Hành trình theo đuổi nghề của anh Đỗ Sỹ bắt đầu từ việc tìm ra đáp án để dung hòa giữa hai câu chuyện: Sáng tạo nghệ thuật và nhiếp ảnh thương mại.

Đỗ Sỹ bắt đầu nghề nhiếp ảnh khi còn là sinh viên của trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM. Đến hiện tại, anh là một trong những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, nổi bật trong lĩnh vực chụp ảnh nội thất, kiến trúc và tĩnh vật. Anh là chủ nhân của nhiều bộ hình kiến trúc đầy nghệ thuật của các tờ báo, trang tin lớn như Elle Decoration, Đẹp Magazine, L'Officiel Vietnam… và nhiều công trình nổi bật khác.

Photographer Đỗ Sỹ: Mọi rung động cảm xúc đều chi phối đến góc máy - Ảnh 1.

Nhiếp ảnh gia là người lưu giữ những khoảnh khắc, cảm xúc của một khung hình. Nhiếp ảnh gia trong lĩnh vực nội thất, kiến trúc sẽ đặc biệt hơn. Bởi chủ thể hướng đến không phải là con người mà là đồ vật, nhà ở và những câu chuyện đầy cảm xúc đằng sau.


"Mọi rung động cảm xúc đều chi phối đến góc máy…"


Em chào anh. Cơ duyên nào đưa anh đến với nghề chụp ảnh nội thất, kiến trúc và tĩnh vật?

Tôi bắt đầu từ một lộ trình căn bản, được đào tạo và tốt nghiệp Cử nhân nhiếp ảnh tại Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP. HCM. Thực hiện các dự án nghệ thuật mới là định hướng ban đầu của tôi, không phải chụp ảnh nội thất hay công trình.

Sau một thời gian thực hành, các yếu tố thực tế khiến tôi nhận ra công việc chỉ dừng lại ở mức độ đam mê cá nhân. Áp lực về tài chính phần nào tác động và khiến tôi tiếp cận với nhiếp ảnh thương mại. Cơ duyên lớn nhất trong hành trình này là gặp gỡ nhiếp ảnh gia Monkey Minh. Với tôi, sự gặp gỡ đó đã định hướng về chuyên môn và cách thực hành trong nhiếp ảnh tĩnh vật.



img
img

Từ nhiếp ảnh tĩnh vật, tôi gặp được chị Dương Nguyễn (Chủ biên ELLE Decoration Vietnam) khi thực hiện bộ ảnh cho một thương hiệu sản phẩm nội thất. Từ những hiểu biết và dẫn dắt của chị, các dự án chụp nội thất, kiến trúc đã đến với tôi nhiều hơn. Trải nghiệm đó giúp tôi thấy mình phù hợp với khía cạnh này của nhiếp ảnh và theo đuổi đến bây giờ. Suy nghĩ lại, trưởng thành từ nhiếp ảnh tĩnh vật cho tôi cái nhìn điềm tĩnh, chắt lọc để định hình cách thể hiện của mình trong nhiếp ảnh nội thất/kiến trúc.

Một trải nghiệm khi làm nghề mà anh nhớ nhất?

Một trong những dự án đáng nhớ và cũng tạo nên dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của tôi là chụp catalogue cho thương hiệu nội thất District Eight. Lúc thực hiện dự án này tôi hoàn toàn chưa có nhiều kinh nghiệm. Buổi chụp thử đầu tiên đã diễn ra không suôn sẻ. Yêu cầu cao và khắc nghiệt với hình ảnh trong buổi chụp khiến tôi cảm nhận rõ các vốn liếng và kĩ năng cá nhân không đáp ứng được khách hàng.

Khoảnh khắc đó, tôi biết phải thay đổi cách tiếp cận. Tôi sử dụng ánh sáng tự nhiên thay cho đèn flash - trái ngược với cách làm việc vốn có và phần nào làm giảm đi sự tự tin ở bản thân. Nhưng chính quyết định này lại mang đến sự thành công cho bộ ảnh. Với riêng tôi, đó là một bài học đáng giá trên hành trình làm nghề.


img
img
img


Trên một podcast, anh từng bày tỏ bản thân phù hợp với chụp ảnh tĩnh vật hơn chụp người. Anh có thể chia sẻ kỹ hơn về câu chuyện này?

Tính cách của tôi quyết định điều này. Tôi nhận thấy bản thân chưa nhạy cảm để nắm bắt cảm xúc con người trong khung hình. Dù cũng đang cố gắng cải thiện hơn nhưng không rõ sau này có tốt hơn không.

Một phần có lẽ do thói quen, khi chụp ảnh tĩnh vật tôi có thời gian để nắm bắt chủ đề và có thể kiểm soát toàn không gian. Sự không ồn ào trong buổi chụp giúp tôi tập trung suy nghĩ về kỹ thuật thể hiện tốt hơn. Cho đến giờ, tôi vẫn cảm thấy khá bối rối và chưa quen với chụp con người.

Theo tôi, việc chụp ảnh con người quan trọng nhất là bắt được khoảnh khắc đẹp. Nhiếp ảnh gia cần có sự nhạy cảm để khơi gợi hay bắt mạch cảm xúc và cả kỹ năng chuyên môn để có thể tổng hoà trong một thời điểm nhất định. Đôi khi kỹ thuật và máy móc quá sẽ không giúp mình nắm bắt được yếu tố cảm xúc.

