Sarah-Linh: Thật à? Em đừng lo quá (cười)
Sarah-Linh: Chị nói điều này được không: Chị nghĩ rằng “nàng thơ” (muse) không phải là một định nghĩa hay. Bởi với chị, nàng thơ nghĩa là một nhân vật hoặc một hình dung riêng tư nào đó có sức truyền cảm hứng tới người nghệ sĩ sáng tạo. Nhưng chị không hiện diện chỉ để truyền cảm hứng cho người khác. Vậy nên, khi ai đó bảo chị là nàng thơ, chị nghĩ tới việc là mình chỉ đứng yên và chờ đợi người khác được truyền cảm hứng từ chị. Chị không phải như thế. Chị thực sự đồng hành và kiến tạo cùng đội ngũ Lemaire.
Sarah-Linh: Chị cảm ơn.
Sarah-Linh: À chị thấy rất tốt. Chuyến đi này tới Việt Nam cũng khá bất ngờ. Bọn chị đi từ Côn Đảo về Tp. Hồ Chí Minh, rồi ra Hà Nội. Từ Hà Nội, bọn chị lên Mai Châu, Sapa ghé thăm đồng bào dân tộc thiểu số. Tại đó, chị được xem và trải nghiệm các kĩ thuật thêu truyền thống, nghề nhuộm chàm…. Ngày đầu tiên đến Tp. Hồ Chí Minh, bọn chị cảm giác phát điên vì thành phố này rất xô bồ: Mọi thứ dường như đều xảy ra cùng lúc. Có quá nhiều người, quá nhiều chất liệu, màu sắc ở khắp mọi nơi. Có điều gì đó tại đây khiến chị cảm thấy mình đang thực sự được sống.
Sarah-Linh: À, có chứ. Nhất là với con người ở Việt Nam. Chị biết là chuyện kết nối không bao giờ dễ dàng. Chị còn là một người ngoại quốc nữa. Chị cảm giác có khoảng cách nhất định giữa người với người tại Việt Nam nhưng chị lại thích điều đó. Khoảng cách này là cần thiết để mỗi người có một khoảng không riêng cho bản thân. Khi em thoải mái hơn và biết những người khác hơn, em sẽ thấy con người ở đây cũng không quá khó gần. Hồi bé về Việt Nam cùng bố, bố chị bảo không được nhìn vào mắt mọi người ở Việt Nam. Thế là chị cứ cụp mắt xuống không nhìn ai cả. Lần này quay trở lại chị mới thấy: Ở Việt Nam, mọi người có thể nhìn em chằm chằm, nhìn em trực tiếp vào mắt với một sự hiếu kì mạnh mẽ.
Sarah-Linh: Ồ chị không biết. Chị nghĩ chị phải đọc và biết về văn hóa Việt Nam nhiều hơn mới có thể chỉ ra chính xác phần nào trong con người chị đậm tính Việt Nam. Nhưng em biết không, chị nghĩ tới sự khiêm nhường (modesty) trong cách làm việc của đội ngũ Lemaire và chị. Chị cho rằng đó là một phần rất Việt Nam, rất giống với cái cách mọi người ở Việt Nam vận dụng trang phục truyền thống.
Sarah-Linh: Áo dài là một ví dụ hoàn hảo cho sự cân bằng giữa tính khiêm nhường (modesty) và nhục cảm (sensuality). Chị luôn muốn khám phá nhiều hơn về các phom dáng trong quá trình thiết kế. Khi mặc áo dài, em sẽ không nhìn thấy chút da thịt nào, em chẳng nhìn thấy gì quá hở hang cả. Em chỉ thấy một chiếc tam giác bé xíu chỗ tiếp giáp giữa phần xẻ tà áo dài và quần áo dài. Em có thể thấy cách tà áo dài gợi lên những đường nét cơ thể. Chị thấy điều đó rất gợi cảm, khiêu khích trí tò mò. Em có thấy đó là một điều gì đó rất mâu thuẫn nhưng cũng rất hợp lý không. Chính sự mâu thuẫn duyên dáng đó làm chị thấy hứng thú vô cùng. Ở Lemaire, bọn chị không thiết kế ra những thứ quá phô bày da thịt. Nhưng sẽ luôn có một cú twist, một chiếc nút cài áo nào đó khiến mọi thứ có thể thay đổi. Một chiếc áo blouse có thể biến thành một cái khăn quàng qua vai. Chị nghĩ sự tự do đó có thể là mối liên kết giữa chị và Việt Nam.
