Nghĩ dài hơn thì bạn sẽ còn sống hơn nửa thế kỷ nữa lận! Trong chừng đó thời gian, biết đâu sao quả tạ lại một lần nữa giáng xuống trái đất? Ngay trong những ngày này, ở nhà hãy học những thứ mình cần, hãy chỉnh đốn thái độ sống. Thế hệ chúng ta có khi đến 70 tuổi vẫn phải lên mạng tự học!

Duy Tú là nhân viên bậc trung trong team quản lý khách hàng của một công ty quảng cáo lớn. Lịch trình hàng ngày của anh: 10-11 giờ sáng vào công ty, 7h tối đi ăn, đi bar cùng bạn bè. Hiếm hoi lắm anh mới chịu tăng ca cuối tuần. Thời đại này phải có work-life balance, căng thẳng vì công việc là thời của cha mẹ, ông bà ta rồi.

Mỗi lần chạy job gấp hay bực bội khách hàng, Duy Tú thường vừa làm vừa than oai oải cho cả phòng nghe. Than chỉ để xả năng lượng tiêu cực ra khỏi cơ thể thôi. Nhưng sau hai tháng “cô Vi” ghé chơi, anh đã ngậm miệng không than nữa. So với những đồng môn trong ngành đang chết job như rạ, thì việc khách hàng vẫn chưa bỏ anh, lương vẫn chưa bỏ anh (dù bị cắt 20%) đã may mắn quá rồi. Hơi mê tín, nhưng mà anh sợ cứ than vãn thì vận rủi sẽ mò đến mình.

Lại thêm một câu chuyện nữa. Quốc Anh là tour-guide tiếng Anh cho một công ty du lịch nhỏ, chuyên dắt các đoàn Âu Mỹ đến Việt Nam. Cuối tháng 2 công ty dừng hoạt động. Anh nộp hồ sơ online, phỏng vấn online nhiều lắm, nhưng đến lúc được gọi thử việc thì gặp phải lệnh cách ly toàn xã hội đến 15/4. Công ty mới không hứa hẹn gì nữa.

Xưa nay Quốc Anh luôn ỷ y vào vốn tiếng Anh của mình, cho rằng kẻ biết ngoại ngữ sẽ không thể thất nghiệp. Anh chưa từng có định hướng sự nghiệp (career path) rõ ràng. Anh nghĩ chỉ cần an ổn làm việc, sau vài năm có kinh nghiệm thì sang chỗ mới tốt hơn. Nhưng bây giờ, nằm dài ở nhà, Quốc Anh nghĩ đến hàng loạt viễn cảnh “giá như”. Giá như anh đã nộp đơn vào công ty lớn khi còn cơ hội. Giá như anh đã học thêm nghiệp vụ khác bổ sung cho tiếng Anh…

COVID-19 dạy ta một điều: Thế hệ chúng ta có khi đến 70 tuổi vẫn phải lên mạng tự học  - Ảnh 1.

Thật ra, cả Duy Tú và Quốc Anh đều không sai. Trước COVID-19, thế hệ chúng ta (cuối Millenial, Gen Z) tự định hình mình là Thế Hệ Khám Phá - vừa có thể kéo valy đi năm châu bốn bể, vừa có thể ngồi yên uống cà phê và cảm nhận vẻ đẹp thời gian. Nhưng cũng vì bận rộn khám phá cuộc sống, mà nhiều người vô tình nghiêng cán cân về một bên, đã khiến bản thân thụt lùi từ lúc nào.

COVID-19 đập cho chúng ta tỉnh!

Cuộc sống toàn cầu ngày nay luôn tiềm tàng những yếu tố gây nên sự thay đổi: Công nghệ phát triển chóng mặt, tin tức truyền tải 24/7, con người kết nối xuyên lục địa, những vấn đề về bất bình đẳng, về môi trường, về động vật hoang dã, vân vân. Sống trong một môi trường dễ biến chuyển như vậy, mỗi người cần có khả năng phục hồi và thích ứng, khả năng sáng tạo, khả năng giao tiếp và hợp tác, khả năng làm việc nhóm lẫn làm việc độc lập, sự đồng cảm và trí tuệ cảm xúc. Nhiều quá (!) nhưng phải trang bị dần dần thì mới mong sống an ổn trong những lúc thế giới hứng chí “về mo”. 

