Nói đến chuyện Mỹ tiến, hẳn không ai có thể quên được giấc mơ Mỹ của JYP, một trong ba công ty giải trí hàng đầu Hàn Quốc. Vào thời điểm Wonder Girls làm mưa làm gió khắp châu Á với bản hit “Nobody”, JYP đã có một bước đi táo bạo và mạo hiểm là đưa năm cô gái tấn công vào thị trường Âu Mỹ. “Nobody” gây được tiếng vang khi lần đầu chen chân vào BXH Billboard Hot 100, nhưng dường như một ca khúc bắt tai với vũ điệu dễ học theo là chưa đủ đối với khán giả Âu Mỹ. Sau một khoảng thời gian hoạt động ở xứ cờ hoa mà chưa để lại ấn tượng thực sự, Wonder Girls quay trở về khi đã lỡ mất đỉnh cao tại quê nhà.
Không chỉ JYP, một ông lớn khác của Big 3 là SM cũng từng đưa gà nhà đánh vào thị trường Mỹ. BoA có màn ra mắt rầm rộ với “Eat You Up” vào năm 2009, SNSD cũng từng có “The Boys” phiên bản tiếng Anh và được quảng bá tại thị trường này, nhưng dường như SM có duyên với Hàn Quốc và Nhật Bản hơn. Trong những năm trước 2012, khi Kpop đã trở thành nền công nghiệp kéo theo làn sóng Hàn phủ khắp châu Á, thị trường US-UK vẫn là một cánh cửa đóng chặt với những cuộc lưu diễn “cưỡi ngựa xem hoa” chủ yếu phục vụ một bộ phận dân cư châu Á đang sinh sống tại những quốc gia này.
Tưởng như giấc mơ Mỹ tiến sẽ khép lại với Kpop thì Psy và “Gangnam Style” bỗng nhiên trở thành hiện tượng của năm 2012. Cơn sốt “Gangnam Style” bùng nổ với số lượt xem MV trên Youtube lần đầu tiên lên đến con số hàng tỉ, buộc Youtube phải nâng cấp hệ đếm của mình. Cả thế giới biết đến một nghệ sĩ giải trí Hàn Quốc với điệu nhảy ngựa đặc trưng, “Gangnam Style” cũng chễm chệ tại vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100. Thừa thắng xông lên, Psy cho ra thêm nhiều sản phẩm khác với số lượt xem trên Youtube cũng tính là “tường thành” nếu so với các nhóm nhạc Kpop và thậm chí là các nghệ sĩ US - UK thời bấy giờ.
PSY - GANGNAM STYLE(강남스타일) M/V
Tên tuổi của Psy dần chìm xuống, nhưng hiệu ứng từ thành công của “Gangnam Style” một lần nữa đã nhóm lên ngọn lửa Mỹ tiến cho các nghệ sĩ Kpop thế hệ hai và ba. Lần lượt BTS, CL (2NE1)… những cái tên đã quá quen thuộc với cụm từ “Mỹ tiến” cho đến thành công gây bất ngờ của GOT7 và Monsta X khiến công chúng không còn quá bi quan khi nhắc đến tiềm năng phát triển của Kpop ở châu Âu và châu Mỹ. Thị trường âm nhạc cách nửa vòng trái đất đã không còn là một vũng lầy cho tất cả những nghệ sĩ Hàn Quốc muốn khẳng định tên tuổi của mình.
Khi giấc mơ Mỹ tiến với âm nhạc Hàn Quốc không phải là một điều quá viển vông, người ta thường tranh cãi về vị trí của những người tiên phong. Cho đến thời điểm hiện tại, hai cái tên của làng nhạc Hàn Quốc gây được nhiều tiếng vang nhất trên trường quốc tế là Psy và BTS. Một bên là một cú hit bùng nổ internet, một bên là một quá trình tích lũy danh tiếng không chỉ ngày một ngày hai.
“Gangnam Style” và Psy là một hiện tượng toàn cầu trong năm 2012, sẽ không quá lời nếu như nói rằng chính “Gangnam Style” là dấu mốc đã làm thay đổi cả bộ mặt của Youtube. Lượt xem trên Youtube chưa từng là một con số đáng chú ý cho đến khi “Gangnam Style” xuất hiện, và trong tương lai gần sẽ không có nhóm nhạc hay nghệ sĩ Hàn Quốc nào có thể làm được điều tương tự như “Gangnam Style” đã làm. Cùng với “Gangnam Style”, Psy nhận được tấm vé vào thẳng thị trường US – UK khi thậm chí nam ca sĩ còn không có bất cứ sự chuẩn bị nào.
