Ông Bùi Công Hiệp - Ông bụt ở Sài Gòn tặng hơn 100 tỷ cho trẻ mồ côi
11h đêm, lũ trẻ trong nhà chìm vào giấc ngủ say, ông Hiệp cũng đã mệt nhoài sau một ngày vật lộn với hàng tá công việc. Loay hoay vừa tính ngả lưng thì ngoài sân tiếng chó sủa inh ỏi.
"Quái lạ giờ này làm gì có ai mà chó sủa?" - sợ tiếng ồn sẽ làm tụi nhỏ thức giấc, ông lập tức xỏ đôi dép rồi đi vội ra sân. Ở cái vùng ngoại ô này, đêm khuya chẳng có mấy người qua lại nên lại càng tịch liêu. Ông Hiệp mở cổng, cẩn thận nhìn xung quanh nhưng không thấy bóng người nào. Bỗng nhiên ông giật mình phát hiện một chiếc giỏ được đặt ngay ngắn trên bờ thềm.
Là một đứa trẻ sơ sinh đang nằm ngủ say, say đến mức chẳng hề hay biết mẹ của nó - một người phụ nữ khốn khổ nào đó đã quyết định rời xa con trong một đêm cô quạnh. Ông Hiệp không hề trách người phụ nữ ấy, bởi ông tin một người phụ nữ phải đối diện với việc từ bỏ quyền làm mẹ, hẳn đã đau đớn đến tột cùng.
Ông bế đứa trẻ vào lòng rồi thầm thì: "Hôm nay nhà chúng ta lại có thêm một thành viên mới!".
Người ta nói khi đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết thì mọi ước nguyện của con người đều trở nên thiêng liêng. Và tôi tin ước nguyện của người lính trẻ Bùi Công Hiệp trên chiến trường Campuchia hơn 40 năm trước cũng thiêng liêng như thế.
Tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia vào những năm 1978 - 1979, ông Hiệp và đồng đội của mình đã chứng kiến không biết bao nhiêu cái chết thương tâm của người dân vô tội. Trông thấy những đứa trẻ mất cha, mất mẹ, bơ vơ giữa bom đạn chiến tranh, lòng ai mà chẳng xót thương. Thế nên người lính trẻ đã tâm nguyện: Nếu có thể sống sót trở về, sau này làm ăn dư giả sẽ xây một ngôi nhà để nuôi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Ước nguyện năm nào tưởng chừng đã bị lãng quên bởi vòng xoáy của công việc, lo toan cuộc sống. Nhưng rồi nó đã trở thành sự thật, vào những ngày tháng mà ông Hiệp đã đứng bên kia con dốc cuộc đời.
Năm 2010, ông Hiệp bắt đầu nhận nuôi những đứa trẻ sơ sinh thiếu may mắn, vì mẹ của chúng không đủ khả năng để tiếp tục. Từ 1 bé, rồi lên 5 bé, dần dần lên đến 20 bé và bây giờ đã là 90 đứa trẻ.
Ông Hiệp tâm sự: "Những ngày tháng trên chiến trường đã cho tôi được sống và trưởng thành trong một môi trường tập thể vô cùng tuyệt vời. Ở đó anh em sát cánh bên nhau, chung một chiến hào, chung một lý tưởng. Chẳng cần biết ai là ai, tất cả đều sẵn sàng hy sinh vì nhau. Vào thời bình tôi tin rằng người lính chúng tôi vẫn chưa kết thúc nhiệm vụ, chúng tôi vẫn tiếp tục lao động sản xuất và truyền ngọn lửa nhiệt huyết ngày xưa cho những thế hệ sau".
Con thương ai nhất nhà?
Con thương bố Hiệp nhất!
Ủa vậy không thương mẹ hả, mẹ buồn ghê!
Con cũng thương mẹ nữa, hihi!
