Có thứ gì thủy chung được mãi mãi với đời người con gái?
Tất nhiên đó chẳng thể là một mối tình đắm say mê mải quên tháng ngày, những thỏi son hao mòn dễ dãi, đến cả váy vóc giày dép cũng có lúc quay lưng bội phản với sắc vóc của người chủ nhân như hệ quả sự ảnh hưởng tàn nhẫn của thời gian. Hầu như chẳng có gì.
Bởi ở cái thế kỷ 21 này tất lẽ dĩ ngẫu là chẳng cô nào gật gù tin vào lời mãi mãi của người đàn ông, cũng như thấu thị rằng trăng tròn rồi khuyết, nước đầy thì tràn. Họ hiểu rõ vạn sự trên đời – từ người đến vật - đều có hạn sử dụng, ít nhiều bị mai một bào mòn bởi tháng ngày.
Nhưng cũng may là giữa trời và đất luôn lẻ loi dăm ba ngoại lệ. Ở trường hợp này, xét về mối giao cảm giữa phái đẹp và thời trang, người cổ xưa đã khai sinh nên một món đồ trên danh nghĩa bạn đồng hành trung thành và thiết thực nhất với cánh tay người nữ: chiếc túi xách.
Khác với giày dép hay áo váy, túi xách là món làm đẹp duy nhất mà phụ nữ có thể mua một cách vô tư không cần quan tâm sát sao đến kích cỡ bản thân. Cũng chẳng mấy ai để tâm rằng, trong suốt chiều dài lịch sử vang dội của ngành thời trang, cái ngưỡng sơ khai của túi xách cũng muộn màng hơn nhiều so với dăm ba món phụ kiện khác.
Xuất hiện lần đầu tại… Ai Cập vào thế kỷ 14 trong khuôn mẫu một vật dụng tiện ích dắt quanh thắt lưng với mục đích để chứa đựng đồ đạc linh tinh, cho đến tận 2 thế kỷ sau thì túi xách mới nên hình nên dáng hơn với đủ kiểu ứng dụng như xách tay hoặc đeo chéo. Nếu so sánh với tuổi đời của giày dép (10.000 năm trước) hay mũ nón (từ thế kỷ thứ 5) thì hẳn túi xách đáng xếp vào hàng “sinh sau đẻ muộn”.
Cái hay của món này chính là độ gan lỳ với thời gian. Một chiếc túi được tạo dáng tạo hình từ đôi tay của một người thợ lành nghề trên tấm da thuộc chất lượng cao, được bảo quản kỹ lưỡng trong điều kiện tránh ẩm mốc và trân quý hết mức bởi đôi tay người dùng thì tuổi thọ bét nhất cũng hàng chục năm trời. Thậm chí độ bền, độ mịn và độ dai của một số chất liệu da như da cá sấu, da bò, da đà điều… ngày càng thăng hạng.
Cũng bởi vì tấm chân tình trước sau như một nên túi xách cũng được biệt đãi hơn hẳn trong mắt giới chuyên gia. Họ có thể bĩu môi trước một đôi cao gót, chê bai không tiếc lời một cái đầm nhưng tuyệt nhiên không ai bình phẩm khiếm nhã một chiếc túi xách bao giờ. Đó là luật bất thành văn.
Nhưng câu chuyện thực sự về túi xách chỉ oanh liệt ngỡ ngàng khi cái danh “IT Bag” chào sân vào thập niên 90. Nhân sinh luôn mong ngóng siêu anh hùng thì thời trang cũng tôn vinh những chiếc “It bag”, bởi nó không chỉ là con gà đẻ trứng vàng cho các nhà mốt mà còn là dấu son văn hóa trong từng thời kỳ lịch sử.