Khó mà nói rằng nếu như có sự chuẩn bị kĩ lưỡng hơn thì Psy có thể thành công ở trời Tây khi anh chỉ xuất hiện với tư cách như là một nghệ sĩ giải trí. Không ai thực sự quan tâm đến ý nghĩa của bài hát mà chỉ chủ yếu quan tâm tới khía cạnh hài hước và gây nghiện của “Gangnam Style”. Điều đó chưa thể nói lên tầm quan trọng của người nghệ sĩ đứng đằng sau, trong khi người nghệ sĩ đó mới là nhân tố quyết định cho con đường phát triển lâu dài. “Gangnam Style” sẽ dễ dàng bị lãng quên khi trào lưu đi qua hay có một “vụ nổ” khác xuất hiện, chính vì lí do đó nên Psy cũng thừa nhận rằng “Gangnam Style” là đỉnh cao mà anh sẽ không bao giờ vượt qua được.
Là một nhóm nhạc thuộc Kpop, nhưng càng ngày công cuộc “Mỹ tiến” của BTS lại trật khỏi đường ray được định sẵn của Kpop để tiến tới với tên gọi “BTS - Pop” như một cách phân biệt BTS với phần còn lại của Kpop. Đây là nhận định của giới truyền thông cũng như khán giả, bởi vì BTS không được đón nhận như một nhóm nhạc đến từ Hàn Quốc mà là với tư cách một nhóm nhạc pop đứng chung mâm với những cái tên vốn thuộc US – UK. Con đường mà BTS đã và đang đi tới, bao gồm những bài hát xuất hiện trên các kênh radio, giải thưởng tại Billboard Music Award – dù là giải thưởng bình chọn nhưng không phải ai cũng được đề cử, từ vị trí khách mời nhận giải cho đến những người biểu diễn được cổ vũ nhiệt thành, hạ cánh tại những bảng xếp hạng chính của Billboard và iTunes, tham gia những show truyền hình đình đám cũng là con đường chung mà những nghệ sĩ nổi tiếng Âu Mỹ đều đi qua.
Cùng với làn sóng đón nhận từ công chúng, sự góp mặt của DJ đình đám Steve Aoki với bản remix cho ca khúc MIC Drop và The Truth Untold, một trong rất nhiều sản phẩm kết hợp của trưởng nhóm RM với những tên tuổi quốc tế là lần góp giọng trong bản remix “Champion” của ban nhạc Fall Out Boy, gần đây nhất là sự có mặt của nữ rapper đình đám Nicki Minaj với siêu hit IDOL… đã chứng tỏ BTS không chỉ đi bên lề của thị trường âm nhạc khó tính hàng đầu thế giới. Mạng lưới quen biết của BTS cũng không khác gì những ngôi sao thực thụ khi lần lượt Charlie Puth, “rắn chúa” Taylor Swift hay Ed Sheeran… đều có tương tác và dành những lời khen có cánh cho các sản phẩm âm nhạc, đặt bảy chàng trai ở vị trí ngang hàng mình.
Champion (Remix) || Fall Out Boy ft. RM of BTS
Những tưởng thành công đó đã là giới hạn cho một nhóm nhạc Kpop bởi sự khác biệt về văn hóa, nhưng chỉ trong một tháng trở lại đây, BTS đã lại ghi dấu ấn của mình ở hai dấu son chứng tỏ sự phát triển của nhóm ở thị trường Âu Mỹ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu: 40 ngàn vé cho concert tại sân vận động City Fied (New York, Mỹ) của BTS được tẩu tán chỉ trong vòng 15 phút, và trong ngày 11 tháng 9 tới, bảy chàng trai cũng sẽ đặt những bước chân đầu tiên lên bảo tàng nghệ thuật Grammy. Giải thưởng Grammy có thể là giấc mơ xa vời với BTS, nhưng việc được mời đến biểu diễn và trò chuyện với giám đốc bảo tàng Scott Goldman tại thánh địa thực sự của những sản phẩm âm nhạc hàng đầu thế giới cũng đã chứng tỏ BTS được trân trọng không chỉ vì cái gốc Kpop của mình.
Nếu thành công của Psy với “Gangnam Style” từng bị cho là một cú ăn may, thì ở BTS lại hiển nhiên không có chuyện may mắn quyết định tất cả trên con đường họ đến với vị trí nhóm nhạc toàn cầu như hiện tại. Nhưng thay vì tranh cãi xem ai là người tiên phong, thì có thể phân biệt rõ ràng rằng Psy là người mở đường, còn BTS là người dẫn đường cho Kpop tiến vào thị trường Âu Mỹ. Psy khiến cho khán giả quốc tế định vị được Kpop nằm ở đâu trên bản đồ âm nhạc thế giới, còn BTS lại là hình mẫu để các nhóm nhạc đi sau có thể học theo nếu như muốn thoát mác Kpop để chính thức vùng vẫy ở một sân khấu lớn hơn.
