“Nhà của thời thanh xuân” là một sự nâng tầm đáng khích lệ của dự án xã hội “Quán của thời thanh xuân”. Dự án xây dựng cộng đồng sống đề cao các quy tắc chia sẻ, khích lệ, rèn giũa bản thân và theo đuổi mục tiêu cao đẹp: Vì thanh xuân chỉ đến một lần nên hãy sống cho ra sống dù bạn là ai đi nữa!
Nơi người trẻ yếu thế chấp nhận mọi thử thách và cho mình cơ hội sống ngẩng cao đầu - Ảnh 1.

Người Đà Lạt và những bạn trẻ “nghiện" mảnh đất thơ mộng này không ai là không biết đến “Quán của thời thanh xuân" - điểm đến quen thuộc của khách thập phương nằm ở cuối con dốc Triệu Việt Vương. Song, cũng có nhiều người gọi “Quán của thời thanh xuân" là “Nhà của thời thanh xuân". Hai nơi này liệu có phải là một? Và tại sao lại có đến hai cách gọi song song để chỉ về một nơi?

Nhà của thời thanh xuân - Đề cử Top 21 nhân vật truyền cảm hứng

Xin thưa rằng, “Nhà của thời thanh xuân" hay “Quán của thời thanh xuân" đều là dự án xã hội giúp đỡ những bạn Điếc được khởi xướng bởi Võ Thành Luân  (sinh năm 1987, quê ở Bảo Lộc). Đây là nơi trang bị cho bạn trẻ yếu thế đầy đủ trải nghiệm về nghề nghiệp, tác phong làm việc, tích lũy vốn để có thể sống tự lập về sau.

Nơi người trẻ yếu thế chấp nhận mọi thử thách và cho mình cơ hội sống ngẩng cao đầu - Ảnh 3.

Võ Thành Luân, người khởi xướng cho dự án “Nhà của thời thanh xuân”

“Quán của thời thanh xuân” ra đời trước. Ở quán không có chủ không người làm thuê, không có rào cản giao tiếp. Câu chuyện về quán trà đặc biệt này từng được khai thác khá nhiều trên báo chí nhằm lan toả câu chuyện truyền cảm hứng về lối sống đẹp của những người trẻ bỏ phố lên rừng - chọn cách sống sẻ chia nâng đỡ người yếu thế trong xã hội.

Luân, chủ của “Quán của thời thanh xuân", là một người trẻ chọn lối sống đẹp như thế. Cậu bỏ dở việc học ở nước ngoài để về Đà Lạt khởi xướng dự án dành cho người Điếc. Quay đi ngoảnh lại, đã được vài năm.

Quán của thời thanh xuân có gì? Họ có bánh trà, có những bánh xà phòng thơm ngát. Có những khúc nhạc jazz êm dịu phát ra từ chiếc đĩa than đặt bên cửa sổ cạnh cô mèo lười nằm nhấm nháp nắng mai. Họ có sự tĩnh lặng quý giá mà chúng ta khó tìm thấy trong cuộc sống phố thị hối hả. Họ có những ánh mắt thấu hiểu tâm tình của nhau hơn ngàn vạn lời nói.

Người của “Quán" đãi khách đường xa bằng những thứ ngọt ngào và trìu mến như thế. Còn khách đến với quán thì tuỳ tâm gửi lại chút quà mọn cảm ơn cũng là để góp phần xây dựng và duy trì sự hoạt động của quán trà này.

Nơi người trẻ yếu thế chấp nhận mọi thử thách và cho mình cơ hội sống ngẩng cao đầu - Ảnh 4.

Định nghĩa về hạnh phúc của Luân vô cùng đặc biệt: “Hạnh phúc là cuối cuộc đời của bạn, bạn có bao nhiêu người tri kỷ, chia sẻ được với bạn những gì bạn nói, bạn hiểu mới là điều quan trọng... Bọn mình lao động chăm chỉ mỗi ngày và mơ về 15 năm sau mình có thể mở được Viện dưỡng lão Thanh xuân - nơi những người cùng chí hướng, tri kỷ quây quần bên nhau lúc xế chiều".

Nếu là người quan tâm đến Quán và từng nếm mùi vị bánh trà thơm ngọt ở đây, ắt hẳn bạn đã biết về hành trình tuyệt đẹp này.

Song việc mở rộng “Quán của thời thanh xuân” thành “Nhà của thời thanh xuân" thì lại là một bước phát triển mới được Luân và những người bạn đồng hành bắt tay thực hiện trong 1 năm trở lại đây.

Với mong muốn đưa Quán trà thành một dự án “startup” mở rộng quy mô hoạt động và giúp đỡ được nhiều người yếu thế hơn nữa (không chỉ là bán bánh trà, xà phòng thơm như trước đây)... Luân cùng 200 bạn trẻ tình nguyện đã hợp sức xây nhà. Họ đặt tên cho “tổ ấm" mới của mình là: Nhà của thời thanh xuân.