Sarah-Linh: À bố chị là người Việt Nam chính gốc thôi. Mẹ chị là người Pháp, ông bà ngoại của chị là người Ba Lan gốc Do Thái. Bố chị cũng không nói tiếng Việt với chị khi chị còn bé. Bố chỉ nói với chị như là “lại đây”, “ăn đi”. Bố gọi chị là “con heo” khi còn bé. Chị lớn lên và học tại trường công tại Paris thế nên chị nghĩ mình rất Pháp. Tuy nhiên chị không nghĩ nhiều về nguồn gốc của mình. Chị cho rằng danh tính (identity) một con người phức tạp hơn thế.
Sarah-Linh: Ừ, thật ra đôi lúc chị gặp những bạn phóng viên không được tốt cho lắm. Khi được phỏng vấn và cảm thấy tự tin vào người phỏng vấn, chị rất sẵn lòng để chia sẻ thôi. Chị và Christophe cùng trả lời khối lượng thông tin tương đương nhau nhưng khi những bài báo đấy được đăng thì lại thành ra như em vừa nói.
Sarah-Linh: Cũng không hẳn là như vậy. Con đường học vấn của chị cũng lộn xộn. Chị từng có một năm học Liberal Arts (Giáo dục khai phóng: thuật ngữ chỉ bậc giáo dục thiên về kiến thức nền tảng và các kiến thức kĩ năng có thể thay đổi linh hoạt) tại Mỹ. Đó là quãng thời gian chị được học về văn hóa & truyền thông. Mục tiêu của năm học này là giúp chị triển khai được các ý niệm, sở thích chị mong muốn bằng ngôn ngữ Anh. Trong đó, chị từng học một khóa đại cương về văn hóa truyền thông có các chủ đề đa dạng như: điện ảnh avant garde; chính trị; nghiên cứu về văn hóa truyền thông… Sau đó, chị nhận ra mình không thích Mỹ lắm nên chị lại quay về Paris. Chị dành một năm để học về việc xuất bản sách, chủ yếu là các đầu sách nghệ thuật. Đây là một niềm đam mê của chị. Hiện nay, chị cũng đang hoàn thiện một số đầu sách và hy vọng có thể xuất bản chúng trong năm sau. Chị nghĩ chuyện xuất bản sách cũng có nhiều điểm tương đồng với thời trang lắm: Cách em kể chuyện, cách em sắp xếp câu chuyện và truyền đạt tới công chúng…
Sarah-Linh: Chị thấy có nhiều kiểu nhà thiết kế thời trang hiện nay. Thế hệ trước họ vẽ tay rất nhiều và họ biết cách làm thế nào để dựng một phom dáng mới, làm thế nào để giao tiếp với các thợ thủ công trong atelier. Và thế hệ hiện nay - những nhà thiết kế mà họ không nhất thiết phải biết vẽ bởi họ có những người chuyên biệt làm việc thiết kế cho họ. Họ sẽ phải làm nhiệm vụ kết nối, tổ chức mọi người trong thương hiệu. Họ đưa ra định hướng nghệ thuật cho thương hiệu. Chị nghĩ là chị đang làm theo cả hai hướng.
