Ở Sài Gòn có những người ngộ lắm. Hàng ngày họ dành một phần thời gian đi nuôi chim trời, thú hoang, những con sóc trong công viên, những con bồ câu chim sẻ sống trên những tòa nhà trong phố. Họ bỏ tiền mua thức ăn, đau đáu chăm sóc, lo lắng cho chúng mà không hề có ý định sở hữu hay dùng chúng để kiếm ra tiền, cũng bất chấp ai gọi mình là "đồ khùng".
Ở Sài Gòn, có những người "khùng" mến yêu như vậy!
"Già ơi Giàaaaaaaa, Giàaaaaa... Già ơi... xuống ăn nè Giàaaaaa... xuống đi Giàaaaaaa". Dì Năm vừa đi tất tả xách bịch dế non ra vỉa hè đầy cây xanh trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm chạy dọc Sở thú vừa ngước mặt lên vòm cây gọi ời ời như gọi con về ăn cơm. Mấy vốc dế và thóc tung ra. Đàn chim sẻ sà xuống trước tiên. Còn đàn sáo lớn-dì Năm gọi tập thể chúng là "Già" vẫn núp đâu đó trên cây. "Già ơi Già... hổng xuống tao đi dìa à... Đói à nha Già.... Giàaaaaaaa.... Già ơi Giàaaaaaaa".
Chúng bắt đầu nhảy xuống, đậu trên bờ cao nhất của hàng rào, cái đầu nhỏ nhắn nghiêng ngó quay dọc quay ngang nhanh như cắt. Chắc hôm nay có nhiều người lạ nên tụi sáo cẩn trọng. Nhưng chỉ xíu sau, cả lũ ào xuống nhảy chanh chách mổ tơi tới như chim máy mới được thay pin. Chớ sao nữa, hổng xuống lỡ dì Năm giận rồi đi dìa, bỏ chúng đói bụng đêm nay thiệt rồi sao? Dì Năm còn đi cho chim sẻ trong Sở thú ăn, còn cho thằng Non uống sữa, còn bán hàng rối rít, đâu có rảnh đâu...
Rồi mới mấy bữa nay lại thêm một đứa lông đen đuôi trắng, bự gần bằng cườm tay rồi nhưng vẫn là chim non, nó rớt xuống đường sau trận giông lớn và một đứa nhỏ chút xíu bằng phân nửa con gà con, tròn vo úm nụm, cả hai đứa đều là loài ăn thịt, cũng rớt từ đâu trên cây, sáng ra mấy anh bảo vệ lượm được đưa cho dì chăm sóc. Dì cho mỗi đứa một chuồng, lấy bìa carton che vòng quanh, vậy mà thằng nhóc nhỏ vẫn run run. Và cứ ai giơ ngón tay tới gần là nó há mỏ ra thiệt rộng đòi ăn, cái mỏ hồng hồng thiệt ghét.
Dì Năm thực sự là hổng có rảnh mà!
- Năm, nó đói kìa Năm.
-Nó xạo đó. Mới ăn một bụng bự tức thì mà đòi ăn hoài hà. Hổng cho ăn nữa, ăn nữa nó chết. Lát trước khi Năm dìa Năm mới cho ăn. Rồi tối cho tụi nó ăn một chặp nữa, rồi mới ngủ.
Tất ta tất tưởi góc nọ góc kia lo cho hai con sóc, một con còn non dì mới nuôi giùm anh bảo vệ một tháng nay, hai đàn sẻ, một mớ tụi "Già", mười mấy con chuột hamster nhốt trong lồng, rồi khi mặt trời dần tắt, Năm quàng hết lồng nhốt lên phía trước xe đạp, thảnh thơi đạp về.
-Năm, sao Năm hổng ngồi lên yên đạp cho khỏe?
-Hí hí đạp hổng có tới, chân Năm ngắn, Năm đạp hổng có tới, Năm ngồi yên sau vầy hông hà.
Cứ ngồi yên sau thò chân ra trước đạp xe như vậy, vừa ngông nghênh, vừa dễ thương quá trời quá đất, dì Năm tà tà dọc con đường Lê Duẩn, ôm Phạm Ngọc Thạch rồi quẹo sang Võ Văn Tần, rẽ Nguyễn Đình Chiểu về nhà. Móc mớ bánh mì ngọt bỏ trong bịch nilon treo trên tay lái xe, dì bóp vụn tung xuống những thảm cỏ xanh dọc đường. Từ những tàng cổ thụ bên lề, thậm chí từ tuốt những mái cao ốc tận bên kia đường, đàn se sẻ lông nâu như đã bấm chuẩn giờ dì về, bay ào xuống như một mớ lá nhỏ lả tả rụng xuống theo cơn gió sà xuống lích chích nhặt bánh rồi chấp chới bay theo dì.
