eMagazine/ kenh14.vn/

Những đôi giày từ bã cafe
của 2 chàng trai Việt lọt top
Forbes 30 Under 30 Châu Âu:

"Chúng tôi muốn
làm ra thứ phù hợp với
giới trẻ bây giờ và cả
10, 20 năm sau nữa"

Với ý tưởng tạo nên một sản phẩm bền vững và thân thiện với môi trường, nhưng phải cực kỳ thời trang, những đôi giày của Khánh và Sơn đã không chỉ chinh phục được các sneaker-heads, mà còn là các nhà đầu tư và cả Forbes Under 30 Châu Âu.

Đọc Thêm
05.07.2020 Theo Trí Thức Trẻ
Rens
Original

Với 300 gram bã cafe và 6 chai nhựa tái chế, bạn sẽ làm gì?

Đáp án đầu tiên có lẽ là… đi vứt rác. Đáp án thứ 2 có lẽ là tái sử dụng lại chai nhựa và dùng bã cafe cho một mục đích làm đẹp. Nhưng với Jesse Khánh Trần và Sơn Chu, với 300 gram bã cafe và 6 chai nhựa, họ làm được… 1 đôi giày sneaker!

Hai bạn trẻ, một người sinh năm 1992 (Jesse Khánh Trần) và một người sinh năm… 1996 (Sơn Chu) đang là hai nhà đồng sáng lập của thương hiệu giày Rens Original tại Phần Lan. Cả hai đều từng là du học sinh Phần Lan và từng có thời gian làm việc trong ngành thời trang, thương mại điện tử với rất nhiều kinh nghiệm. Với ý tưởng tạo nên một sản phẩm bền vững và thân thiện với môi trường, nhưng phải cực kỳ thời trang và thu hút, những đôi giày của Khánh và Sơn đã không chỉ chinh phục được các sneaker-heads, mà còn là cả các nhà đầu tư. Chỉ riêng trên Kickstarter, nơi Khánh và Sơn chia sẻ dự án của mình, cặp đôi đã nhận được nửa triệu đô la tiền đầu tư từ 5000 khách hàng trên toàn thế giới. Một con số biến Rens Original trở thành hiện tượng gọi vốn cộng đồng ngành thời trang thành công nhất Bắc Âu.

Với những thành công này, cả Khánh và Sơn đều ghi tên mình vào danh sách Forbes 30 Under 30 năm 2020 của châu âu, hạng mục Doanh nghiệp và xã hội. Điều này giống như một kỳ tích, một giấc mơ thành hiện thực với bất cứ một start-up nào. Nhưng với Khánh, với Sơn hay với Rens Original, kỳ tích này không phải là một cú ăn may. Nó là thành quả từ rất nhiều đêm trắng, từ những nỗ lực ròng rã trong suốt 2 năm trời, từ những hy sinh và đánh đổi đến từ đời sống cá nhân để cùng theo đuổi một khát vọng rằng: Rồi đây, những đôi giày nhỏ làm từ 300 gram bã cafe và 6 chiếc chai nhựa này - cũng sẽ góp phần làm thay đổi thế giới.

01

Những đôi giày làm từ bã cafe ra đời như thế nào?

Nếu chỉ được chọn 3 từ để miêu tả về Rens Original, thì đó sẽ là?

Táo bạo - Phiêu lưu - Thân thiện môi trường.

Tôi và Sơn tạo ra Rens Original với mục đích hướng đến một hãng thời trang dành cho giới trẻ. Rens vẫn có yếu tố môi trường nhưng không muốn đi theo công thức của những hãng thời trang eco-friendly khác, nghe rất là chán và… dạy đời.

Chúng tôi muốn tạo ra những sản phẩm rất sexy, rất cool, và muốn có thể thu hút khách hàng vì sản phẩm có chất lượng tốt và hình thức đẹp, chứ không phải thu hút khách hàng chỉ bởi vì đây là sản phẩm có tính “bền vững". Theo cách này, chúng tôi mong có thể tác động đến những người quan tâm đến môi trường, và cả những người không quan tâm đến môi trường. Thật ra, tính bền vững từ lâu thường chỉ hướng tới tầng lớp có học thức cực kỳ cao, như ở nơi tôi sống thì gọi là The elite. Số đông người tiêu dùng lại không thuộc tầng lớp này. Tạo ra những đôi giày của Rens là chúng tôi muốn đưa khái niệm bền vững cho một cộng đồng lớn hơn, cho số đông - chứ không chỉ gói gọn trong nhóm “the elite".