Một điều dễ dàng nhận thấy là vì thị trường US – UK rất rộng và ảnh hưởng lớn, dù không khắc nghiệt bằng nhưng cơ hội thành công tại đây còn khó hơn cơ hội ghi dấu ấn trên đường đua Kpop rất nhiều lần. Khán giả Âu Mỹ với thị hiếu đặc trưng là ít chuộng phần nhìn như khán giả châu Á. Họ có quá nhiều giọng ca bản địa xuất sắc đủ đánh bật những giọng ca vẫn còn non trẻ của Kpop, nên nếu “đem chuông đi đánh xứ người” bằng chiến lược biến idol Hàn Quốc thành nghệ sĩ Mỹ hát tiếng Anh thì rất khó để trở nên nổi bật. Những nét riêng biệt thuộc về bản sắc văn hóa mới là thứ dễ dàng khiến cho những nghệ sĩ đến từ Hàn Quốc trở thành một món ăn hấp dẫn, kể cả là văn hóa truyền thống hay là văn hóa Hallyu.
Ngay khi teaser của siêu hit “IDOL” lên sóng, đông đảo người hâm mộ của BTS ở khắp nơi trên thế giới đều phát sốt vì những bộ Hàn phục được cách tân nhưng vẫn giữ nét truyền thống, cả ý nghĩa đằng sau tiếng ho của em út Jungkook ở cuối teaser cũng được phân tích kĩ càng. Văn hóa Hàn Quốc len lỏi trong những chi tiết nhỏ như thế và cả trong phần giai điệu kết hợp giữa nhạc Gqom Châu Phi – một thể loại thậm chí còn mới lạ ở Mỹ và Kkwaenggwari (một loại nhạc cụ truyền thống Hàn Quốc) đã khiến những người hứng thú với âm nhạc của BTS hiểu thêm về Hàn Quốc, và khiến những người từng chỉ trích BTS chỉ biết chạy theo thị trường Âu Mỹ mà quên mất bản sắc dân tộc phải rút lại lời nói đó của mình.
Trong khi BTS mang văn hóa truyền thống ra làm chất liệu cho âm nhạc thì PSY lại chăm chỉ đưa những khía cạnh đời thường của xã hội Hàn Quốc hiện đại vào trong các MV của mình. Những cảnh trí đường phố, trường học, nhà ở… của Hàn Quốc xuất hiện trong MV của Psy một cách thực tế không hề tô vẽ, thậm chí quan niệm về con người Hàn Quốc hiện đại mải mê chạy theo các giá trị bên ngoài cũng được đem ra châm biếm một cách duyên dáng. Bên cạnh tái hiện những lát cắt của đời sống, Psy cũng có ý định truyền bá Kpop bằng việc kết hợp với các thành viên nhóm nhạc nữ như HyunA (4Minute), CL (2NE1) hay đem điệu nhảy lắc hông gây sốt một thời trong ca khúc Abracadabra của BEG vào trong MV “Gentleman”.
Nếu như Psy giới thiệu Kpop với thế giới thông qua những gương mặt hay điệu nhảy tiêu biểu, thì bản thân BTS lại đem đến một hình ảnh thu nhỏ về định nghĩa nhóm nhạc thần tượng của Kpop: những người nghệ sĩ đa năng trong một nhóm nhạc đa năng. Một nhóm nhạc có đủ rapper và vocal, có thể hát live ổn định khi thực hiện loạt vũ đạo thuộc dạng phức tạp bậc nhất và thậm chí là tự sản xuất nhạc cho mỗi lần comeback, BTS có thể không xuất sắc nhất ở từng mảng nhưng lại đạt “điểm số” rất cao nếu đặt bảy thành viên đứng cạnh nhau. Văn hóa fandom lạ lẫm cũng là một điều thu hút sự quan tâm của công chúng US – UK, khi họ chứng kiến A.R.M.Y (fandom của BTS) theo sát thần tượng và thậm chí còn là điểm tựa vững chắc cho những thành công của nhóm.
Psy và BTS có thể khác nhau về con đường thành công, nhưng họ lại có một điểm chung rất rõ ràng: không ai trong số họ mang trong mình tư tưởng Mỹ tiến hay muốn trở thành nghệ sĩ Mỹ. Psy sau cú nổ “Gangnam Style” làm thay đổi cả bộ mặt của Youtube vẫn trung thành với các bài hát tiếng Hàn. BTS, dù đạt được những thành công liên tiếp và vẫn còn có thể tiến xa hơn nữa, nhưng ngoài bản phối lại của “MIC Drop” kết hợp với Steve Aoki và rapper Desiigner ra, nhóm vẫn chưa có và chưa từng quảng bá một ca khúc tiếng Anh nào đúng nghĩa. Cả Psy và BTS đều mang âm nhạc thuần Hàn thẳng tiến ra quốc tế, và thành công bằng chính thứ tiếng mẹ đẻ của mình.