Cứ như vậy, hơn năm năm nay. 4h30 sáng, dì Năm từ nhà ở quận 3 đạp xe xuống quận 5 mua dế, sâu non, thóc, bắp và đậu xanh cho lũ chim, sáo và chuột kiểng dì nuôi (ở nhà còn mười mấy con chim nữa), mua ở chợ côn trùng vậy mới được rẻ, chừng 8h sáng vãi thóc cho một đàn bồ câu ở một cái bùng binh dọc đường ăn rồi tha lôi mấy con sóc và chim lên Sở thú. Chỗ này dì bán đồ chơi cho con nít mấy chục năm nay. Như nuôi một đám con nít nhõng nhẽo quấn mẹ.
- Mấy bữa mưa gió quá trời rồi Năm có cho tụi nó nhịn hông?
- Hổng có đâu. Chờ hết mưa ra cho nó ăn chớ. Tội nghiệp á, sợ nó đói á!
- Năm nuôi tụi nó hết nhiêu tiền một tháng?
- Mua dế thì ngày nào cũng ba chục ngàn, rồi mua sâu, mua bắp, mua đậu xanh, mua thóc, mua bánh mì ngọt... tháng mấy triệu á.. mà kệ nó, bỏ nó đâu có được, nó đói mà, tội nghiệp nó mà.
- Bỏ tiền ra nuôi chim trời vậy có ai nói gì Năm hông?
- Có chớ... Ông kia kìa ổng nói: Bà khùng! Bà khùng đi nuôi chim trời! Kệ chớ ai nói gì nói, hổng nuôi tụi nó đói sao!
Tôi mua một cái súng bắn ra bong bóng màu. Dì Năm nhứt quyết bớt ba chục ngàn. "Kệ, mua bán gì, lấy đi cho vui mà".
Ở một ngôi nhà khác cũng trên quận 1, cũng khoảng giờ ấy, một người phụ nữ thức dậy rồi chuẩn bị bốn hộp to đựng chuối chín đã xắt từng khoanh, mấy hộp gạo lứt, mấy hộp thóc... xếp gọn lên chiếc xe máy thong thả dong đến công viên Tao Đàn. Cứ 6h sáng hàng ngày, đàn sóc cả trăm con trong này sốt ruột bò tới bò lui trên những thân cổ thụ lớn chờ cô.
"Hồi nãy tụi nó xuống cả mấy chục con chờ cô đó cô. Mắc cười quá chừng, anh kia chạy xe qua mà nó tưởng xe cô, cả đám nó quay đầu lại nó dòm nguyên một đám vầy nè, mấy lần luôn cô. Nay cô ra hơi trễ há".
Một cô gái trẻ đang tập thể dục ở Tao Đàn hớn hở kể với cô Liễu như vậy.
Cứ hai mươi mấy năm nay, đều đặn chừng 5h30 sáng cô Liễu đi cho tụi sóc và chim ở Tao Đàn ăn. Bạn tin không, hai-mươi-mấy-năm đó, gần như không trừ ngày nào trong suốt 365 ngày mỗi năm, ngày nào cũng xắt chuối thành từng khoanh từ hôm trước, xếp đẹp đẽ ngăn nắp vào hộp và chạy xe đến công viên để đúng boong khoảng 6h là xếp chuối cho sóc ăn, ngày nào cũng vậy, đều đặn và trách nhiệm đến không thể giải thích nổi.
-Bữa nào bịnh hay mắc đi đâu thì cô nhờ bạn ra cho nó ăn, mà cũng ít nhờ lắm, tại sợ làm phiền người khác. Trời mưa thì chờ tạnh. Tại nuôi tụi nó mà hổng dám đi chơi xa luôn đó. Tết mùng một mùng hai mùng ba cô cũng có mặt ở đây hết, bỏ hông có được. Thương lắm!
- Trong công viên này nhiều cây cối có trái cho sóc ăn mà cô. Tại sao cô phải cho sóc ăn thêm vậy?