Nơi người trẻ yếu thế chấp nhận mọi thử thách và cho mình cơ hội sống ngẩng cao đầu - Ảnh 5.

“Hiện tại, nhà của thời thanh xuân đang phát triển. Tụi mình đã tăng số bạn Điếc từ 4 lên 8 bạn. Nhà của thời thanh xuân chính là một công ty để những người trẻ sống và làm việc cùng nhau. Công ty này có trách nhiệm là mở ra những dự án cho người yếu thế”, Luân kể về những thay đổi sau một năm, “Công ty mang tên là: Thanh Xuân".

Việc mở rộng “Quán của thời thanh xuân" ra thành “Nhà của thời thanh xuân" và thành lập công ty Thanh Xuân được mọi người trong quán tán thành với suy nghĩ: Thanh xuân là phải chấp nhận thử thách, cho mình cơ hội sống cho ra sống. Giá trị cốt lõi Luân cũng như những bạn trẻ đang đồng hành cùng cậu hướng đến là: Chúng tôi không sống vì cộng đồng mà chúng tôi tạo ra 1 cộng đồng để sống.

Nơi người trẻ yếu thế chấp nhận mọi thử thách và cho mình cơ hội sống ngẩng cao đầu - Ảnh 6.
Nơi người trẻ yếu thế chấp nhận mọi thử thách và cho mình cơ hội sống ngẩng cao đầu - Ảnh 7.

“Nhà của thời thanh xuân" được xây bằng gỗ, nằm dọc sườn đồi thơ mộng cách quán trà 4km. Đây là nơi lý tưởng để Luân, những bạn trẻ người nói và người Điếc cùng nhau sinh sống, học tập, trải qua các khoá huấn luyện. Sau một ngày làm việc ở “Quán của thời thanh xuân" họ đã có một nơi lui về nghỉ ngơi và tâm tình những câu chuyện của một ngày dài. Xây được nhà chính là thành công bước đầu của Luân cũng như dự án dành cho người Điếc trong năm nay.

Hoạt động yêu thích của những người trẻ đang sống ở “Nhà của thời thanh xuân" chính là tập yoga, chạy bộ mỗi sáng, trekking những cung đường đầy thử thách nhưng thú vị cũng như tuổi trẻ mà mình đang sống vậy.

Nơi người trẻ yếu thế chấp nhận mọi thử thách và cho mình cơ hội sống ngẩng cao đầu - Ảnh 8.

Luân và các bạn sống tại “Nhà của thời thanh xuân” trekking kiểm tra thể lực

Hai tuần một lần, Luân và các bạn đang sống và sinh hoạt tại “Nhà của thời thanh xuân” sẽ vào rừng chơi một lần để kiểm tra thể lực.

Sau khi xây được nhà, cùng nhau hợp lại và nâng tầm quy mô hoạt động, “Nhà của thời thanh xuân" đã kết nối với những người trẻ khác đang sống ở Đà Lạt để tạo ra những dự án tử tế - không ngừng tìm kiếm hạnh phúc và học cách cho đi. Những dự án thú vị mà Nhà đã tham gia mang đến tác động tích cực cho cộng đồng trong suốt 1 năm qua có thể kể đến là: Gieo tháp rau, Rau tử tế, Khoá đào tạo thanh xuân giúp những bạn trẻ tìm kiếm được chính mình.

Tiền kiếm được từ những dự án này được nhóm đầu tư vào các khoá học kỹ năng sống, thuê các chuyên gia tâm lý về chia sẻ kinh nghiệm cho các ông bố bà mẹ ở Đà Lạt về cách thấu hiểu trẻ. Mục tiêu của chiến dịch này là: Gieo rau, gieo cả con người!

Thành lập công ty Thanh Xuân, xây nhà, có thêm nhiều bạn trẻ đến giúp sức… Luân có cơ hội thực hiện nhiều ý tưởng mà mình đã ấp ủ từ lâu. Đó chính là chiếm lĩnh thị trường toilet Đà Lạt, xây dựng quán Thanh Xuân theo bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông. Chưa hết, cậu còn dựng lò chiết tinh dầu mang tên Thanh Xuân và thuê một hecta đất để trồng sả với mong muốn hỗ trợ người nông dân Đà Lạt tăng thu nhập.

Nơi người trẻ yếu thế chấp nhận mọi thử thách và cho mình cơ hội sống ngẩng cao đầu - Ảnh 9.

Dự án mà Luân và các bạn trẻ ở Nhà sẽ bắt tay thực hiện trong thời gian tới chính là xưởng xà bông Thanh Xuân dưới sự liên kết của các brand cực nổi ở Đà Lạt hiện nay như: Cối xay gió, Cút kít, Ngói, WindMills, Nhà của thanh xuân.