COVID-19 dạy ta một điều: Thế hệ chúng ta có khi đến 70 tuổi vẫn phải lên mạng tự học  - Ảnh 2.

Đời còn dài. Trong thế hệ của chúng ta, xã hội loài người còn tiến tới năm 2050, 2080, 2100… Chắc chắn chúng ta và nền kinh tế sẽ hồi phục. Những người đang thất nghiệp sẽ tìm thấy ít nhiều cơ hội mới. Chỉ trong một vài năm tới, mọi người sẽ tiếp tục ồn ào trong các văn phòng, sẽ họp hành mặt đối mặt mà tạm quên đi chiếc khẩu trang. 

Nhưng nghĩ dài hơn thì bạn sẽ còn sống hơn nửa thế kỷ nữa lận đấy! Trong chừng đó thời gian, biết đâu sao quả tạ lại một lần nữa giáng xuống Trái Đất? Biết đâu các vấn nạn “nhỏ hơn” như suy thoái kinh tế, chiến tranh thương mại sẽ xuất hiện? Do vậy, ngay trong những ngày này, thời gian ở nhà thay vì kêu chán, kêu buồn, hãy dành chúng để học những thứ mình cần. Có ngoại ngữ thì học thêm nghề, có nghề thì học thêm ngoại ngữ, mở não ra, chỉnh đốn thái độ sống. Biến cố này dạy chúng ta một điều: Thế hệ chúng ta có khi đến 70 tuổi vẫn phải lên mạng tự học. 

COVID-19 dạy ta một điều: Thế hệ chúng ta có khi đến 70 tuổi vẫn phải lên mạng tự học  - Ảnh 3.
COVID-19 dạy ta một điều: Thế hệ chúng ta có khi đến 70 tuổi vẫn phải lên mạng tự học  - Ảnh 4.

Trong Hội nghị trực tuyến “Chương trình hành động & giải pháp trong đại dịch COVID-19” (ngày 2/4, Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam VIDA tổ chức), ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT và chủ tịch VIDA chia sẻ rằng: Nhiều quốc gia trên thế giới đang gặp khó khăn trong việc sản xuất, xuất nhập khẩu lương thực, thực phẩm, điều này tạo cho ngành nông nghiệp Việt Nam những cơ hội lớn. Do đất nước đang làm tốt cuộc chiến chống COVID-19, nên tạo ra lợi thế cho các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng nông sản. Việt Nam có thể trở thành “đội quân hậu cần” không chỉ cho Việt Nam mà cho cả thị trường thế giới.

Nhìn theo lăng kính vĩ mô thì dịch COVID-19 là cơ hội vàng để thúc ép các doanh nghiệp trong toàn bộ nền kinh tế tái cấu trúc, ứng dụng công nghệ vào hoạt động quản lý và sản xuất, nhằm làm ra những sản phẩm và dịch vụ tốt hơn, đem lại sự phát triển bền vững và giá trị tích cực cho xã hội.

Vậy bạn nên đi học (lại) hay đầu tư thêm kiến thức vào những nhóm ngành nào để tìm việc sau mùa dịch và cho cả tương lai dài phía trước?

COVID-19 dạy ta một điều: Thế hệ chúng ta có khi đến 70 tuổi vẫn phải lên mạng tự học  - Ảnh 5.

Khoa học và công nghệ sẽ lên ngôi. Không chỉ là những ngành đang hot trước dịch bệnh như trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu, lập trình, tự động hoá, chế tạo robot… mà cả nền khoa học nói chung. Những ngày này, chúng ta nhận ra tầm quan trọng của khoa học. Nếu không có 4G, 5G thì khó mà biết tin tức nhanh từng giây như vậy, lại chẳng thể coi phim, nghe nhạc, học online. Nếu không có các chuyên gia y sinh thì ai đang nghiên cứu vaccine và thuốc chữa với tốc độ chóng mặt? Nếu không có các kỹ sư đại tài thì ai đã chuyển đổi “cái vèo” dây chuyền sản xuất ô tô sang sản xuất máy thở (Ford, GM, Tesla, Ferrari, VIN Group…)?

Ngành sản xuất lương thực thực phẩm. Chắc chắn rồi! Nông nghiệp sạch và ứng dụng công nghệ cao sẽ được chú trọng đầu tư, khi chúng ta thật sự ngấm rằng “có thực mới vực được đạo” và đã đi khua khoắng sạch bách siêu thị từ những ngày đầu dịch bệnh.  