Cô bé nhỏ ngồi gọn trong lòng bà Lan cười tít mắt khi được mẹ nuôi cột tóc. Làm một người mẹ của hai người con, hơn ai hết bà Phạm Hoàng Lan (Vợ ông Hiệp) thấu hiểu nỗi vất vả khi chăm sóc trẻ nhỏ. Để có thể đồng hành cùng ông trong suốt thời gian qua người phụ nữ này đã đấu tranh không biết bao nhiêu lần giữa lợi ích của gia đình và lợi ích của những đứa trẻ kém may mắn.
Giận thì giận mà thương thì thương, ít lâu sau ông Hiệp nhận thêm nhiều em nhỏ về nuôi thì bà cũng xắn áo vào phụ một tay. Cho đến lúc số lượng trẻ quá đông, ông Hiệp mới quyết định: "Bà ơi tôi muốn chuyển về căn nhà ở quận 9 để ở và chăm sóc mấy đứa nhỏ". Đó là căn nhà mà hai vợ chồng đã chuẩn bị sẵn để khi về già có nơi trồng rau, nuôi cá, an yên cuộc sống cuối đời. Kế từ hôm đó, bà ở một nơi chăm lo cho gia đình, ông ở một nẻo chăm sóc cho đàn con nhỏ.
Năm 2013 khủng hoảng kinh tế toàn cầu ảnh hưởng nặng đến việc kinh doanh của ông Hiệp - vốn là nguồn thu chính để duy trì mái ấm. "Đối tác nước ngoài đột ngột cắt hợp đồng không báo trước. Tôi quyết định bán hết cổ phiếu của mình, đồng thời thuyết phục vợ bán 1 căn nhà để tôi có tiền lo cho mấy đứa nhỏ" - ông Hiệp nhớ lại.
--
Trời ơi! Ông bán nhà để nuôi mấy đứa nhỏ, sao ông liều dữ vậy? Mấy đứa nhỏ đâu có phải người thân của mình, sao ông phí vậy?
Bà xã cho tui mượn, khi nào có hợp đồng tui lại trả cả lại bà xã, trả có lãi luôn, yên tâm.
Hợp đồng bị cắt hết rồi, chuyện kinh doanh cũng gặp khó khăn. Thôi mình gửi mấy đứa nhỏ lại cho nhà nước nuôi đi. Mình không đủ sức đâu.
Mình đã gọi tụi nhỏ là con, thì mình không nên suy nghĩ. Mình làm ra tiền, chứ tiền không làm ra mình.
----
Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời…
Cuối cùng bà Lan cũng chấp nhận bán đi căn nhà để lấy tiền lo cho mấy đứa nhỏ. "Chắc ông trời thương, 3 năm sau thì khách hàng cũ quay trở lại, công việc làm ăn cũng thuận lợi. Đến bây giờ tôi vẫn luôn biết ơn bà xã, vì nếu thời điểm đó bà xã không đồng thuận thì chắc tôi cũng đã buông".
Giờ nhớ lại chuyện xưa, bà Lan chỉ đơn giản bảo: "Chú nói, của cải vật chất mình đâu thể giữ mãi bên mình, nhưng nếu cho đi thì còn mãi. Cô tin điều đó và ủng hộ chú trên con đường này".
Ở cơ sở bảo trợ trẻ em Thiên Thần, các em nhỏ không những được chăm sóc chu đáo mà còn được đến trường học tập và rèn luyện kỹ năng mềm. Ông Hiệp tâm sự: " Nhiều người thắc mắc vì sao tôi lại cho các con đi học thêm ngoại ngữ, võ thuật hay thể thao. Chỉ cần cho đến trường đi học là được rồi. Tôi trả lời vì đó là ước mơ của tôi. Tôi muốn các con sau này lớn lên sẽ trở thành những chú đại bàng bay thật xa, chứ không phải là chú gà con quanh quẩn trong sân nhà. Mà muốn vươn ra thế giới thì ngoài học tập các con phải rèn luyện kỹ năng mềm. Học tập là chuyện suốt đời vì thế giới thay đổi không ngừng".
"Đối với tôi dạy trái tim là quan trọng nhất. Thậm chí bây giờ bước qua thế kỷ 21, con người chúng ta khó vượt qua được trí tuệ nhân tạo. Muốn vượt lên thì quan trọng là trái tim lúc nào cũng rộng mở, cũng biết yêu thương. Không chỉ thương yêu người thân trong gia đình, mà con lan toả ra xung quanh" - ông Hiệp trầm ngâm nói.