Đứng trước tất cả những cơ hội trở thành nghệ sĩ toàn cầu, Psy vẫn giữ nguyên hình dạng của một ông hoàng giải trí với những ca khúc hài hước có phần châm biếm, chứ không để áp lực vì bị gắn mác “one hit wonder” mà thay đổi bản thân chạy theo thị trường để mong nổi tiếng hơn. BTS cũng không vội biến mình thành một nhóm nhạc pop với chất nhạc xa rời Kpop, họ vẫn khiến cho hàng chục ngàn người xé bỏ rào cản ngôn ngữ, cố gắng hiểu hết những gì họ muốn thể hiện qua những album mang theo cả một câu chuyện lớn đằng sau.
Trong vòng những năm trở lại đây, con đường để các nghệ sĩ Kpop đến với thị trường âm nhạc khó tính nhất toàn cầu đã không còn chông gai như trước. Bảng xếp hạng album danh giá Billboard 200 lần thứ hai đón BTS ở vị trí no.1 chỉ trong vòng một năm, BTS trở thành nghệ sĩ đầu tiên của Kpop và là nghệ sĩ thứ 19 trong lịch sử của Billboard xác lập được thành tích này. Những con số về lượng vé bán ra cho KCON – festival Kpop lớn nhất thế giới tăng vọt gấp 10 lần chỉ từ 2012 đến 2017 đã chứng minh rằng Kpop đã và đang bám rễ trong lòng nước Mỹ.
Mạng xã hội dần dần phát triển, sự hòa trộn văn hóa giữa các quốc gia cộng với những nhu cầu giải trí, những chuẩn mực mới về cái đẹp cũng khiến cho Kpop không còn là một nền âm nhạc sống cùng định kiến phân biệt chủng tộc và miệt thị giới tính. Quan niệm “Kpop chỉ dành cho dân nhập cư châu Á” cũng không còn nữa, người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người hâm mộ bản địa hòa mình vào không khí của một buổi biểu diễn với chất lượng không thua kém các nghệ sĩ da trắng hoặc Latin.
Cơn sóng Kpop một khi đã quét qua cộng đồng người nghe nhạc US – UK thì đương nhiên những người làm nhạc cũng không thể ngó lơ. Cả nghệ sĩ Kpop và nghệ sĩ US – UK đều tìm thấy được cơ hội ngang nhau trong những lần hợp tác, và chính làn sóng Hàn cùng các nghệ sĩ Kpop đã lại góp phần giúp cho các nghệ sĩ vốn quen với vùng đất Âu Mĩ lan tỏa tên tuổi của mình ra châu Á.
Nếu như ngày trước, một cái tên nhà sản xuất nước ngoài lọt vào trong album của các nghệ sĩ Kpop cũng đủ gây xôn xao thì ngày nay, những cái bắt tay với các nghệ sĩ tên tuổi của US – UK đã không còn là điều xa xỉ. Không chỉ BTS hay là Psy, người hâm mộ đã được thưởng thức những màn kết hợp của DJ Allan Walker với Seungri (Big Bang) và Lay (EXO), của ban nhạc Far East Movement với Tiffany (SNSD)… Gần đây nhất, nữ ca sĩ tỉ view Dua Lipa cũng đã xác nhận kết hợp và thậm chí còn ngỏ ý làm MV với Black Pink trong khi Black Pink mới chỉ là cái tên chân ướt chân ráo bước vào con đường Mỹ tiến. Sự “chuyển giao” thị trường giải trí đi theo quy luật chung của rất nhiều ngành công nghiệp trên thế giới hiện nay, và Kpop, vốn là ngành công nghiệp giải trí nổi bật và cởi mở bậc nhất châu Á nếu đem so với Jpop hay Cpop đương nhiên sẽ không nằm ngoài quy luật đó.
Chưa bao giờ Kpop có sẵn “thiên thời, địa lợi” để trở công chiến thị trường US – UK như lúc này. Nhưng điều kiện tiên quyết là “nhân hòa”, bên cạnh việc có đủ tài năng, phải chăng các công ty giải trí và các nhóm nhạc nên thay đổi định nghĩa “Mỹ tiến”? Thay vì “Mỹ tiến” với bản sắc Mỹ để phù hợp với thị trường Mỹ, hãy cứ như Psy và BTS, mang bản sắc của cá nhân và của dân tộc tự hào đem ra so kè với thế giới. Bởi vì nếu có một cốt lõi thực sự sáng giá, thành công sẽ đến với những ai kiên trì giữ được cốt lõi của mình.