Rất nhiều hoạt động mới, rất nhiều mong muốn, dự án được ấp ủ đã trở thành hiện thực. Nghe thì rất vui nhưng nhiều người thoáng lo lắng rằng khi làm quá nhiều, hoạt động ở quá nhiều mảng - có khi nào họ đi chệch khỏi mục tiêu vạch ra ban đầu chính là: Mang lại hạnh phúc cho chính mình và những người yếu thế?

Luân cười tươi gạt bỏ những lo lắng, anh khẳng định: “Nhà hiện tại chỉ làm những gì mà tập thể cảm thấy hạnh phúc nhất thôi, còn mọi việc chỉ là tên gọi. Hiện tại, tụi mình vận hành chuyên nghiệp hơn so với trước đây thôi.

Các bạn sinh hoạt tại Nhà của thời thanh xuân cùng đi trekking

Nói thật mà bây giờ mình không mệt như ngày trước nữa. Mình đã có thời gian đi tập gym, chăm lo cho bản thân, có thời gian đi xem film, đầu óc nhẹ nhàng hơn để tránh đưa ra những quyết định sai lầm.

Ở Nhà có 1 tổ chức là ban tài chính. Họ làm việc rất chặt chẽ. Mình là chủ, muốn mua sản phẩm gì mà không được ban tài chính duyệt là cũng không được mua. Còn ban giá trị cốt lõi nếu thấy chiến lược nào không hướng theo những điều tốt đẹp mà tụi mình theo đuổi ban đầu, thì cũng không cho phép làm.

Nơi người trẻ yếu thế chấp nhận mọi thử thách và cho mình cơ hội sống ngẩng cao đầu - Ảnh 11.

Ngẫm lại thương nhà mình ghê, hồi xưa ít người và phải làm quá nhiều công việc. Lại phải gánh trọng trách hi sinh, nhiều khi nghèo khó. Còn bây giờ Nhà vẫn còn nghèo nhưng mọi người rất đồng lòng xây dựng dự án này như 1 startup phát triển để theo đuổi mục tiêu lớn lao hơn - vì cuộc sống tốt đẹp hơn của 2 triệu trẻ Điếc ngoài kia".

Luân có tham vọng của riêng mình, đó là tham vọng xây dựng Nhà của thời thanh xuân thành một công ty hạnh phúc nhất Việt Nam. “Đó là điều mình theo đuổi và nhà theo đuổi điều đó chính là hạnh phúc", Luân bổ sung vào cái định nghĩa về hạnh phúc của mình cách đây hơn 1 năm trước.

Dự án “khởi sắc", cuộc sống của người nói và người Điếc ở nhà được cải thiện không ít. Lương của các bạn Điếc đã giao động trong khoảng từ 3-8 triệu đồng/tháng. Cứ có thêm dự án là có thêm thu nhập.

Nơi người trẻ yếu thế chấp nhận mọi thử thách và cho mình cơ hội sống ngẩng cao đầu - Ảnh 12.

Theo đuổi cuộc sống mộng mơ bằng cái nhìn thực tế, Luân luôn nói với các bạn ở Quán rằng: “Chúng ta hy sinh cống hiến không có nghĩa là phải nghèo. Nghèo để cho cha mẹ người thân khổ là không đúng, là phương thức kinh doanh ấy sai”.

Luân không coi các bạn Điếc quanh mình là người khuyết tật, họ chỉ đang nói một thứ ngôn ngữ khác mà thôi.

Nơi người trẻ yếu thế chấp nhận mọi thử thách và cho mình cơ hội sống ngẩng cao đầu - Ảnh 13.

Một năm sắp sửa trôi qua với bao đổi thay của “Quán của thời thanh xuân", “Nhà của thời thanh xuân" và cùng với đó là những chiêm nghiệm được Luân đúc rút mỗi ngày:

Nơi người trẻ yếu thế chấp nhận mọi thử thách và cho mình cơ hội sống ngẩng cao đầu - Ảnh 14.

“Thiên đường hay điều xấu xa chỉ cách nhau 1 khoảng. Nếu mình chăm bẵm cho những gì đẹp đẽ rồi sau đó nép mình vào hình tượng đó quá mức, lúc đó, mình sống không thật với chính mình nữa. Cho nên, Thời Thanh Xuân bây giờ đang rất ngạo nghễ trước những thách thức. Đó là nơi là một công ty tối đến lại là một gia đình. Cả 2 đều đang đi kiếm hạnh phúc. Chỉ nửa năm nữa thôi, tụi mình sẽ làm dự án người mù. Và những điều tốt đẹp lại một lần nữa diễn ra…”.

Nơi người trẻ yếu thế chấp nhận mọi thử thách và cho mình cơ hội sống ngẩng cao đầu - Ảnh 15.


Ái Lê
Hữu Dương, NVCC
Bi