Và để lũ trẻ trong nhà tập yêu thương, ông Hiệp đã tập cho các con yêu thương từ những điều nhỏ nhất. Là yêu thương một con gà trong vườn, một cây xanh ngoài sân, hay một chú chim đậu trên mái nhà.
Con thích điều gì nhất khi ở với bố Hiệp?
(Suy nghĩ) Con thích được bố chở đi học mỗi ngày, rồi bố đến đón tụi con sau khi tan học.
Còn thích gì nữa không?
Thích được chơi với bố, đi bơi với bố vui lắm ạ! Bố thường cùng tụi con cho gà ăn.
Bố có bao giờ mắng tụi con không?
Dạ cũng có (nói nhỏ xíu) mà tại tụi con nghịch nên bố la hihi.
Ở trường con học giỏi nhất môn gì?
Con học giỏi nhất môn toán và tiếng Việt.
Vậy con có ước mơ sau này lớn lên sẽ làm gì không?
Con ước....sau này lớn lên con sẽ trở thành nhà sáng chế, để chế ra cỗ máy hiện đại, giúp đỡ mọi người.
100 tỷ mua cả đại dương yêu thương
Người ta nhắc đến câu chuyện của ông Hiệp và những đứa trẻ ở cơ sở bảo trợ trẻ em Thiên Thần phần nhiều là vì số tài sản rất lớn mà ông và gia đình đã tặng cho các em - khối tài sản 100 tỷ đồng.
Tiền đúng là nhiều thật, nhưng ở ngôi nhà đặc biệt này còn có một thứ to lớn và quan trọng hơn rất nhiều đó là tình thương. Ông Hiệp cười kể lại: "Lúc tôi đi công chứng giấy tờ để tặng ngôi nhà và mảnh đất này cho các con, bạn bè tôi hỏi là: Bộ ông có cả nghìn tỷ hay sao mà cho 100 tỷ thấy nhẹ nhàng vậy? Tôi mới trả lời đời tôi trải qua nhiều thăng trầm rồi, cực khổ có, sung sướng có, giờ cũng không còn gì để tiếc. Huống hồ bây giờ mình để lại tài sản này cho các con, chứ có phải cho người dưng nước lã đâu mà tiếc".
Tôi từng hỏi ông Hiệp: "Người lớn tuổi thường muốn dành thời gian cho bản thân mình, nghỉ ngơi sau một chặng đường dài bon chen đời, sao ông vẫn dành nhiều tâm huyết và sức lực của mình cho tụi nhỏ?"
Ông Hiệp mỉm cười: "Bà xã tôi từng nói: tôi thấy ông 62 tuổi rồi mà khoẻ quá. Các con thì bảo thôi bố nghỉ ngơi, đi du lịch với mẹ đi. Nhưng không được, đây là thời điểm quan trọng để giúp các bé. Tôi chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi, bởi đơn giản tôi biết mình là ai và mình làm vì cái gì".
Không thích gọi trẻ mồ côi.
Ông Hiệp không thích chữ "mồ côi". Bởi với ông hai chữ ấy thật nặng nề. Ông muốn mọi người nhìn các em với ánh nhìn công bình như bao đứa trẻ khác, chỉ đơn giản là các em sinh ra trong một hoàn cảnh đặc biệt, nên sự trưởng thành cũng đôi phần khác biệt.
Những đứa trẻ ở mái ấm Thiên Thần đều có cái tên rất đặc biệt. Tất cả các em đều có tên đệm là: Kim. Đó là cách mà ông Hiệp tri ân một mạnh thường quân đã âm thầm hỗ trợ ông trong những ngày tháng khó khăn - một người phụ nữ tên Kim.
Cậu anh cả trong nhà có tên là Kim Giáp, ông Hiệp bảo: Mong sau này cậu bé sẽ trở thành tấm áo giáp vững chắc để chở che cho những đứa em của nó.