Việc là một sneaker-head mang đến cho hai bạn những thuận lợi gì khi tạo ra Rens?

Chúng tôi nhận thấy sự phát triển của sneaker từ rất lâu. Khi còn sống ở Việt Nam, khoảng năm cấp 2, cấp 3 thị trường nước ta đã bắt đầu gia công giày rất nhiều rồi. Chúng tôi luôn đoán được xu hướng, và đoán đúng.

Ban đầu, chúng tôi chỉ đoán thôi, nhưng bây giờ khi chúng tôi có sự hỗ trợ của các nhà đầu tư ở lĩnh vực thời trang/ thương mại điện tử của một vài tập đoàn lớn nhất thế giới trong lĩnh vực này, chúng tôi có thể phần nào biết rất nhiều các xu hướng, tiếp cận được những dữ liệu quý giá và không phải… đoán nữa. Vậy nên nếu chúng tôi cho ra mắt một sản phẩm, chúng tôi biết sẽ phải phân phối ra sao, marketing như thế nào để phù hợp với từng thị trường của từng nước.

Tôi từng nghe nói rằng “sneaker-head thường thích 1 thứ rất nhanh và quên đi 1 thứ cũng nhanh không kém". Rens làm thế nào để tồn tại trong “quy luật" này?

Thật ra tôi không đồng tình với ý kiến này. Hãy nhìn vào lịch sử: Những đôi sneaker mang tính biểu tượng nhất như Air Force 1 được ra đời từ những năm 1980s - nhưng bây giờ vẫn giữ nguyên giá trị và độ hot. Đó cũng là điều mà chúng tôi nỗ lực, chúng tôi muốn tạo ra một đôi giày biểu tượng và giá trị tồn tại với thời gian, có thể phù hợp với giới trẻ hiện nay và cả giới trẻ của 10 năm, 20 năm sau nữa. Chính vì vậy, chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ thị trường và tốn 1 năm rưỡi để tạo ra mẫu giày này.

Hành trình 1 năm rưỡi đó hẳn có rất nhiều chuyện để kể?

Lúc đầu, tôi và Sơn tạo ra một đôi giày nhìn khác lắm, nó được làm từ cotton hữu cơ. Chúng tôi bỏ tới hơn nửa năm, dốc hết tiền trong tài khoản để làm, nhưng rồi lại không nhận được nhiều sự ủng hộ nên chúng tôi đã không cho ra mắt sản phẩm đó.

Jesse Khánh Trần (bên phải) và Sơn Chu (bên trái) - 2 founder 9x của Rens Original
Made from used coffee
grounds and recycled plastic
 
Rens
Original

May mắn là chúng tôi có rất nhiều kinh nghiệm làm việc trong ngành thời trang. Công ty startup trước của tôi là mô hình giúp các hãng thời trang nhỏ của châu âu làm việc với các nhà máy chất lượng cao, thân thiện môi trường ở Việt Nam và Trung Quốc. Từ đó, chúng tôi biết được rất nhiều đầu mối và đối tác, được giới thiệu về rất nhiều chất liệu mang tính “bền vững" để phát triển thành sản phẩm. Trong số đó, chúng tôi thấy cafe là một chất liệu có rất nhiều tính năng hay ho, điển hình như khử mùi. Giày của Rens sẽ là những đôi giày chống nước, nếu không được khử mùi sẽ rất hôi, thế nên cafe giúp những đôi giày này vừa rất thông thoáng, vừa khử được mùi và còn chống được cả nước.

Điều ý nghĩa nhất đó là nguyên liệu cafe gắn liền với cả Việt Nam và Phần Lan. Việt Nam là một trong những nước sản xuất cafe lớn nhất thế giới, và Phần Lan là nước tiêu thụ cafe lớn nhất thế giới tính theo đầu người. Mỗi ngày, tôi phải uống đến 2-3 cốc cafe, còn người Phần Lan có thể uống đến hơn 4 cốc cafe/ ngày.

