Những mơ ước tuyệt đẹp về một mái ấm và những đứa trẻ của chị Thúy (TP.HCM) chợt tan tành mây khói bởi một sơ xuất nhỏ từ thời son trẻ…

Những mơ ước tuyệt đẹp về một mái ấm và những đứa trẻ của chị Thúy (TP.HCM) chợt tan tành mây khói bởi một sơ xuất nhỏ từ thời son trẻ…

"Tuổi thanh xuân là chuyến tàu đẹp nhất của mỗi đời người. Nhưng có lẽ vì vậy mà con người ta đặt thật nhiều ước mơ bồng bềnh trên đó…" (*). Thật vậy, chúng ta ai cũng nói về tuổi thanh xuân với niềm yêu thương vô hạn bởi đó luôn là thời khắc rực rỡ, ngập tràn mộng ước và hiếm khi vương dấu lệ sầu. Trên hành trình ấy, có giấc mơ xa vời mãi là vọng tưởng, nhưng cũng có biết bao mộng mơ tuyệt đẹp có thể được hiện thực hóa bằng nỗ lực. Chị Thúy (TP.HCM) đang đi trên con đường ấy, cố gắng từng ngày để biến ước mơ của mình thành hiện thực, cho đến khi bất ngờ phải rẽ bước sang ngang…

Thuyết phục chị nói về những trải nghiệm đau đớn từng trải qua không dễ vì lẽ thường tình: Sự e ngại. Nhưng khi nghĩ đến những cô gái có thể phạm sai lầm giống như mình, chị đã quyết định trải lòng. Những gì chị Thúy kể là trải nghiệm cá nhân nhưng hoàn toàn có thể là câu chuyện của bất cứ ai nếu chúng ta không chịu thay đổi tư duy. Vì vậy, tôi tin rằng, bạn - tôi tất cả chúng ta đều có lý do để ngồi xuống và lắng nghe…  

Nỗi ân hận của một phụ nữ không còn có thể sinh con: Nếu trở về năm 20 tuổi, tôi sẽ không ngu ngốc như thế! - Ảnh 2.

Như mọi cô gái đang hay chớm bước qua thanh xuân, chị Thúy có những ước mơ, nhỏ nhoi, gần gũi mà ai cũng có thể thấy mình trong đó: một gia đình hạnh phúc với chồng và những đứa con, một ngôi nhà riêng rộn vang tiếng cười con trẻ. Và người phụ nữ ấy cũng có những tâm tư của riêng mình nữa. Không phải hoài bão thăng tiến, mà đơn giản lắm, chị mơ tích cóp được thêm chút đỉnh để biết đâu thoát khỏi số phận cực khổ của một công nhân. Đã có lúc, chị còn hoạch định về việc mở một cửa hàng nhỏ, một tiệm cà phê để được tự làm chủ số phận của mình.

Nỗi ân hận của một phụ nữ không còn có thể sinh con: Nếu trở về năm 20 tuổi, tôi sẽ không ngu ngốc như thế! - Ảnh 3.

Vợ chồng chị phấn đấu hằng ngày vì đích đến đó. Sau 3 năm trông chờ, gia đình họ đã có một cô công chúa nhỏ. Những giấc mơ đã có thể đã thành hiện thực, không phải hôm nay, ngày mai thì là 5 năm, 10 năm nữa trên một lộ trình có thể hoạch định trước cho đến khi…

Tất cả bất ngờ ngắt quãng khi chị Thúy nghe "bản án" từ trên trời rơi xuống mang tên: Ung thư cổ tử cung (UTCTC) – Căn bệnh mà chắc hẳn là con gái, ai cũng từng nghe thấy một lần, có thể từng nghiên cứu tìm hiểu, cũng có thể vì hoang mang mà ngó lơ, mù mờ thông tin…

Nỗi ân hận của một phụ nữ không còn có thể sinh con: Nếu trở về năm 20 tuổi, tôi sẽ không ngu ngốc như thế! - Ảnh 4.

