Hành lang bệnh viện tấp nập kẻ đến người đi. Căn phòng như trút sạch khí thở. Bà mẹ ngồi đó, ánh mắt đăm đăm hướng về cánh cửa phòng cấp cứu đang đóng chặt. Từng tiếng tích tắc như gõ thẳng vào lòng. Đôi bàn tay bà chắp lại như gửi tất cả niềm hy vọng còn sót lại vào điều kỳ diệu nào đó. Tim bà đập thình thịch. Miệng thì không ngừng cầu nguyện. Nhưng mọi hy vọng đều vụt tắt. Con xa mẹ rồi.
…
8 năm trước, 5 giờ sáng ngày 27/7/2016, bà Cấn Thị Ngần (SN 1960, Hà Nội) nhận cuộc điện thoại từ người em ở đầu dây bên kia, gấp gáp báo con trai bà - anh Trịnh Đình Vàng (SN 1986) bị tai nạn gãy tay và báo bà về nhà ngay lập tức. Cố giữ bình tĩnh hỏi dồn thêm vài câu nhưng ruột gan không yên, bà lập tức gọi cho con trai thứ 2 với hy vọng có câu trả lời rõ ràng hơn. Nhưng tất cả những gì bà biết là Vàng bị gãy tay đang nằm tại Bệnh viện Quân y 103.
Vốn đang làm giúp việc cho một gia đình ở trung tâm Hà Nội, chờ đến 7h sáng hôm đó khi nhà chủ thức giấc, bà Ngần xin phép nghỉ rồi đón xe buýt đến thẳng bệnh viện. Giây phút đến phòng bệnh và nhìn con nằm đó, bất động, đầu sưng to, tay trái băng bó nặng nề, cũng là lúc bà mới biết Vàng đã rơi vào trạng thái chết não.
“Lúc bác sĩ gọi tôi lại thông báo tình hình của con và động viên hiến tạng con, tôi dường như đứt từng khúc ruột, trái tim như có ai bóp khiến tôi nghẹt thở”, bà Ngần nói.
Cú sốc mất con khiến bà không thở nổi. Quá đau đớn. Nhưng hiến tạng con - nên hay không. Ông trời không cho bà nhiều thời gian để kịp biết chuyện gì đang diễn ra nữa.
8h sáng đến cuối giờ chiều hôm đó có lẽ là những giây phút dài nhất đời người phụ nữ đó. “Tôi đã đồng ý”, bà Ngần kể lại.
Ngay trong đêm, các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 đã lấy tim, hai quả thận của anh Vàng để cứu sống ba người đang ở lằn ranh sinh tử. Một thời gian sau, đôi giác mạc của anh cũng được trao tặng, mở ra ánh sáng cho hai bệnh nhân khác.
Khi ca phẫu thuật kết thúc, trái tim anh Vàng đã bắt đầu đập trong lồng ngực mới, mang lại nhịp sống hồi sinh. Bệnh nhân được ghép thận, chỉ trong tích tắc, cơ thể đã tiếp nhận với kết quả khả quan.
Không ai thấu được nỗi đau của người mẹ mất con. Nhưng với bà Ngần, có lẽ đau đớn còn nhiều hơn cả thế. Quyết định hiến tạng con trai khiến bà bị chính những ánh mắt xung quanh buộc tội.
“Chắc chắn câu chuyện không chỉ - có - thế. Chỉ có người tàn nhẫn mới để con ra đi không nguyên vẹn, độc ác cỡ nào mới “bán” chính cơ thể con. Bà ham tiền ham của, bà là bất nhân, bất nhẫn”.
Mẹ Cấn Thị Ngần đã sống với những lời gièm pha cay độc như thế, dù ngày ngày vẫn đang đau từng khúc ruột vì mất con. Bà không trách họ. Suốt một khoảng thời gian dài, bà tự dằn vặt bản thân liệu mình đã làm đúng hay sai.
“Đau đớn lắm, nhưng tôi cũng chỉ biết mặc kệ thôi”, mẹ Ngần nói.
Nhớ lại giây phút khi mình và gia đình đồng ý ký vào giấy hiến tạng, mẹ Ngần nói tiếp: “Vì nếu như con mình chết mà cứu được nhiều người thì đó là cái chết không uổng phí. Và thông qua hiến tạng, tôi vẫn thấy con còn sống ở đâu đó trên đời này”.
6 tháng sau khi ký vào lá đơn hiến tạng con trai, bà Ngần đã tới Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia làm thủ tục đăng ký hiến tạng: “Tôi đăng ký hiến tạng đề phòng trong trường hợp không may, sẽ có người được thêm cơ hội sống. Tôi chưa bao giờ nuối tiếc về quyết định này, ngay cả trong mơ”.
“Tôi chỉ mong được ‘gặp lại con trai’ một lần nữa”, bà nghẹn giọng.
Sau quyết định hiến tạng con, bà Ngần bày tỏ nguyện vọng muốn biết thông tin của những người được hiến tạng để sau này thỉnh thoảng tới thăm cho đỡ nhớ, chứ chẳng có ý quấy quả gì. Song theo quy định, người hiến tạng không được biết danh tính của người được nhận tạng, vậy nên bệnh viện đã từ chối yêu cầu này.
Nhưng đâu ai phá vỡ được sợi dây kết nối giữa mẹ và con. Năm đứa con không do mẹ Ngần sinh ra, nhưng trong người đang là một phần máu xương của mẹ, đang cần mẹ, cần được thấy mẹ như mẹ đang cần được nhìn thấy các con.
