“Mẹ luôn nói cuộc đời giống như một hộp chocolate. Bạn sẽ chẳng bao giờ biết bạn sẽ nhận được những gì”.
Trong bộ phim kinh điển Forest Gump, năm tháng là một chặng đường đầy những bất ngờ. Dù nó là một hành trình khổ cực hay sung sướng, chúng ta cũng sẽ thiết tha mà bước tiếp bởi ta chẳng biết điều gì đang chờ đợi phía trước. Điều này càng đúng khi nói về tuổi trẻ - chuyến phiêu lưu ngắn ngủi, gấp gáp và ồn ã, với đầy những âu lo, sợ sệt, xen lẫn là những phút giây hạnh phúc và cả những trái tim tan vỡ.
Tất cả những cung bậc cảm xúc ấy, và thậm chí còn nhiều hơn thế đã được màn ảnh khai thác từ hình ảnh của những người trẻ. Phim suy cho cùng là cái bóng phản chiếu tấm chân dung của người nghệ sĩ, đã từng một thời ồn ào trẻ dại. Tại Oscar năm nay, một lần nữa tuổi trẻ lại là chủ đề được nhiều nhà làm phim hướng tới. Có lẽ, đây là một trong những năm mà người trẻ có thể tìm thấy nhiều chủ đề gần gũi với cuộc sống của mình đến vậy. Dù cay đắng như I, Tonya, ấm áp và dữ dội trong Lady Bird hay tê dại đi trong mối tình mùa hè của Call Me By Your Name,... tất cả đã mang đến những lát cắt rực rỡ và đầy cảm xúc của những câu chuyện thanh xuân mà bất cứ ai cũng có thể soi chiếu bản thân.
Một trong số những bộ phim được chú ý nhất Oscar năm nay tại Việt Nam, là câu chuyện tình yêu rực rỡ như mùa hè nước Ý - Call me by your name.
Lấy bối cảnh giữa những năm 1970, ở miền quê nước Ý diễm lệ trong nắng vàng và con đường rải sỏi trắng, được thắp lên bằng những hàng cây xanh và cuộc sống êm ả thần tiên trong lâu đài cổ của gia đình vị giáo sư khảo cổ học đáng kính. Call Me By Your Name là tình khúc đẹp đẽ và cũng thổn thức đến tận cùng giữa hai chàng trai trẻ Elio và Oliver.
Tình yêu ấy không phải là những rung động đầu đời ngọt ngào, bởi cả Elio lẫn Oliver đều đã có bên mình một cuộc sống khác. Nhưng đó lại là thứ tình yêu tuổi trẻ đầy tò mò và say đắm. Nó vừa là những khát khao không thể cưỡng lại, đan xen vào là những sợ sệt, rụt rè của họ khi đặt chân vào một tình cảm mãnh liệt nhưng quá đỗi khác biệt trong thời kỳ đó. May mắn cho Elio, khi cậu có được sự thấu hiểu tuyệt đối từ cha mẹ. Tất cả được cô đọng trong cuộc trò chuyện giữa hai cha con. Dù không bắt con trai nói ra, nhưng người cha để Elio biết rằng ông hiểu tất cả, hiểu rằng con trai đang đau đớn thế nào và mong muốn cậu đừng tự khép lòng lại khi mọi chuyện đã qua đi.
Có thể nói tác phẩm của đạo diễn Luca Guadagnino giống một bộ phim “coming of age” (phim về tuổi trưởng thành) nhiều hơn là một phim “coming out” (phim về đề tài người đồng tính). Tình yêu trong Call Me By Your Name là một “tình yêu mùa hè" điển hình. Rực rỡ, sáng lấp lánh như những buổi trưa oi ả bên bờ sông, chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn ngủi, nhưng cũng đủ đọng lại là những đam mê đến rạo rực và theo đó là vụn vỡ đến nát tan khi hai kẻ yêu phải rời xa.
Mọi thứ tình cảm “khi xưa ta còn trẻ” ấy tưởng như đều cuồng nhiệt hơn, nông nổi hơn là khi người ta bước qua tuổi trưởng thành. Giống như một thứ đặc quyền cho tuổi xuân, chúng ta được phép mở trái tim mỏng manh để yêu đương, rồi nhận về những vết cắt không thể lành, nhưng vẫn tột cùng hạnh phúc vì chưa một phút nào nguôi ngoai hoài niệm về quãng thời gian đẹp đẽ đã quá vãng.