Cầm kết quả xét nghiệm trên tay, chị Thúy không tin vào mắt của mình. Thật khó để chấp nhận rằng, những ước mơ tuyệt đẹp thuở thiếu nữ, những tưởng sắp thành hiện thực chợt vuột mất như cơn gió thoảng. Sốc hơn nữa vì trước đó, chị chẳng mảy may có dấu hiệu bệnh tật. "Tôi hoàn toàn khỏe mạnh, kỳ ‘đèn đỏ’ đều đặn bình thường nên không khám định kỳ. Còn tiêm vắc xin thì không biết thông tin, nên cũng chưa từng nghĩ đến!"… Từ những ước mơ bồng bềnh trên "chiếc thuyền thanh xuân" đang đà thẳng tiến, chị Thúy và người thân xung quanh phải lái sang một ngã rẽ mà chẳng ai ngờ tới: Những tháng ngày chiến đấu với căn bệnh quái ác!

Nỗi ân hận của một phụ nữ không còn có thể sinh con: Nếu trở về năm 20 tuổi, tôi sẽ không ngu ngốc như thế! - Ảnh 5.

Đó là những câu hỏi thường trực của người mẹ trẻ trong suốt hành trình dai dẳng giành lại sự sống. Những ngày đầu tiên, khi có ai đó đến thăm, chị Thúy lại khóc. Lẽ thường, nhắc đến "ung thư", ai cũng chỉ nghĩ đến "cái chết". Tinh thần chị hoảng loạn. Chị sợ hãi nỗi đau thể xác và cả tinh thần: sợ người chồng chẳng còn nắm tay mình đến cuối con đường, sợ chết và sợ đứa con nhỏ không còn ai chăm sóc.

Nỗi ân hận của một phụ nữ không còn có thể sinh con: Nếu trở về năm 20 tuổi, tôi sẽ không ngu ngốc như thế! - Ảnh 6.

Ở vào thời khắc ấy, không một ai trả lời được những câu hỏi của chị Thúy. Nhưng một lời khẳng định chắc nịch của người chồng đã vực chị dậy giữa những bé mọn con người, từ vực sâu tăm tối: "Nhà mình không có quá nhiều tiền cho vợ điều trị bệnh. Nhưng vợ cứ yên tâm, thiếu chồng sẽ cố gắng đi làm. Mình vay mượn thêm, sức khỏe của vợ là chính!". Giữa cái thời đại giá trị nhiễu nhương bởi những gian dối, trí trá thì vẫn còn đó một minh chứng rõ ràng cho cái gọi là tình yêu tuyệt đẹp! Người vợ ấy đã có thêm nghị lực để chống chọi với bệnh tật!

Từ chỗ tuyệt vọng, bối rối, hoang mang, lạc lối, chị Thúy quyết định đi theo lộ trình các bác sĩ vạch ra. Một tuần sau khi nhập viện Từ Dũ, người mẹ trẻ ấy đã phải lên bàn phẫu thuật và trở lại với một vết mổ lớn. Nhưng đó chỉ là một trong những nỗi đau đớn mà chị phải chịu đựng xuyên suốt hành trình dài chẳng biết hồi kết ấy.

Khi vừa mổ xong, chị Thúy chẳng thể ngồi dậy, chỉ nằm duy nhất một chỗ, "cảm giác như người tàn phế". Và đó chỉ là bắt đầu, chị bước vào 6 đợt hóa, xạ trị. Có những lần giữa đợt làm hóa chất, chị bị nôn ói, không ăn, không ngủ, tiêu chảy cấp. Đỉnh điểm là lúc chuyển sang xạ kim, đưa ống vào tử cung và nằm trong phòng lạnh cả tiếng đồng hồ, một mình chịu nỗi đau đớn: "Tôi đã từng muốn bỏ cuộc nhưng rồi được bác sĩ, người thân động viên nên lại cố gắng".

Chị Thúy may mắn có phản ứng tốt trước những đợt điều trị. Những tia sáng le lói hé lên giữa giông bão cuộc đời. Sau 6 đợt hóa trị, chị vượt qua giai đoạn sinh tử, nhưng những nỗi buồn, mất mát vẫn còn mênh mang mãi…

img
img
img
img

Để loại bỏ tế bào ung thư khỏi cơ thể, chị phải cắt bỏ tai vòi trứng, treo buồng trứng, cộng thêm phản ứng từ điều trị hóa chất, đồng nghĩa với việc cơ hội mang thai lần nữa vô cùng mong manh. "Chồng mình rất thích nhà đông con, còn con mình luôn ao ước có một đứa em. Vậy mà…". Có giai đoạn, đêm nào chị cũng mơ thấy mình mang thai.