Trong một vài bài phỏng vấn trước đây, Khánh và Sơn đã từng chia sẻ mục tiêu muốn đưa Rens trở thành 1 thương hiệu toàn cầu, vậy các bạn đã đi được bao nhiêu phần trăm trên hành trình đó rồi?

Chúng tôi mới đi được… 1% thôi. Bởi vì sản phẩm này mới ra mắt được 1 năm, mà mục tiêu của chúng tôi là xây dựng Rens thành một công ty trăm năm, không chỉ dành cho thế hệ này, mà còn là cả những thế hệ sau nữa. Chúng tôi không muốn làm 1 start-up, nuôi nó lớn lên rồi bán và lấy tiền để nghỉ hưu sớm. Rens ra đời là bởi tôi và Sơn muốn tạo ra một di sản của mình, một xu hướng vừa thời trang mà vẫn có thể thân thiện với môi trường - một định nghĩa mới trong tương lai.

Đã có rất nhiều sản phẩm mới mà chúng tôi sẵn sàng cho ra mắt, bây giờ đang nằm trong kế hoạch chuẩn bị sản xuất rồi. Tôi chỉ có thể tiết lộ 1 bí mật: Cuối năm nay chúng tôi sẽ cho ra mắt sản phẩm mới, sáng tạo hơn cả giày cafe và từ một nguyên liệu hoàn toàn khác.

Một kế hoạch lâu dài cho việc đưa thương hiệu của mình “về nước” thì sao nhỉ?

Hiện tại, chúng tôi đang làm việc với một số nhà máy sản xuất của Rens tại Đại lục. Chúng tôi muốn chuyển 1 phần dây chuyền sản xuất về Việt Nam. Ngoài ra, đã có rất nhiều người Việt mua sản phẩm của Rens qua website. Nhưng để có cửa hàng thì chúng tôi cần phải liên kết với những nhà phân phối hàng thời trang cao cấp. Chúng tôi cũng đang cố gắng đàm phán với một vài đối tác để có thể đưa Rens hiện diện ở các shopping mall ở Việt Nam.

#rens BUILT FOR YOUR MOVEMENT
eMagazine/ kenh14.vn/
02

Để thành công, phải cãi lộn cho đến khi tìm được hướng đi… không còn cãi lộn nữa

Hãy nói một chút về bản thân các bạn đi! Khánh và Sơn gặp nhau như thế nào và điều gì khiến Khánh quyết định đồng hành và đặt niềm tin vào một người trẻ như Sơn?

Thật ra, tôi gặp Sơn vào đầu năm 2016 - tức là gần 5 năm rồi. Khi đó, Sơn apply vào start-up đầu tiên của tôi với vị trí developer. Điều tôi chú ý ở Sơn, đó là Sơn không có nhiều động lực khi làm việc, Sơn không ham muốn và cũng không yêu thích công việc lúc đó, không đam mê với sản phẩm mình đang làm vào thời điểm bấy giờ. Thế nhưng Sơn làm rất tốt những việc Sơn được giao. Điều đó khiến tôi nảy ra suy nghĩ: Đây là một người còn trẻ như vậy, không hề có động lực mà có thể làm tốt công việc như thế này rồi, thì khi có động lực, bạn ấy còn có thể làm tốt cỡ nào?

Sau start-up đầu tiên không thành công, tôi rời khỏi công ty đó và nảy ra ý tưởng làm giày từ nguyên liệu thân thiện môi trường. Tôi đi tìm Sơn và mời Sơn cùng đồng hành. Khi đó, Sơn đang làm cho Zalando - thương hiệu về thời trang điện tử lớn nhất ở châu âu và cũng là một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới về ngành thời trang điện tử. Nhận được lời mời, Sơn đồng ý, sau đó bỏ việc và cùng tôi gây dựng công ty. Thời điểm đó là cuối năm 2017.

3 kinh nghiệm của Khánh khi làm việc với một cộng sự trẻ và quản lý một team toàn những người trẻ?

Nghe có vẻ hơi sáo rỗng nhưng tôi nghĩ đó là bạn luôn cần phải lắng nghe - đó là thứ quan trọng nhất. Thứ 2: Phải luôn nói lên ý kiến của mình. Cuối cùng: Phải tìm được tiếng nói chung. Có thể có tranh luận, có bất đồng, nhưng sau đó phải luôn để tất cả lại và giải quyết hết. Khi chúng ta chấp nhận đi cùng nhau thì cần phải giải quyết, còn nếu không thể cùng giải quyết, chúng ta lại nhờ đến những người có kinh nghiệm hơn, như nhà cố vấn, nhà đầu tư… để tìm mọi cách, hoặc cãi lộn cho đến khi tìm được 1 hướng đi mà… không còn cãi lộn nữa.