- À tại vì hồi đó cô đang tập thể dục ở đây thì có con sóc rớt xuống, mà nó ốm nhách nhỏ xíu hà. Cô thấy thương quá mới mua trái cây cho nó ăn, mà có vẻ nó không thích. Cô mới nghĩ phải kiếm cái gì đó hạp khẩu vị nó, nó mới ăn được. Nên cô đọc tùm lum. Mới biết trong công viên mình không có nhiều loại cây có trái hạp với sóc nên tụi nó thiếu thức ăn. Cô thử riết rồi mới lựa được chuối đó chớ. Hồi đầu 2 ký, tăng lần lần lên 4, 6, giờ 10 kg một ngày là ngưng ngang đây, với 13 ký gạo và thóc, vì cô chỉ lo được tới đó thôi, thêm nữa cô lo hổng nổi.
Ngoài đàn sóc trong Tao Đàn, cô đều đặn rải gạo cho một đàn bồ câu trước sân Nhà văn hóa Lao động, một đàn sẻ cũng ở Tao Đàn và gửi thức ăn hạt lên cho một ngôi chùa đang nuôi đàn chó mèo bị chủ bỏ trên Đồng Nai. Tính ra, tháng mất đều đều mười mấy triệu đồng. "Thì mình nhịn bớt cho tụi nó ăn cũng đâu có sao. Thấy nó đói chịu không nổi. Cô thấy hạnh phúc lắm".
Ở đây cũng có nhiều người sáng sáng lại mang thức ăn tới cho sóc với chim, nhưng nuôi lâu dài như cô Liễu thì chỉ có một-anh bảo vệ Tao Đàn nói.
Năm ngoái, lợi dụng công viên rộng bảo vệ khó quản hết, có một thời gian đàn sóc và chim bị bẫy rất nhiều.
- Hồi đó cô hay gặp một ông lâu lâu thấy đi tập thể dục ở đây, thấy cô cho ăn hay dừng lại ngắm nghía tụi sóc lắm, rồi ổng hỏi cô tại sao làm vậy. Cô nói việc làm của cô có gì đâu, nhỏ xíu hà. Ổng nói không đâu, không nhỏ đâu, tấm lòng của chị lớn lắm đó. Tới hồi tụi nó bị bẫy quá cô buồn quá, gặp ổng cô cũng nói chuyện vậy đó, úi cha ơi, lúc đó mới biết ổng là thứ trưởng làm việc ở Văn phòng Chính phủ, ổng nói cô làm đơn đi, ổng giúp báo lên cấp trên cho. Cô mừng quá, cô làm đơn đưa ổng liền. Sau thấy bớt. Cô cảm ơn ổng lắm đó con.
- Nhiều người nói tại dân Sài Gòn giàu quá, rảnh rỗi nữa nên mới làm những việc như vầy, cô nghĩ sao?
- Không đúng đâu! Nghèo cũng chia sẻ được vậy. Con thấy rất nhiều người để thùng trà đá miễn phí, hay cho ổ bánh mì... Có nhiều cho nhiều có ít cho ít. Con thấy có những người nuôi hàng trăm đứa trẻ nghèo cho đi học không, phước đức quá, chuyện của cô làm nhỏ xíu xìu xiu như cái móng tay à.
Trong bầu không khí ẩm nước của Sài Gòn mùa mưa, công viên xanh ngắt, những lát chuối cô Liễu xếp dọc trên những cái rễ to đùng ngoằn ngoèo đen sẫm bật nổi vàng rực như những chuỗi tiền vàng.
Trong lúc đàn sóc Tao Đàn ngó quanh quất xem vắng người rồi mới bò xuống những thân cổ thụ già trong vườn Tao Đàn, cắp lấy một miếng chuối rồi phóng vút lên cao và ở trên đó nghênh ngáo nhả những mảnh vỏ rớt xuống đầy quanh gốc, thì trên mảnh sân nhỏ lát gạch xám trước nhà thờ Đức Bà cách đó rất ngắn đường chim bay, đàn bồ câu hàng trăm con thản nhiên đậu lên cánh tay, leo cả lên chân người đi dạo sớm hăng say mổ đậu xanh đựng trong lòng bàn tay.
Một người đàn ông cầm chiếc lon guy gô thần thánh thỉnh thoảng lắc những hạt đậu trong lon kêu lắc rắc giòn giã để gọi đàn chim xuống. Anh không phải là chủ của đàn chim, nhưng ngày nào cũng cho chúng ăn và chăm sóc chúng ở đây, cũng đã hơn 12 năm rồi.