Khi chụp một không gian nội thất, anh khai thác cảm xúc như thế nào? Vì rõ ràng chụp ảnh nội thất thường tĩnh và không có sự xuất hiện của con người

Với tôi, việc không bị tác động bởi các yếu tố ngoại cảnh sẽ đảm bảo khai thác cách thể hiện cảm xúc. Khi đó, một buổi chụp lý tưởng nhất bắt đầu trong tinh thần không hối thúc và gượng ép. Mọi rung động cảm xúc đều chi phối đến góc máy. Không gian, ánh sáng và cộng hưởng với sự sắp đặt tinh tế của Stylist sẽ tạo ra một bức ảnh nhiều cảm xúc.


img
img



Photographer Đỗ Sỹ: Mọi rung động cảm xúc đều chi phối đến góc máy - Ảnh 5.

Chuyện làm nghề


Là một nhiếp ảnh gia từng chụp rất nhiều công trình từ nhỏ đến lớn, ít tiền đến nhiều tiền thì đối với anh, một căn nhà đẹp cần hội tụ những yếu tố nào? Dưới góc nhìn của người làm nghệ thuật, một căn nhà đẹp và một căn nhà giàu cảm xúc khác nhau ra sao?

Một căn nhà đẹp ngoài việc đáp ứng các yếu tố thẩm mỹ thì cần có dấu ấn cá nhân của kiến trúc sư kết hợp với phong cách sống của chủ nhà thì mới trọn vẹn.

Nhưng để bàn về một căn nhà đẹp, ngoài đáp ứng các yêu cầu đánh giá chuyên môn, thẩm mỹ và công năng thì còn là những điều có thể trông thấy bằng mắt. Để một căn nhà có cảm xúc thì cần đánh giá theo đa chiều sâu và có nhiều tiếp xúc hơn. Với mình nó khá trừu tượng và khó nắm bắt để mà diễn giải thành lời.

Trong quá trình chụp ảnh với công trình, anh quan tâm góc nào của không gian sống?

Với kinh nghiệm và sự duy mỹ riêng, một góc máy hấp dẫn sẽ cho phép các yếu tố tự nhiên lẫn sắp đặt có thể thêm, bớt và nâng đỡ lẫn nhau. Vì vậy, khai thác thẩm mỹ và làm nổi bật yếu tố văn hoá trong không gian là điều mình luôn mong muốn trong thời điểm này. Qua thời gian, sự phô diễn kỹ thuật hay chỉ tập trung vào một không gian sống nổi bật không phải điều tôi hướng đến.

Một công trình nhà ở như thế nào sẽ mang lại cho anh nhiều cảm xúc khi làm việc?

Là ngôi nhà phù hợp với thẩm mỹ của tôi, có nhiều dấu ấn thiết kế ở trong đó, gọn gàng và ngăn nắp.


Photographer Đỗ Sỹ: Mọi rung động cảm xúc đều chi phối đến góc máy - Ảnh 6.

Những yếu tố nào là điều mà anh tìm kiếm khi chụp một bức ảnh về công trình, nội thất?

Thể hiện được mong muốn và ý đồ của kiến trúc sư cũng như phong cách thẩm mỹ của chủ nhà. Xa hơn nữa là cảm xúc và tư duy cá nhân trong mỗi bức hình.

Theo anh, trong một căn nhà, khu vực nào thường thể hiện rõ nhất tính cách và con người thật của gia chủ?

Thật sự, tôi chưa bao giờ khám phá đến điều này. Sự chú trọng về cách khai thác dự án khiến tôi cần nhìn tổng thể không gian và phân bổ thời gian hợp lý cho buổi chụp hình. Nhưng nếu bắt buộc phải có 1 đáp án, tôi nghĩ phòng khách là không gian giúp mình có cái nhìn rõ nhất.


Photographer Đỗ Sỹ: Mọi rung động cảm xúc đều chi phối đến góc máy - Ảnh 7.

Câu chuyện của gia chủ có ý nghĩa như thế nào với anh khi chụp một bộ ảnh nội thất? Và làm sao để anh nắm bắt chúng khi bắt tay vào làm việc với một công trình?

Khi biết được chủ nhà là ai và câu chuyện về họ, tôi thường sẽ thận trọng hơn trong cách tiếp cận để thể hiện. Với tôi, việc chụp ảnh có nội dung khó hơn chụp ảnh đẹp vì còn cần tả được phong cách, cá tính của chủ nhà. Giữa hai yếu tố thông tin và thẩm mỹ, lúc này yếu tố hình ảnh là sợi dây dẫn đến thông tin câu chuyện - mà ở đây đôi khi cần diễn giải bằng từ ngữ.

Vì vậy, cân bằng cảm xúc cá nhân với tôi trong trường hợp này đôi khi sẽ lược bỏ bớt các kỹ thuật chuyên môn, thay vào đó khai thác hình ảnh về sự tự nhiên vốn có trong lối sống, không gian của họ.

Trong lĩnh vực chụp nội thất, anh thích và ghét chụp gì nhất?

Tôi yêu thích sự tỉ mỉ, duy mỹ, chiều sâu tư duy và cách thể hiện các yếu tố đó trong công trình. Việc quan sát gần cho phép mình hiểu rõ hơn để thực hiện các công trình vừa chi tiết vừa mang dấu ấn sáng tạo riêng vốn cũng là trăn trở và cách làm nghề nghiêm cẩn của kiến trúc sư, phần nào khiến cho tôi trân quý.

Ngược lại, sự cẩu thả, hời hợt sẽ khó mang lại một kết quả chỉn chu. Vì vậy, tôi vẫn hay cân nhắc khi tiếp nhận những dự án, chỉ khỉ hiểu và thấy được tiềm năng mới có thể khai thác tốt vẻ đẹp mà không gian mang tới.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!

Vân Anh
NVCC