Chăm sóc y tế, sản xuất thiết bị y tế, chuyên viên sức khoẻ và dinh dưỡng. Sau đại dịch, con người sẽ chú trọng hơn đến vấn đề ăn uống, sinh hoạt điều độ. Nhiều người cũng kịp tạo cho mình thói đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay và kiểm tra thân nhiệt. Ngoài ra, vì Việt Nam đã làm tốt công tác phòng chống và điều trị COVID-19, tại sao chúng ta không bắt đầu kế hoạch phát triển bệnh viện chất lượng cao để làm du lịch y tế? Mảng này hái ra tiền hàng đầu trong các dịch vụ du lịch. Năm 2018, Thái Lan thu về 26 tỷ bath từ du lịch y tế. Năm 2012, Singapore thu về 994 triệu USD từ du lịch y tế - sau đó họ không công bố nữa, nhưng năm 2019 Singapore đón đến 500.000 khách du lịch tới chữa bệnh.

COVID-19 dạy ta một điều: Thế hệ chúng ta có khi đến 70 tuổi vẫn phải lên mạng tự học  - Ảnh 6.

Các nền tảng online phục vụ cho công việc, mua sắm, giải trí. Cư dân toàn thế giới đang chuyển sang làm online, học online, giải trí online, mua hàng online - kéo theo việc phát triển của các nền tảng trực tuyến. Một nếp sống mới đang được hình thành nhanh chóng. Ngay cả khi mọi thứ qua đi và con người ra đường trở lại, thì chúng ta vẫn sẽ sống online nhiều hơn so với cuối 2019, vì sống online giúp ta tiết kiệm được thời gian và tiền bạc. 

Các giải pháp công nghệ cho thành phố thông minh (smart city). Đầu tư vào các giải pháp thành phố thông minh sẽ tiếp tục phát triển khi công nghệ đã chứng minh được giá trị trong quản lý khủng hoảng. Cảnh sát ở Trung Quốc sử dụng máy bay không người lái có cảm biến nhiệt để xác định những người ở nơi công cộng đang bị sốt. Hàn Quốc phát triển ứng dụng điện thoại giúp các cá nhân tự cách ly liên lạc với nhân viên phụ trách, báo cáo tiến trình của mình. Úc sử dụng một chatbot để giải quyết các câu hỏi của công dân và dập tắt sự lan truyền của thông tin sai lệch. Việt Nam gửi tin nhắn, Zalo để cập nhật cho toàn dân về các thông báo mới.

Chế tạo robot. Robot đã được thử nghiệm vào nhiều mặt cuộc sống rồi. Dễ hình dung nhất chính là các em robot lau nhà đang bán đầy thị trường. Vui vẻ, sáng tạo hơn thì có robot đọc kinh trên chùa cho du khách ở Trung Quốc, hay robot phục vụ phòng và vận chuyển đồ trong khách sạn ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan. Còn có những “đại robot” sử dụng trong các dây chuyền vận chuyển và chế tạo, chúng có khả năng làm việc 24/7 với độ chính xác cao. Nhưng ứng dụng robot mới chỉ ở bước đầu, còn rất nhiều cơ hội và tiềm năng. Sau dịch bệnh, việc nghiên cứu chế tạo robot sử dụng trong bệnh viện cũng được đẩy mạnh, khi chúng ta cần những chú robot đảm đương nhiều khâu việc có nguy cơ lây nhiễm cao như xử lý rác thải, khử trùng.

COVID-19 dạy ta một điều: Thế hệ chúng ta có khi đến 70 tuổi vẫn phải lên mạng tự học  - Ảnh 7.

Tất nhiên, những nhóm ngành truyền thống như giao thông vận tải, địa ốc, ngân hàng, du lịch, giáo dục, thời trang may mặc, ăn uống và dịch vụ… cũng sẽ hồi phục nhưng tốc độ chậm hơn một xíu. Nếu bạn bám trụ với các ngành nghề này, thì cần mau chóng cập nhật kiến thức, xem xem những công nghệ nào sẽ được áp dụng vào lĩnh vực của mình nhằm tăng tính hiệu quả, nâng cao trải nghiệm khách hàng. Ví dụ như ngành ngân hàng có ví điện tử, phê duyệt tín dụng dựa trên các dữ liệu bán hàng online; hay ngành du lịch sẽ chú trọng du lịch xanh, du lịch bảo tồn.