Lúc chị mới gặp Christophe, chị không biết cách để xây dựng một thiết kế. Nhưng chị rất háo hức với thời trang bởi phom người của chị nhỏ và chị khó có thể tìm được quần áo phù hợp với mình. Chị phải học cách cắt bớt, buộc lại để quần áo vừa vặn với cơ thể mình hơn. Khi chị học cách để làm việc với Christophe, chị chỉ bắt đầu từ một vài bộ đồ và rất nhiều hình ảnh chị đã thu thập từ trước đó. Hồi đấy chưa có Pinterest hay Instagram. Tumblr cũng chưa xuất hiện. Việc tìm được một bức hình “đủ tốt” thực sự giống như tìm được báu vật vậy. Giờ thì chỉ với một cú click, rất nhiều hình ảnh đẹp đã hiện ra. Hồi đó, chị phải tới các thư viện, xem nhiều sách để chọn ra được những hình ảnh đúng với cái chị hình dung nhất. Sau đó, chị cho Christophe xem những hình ảnh mà chị thu thập được để cùng nhau vẽ ra chân dung người đàn ông và người phụ nữ của Lemaire: cách họ ăn uống, cách họ đọc, cách họ chuyển động… Rồi từ đó, bọn chị mới xây dựng các thiết kế, các bộ rập xoay xung quanh những hình ảnh mà bọn chị thích nhất. Chị trở thành một phần của công ty Lemaire rất nhanh. Chị phải quan sát rất nhiều và học hỏi từ những gì chị quan sát được: Cách Christophe trao đổi với thợ rập; cách mọi người xây dựng một phom dáng; cách mọi người làm một cái tay áo; cách lựa chọn chất liệu…
Chị rất may mắn khi được học hỏi từ Christophe. Ông ấy từng làm việc cùng huyền thoại Christian Lacroix - một nhà thiết kế trang phục (chứ không chỉ là một nhà thiết kế thời trang đơn thuần). Thế nên, có thể coi Christophe là một nhà thiết kế theo trường phái old-school. Ông ấy là người có chiều sâu. Giờ nghĩ lại, chị chỉ còn nhớ là mình đã quan sát, thử nghiệm liên tục. Trước đây, chị không được tự tin lắm. Thế nên, chị thiết kế ra những bộ quần áo cho người phụ nữ mà chị muốn trở thành trong mắt mọi người. Giờ chị chỉ muốn thiết kế ra những bộ quần áo làm bản thân thoải mái.
Sarah-Linh: Chị luôn thấy hạnh phúc và tự do bởi Lemaire là một thương hiệu độc lập. Bọn chị có thể quyết định rất nhanh mà không phải hỏi xin ý kiến của ai cả. Bọn chị luôn thấy tự hào mỗi sáng đến văn phòng và thấy mọi người vui vẻ làm việc tại đó. Đặc biệt, khi những người từ các công ty khác tới thăm văn phòng Lemaire, họ thường nói với chị rằng: Ở đây, mọi người trông cứ như một gia đình vậy! Chị nghĩ đó là vì bọn chị rất thân thiết với nhau. Tất nhiên, một công ty vẫn luôn có trật tự riêng: Chị và Christophe sẽ đưa ra quyết định chính nhưng bọn chị rất tôn trọng ý kiến của mọi người cùng làm. Tự do ngôn luận em ạ. Đã 15 năm kể từ ngày chị gia nhập Lemaire. Từ năm chị 19 tuổi.
Sarah-Linh: Thành thật mà nói thì những năm đầu tiên rất chật vật. Bọn chị không có nhiều. Chị nên nói như thế nào nhỉ? Em biết không: Cái khó ở đây đó là khi bọn chị bắt đầu có chút tiếng tăm, đơn đặt hàng (pre-orders) về. Thế nhưng, bọn chị không nhận được tiền cho tới khi đơn đặt hàng hoàn thiện. Vậy là bọn chị phải đi vay để có tiền đầu tư nhân công, nguyên vật liệu, sản xuất. Đó là những quyết định mạo hiểm. Chị không nhớ nổi là đã có bao nhiêu mùa bọn chị bảo nhau: “Phải dừng lại thôi. Thế này không hợp lý. Chúng ta đang đốt tiền”. Nhưng bọn chị cũng rất cứng đầu và ngây thơ với những gì mình làm (và đôi lúc sự ngây thơ này lại rất có giá trị).
