"Đồ ăn treo" - hình thức hỗ trợ người nghèo bữa ăn miễn phí do các chủ quán và khách hàng, nhà hảo tâm góp lại đã xuất hiện tại nhiều thành phố, quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam mô hình này bắt đầu được biết đến khi một quán phở nằm ngay con phố Bảo Khánh, Hoàn Kiếm - trung tâm Hà Nội gây sốt cộng đồng mạng - nơi chủ quán dành 30 bát phở mỗi ngày để "treo", để mời miễn phí.
Chẳng riêng gì thực khách mà rất nhiều người đi qua quán phở Tuệ An trên phố Bảo Khánh đều ấn tượng bởi tấm biển đề chữ phở "treo" ngay cửa. Thêm vào đó, hàng trăm video lan tỏa trên các mạng xã hội do rất nhiều nhà sáng tạo nội dung số thực hiện, "phở treo" ngày càng hút sự chú ý và chia sẻ của cộng đồng, đặc biệt là trong năm 2024.
Mọi người tìm đến vừa muốn thưởng thức đồ ăn của một quán phở lâu năm đồng thời còn để đăng ký "treo" phở. Số lượng phở "treo" cũng vì thế mà nhân lên gấp bội. Chị Nguyễn Thị Cát Lệ - chủ quán Tuệ An chia sẻ, từ ngày làm "phở treo" chị không thấy mình gặp một khó khăn gì.
Ngoài chữ "phở treo", chủ quán còn làm tấm biển ghi dòng chữ: "Đây là một hình thức từ thiện bằng việc để lại một phần ăn cho những hoàn cảnh khó khăn hơn trong cộng đồng mà vẫn ủng hộ quán ăn địa phương".
Với nhiều người dân lao động có hoàn cảnh khó khăn, đôi khi một bát phở nóng nơi phố cổ cũng khiến họ phải suy nghĩ, đắn đo. Lắm lúc là tặc lưỡi, nhịn cho qua cơn đói hay cảm giác thèm thuồng nhung nhớ hương vị. Nhưng phở "treo" nơi góc phố Bảo Khánh đã góp phần giúp nỗi niềm ấy nhẹ vơi hơn, trở thành trạm dừng chân ấm lòng và đầy ý nghĩa.
Chị Lệ kể: "Nhiều người già hay tàn tật dù đã tới quán nhưng còn chần chừ, đứng từ xa và không dám ngỏ lời, sợ làm phiền đến quán đang đông khách. Những lúc như vậy, một cái vẫy tay thân thiện hay một cử chỉ gật đầu nhẹ nhàng sẽ khiến sự ngại ngùng được gạt đi. Có những thời điểm, số phở 'treo' đã tăng lên hơn 100 bát mỗi ngày. Không chỉ ăn tại chỗ, một số người có hoàn cảnh khó khăn còn xin mang phở về nhà cho người thân.".
"Khi mình làm bát phở ra mời, thấy mọi người ăn xong xuýt xoa: 'Ôi, phở sao mà ngon thế!' - chúng tôi cảm thấy hạnh phúc lắm luôn", chị Lệ - người phụ nữ Hà Thành cá tính là vậy nhưng lại có giây phút không cầm được cảm xúc, xúc động từ ngày làm "phở treo".
Thậm chí, chị còn trêu ngược lại mình:
"Nhiều người bảo "treo" lên rồi nhà hàng được hưởng!
Đúng! Nhà hàng được hưởng cái gì?
Được hưởng cái bát khách ăn hết sạch nước chứ cái gì!
Lúc nào chúng tôi cũng cảm thấy lòng mình thanh thản lắm, sung sướng lắm!"
Tiếp nối tinh thần "tương thân tương ái", hoạt động nhân văn treo bữa ăn ấm lòng đang được nhân lên ở nhiều nơi trong cả nước.
"Coi trên tivi, tôi thấy chuyện 'phở treo' ở Hà Nội, tôi hỏi con gái:
- Phở treo họ làm có ý nghĩa quá. Mình mang về khu mình nghèo vậy… được không con?
- Được đó má ơi. Khu mình nghèo vậy, 'bún treo' chắc nhiều người cần lắm đó…"
Tại đường Phan Thế Hiển (Quận 8, HCM) quán của bà Trần Thị Thúy Hồng một buổi sáng treo lên dòng chữ: "Mình treo một tô bún - Đổi lấy một nụ cười" ngay phía trước cửa.
Ngày đầu quán bún của bà "treo" 90 tô.
Bà Hồng cũng chia sẻ thêm, dù số lượng suất bún treo ghi trên bảng có trở về 0 thì chưa từng có ai đến quán bà xin bún mà phải trở về tay không:
"Trên bảng còn có 5 suất bún treo nhưng 10 hay 15 người tới thì tôi cũng lo hết. Tại lúc họ tới, mình không thể chỉ trả lời một câu 'hết bún treo rồi'. Gương mặt họ lúc nghe câu ấy rồi đi ra rất là buồn nên tôi phải 'ăn gian' treo cho họ luôn. Nhiều hoàn cảnh khó khăn lắm. Đã bước chân tới đây xin là tôi không để cho họ về không đâu. Dù không có ai treo tôi cũng treo cho họ."
"Tại cũng nhiều người hoàn cảnh người ta khiến mình cảm động lắm. Có người ăn xong muốn xin phần nữa. Ví dụ như ông cụ hay đến lấy bún treo thì ngoài ổng đã già ra, vợ cũng tai biến nằm một chỗ rồi. Nhiều hôm, ổng ngại chỉ xin thêm nước để về bỏ cơm vô…
Cũng có một anh đó, cách đây mấy ngày tôi cứ thấy anh chạy chiếc xe quay đi quay lại quán tôi đến 3 lần. Tôi ngồi ở ghế thấy vậy mới ra hỏi, anh mới nói:
- Tôi nghe nói ở đây có 'bún treo', tôi muốn bước vô tôi xin mà sợ…
Rồi ổng mới kể, ổng ở quê vô đây, vợ con không có mà việc làm chưa ổn định, ở nhà trọ không có tiền đóng. Ổng nghe trên mạng địa chỉ này có 'bún treo'. Đói quá rồi mới liều xuống xin 1 tô ăn..."
Những ngày cuối năm, dòng người như càng vội vã hơn trên mọi nẻo đường để mong có thể trở về nhà thật nhanh bên gia đình. Thế nhưng ít ai biết rằng ở quán "phở treo, cơm treo, bún treo", chị Lệ, bà Hồng… vẫn âm thầm chờ đợi những vị khách đặc biệt của mình đến nhận những suất ăn ấm nóng ngon lành.
Khi được hỏi sẽ thực hiện mô hình "phở treo, bún treo" đến bao giờ, chúng tôi nhận về từ những chủ quán cùng chung một câu trả lời: Chỉ cần còn sức khoẻ, còn quán ăn, còn có người cần đến những suất ăn nghĩa tình thì họ vẫn tiếp tục làm.
Câu chuyện về những bữa ăn "treo" này đã chứng minh rằng sức mạnh của tình người, của sự tương thân tương ái, có thể thay đổi cả một xã hội. Vào những ngày cuối năm, khi mọi người hối hả với những lo toan của cuộc sống, vẫn có những quán ăn nhỏ, âm thầm trao đi những suất ăn ấm nóng, đổi lấy những nụ cười từ những người khó khăn.
Bởi vì, trong cuộc sống này, lòng tốt là điều không thể thiếu. Và những bữa "treo" sẽ luôn được lan tỏa bởi trái tim những người biết yêu thương.