Nếu như mối tình đầu trong Call Me By Your Name xuyên suốt cả tác phẩm như một sợi nắng hè thì tình yêu đầu trong Lady Bird lại chỉ thoáng qua và rồi kết thúc chóng vánh để nhường chỗ cho những rắc rối khác của cô nàng Christine.
Khi những cậu trai đang bận yêu đương thì Christine còn phải vật lộn với ước mơ vào trường đại học, chạy thoát khỏi quê nhà Sacramento và mối quan hệ như nước với lửa cùng mẹ Marion. Tình yêu với cậu bạn trai đầu đã kết thúc trong thảm họa, thế nhưng cũng đủ để cho Lady Bird biết thế nào là vị của nụ hôn, niềm vui tìm được người để bầu bạn và cả nỗi đau bị lừa dối.
Ngay cả với anh chàng thứ hai (đóng bởi cùng một chàng hoàng tử indie Timothée Chalamet), Christine cũng không may mắn hơn. Điện ảnh là một trong những tác nhân khiến ta kỳ vọng vào mối tình trên màn ảnh nào cũng phải đẹp phải thật lãng mạn, thế nhưng đạo diễn Greta Gerwig đã điềm nhiên bỏ mặc khán giả với hai câu chuyện tình mà chóng vánh. Thế rồi, ta nhìn lại và nhận ra mình cũng đã từng yêu đầy lúng túng như thế.
Những ai từng xem I, Tonya có lẽ sẽ không quên câu gặng hỏi nhuốm màu tuyệt vọng của Tonya Harding khi nhìn khuôn mặt lạnh băng của bà mẹ: “Khi con còn bé mẹ có bao giờ yêu con không vậy?”. Tình yêu của Harding trong bộ phim tiểu sử của đạo diễn Craig Gillespie được chia thành hai nửa và đều đáng thương như nhau: một bên dành cho bà mẹ “quân phiệt” sống chết để bắt đứa con trở thành nhà vô địch trượt băng, một bên dành cho gã bạn trai thượng cẳng chân hạ cẳng tay.
Cô gái nhỏ của Sacramento sau những cố gắng để vùng vẫy khỏi quê hương và đối đầu với người mẹ, trong những giây phút tưởng như đã dứt ra được những ràng buộc để một mình một cõi trên trường đại học, bất chợt nhận ra mình lẻ loi đến chống chếnh. Lady Bird là lời nhắn nhủ tới những cô gái vẫn đang loay hoay đi tìm danh tính của mình trên đời này, hiểu rằng ai mà chẳng có lúc sai lầm, rồi mọi chuyện cũng sẽ ổn thôi và rằng đôi khi cuộc đời sẽ đưa đẩy ta đến những điểm đến không ngờ trước.
Với Call Me By Your Name, sự bối rối trên hành trình trưởng thành và kiếm tìm bản thân gắn liền với sự phát triển tình cảm của Elio và Oliver. Khởi đầu là hai chàng trai trẻ với những mối quan hệ “chính danh", cả hai dần nhận ra sự thu hút đặc biệt đến từ người kia, và phải đấu tranh với chính bản thân mình, để chấp nhận thứ tình cảm ấy, để sống thật với nó và cuối cùng: Để dần hiểu được bản thân mình là ai.
Còn Tonya Harding, câu chuyện trưởng thành của cô gái từng làm cả nước Mỹ kinh ngạc có lẽ còn đáng thương hơn. Thiếu thốn tình yêu của mẹ, chịu đựng sự giáo dục khắc nghiệt và đến khi biết yêu thì lại bị gắn chặt với một gã vũ phu, Harding mãi mãi là một cô bé mắc kẹt trong niềm khát khao được yêu thương.