- Năm 2003 có dịch gia cầm nên người ta thả bồ câu ra cũng mấy chục con vậy đó. Tui hay uống cà phê gần đây, thấy tụi nó đói tội nghiệp nên cho tụi nó ăn. Hồi đầu mua ba ký, cho ăn vài ngày thấy tăng dần tăng dần... giờ là mỗi ngày 13 ký, ba ký đậu xanh, 10 ký lúa. Cứ 5h sáng là tui có mặt ở đây rồi... kìa hình như có ai bắt tụi nó để tui ra coi... nè mấy con đừng có đuổi nó như vậy... đó cô thấy không, tui thuộc tánh tụi nó quá rồi, không có chuyện gì tụi nó không có xao xác như vậy đâu.
Ở đây có nhiều người cũng ra cho ăn lắm, mà cũng có người ưa bắt ưa chụp. Có người còn hỏi tui bán bao nhiêu một con nữa chớ. Tui mà bán thì tui nuôi tụi nó làm gì. Chỗ này là nhà thờ mẹ Nữ vương hòa bình, bồ câu cũng là loài chim hòa bình, có nó bay lên bay xuống ở đây mới ra thành phố hòa bình, thấy thành phố của mình yên bình hơn vậy thôi. Tui muốn nuôi nhiều thiệt nhiều để cho mấy đứa nhỏ sáng sớm hay chiều chiều đi học về nó ghé qua chơi với đàn chim, nó cũng hiền lành hơn. Có nhiều đứa mẹ nó bồng ra đây từ hồi tám tháng kìa, giờ ba bốn tuổi rồi sáng nào cũng ra đây chơi với chim hết á. Mẹ nó nói hồi trước kêu nó thức dậy khó lắm, từ hồi biết đàn chim là sáng nó tự dậy sớm kêu mẹ chở ra chơi với đàn chim.
Có người còn nói tui "Xin một con nha". Tui hỏi để làm gì, cái người ta nói "Nấu cháo". Tui nói vậy cái thân tui nè, bắt nấu cháo luôn đi. Tui nuôi bồ câu cho đẹp thành phố, cho thấy thành phố thân thiện mà đòi bắt nấu cháo, hổng hiểu mấy người đó nghĩ gì nữa.
Đồ nghề của anh Cường gồm một bao thóc, một bao đậu xanh, thùng nước cho chim tắm, thuốc kháng sinh cho chim và đôi lúc cả mảnh gương nhỏ đặt nghiêng dưới đất. "Tụi nó thích điệu lắm, cô coi kìa, nó soi gương kìa thấy không?"
Sáng nào đàn chim nơi nhà thờ Đức Bà cũng cuốn hút cả trăm người dân địa phương và du khách dậy sớm đến chơi với chim, mua thóc cho chim ăn và chụp ảnh cùng chim. Vách tường gạch đỏ trăm năm với hai tháp chuông màu xám của nhà thờ cùng hàng cổ thụ cao vút nơi này vốn đã là điểm chụp hình yêu thích của các cô dâu chú rể, từ ngày có đàn bồ câu đông đúc, cô dâu chú rể nào lại cũng phải có vài tấm ảnh đang hôn nhau giữa bầy chim câu đang tung cánh bay lên chấp chới.
Một hôm, đang ngước lên nhìn đàn bồ câu vỗ cánh bay một vòng tròn từ tượng Đức mẹ vòng quanh công viên về phía nhà thờ rồi quay lại đậu xuống sân, tôi chợt thấy lẫn trong những đôi cánh xám và trắng là những đôi cánh màu xanh, da cam, đỏ tía... Thủ phạm vẽ màu lên lông chúng chính là anh Cường. Sẽ có người phản đối kịch liệt hành động này. Ngay anh Cường cũng có cách giải thích hai chiều về nó.
- Tui thấy bồ câu ít màu buồn quá nên vẽ lên cho nó đẹp, mấy đứa nhỏ nó ra chụp hình cũng thích. Mà lỡ nó bị bắt mang ra chợ bán thì người ta cũng sợ mua, vì biết nó có chủ, với lại nó kỳ dị như vậy sợ ăn vô bị độc, cũng là để cho người ta bớt bắt bồ câu đi.
Sáng nào anh Cường cũng dậy với đàn bồ câu, cho chúng ăn, chăm xem có con nào bị bệnh hay bị vướng dây ở chân thì gỡ ra, hoặc cho uống thuốc. Cô dâu chú rể đến chụp hình thì nhiếp ảnh gửi lại ít tiền, ai muốn cho bồ câu ăn thì mua 10.000 đồng/nửa lon đậu xanh hay một lon thóc. Nhưng chỉ cuối tuần đông người đi chơi, còn những hôm mưa sập sùi, không một người khách nào có mặt, anh Cường vẫn ra cho chim ăn như thường. Chi phí này bù cho chút ít tiền anh bỏ ra mua thức ăn cho chim, nhưng không thể đủ.