Với những mẩu thông tin ít ỏi có được, những người nhận tạng từ anh Vàng cuối cùng cũng tìm được đến mẹ Ngần. Và thế là mẹ Ngần có thêm 5 người con: Con Nguyễn Nam Tiến (Quảng Bình) được nhận tim; Con Trần Thị Hậu (Lạng Sơn) và Vũ Xuân Cường (Sơn La) được nhận thận; Con Nguyễn Thị Thụy (Hà Nội) và Nguyễn Xuân Hưng (Hà Nội) được nhận giác mạc.
Mỗi cuộc hội ngộ với các con đều mang đến cảm xúc riêng biệt cho mẹ Ngần, tuy nhiên, lần gặp gỡ với Nguyễn Nam Tiến khiến mẹ đau đáu nhất. Trong năm đứa con nuôi, mẹ thương Tiến hơn một chút. Mẹ thương Tiến vì hoàn cảnh éo le. Vào khoảng thời gian đó, nếu 4 người con còn lại dù không nhận được tạng từ Vàng vẫn có thể duy trì sự sống, dù lay lắt. Tuy nhiên, với Tiến, nếu trái tim của Vàng không đến kịp thời, thì rất có thể… Thời điểm đó, Tiến đã bị suy tim nặng.
Mẹ Ngần ký giấy hiến tạng cho anh Vàng từ tháng 7/2016, nhưng phải đến cuối năm 2016, anh Tiến mới tìm được đến mẹ.
“Con là Tiến. Con đã nhận được trái tim của anh Vàng mẹ ạ. Ngày mai, con sẽ cùng trái tim của Vàng trở về thăm mẹ”, một giọng nói vang lên từ đầu dây bên kia.
Nghe xong, người mẹ như chết lặng. Cả đêm đó, mẹ không sao ngủ được bởi vì ngày mai, Tiến sẽ cùng trái tim Vàng trở về thăm mẹ, trong chính ngôi nhà này của chúng ta, của Vàng, Tiến và của Mẹ.
Ngày hôm sau, khi thấy Tiến lấp ló ngoài cổng, mẹ Ngần vội chạy đến và ôm anh. Tai mẹ áp sát lồng ngực của Tiến, lắng nghe từng nhịp tim. Đây không phải là trái tim của một người lạ. Đây chính là trái tim của con trai mình.
Sau khi ghép tim thành công, 20 ngày sau, đứa con gái út của anh Tiến chào đời. Một sự sống nối tiếp sự sống, một sự kỳ diệu khó diễn tả bằng lời.
Hai mẹ con ôm chầm lấy nhau như lâu ngày không gặp. Cảm ơn mẹ vì đã cho con một cuộc đời mới. Và cảm ơn con vì đã cho mẹ một lần nữa được nghe thấy nhịp đập từ trái của tim của Vàng.
Sau Tiến, mẹ Ngần lần lượt được gặp những người nhận tạng khác là chị Hậu, anh Cường, chị Thủy và anh Hưng. Và như một mối lương duyên, tất cả đều tự nguyện nhận bà làm mẹ.
Khi chứng kiến những màn tái hợp. Những lời dị nghị, những ánh mắt nghi ngờ từng đè nặng lên bà dần tan biến. Người ta bắt đầu hiểu hơn về nỗi đau mà bà đã trải qua, về khoảnh khắc khó khăn khi bà ký giấy hiến tạng con trai, và cả sự mạnh mẽ phi thường ẩn sau dáng vẻ người mẹ nhỏ bé ấy.
Nhìn những đứa con mới khỏe mạnh, sống tiếp phần đời mà con trai bà đã không thể, bà Ngần không kìm được nước mắt. Nỗi mất mát vẫn còn đó, nhưng giờ đây, bà tìm thấy một ý nghĩa sâu sắc hơn trong quyết định đau đớn năm xưa – con bà vẫn sống, trong những nhịp tim, hơi thở, và những nụ cười của những đứa con khác.
8 năm qua đi, năm người con nuôi trên khắp mọi miền đất nước vẫn thường xuyên thăm hỏi mẹ Ngần. Mỗi lần có dịp ra Hà Nội, họ đều tranh thủ tạt qua nhà để chơi với mẹ ít hôm. Vào ngày Lễ ngày Tết, các anh chị tụ họp nhau lại, cùng nhau quây quần trong căn nhà nhỏ. Rồi ngày giỗ anh Vàng, họ cũng lại bắt xe về, cùng làm mâm cơm như một lời cảm ơn sâu sắc cho ân nhân của mình.
Đến thế hệ tiếp theo, lũ trẻ của 5 gia đình cũng gọi người phụ nữ ấy bằng bà. Mỗi khi rảnh việc, bà thường đi thăm con, thăm cháu. Mới đây, mẹ Ngần có bắt xe lên Lạng Sơn để thăm con Hậu. Rồi mẹ đi một quãng đường 600km vào Quảng Trị để thăm gia đình con Tiến.
Cái đứa con thứ 2 của anh Tiến, đứa con được sinh ra sau 20 ngày kể từ ngày anh Tiến được hồi sinh từ trái tim của anh Vàng, cứ quấn lấy bà, ôm bà như lâu ngày xa cách. Đến khi bà phải về lại Hà Nội, nó cứ ôm lấy chân chẳng cho bà đi.
Vào khoảnh khắc ấy, bà hiểu rằng không chỉ Tiến, Hậu, Cường, Thủy, Hưng mà những đứa con của chúng, tức cháu của bà, cũng là máu mủ của bà.
Các con ở đâu, xa bao nhiêu không quan trọng, quan trọng là mẹ được gần các con. Thấy các con nuôi ngoan ngoãn, mẹ cũng an lòng. Song mẹ vẫn còn vài điều đau đáu. Lần cuối cùng được gặp đầy đủ cả 5 con là từ 7 năm về trước.
Vậy thì bao giờ mẹ mới gặp đủ cả 5 con cùng lúc thêm một lần nữa?