Sarah-Linh: Giống như bọn trẻ con vậy. Bọn chị động viên nhau rằng: “Đây sẽ là mùa cuối cùng rồi và chúng ta sẽ cố gắng làm nó thật tốt”. Và thế là bọn chị cứ tiếp tục kiểu như vậy. Chị nghĩ là thật may mắn vì bọn chị có 2 người làm cùng nhau, cùng chia sẻ với nhau những căng thẳng áp lực trong quá trình gây dựng thương hiệu. Bọn chị bắt đầu tuyển được những người có khả năng; đưa ra những quyết định đúng đắn… Đến một lúc, em sẽ thấy mọi thứ dần vào guồng của nó, em có đủ tài chính để lo cho thương hiệu của mình. Tất nhiên là không có sẵn công thức nào cả. Chỉ có những gì em thực sự cảm thấy tốt cho thương hiệu của mình thì em làm thôi.
Sarah-Linh: Chị nghĩ là trong bất cứ mối quan hệ nào cũng cần có sự phát triển song song và sự chấp nhận khác biệt. Bọn chị luôn đồng thuận với nhau trong những quyết định lớn ví dụ như triết lý thương hiệu. Và bọn chị cũng có quan điểm khác nhau về nhiều thứ. Sự khác biệt khiến cho thương hiệu trở nên thú vị hơn. Nó giống như một khối tầng lớp quần thể cùng phát triển. Có một ý như thế này về củ gừng, em biết củ gừng chứ. Khi nhìn vào củ gừng, em sẽ không biết nó bắt đầu từ đâu hay từ lúc nào. Các nhánh gừng sẽ phát triển liên tục không có điểm đầu và không có điểm kết thúc. Đó là cái đẹp của việc làm teamwork: em không quan tâm ý tưởng này xuất phát điểm từ ai. Điều quan trọng là các ý tưởng được sinh ra và phát triển cùng nhau tạo thành một quần thể vững vàng. Chị tin là khi mình hiểu được bản thân mình là ai, mình tự tin vào những gì mình đang có, mình có thể cởi mở và tiếp nhận các tư tưởng ý kiến khác biệt trong quá trình làm teamwork.
Sarah-Linh: À, Suminagashi (một thuật ngữ tiếng Nhật để chỉ kĩ thuật in vân đá cẩm thạch). Bọn chị bắt đầu ứng dụng kĩ thuật in này từ năm 2015. Năm chị 19 tuổi, chị có thời gian làm việc ngắn tại tiệm sách cũ của bác chị ở Paris. Có những cuốn sách rất cổ ở nhiều thời đại khác nhau, có những cuốn từ thế kỷ 15. Chị rất hay ngắm những vân ố vàng trên trang sách và chị cũng từng tìm đọc về kĩ thuật in Suminagashi từ hồi đó. Về căn bản, đây là kĩ thuật in mà em sẽ nhỏ màu dầu lên bề mặt nước, rồi em sẽ úp giấy lên bề mặt nước để tạo ra các vân loang như vân đá cẩm thạch. Kết quả của kĩ thuật in này rất ngẫu hứng. Bọn chị từng mang các mẻ vân in khác nhau tới văn phòng và hỏi mọi người xem họ thấy gì. Người thì thấy một cô gái, người lại thấy bông hoa, người lại thấy một con bướm… Với chị, đó giống như một bài kiểm tra tâm lý thú vị vậy.