Buổi chiều, bên khúc lề đường rộng trước trường tiểu học Hoà Bình, chị Thanh sẽ tiếp quản đàn bồ câu, cho ăn và coi sóc cho đến tận khi tắt nắng, chúng ăn no rồi bay về chỗ ngủ.
Trước hẻm nhà tôi ở đường Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1 Sài Gòn, cứ năm giờ rưỡi sáng thì chú xe ôm mang một bịch thóc ra rải trên lề đường cho đàn bồ câu se sẻ sà xuống ăn. Mùa này Sài Gòn mưa gió về chiều, năm giờ rưỡi sáng trời còn tối mờ mờ, nhưng đều đặn mười mấy năm nay đàn bồ câu và se sẻ chỗ này đều có bữa sáng ngon lành như vậy.
"Cái chị bán thịt chỗ kia kìa, chỉ mua một lần mười mấy hai chục ký mang qua, rồi sáng chú ra chú cho tụi nó ăn. Hết chị lại mua tiếp. Ôi ở khu nhà mình người ta nuôi bồ câu se sẻ nhóc chớ hiếm gì, khúc chợ kìa, khúc trước trường học kìa, chiều nào cũng lủ khủ người cho ăn hết á"- chú kể.
Tôi hỏi bạn bè nơi nào có nuôi bồ câu se sẻ như vậy trong Sài Gòn. Và được chỉ: công viên Gia Định (quận Gò Vấp), nhà thờ Huyện Sĩ; gần khu ủy ban; đằng sau nhà hát thành phố; công viên Lê Văn Tám... Ngay cửa sổ phòng làm việc của tôi trên đường Bà Huyện Thanh Quan ngó ra bên kia cũng xập xòe một bầy chim khá đông, hình như là chim én. Chẳng ai bẫy chúng.
Nơi này nơi kia, hàng ngày Sài Gòn vẫn có những con người hồn hậu coi việc nuôi chim trời và thú hoang như một niềm vui hoàn toàn của riêng mình, hơn thế nữa, là một trách nhiệm- chỉ vì sợ tụi nó đói. Bất kể nắng mưa, chi phí và tiếng gièm pha. Hồn hậu như bước chân tất tả và tiếng gọi âu yếm "Giàaaaaa, Già ơi, xuống ăn không đói bụng nè Giàaaaaaa" của người phụ nữ nghèo bán đồ chơi con nít trước cổng Thảo cầm viên.
Sài Gòn - tập hợp của những bất ngờ và mâu thuẫn như thế đó. Ai chưa đến nơi này đều nghĩ nó là mảnh đất cuốn hút nhưng phải dè chừng, ai ra đường cũng phải ôm chặt túi xách và phụ nữ đều cảnh giác không đeo đồ trang sức đắt tiền, nhà cửa thì bịt kín bởi lớp rào chắn sắt thép như lồng nhốt...
Nhưng Sài Gòn cũng đầy ắp những con người tự nguyện dọn rác nơi công cộng, cứu chó mèo già bệnh bị chủ vứt bỏ đưa về chăm sóc nuôi nấng, nấu cháo cho bệnh nhân nghèo, chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh nan y, quyên tặng sách và trao việc làm cho những người tù vừa ra trại, dạy lớp học tình thương, vẽ tường trang trí nhà nuôi cô nhi, sửa xe miễn phí cho người khuyết tật và sinh viên nghèo...
Không khí Sài Gòn đặc quánh khói bụi, nhưng dưới lớp khói bụi ấy, tấm lòng của người Sài Gòn vẫn rờ rỡ, mà đặc biệt chân phương giản dị. Họ chẳng bao giờ thích nói những lời hoa mỹ về những điều sâu xa to lớn, nhưng những hành động thường ngày "nhỏ xíu xìu xiu như cái móng tay" mà họ làm chính là vẻ đẹp trong trẻo nhất của cái thiện. Cùng nhau, nó tạo nên hồn cốt Sài Gòn, bồi đắp thành những tinh túy riêng có của Sài Gòn, của sự chung sống nguyên lành và đơn sơ giữa con người và thiên nhiên, giữa con người với nhau cứ hồn nhiên mà dào dạt chảy mãi, chảy mãi, âm thầm nhưng mạnh mẽ xuyên qua mọi biến thiên của thế cuộc.