Và cùng với mơ ước bỏ lửng, mong mỏi có một căn nhà che nắng, che mưa cũng tan biến. Đau đớn thể chất, nỗi sợ sinh tử qua đi, nhưng còn lại đó những ước mơ mãi mãi bị chôn vùi… Có một đêm trước khi lên bàn mổ, chị còn nghe người ta nói, kể cả khi khỏe mạnh rồi, tuổi thọ cũng giảm đi đáng kể, sức khỏe ảnh hưởng. "Mọi thứ ngắn ngủi, đời mình cũng sẽ ngắn ngủi…". Thôi thì, dù thế nào, chị Thúy vẫn còn sống!

Nỗi ân hận của một phụ nữ không còn có thể sinh con: Nếu trở về năm 20 tuổi, tôi sẽ không ngu ngốc như thế! - Ảnh 8.

Trở về từ cõi chết và mang trong mình bao nỗi đau, có người sẽ chán nản, buông xuôi… Cũng có những người không như vậy mà lên tiếng để thay đổi, chị Thúy là một trong số đó. Chị đã quyết định tham gia dự án "Nâng cao nhận thức cộng đồng về Ung thư Cổ tử cung" do Hội Y học Dự phòng Việt Nam tổ chức để lan tỏa thông điệp mạnh mẽ hơn tới những cô gái trẻ.

Nỗi ân hận của một phụ nữ không còn có thể sinh con: Nếu trở về năm 20 tuổi, tôi sẽ không ngu ngốc như thế! - Ảnh 9.

 Chia sẻ trong đoạn clip ngắn của chiến dịch, chị Thúy ý thức hơn hẳn về việc chăm sóc sức khỏe: "Sinh hoạt điều độ, ăn sạch (tự nấu ở nhà, hạn chế chiên, xào, hàng rong). Mình cũng chịu khó đi khám sức khỏe định kỳ nữa, 6 tháng hoặc một năm/lần!". Và khi được hỏi nếu có thể quay lại từ đầu, muốn chọn thời điểm nào, chị Thúy không do dự: "Lúc mình còn trẻ, còn khỏe, 18, 20 gì đó. Khi ấy, mình nhất định sẽ chịu khó tìm hiểu thông tin về sức khỏe, tiêm vắc xin ngừa UTCTC và đi khám phụ khoa định kỳ. Bây giờ, mình đã quá tuổi, bệnh cũng đã bệnh rồi, nên chỉ biết cố gắng hết sức để con gái mình được tiêm vắc xin ngừa UTCTC ngay khi đủ tuổi". Vậy đấy, có đôi khi những hậu quả nghiêm trọng sau này, lại chỉ xuất phát từ những sai lầm nhỏ nhoi, chút lơ đễnh bé mọn đâu đó những ngày còn trẻ…

Còn bạn, cũng có những ước mơ thanh xuân chứ? Và chắc hẳn bạn không muốn nó lụi tàn chỉ vì chút sơ suất xa xưa? Ngay hôm nay, hãy tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình và những người xung quanh, để ước mơ mãi mãi còn xanh, bạn nhé!

UTCTC CÓ THỂ CƯỚP MẤT THIÊN CHỨC LÀM MẸ NGAY KHI BẠN CÒN RẤT TRẺ!

UTCTC là bệnh ung thư phổ biến thứ hai ở phụ nữ, với 95% trường hợp do vi rút HPV gây ra. 80% phụ nữ có nguy cơ nhiễm HPV ít nhất 1 lần trong đời, tỷ lệ nhiễm cao nhất xảy ra ở độ tuổi 20-30, có thể lên đến 20-25%. Mỗi năm, ở Việt Nam có 2.500 phụ nữ tử vong do căn bệnh này. Bệnh nhân UTCTC phải chịu nhiều hậu quả nặng nề như suy giảm sức khỏe, có nguy cơ vô sinh, suy kiệt về tài chính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và hạnh phúc gia đình.Hành động ngay để bảo vệ bản thân và những người phụ nữ yêu thương của bạn bằng cách tìm hiểu thêm thông tin về bệnh, tầm soát UTCTC định kỳ và quan trọng nhất là tiêm vắc xin ngừa HPV. Để tìm hiểu, vui lòng truy cập Fanpage HPV Việt Nam hoặc website http://www.hpv.vn/vi/

(*) Chú thích: Trích tác phẩm "Tuổi thanh xuân đôi chuyến tàu đi lạc" – Lương Đình Khoa  

Tô Lệ Trân
Linh yoo
Theo Trí Thức Trẻ23/10/2018