Bài học lớn nhất của bạn khi trở thành một lãnh đạo là?

Tôi cũng phạm phải rất nhiều sai lầm, nhưng theo tôi, bản thân người lãnh đạo cần phải là chỗ dựa cho nhân viên và phải thấu hiểu nhân viên của mình. Tôi nghĩ rằng, trong 1 công ty, nhân viên sẽ là những người quan trọng nhất. Bạn đang nhờ họ xây dựng nên giấc mơ của mình, thế nên bạn cần phải quan tâm đến họ. Nhưng nói thì hay lắm, lâu lâu tôi lại… chẳng làm được như những gì mình muốn.

Bây giờ thì việc quản lý có vẻ dễ thở hơn với tôi và Sơn, công ty chỉ có 14 nhân viên. Nhưng sau này, khi công ty mở rộng phát triển, sẽ đông nhân viên hơn, nhiều vấn đề hơn. Nói chung là mọi thứ đều sẽ có một hệ thống để áp dụng vào, nhưng cái văn hoá của công ty cần được xây dựng từ những ngày đầu tiên. Tôi và Sơn luôn muốn hiểu và giúp đỡ nhân viên của mình. Ở đây, chúng tôi sống và làm việc với nhau như một gia đình.

Bạn nói văn hoá công ty cần được xây dựng từ những ngày đầu tiên, vậy văn hoá làm việc ở Rens là gì?

Tất cả là một gia đình, và gia đình thì phải nói thẳng, nói thật. Cả tôi và Sơn là 2 lãnh đạo, chúng tôi có thể đóng cửa để tranh cãi là chuyện rất bình thường, nhưng với nhân viên, chúng tôi luôn luôn cởi mở về tình trạng, hướng đi công ty, thất bại về chiến dịch này hay thành công ra sao. Nhân viên ở Rens luôn có quyền nói lên suy nghĩ và ý tưởng của mình, thậm chí chê thẳng ý tưởng của Jesse ngớ ngẩn lắm. Chúng tôi rất đối đầu nhưng cũng thân thiết như một gia đình thật sự.

Có một điều thú vị, đó là Rens là một công ty đa văn hoá, chúng tôi có 14 nhân viên nhưng có đến 7 quốc tịch lận, và điều đó vô hình chung giúp chúng tôi luôn có một tiếng nói và brand rất đặc biệt .

Ồ, người ta thường nghĩ: Trong một môi trường đa văn hoá, thử thách lớn nhất chính là dung hoà được để tìm ra một tiếng nói chung.

Ngày xưa đi học đại học, tôi học ngành Kinh doanh quốc tế. Trong ngành này, tôi phải học rất nhiều về lý thuyết văn hoá các nước, nghe rất chán và tôi luôn trong tình trạng không hiểu tại sao phải nghe những thứ vớ vẩn này. Nhưng khi tôi đi làm rồi mới thấy: Người châu Á có cách suy nghĩ khác, châu âu có cách suy nghĩ khác, người Mỹ khác, người Bắc Âu khác… và từ những khác biệt đó thì sự sáng tạo xuất hiện. Bởi khi bạn dựa vào kinh nghiệm của một con người thì sẽ không thể có đủ trải nghiệm ở khắp mọi nơi. Nhưng khi bạn đặt tất cả những người từ các nền văn hoá khác biệt cạnh nhau, nó giống như bạn có hàng chục, hàng trăm năm kinh nghiệm ở khắp toàn cầu. Và điều đó tạo nên sự độc nhất vô nhị cho công ty của bạn.

Ở Rens, bất cứ ai đều có thể đưa ra ý tưởng và công ty sẽ bỏ tiền ra để phát triển ý tưởng đó

Vậy thử thách lớn nhất của Khánh khi xây dựng Rens là gì?