Sarah-Linh: Chắc là không. Những kĩ thuật thêu truyền thống hoặc nhuộm chàm cho ra thành phẩm rất đẹp. Nhưng chị không nghĩ mình có thể ứng dụng được những kĩ thuật đó trong các BST của Lemaire. Cái mà chị thấy hay nhất từ chuyến đi này là hình ảnh những người bà vùng cao mặc đồ sặc sỡ. Họ phối màu đỏ burgundy, xanh da trời, các texture vải, các họa tiết thổ cẩm… rất hay. Chị chắc là họ không có nhiều đồ đâu nhưng bất cứ món đồ nào của họ cũng rất vừa vặn, dễ phối với những gì họ có. Chị cảm thấy đó như là lớp da thứ hai của họ vậy. Chúng mang hình hài, tính cách của những người bà vùng cao ấy. Quần áo mới với chị lại hơi đáng sợ bởi chúng quá cứng và vô hồn.
Sarah-Linh: Chị nghĩ công việc thiết kế quần áo chị đang làm đó là tạo được không gian cho người mặc. Đôi lúc, bọn chị thực hiện những mẫu thiết kế tối giản để một thanh niên 16 hay một cụ già 60 tuổi đều có thể mặc. Tính cách và trải nghiệm bản thân họ sẽ mang đến diện mạo khác nhau cho món quần tấm áo. Dự án bọn chị làm cùng Uniqlo khiến chị học được điều này nhiều nhất. Với Uniqlo, bọn chị phải thiết kế cho gần như tất cả mọi kiểu người em có thể nghĩ ra. Chị nghĩ điều đó thật điên rồ khi biết rằng những gì mình tạo ra có thể có sức ảnh hưởng thế nào tới đời sống của mọi người. Đôi lúc chị cũng thấy vừa run vừa vui khi chứng kiến quần áo mình làm ra được đón nhận khác nhau thế nào tại các đất nước, các vùng văn hóa khác nhau. Ví dụ, chị thích các màu sắc trung tính. Những màu sắc kiểu này rất hợp với Paris vì thành phố này lúc nào cũng xám xịt. Nhưng khi chị tới Việt Nam, chị cảm giác mình cần phải lựa chọn những màu sắc đậm hơn, rực rỡ hơn.
Sarah-Linh: Chị nghĩ mọi mối quan hệ đều có ảnh hưởng tới em, tạo nên con người em của thời điểm hiện tại. Chị và Christophe đều có ảnh hưởng lẫn nhau. Thế nhưng chị vẫn có thế giới riêng của chị. Chị đã làm việc rất chăm chỉ để phát triển một cách độc lập. Chị đọc sách, chị có sở thích riêng… Em không nên bỏ hết tất cả những gì em có vào một mối quan hệ hay công việc. Mối quan hệ sẽ phát triển tốt đẹp và lành mạnh nếu cả hai có sở thích và có sự tự chủ riêng.
Sarah-Linh: Chị chưa. Nhưng chị cảm thấy áp lực nhất định khi làm thời trang: em vừa hoàn thiện một bộ sưu tập và em phải có ý tưởng ngay cho bộ tiếp theo. Bọn chị muốn tạo ra một sự tiếp nối bền vững giữa các bộ sưu tập, để thoát khỏi cảm giác mình phải bắt đầu lại từ đầu ngay sau khi vừa hoàn thiện xong một bộ sưu tập trước. Qua mỗi mùa, bọn chị đều làm những màu sắc từa tựa nhau. Chúng có đôi chút khác biệt nhưng không nhiều: đậm hơn, nhạt hơn, nhiều ánh vàng hơn, lạnh hơn, ấm hơn… Khi chị chuyển nhà chị để ý thấy tủ đồ của chị gồm các thiết kế của Lemaire trong nhiều năm, sau khi được sắp xếp phân loại ngăn nắp: những màu sắc hiện lên cạnh nhau tạo thành một dải cầu vồng chuyển màu rất đẹp.
