Nhà của Thúy Ngân nằm sát bờ nước lở bên dòng sông Tiền, chảy qua xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Bố mẹ em quanh năm vất vả, chạy thuê làm mướn mà còn chẳng đủ lo bữa rau bữa cháo.
Ấy vậy, hoàn cảnh gia đình khó khăn không làm cô bé lớp 5 trường tiểu học Long Thuận 4 nản chí. Suốt 5 năm qua, Ngân vẫn chăm chỉ tới lớp, băng qua những con đường gập ghềnh để đến trường - nơi ánh sáng của tri thức cho em chút hy vọng để đổi đời. Thế nhưng, dịch bệnh ập đến, "con đường" tới trường lại thêm phần chông gai khi giờ đây tình thế bắt buộc em cùng các bạn phải chuyển sang "học online".
Cách Đồng Tháp chừng 250km, cậu bé Phạm Văn Long cùng bà nội Trần Thị Hồng Mai và em gái sống tại thành phố Vũng Tàu loay hoay không biết sẽ bắt đầu năm học mới học như thế nào. Căn nhà chỉ rộng chưa đầy 10m2 của ba bà cháu thiếu thốn muôn bề nay lại đầy tràn những nỗi niềm lo âu. Không giường, không bàn học có sao đâu.
Việc học tập vốn đã không dễ dàng với Long song em luôn ngoan ngoãn, vâng lời người lớn và chịu khó học hành. Khi trường tổ chức học trực tuyến, Long nhờ bà dắt sang nhà bạn xin học nhờ để cố gắng không bỏ lỡ buổi học nào. Một tháng, hai tháng rồi tới giờ đã là gần nửa năm, cứ thế này mãi thì em cũng chẳng đành.
Thế đấy, những khó khăn như vậy vẫn cứ tiếp diễn đâu đó ngoài kia, bủa vây lấy những hoàn cảnh éo le và làm ngộp thở những tâm hồn hiếu học.
Với những em nhỏ như Ngân, như Long, bên cạnh nỗi lo dịch bệnh, đè nặng lên vai các em là nỗi lo thất học chỉ vì không có điện thoại thông minh hay máy tính để đến lớp online. Thầy Nguyễn Hữu Tiến, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hồng Ngự, cho biết chỉ riêng khối lớp 5 còn gần 800 em chưa có thiết bị trong tổng số hơn 2.200 em, chiếm gần 35%. Tương tự, cấp THCS còn gần 700 em chưa có thiết bị. Theo thống kê của Sở giáo dục tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, toàn tỉnh có 44.000 học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến, tính đến cuối tháng 8/2021.
Với các em học sinh trong độ tuổi đến trường, đó là nguy cơ thất học hoặc việc học không hiệu quả. Theo báo cáo của Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc, có 80 triệu trẻ em tại Indonesia bị ảnh hưởng bởi Covid-19, việc học của 800 triệu trẻ em trên toàn châu Á bị gián đoạn vì đại dịch và ước tính có khoảng 4% học sinh trên toàn châu Á phải đối diện với nguy cơ bỏ học.
Trước tình hình đó, đã có nhiều chương trình ra đời nhằm tạo điều kiện để trẻ em vững bước đến trường, không một trẻ em nào bị bỏ lại phía sau. Chương trình "Sóng và máy tính cho em" Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chủ trì, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp nhằm vận động, huy động mọi nguồn lực trong toàn ngành ủng hộ kinh phí, thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh chưa có và không thể có khả năng mua thiết bị học tập trực tuyến.
Thấu hiểu hoàn cảnh của các em, với mong muốn bước đầu giải quyết những nhu cầu khó khăn trong dịch bệnh, Quỹ Hy vọng thuộc tập đoàn FPT đã nhanh chóng triển khai chương trình "Máy tính tặng em" hỗ trợ 3.300 máy tính cho các em học sinh tại các địa phương bị ảnh hưởng do dịch bệnh.
Thông qua chương trình "Máy tính tặng em" với mục tiêu tặng 3.300 máy tính cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Đồng Tháp, Trà Vinh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ, Bến Tre, Trà Vinh, Tây Ninh và TP. Hồ Chí Minh, Quỹ Hy vọng mong muốn được chung tay mang đến cơ hội cho các em nhỏ khó khăn có thể tiếp cận giáo dục, duy trì việc học trong bối cảnh phải học trực tuyến. 3.300 máy tính bảng, máy tính bàn, laptop… gửi trao đến các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn là 3.300 cây cầu nối tương lai. Bên cạnh việc gửi tặng các thiết bị học trực tuyến, chương trình "Máy tính tặng em" cũng hỗ trợ lắp đường truyền internet, tặng gói cước internet… và hỗ trợ giáo viên dạy học trực tuyến thuận lợi hơn.
Có máy tính mới, việc học hành của các em học sinh không bị gián đoạn, áp lực đè nặng lên gia đình vơi bớt phần nào. Đằng sau mỗi chiếc máy tính mới được trao đến các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn là niềm vui rạng rỡ với cả gia đình. Những cây cầu nối tương lai đang khiến ngày mai của các em bừng sáng hơn.
Ngày được nhận máy tính mới từ Quỹ Hy vọng và FPT, Minh Hoài - cậu học sinh nghèo hiếu học tại Cao Lãnh, Đồng Tháp thấy cánh cửa tri thức tưởng chừng đóng lại bỗng mở rộng trước mắt em. Nhà nghèo, lại mắc bệnh tim, việc học của Hoài gặp không ít khó khăn. Những ngày dịch bệnh, hai chị em phải mượn điện thoại của anh họ học, sáng Hoài học thì chiều nhường lại chị gái. Biết nhà nghèo, cậu học sinh lớp 5 chẳng dám mơ có điện thoại mới.
Những chiếc máy tính mới không chỉ là chiếc cầu nối để trẻ em tiếp cận tri thức, mà còn là động lực, vững tin vào một tương lai tươi sáng, một tương lai mà khi có học vấn, tri thức các em có thể khắc phục tình cảnh khó khăn, thay đổi cuộc sống hiện tại và góp phần lan toả những nghĩa cử cao đẹp đến cho cộng đồng, đất nước. Trong kỷ nguyên công nghệ khi việc học tập vượt ngoài khuôn khổ trường lớp, những chiếc máy tính được kết nối internet sẽ mở ra chân trời tri thức mới với các em học sinh.