Một “điểm sáng” nữa là COVID-19 nhắc nhở chúng ta về thị trường nội địa gần 100 triệu dân. Sức mua dân mình rất mạnh (được chứng minh qua các đợt giải cứu nông sản), nên các doanh nghiệp lớn chuyên xuất khẩu có thể nghiên cứu mở rộng khai thác sang thị trường trong nước. Mặt khác, mỗi chúng ta cũng là người mua. Nếu có thể, hãy ưu tiên các thương hiệu thời trang, mỹ phẩm, nhu yếu phẩm, điện tử… hàng Việt được không? Khi cho hàng Việt một cơ hội là bạn đang cho đồng bào một cơ hội việc làm, đang giúp đất nước có một cơ hội xây nên các thương hiệu mạnh để mơ những giấc mơ ngoài biên giới.   

(Sử dụng tư liệu từ Business Insider, Yahoo Finance, CafeF.)

COVID-19 dạy ta một điều: Thế hệ chúng ta có khi đến 70 tuổi vẫn phải lên mạng tự học  - Ảnh 8.

Vốn dĩ trước dịch bệnh, chúng ta đang là một thế hệ tạo ra sức mạnh hợp tác toàn cầu, cùng nhau giải quyết những thách thức lớn của thế giới như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, sức khỏe tinh thần, vân vân. Nhưng…

Những ngày dịch bệnh, chúng ta thải ra “một núi” khổng lồ rác y tế, khẩu trang dùng một lần, hộp nhựa, hộp giấy đựng thức ăn. Điều này tạo ra áp lực vô cùng lớn lên hệ thống xử lý rác thải và môi trường.

Những ngày dịch bệnh, trái đất như đang tự chữa lành. Trong thời gian này, lượng CO2 thải ra của Trung Quốc giảm khoảng 25% so với cùng kỳ năm 2019 (tương đương 200 triệu tấn). Quốc gia có nhiều thành phố ô nhiễm như Ấn Độ cũng thấy chất lượng không khí cải thiện. Tuy vậy, điều này có thể sẽ chấm dứt ngay khi dịch bệnh được khống chế, thậm chí có khả năng môi trường còn trở nên tồi tệ hơn khi con người hùng hục lao vào gầy dựng kinh tế.

COVID-19 dạy ta một điều: Thế hệ chúng ta có khi đến 70 tuổi vẫn phải lên mạng tự học  - Ảnh 9.

Nếu chúng ta đã hy sinh kinh tế để cứu lấy sức khoẻ cộng đồng, thì chúng ta cũng có thể phát triển chậm một chút để cứu lấy sức khoẻ môi trường. Bạn có nhận ra không: Con người dẫu tài cán đến đâu, thì vẫn không thể tách mình khỏi cái nôi của mẹ tự nhiên. (Nhìn xem, một con virus có thể khiến cho toàn bộ hệ thống phức tạp chằng chịt của hơn 7 tỷ con người stop lại hết kìa!) Nhìn xa hơn, thì nhân loại không thể phát triển khoẻ mạnh và bền vững trong một bầu không khí nhiễm bẩn, trong đại dương ngập rác, trong đất đai nhiễm chì được.

COVID-19 có thể khiến chúng ta tạm ngừng sứ mệnh của mình đối với môi trường trong một thời gian ngắn, nhưng hy vọng rằng nó cũng sẽ “truyền cảm hứng” cho nhiều bạn trẻ lựa chọn một sự nghiệp thân thiện với môi trường trong tương lai. Bạn có thể theo ngành hành chính công, tham gia vận động cho những chính sách về môi trường. Bạn có thể nghiên cứu hệ thống xử lý rác thải hiệu quả hơn, hay chế tạo những vật liệu sinh học dễ phân huỷ, hay cải thiện dây chuyền sản xuất ít tiêu hao nhiên liệu hơn. Bạn có thể điều hành một startup đưa ra các giải pháp xanh sạch cho sản xuất. Rất nhiều giải pháp để cả kinh tế và môi trường có thể cùng mỉm cười, tất cả nằm trong tay bạn đấy!

COVID-19 dạy ta một điều: Thế hệ chúng ta có khi đến 70 tuổi vẫn phải lên mạng tự học  - Ảnh 10.

LANA
Trim
Jordy
Theo Trí Thức Trẻ10/04/2020