Sarah-Linh: Chị nghĩ đó là công ty Lemaire - những con người những thành viên mà chị đã cùng Christophe xây dựng trong nhiều năm qua. Có một niềm vui khác đối với chị, đó là khi chị thấy các thành viên trong gia đình mình mặc các thiết kế Lemaire. Gia đình chị, họ không quan tâm nhiều đến thời trang. Chị còn nhớ khi đó cả nhà đi về ngoại ô chơi và ngồi quanh một chiếc bàn. Tất cả thành viên trong gia đình đều đang mặc Lemaire. Điều đó làm chị thấy rất hạnh phúc.
Sarah-Linh: Đó là một câu hỏi rất khó đấy em biết không. Chị nghĩ là chị biết mình đang cố gắng vì điều gì. Chị muốn kết nối mọi người. Chị muốn tạo ra những điều có thể tồn tại cùng thời gian. Chị có một người bạn làm kiến trúc sư nói với chị rằng: Khi bạn ấy thiết kế nhà, bạn ấy cũng đang tạo ra kí ức cho những người sống trong căn nhà đó. Em thấy đấy: Khi sống trong một căn nhà, chúng ta lớn lên rồi già đi cùng căn nhà đó. Những mảng sơn tường, kích cỡ của cửa ra vào, những quyết định em có trong căn nhà đó đều đóng góp vào việc xây dựng một không gian tinh thần cho chúng ta. Chị nghĩ khi mình làm công việc về sáng tạo, mình cũng đang tạo ra kí ức cho mọi người. Và có lẽ đó cũng là lý do tại sao chị thích nấu nướng.
Sarah-Linh: Chị có 9 năm đầu tiên trong đời là con duy nhất trong nhà. Mẹ chị sưu tầm rất nhiều sách thiếu nhi từ hồi bà còn tuổi teen. Và khi có chị, mẹ chị mang những cuốn sách thiếu nhi đó bỏ vào phòng chị. Có nhiều sách lắm: sách Mỹ, sách Pháp, sách của người Do Thái, những cuốn sách có hình minh họa rất đẹp… Những câu chuyện trong các cuốn sách đó không hề sến sẩm ủy mị. Chúng là những câu chuyện cổ xưa nhuốm màu đen tối. Ví dụ như nàng tiên cá của Andersen; Lọ Lem của anh em nhà Grimms… Khoảng thời gian chị đọc những cuốn sách đó quan trọng với chị. Chúng giúp chị hiểu ra rằng thế giới không chỉ có hai màu trắng và đen. Thế giới còn là rất nhiều điều ở giữa vừa đáng sợ vừa chứa đựng sự an ủi dễ chịu. Chúng giúp chị dung dưỡng trí tưởng tượng của mình. Chị vẫn hay nghĩ về khoảng thời gian đó cho tới tận bây giờ. Mẹ là người đã giúp chị xây dựng gu đọc sách của chị, dạy cho chị cách luôn hiếu kì với thế giới xung quanh cũng như giữ cho tâm trí của mình rộng mở.
Sarah-Linh: Chắc là có hai điều. Chị muốn xuất bản sách. Sách là một vật thể hữu hình mà em có thể truyền đạt rất nhiều thông tin và độ sâu cá nhân vào đó. Chị muốn mở ra một không gian rộng lớn cho những cá nhân luôn có sự hiếu kỳ với thế giới xung quanh bằng việc xuất bản những cuốn sách. Những cuốn sách đó sẽ lưu giữ lại sự sôi nổi của trí tưởng tượng cá nhân và sức mạnh của trí óc tập thể thông qua những bức hình minh họa đặc sắc, những hành trình riêng tư hay là những cảm xúc khác nhau đối với thế giới này.
Chị muốn có nhiều thời gian hơn cho cuộc sống cá nhân của mình. Chị biết đây cũng không hẳn là điều gì đó lớn lao. Nhưng với chị, đó là một điều quan trọng.