Thử thách thì lúc nào cũng nhiều, như người ta nói: Thuyền càng lớn, sóng càng to. Công ty càng lớn, thử thách càng khủng khiếp. Nhưng ảnh hưởng lớn nhất mà công ty tạo ra cho tôi có lẽ là đời sống cá nhân. Tôi và hôn thê cũ của mình quen nhau rất lâu, 7 năm liền, từ thời tôi mới chỉ là một sinh viên ngoại quốc chân ướt chân ráo tới Phần Lan trong khi cô ấy là người bản địa. Nhưng từ khi bắt đầu khởi nghiệp, công việc cuốn tôi đi và chỉ đúng 2 tháng trước khi chúng tôi cho ra mắt Rens, bạn ấy đã không chịu được nữa rồi nói lời chia tay. Điều này ảnh hưởng đến đời sống cá nhân của tôi khá là sâu sắc; bây giờ tôi chỉ có đủ tâm trí và sức lực để lo cho công ty, cho nhân viên của mình :D

Đánh đổi hạnh phúc riêng với sự nghiệp có phải là một sự đánh đổi xứng đáng không?

Thật lòng mà nói, hầu hết thì nó hoàn toàn xứng đáng, nhưng sẽ có một vài ngày thì nó không xứng đáng cho lắm. Những ngày mưa, những ngày lễ, buồn chứ, tôi đâu phải sỏi đá đâu! Nhưng những ngày bình thường, tôi luôn có những động lực lớn, những ước ao, những mong muốn cho thương hiệu, cho công ty phát triển lớn thật lớn để có thể thay đổi thế giới. Và đó là điều tôi luôn nhớ và luôn tự nhắc mình.

#rens BUILT FOR YOUR MOVEMENT

Khánh làm gì khi đối mặt với thất bại?

Thật ra, có nhiều cách lắm. Lúc đầu chỉ có tôi và Sơn thì chúng tôi học được một điều là: Bất cứ điều gì chúng tôi làm với nhau, chúng tôi đều làm được. Vậy nên tôi và Sơn rất tin vào nhau. Chúng tôi làm 2 năm mới ra được 1 sản phẩm, và bản thân cả 2 đứa đều trải qua rất nhiều biến cố trong đời sống cá nhân trong suốt 2 năm đó. Thế nên chúng tôi dựa vào nhau, tin tưởng lẫn nhau. Tất nhiên bây giờ công ty đã lớn hơn rồi, mọi chuyện đã dính dáng nhiều hơn đến tiền bạc, nhưng chúng tôi vẫn lấy mối dây liên kết đó làm cốt lõi.

Ngoài ra, ví dụ khi nhà đầu tư, đối tác hoặc khách hàng, họ nói không, chúng tôi sẽ đúc kết kinh nghiệm, cùng phân tích với team, với những cố vấn - những người đã thành công. Chúng tôi sẽ tìm ra một lối đi khác từ đó. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, những thay đổi thiết yếu này luôn thành công, nhưng nó đòi hỏi sự kiên trì, tập trung cao độ, và quyết tâm rất lớn; rất rất căng thẳng :D

Hãy thử tưởng tượng, nếu không có Rens - khi đó Khánh sẽ làm gì? Theo đuổi một giấc mơ khác hay chấp nhận một công việc ổn định và thành công?

Tôi suy nghĩ rất đơn giản, start-up hay không start-up thì tôi chỉ muốn tạo ra một ảnh hưởng tích cực cho xã hội. Chúng tôi không tạo ra Rens vì tiền. Tất nhiên là có tiền thì vui hơn, nhưng chúng tôi thật sự muốn tạo ra ảnh hưởng tốt tới xã hội, muốn Phần Lan và Việt Nam tự hào. Thứ 2, chúng tôi luôn hướng đến việc xây dựng Rens để có một chỗ đứng và từ đó tác động tích cực đến thế hệ trẻ sau này.

Việc khác, không cần biết làm cho ai, hoặc kể cả tự làm một cái gì đó khác thì vẫn sẽ luôn có một mục đích như vậy: Đó là thay đổi thế giới và biến nó trở nên tốt đẹp hơn lúc mà mình nhận được nó.

Cảm ơn Khánh vì những chia sẻ rất thú vị này, và chúc bạn cùng Rens Original sẽ chạm được vào những ước mơ của mình.

Diệp Nguyễn, Nhật Chung
NVCC
Nhật Ánh, Jordy
Phương Anh, Tùng TT
Mutex
Theo Trí Thức Trẻ05.07.2020