hơn 5 nghìn khán giả. Thời gian đã làm rất tốt việc của nó, khi ai cũng đều đã trưởng thành và thật sự chạm được vào giấc mơ.
Trong buổi trò chuyện với 11 thành viên của SpaceSpeakers trước khi show diễn ra, tôi có hỏi rằng liệu họ có cảm thấy mình đang mang một sứ mệnh? Dĩ nhiên, chẳng ai nhận rằng mình đang gánh vác một thứ gì đấy vĩ đại. Nhưng tôi tin rằng họ cũng có cảm thức về vai trò của mình trên chặng đường này, ở vị trí này - trong thị trường nhạc Việt. Đó là những kẻ luôn chơi cuộc chơi theo cách của riêng mình, không ngần ngại bước ra ánh sáng để tiếp thêm niềm tin cho những kẻ lạc loài khác tin vào con đường mà họ đã từng đi. Điều này thể hiện rõ ràng ở cách mà họ trân trọng tạo ra một chương riêng để cùng chia sẻ tầm nhìn của mình ở tương lai, cũng như đan cài những màn trình diễn với sự xuất hiện của những rapper trẻ. Họ biến chính sân khấu 11 năm của mình thành một nơi mà hai thế hệ có thể giao thoa, và dùng những rực rỡ của ngày hôm nay để biến thành niềm tin đặt vào tay những kẻ mộng mơ đang nêm chặt trên những khán đài.
Và điều đó, với họ, có lẽ là đích đến ý nghĩa hơn vạn lần những con số đếm view.