Thanh xuân là cả những giấc mơ và cả tiếng vỡ của những ước vọng không thành. Là cả mê say bước tới và nỗi thất vọng đau đớn khi phải chùn chân…
Elio, tất nhiên là niềm tin được thấy dáng hình cao lớn của Oliver quay trở lại ở ngưỡng cửa để khỏa lấp chỗ trống trong trái tim, cho thứ tình yêu ngọt ngào mà có lẽ cuộc đời cậu sẽ chẳng bao giờ nếm trải. Thế nhưng, lá thư của chàng sinh viên người Mỹ rất có thể là lá thư cuối gửi đến toà lâu đài nơi cất giữ mùa hè nước Ý tuyệt đẹp, và nếu Elio và Oliver sau này có gặp lại nhau, thì đều đã trở thành hai con người rất khác. Quên thế nào được cảnh nước mắt lăn dài trên khuôn mặt đẹp như tượng của Elio trong những phút cuối phim, khi cậu ôm trọn lấy nỗi đau của thứ tình yêu câm nín, không thể bước tiếp nhưng cũng không thể xoá đi những dư vị ngọt ngào còn lại.
Với hai mẹ con Moonee – Halley trong The Florida Project, đó là ước mong về một mái ấm lâu dài. Dù lấy bối cảnh tòa nhà trọ ngay sát Disney World, thế nhưng giấc mơ của bé Moonee lại hướng đến những cuộc phiêu lưu ra ngoài thế giới xa xỉ ấy. The Florida Project là câu chuyện về những người nghèo và “giấc mơ con” đôi khi chỉ là một ngày đủ đầy cho cả gia đình.
Cũng có đến hai câu chuyện mẹ con đầy day dứt trong I, Tonya và Lady Bird. Thật khó để chọn phe giữa một đứa con nổi loạn hay một bà mẹ nghiêm khắc (Lady Bird), hoặc một bà mẹ cay nghiệt và một cô con gái ngang tàng (I, Tonya).
Ở đó, hai cô gái trẻ có cho mình những mơ ước riêng. Với Lady Bird là nỗi khao khát được thoát khỏi cái nghèo, được xúng xính ăn mặc đẹp, là trung tâm của sự chú ý một lần, được cậu hotboy để ý và cuối cùng là rời khỏi khu Sacramento đầy chán chường. Tonya Harding - ước mơ của nữ vận động viên trượt băng bị nắn chỉnh ngay từ bé bởi bàn tay không chút cảm xúc của người mẹ và cô phải đấu tranh với tất cả những gì có thể để nắm lấy ước mơ ấy. Bởi nếu thiếu đi trượt băng, Tonya không còn là Tonya nữa.
Có ước mơ thì cũng sẽ có những nỗi thất vọng. Harding đã phạm phải sai lầm để rồi cả cuộc đời còn lại ôm lấy một nỗi ăn năn không dứt. Lady Bird thấy mình lạc giữa một thế giới xa lạ do chính cô đặt chân vào. Tiếng vỡ tan của mộng ước thanh xuân không dễ để nghe, nhưng chắc chắn sẽ có nhiều người đứng dậy để trưởng thành từ nỗi đau và sự chia cắt.
Oscar 2018, bên cạnh những bộ phim có sức nặng xã hội và mang đầy tính triết lý, thì vẫn ở đó những mảng miếng sống động của tuổi trẻ. Những câu chuyện vừa ngọt ngào, vừa dung dị, vừa được tô vẽ nên thơ, vừa phủ bằng một màu sắc lạnh lùng của thực tại.
Hãy lần lượt xem những bộ phim ấy một lần - và bạn sẽ thấy mình ở đó, trong các thước phim, với tất cả những cảm xúc của tuổi trưởng thành và sự đồng điệu về cuộc sống, về tình yêu, về những khát vọng và cả nỗi cô đơn của những ngày trẻ sôi nổi. Bạn sẽ cùng đi qua những mảnh đẹp đẽ của tuổi trẻ, một hành trình dài đi tìm bản ngã với từng câu chuyện và số phận khác biệt. Một câu chuyện tình yêu, một câu chuyện về sự nổi loạn, một câu chuyện về tình mẫu tử. Những lát cắt sống động về cách chúng ta lớn lên và đối mặt với những nỗi đau của cuộc sống.
Cuối cùng, bạn - và tất cả chúng ta, đều có thể soi chiếu mình trong những Elio, Lady Bird, Tonya… để rồi nhận ra: Ai cũng từng trải qua một thời thanh xuân trẻ dại, nồng nhiệt và chân thành đến thế.