Theo báo cáo nghiên cứu thị trường mới nhất của Technavio thì tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CARG) của thị trường túi xách cao cấp có khả năng vượt ngưỡng 7% trong giai đoạn 2019 – 2023 sắp tới. Chuyên trang Bussinesswire thì đánh giá rằng địa hạt này đang thay đổi với tốc độ vũ bão trong suốt 2 thập kỷ qua, đặc biệt là từ khi các nhà mốt nhận ra rằng giới siêu sao chính là chất xúc tác tuyệt vời để thổi phồng giấc mơ phù phiếm của nhân loại. Cộng hưởng cùng hàng loạt chiêu thức như chiến dịch quảng bá sốc óc hay mạnh dạn rót tiền tạ tiền tấn vào khâu quảng cáo trực tuyến, chi phí bình quân mà giới trẻ dành cho nhu cầu túi xách phình to gấp đôi 2 năm trước.
Thoáng qua thì đập vào mắt toàn dãy số dài ngoằng to đùng ngã ngửa, thế nhưng nếu vin vào đó để khẳng định độ thành công của những chiếc túi mới thì chưa chắc. Chẳng hạn, bạn có thể nhớ ngay ra tên một chiếc túi xứng danh “IT Bag” trong 5 năm đổ lại đây?
Gucci Dionysus, Dior J'adior, Louis Vuitton Petite Malle hay Chloé Nile đều từng chễm chệ trên trang bìa vô vàn báo lớn báo nhỏ; tuy nhiên hầu hết giới chuyên môn đều đồng tình rằng chúng chưa thể chạm đến danh vị “It bag” như thời cực thịnh kéo dài hai thập niên trước đây. Thừa thãi tính đa dạng, rất thức thời và kích cầu đáng kể - nhưng ở các dòng túi mới này lại thiếu hụt nét nghệ thuật sâu sắc hay cụ thể hơn, một câu chuyện đi vào lòng người được chôn giấu đủ sâu để công chúng tò mò tìm hiểu, từ đó dấy lên khát khao xách trên tay một món tâm sự của cuộc đời.
“Dấu chấm hết cho danh vị “IT Bag” đã mở đầu cho một kỷ nguyên mới của ngành công nghiệp thời trang mà qua đó, văn hóa tiêu dùng nắm giữ vai trò then chốt. Thị trường thời nay quá tải các lựa chọn và cũng chẳng thiếu những điểm bán hàng, tất thảy đều hướng chung đến một mục đích là khiến khách hàng tự cảm thấy sành điệu hơn. Đó là nguyên cớ khiến thị trường túi xách đột phá về tính cạnh tranh nhưng lại hẻo hút những sáng tạo đạt được thành công trội bật”, WWD lý giải.
Lisa Aiken, Giám đốc điều hành mảng thời trang nữ của tập đoàn Moda Operandi, thì cho biết: “Ở thời kỳ đỉnh cao ngành công nghiệp túi xách bị chi phối bởi một vài phong cách quen thuộc, vô cùng đặc trưng và hiện hữu mọi nơi. Ngày nay thì tôi lại thấy có những phong cách sở hữu hấp lực tựa như một… giáo phái. Chúng đi sâu vào sự khác biệt, người tiêu dùng cũng hiểu rõ hơn về bản ngã cá nhân hay đơn giản là đọc vị ra được họ thích hay không thích cái gì. Họ không còn bị dẫn dắt bởi một phong cách đơn thuần nữa.”
Chúng ta có thể liệt kê một chút. Nào là túi tote nhỏ nhắn nhưng tiện dụng của Telfar (3,2 triệu đồng) hay túi đính cườm xinh xắn đỏng đảnh của Susan Alexandra (6,5 triệu đồng), nào là túi Luna thanh tao cổ điển của Wandler (18,6 triệu đồng) hay mẫu Celine mới nhất (96.5 triệu đồng) mà Hedi Slimane dành riêng cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương… Hoa cả mắt về mẫu mã và nghe đến là thích tai từ tên gọi khiến cả những khách hàng đang có nhu cầu mua sắm thống thiết nhất cũng phải hoang mang.
Chưa kể dòng túi thời trang cao cấp còn phải đương đầu với nỗ lực cạnh tranh không khoan nhượng từ các thương hiệu trung cấp: thiết kế ấn tượng, rất biết cách “nịnh” khung hình Instagram và tính cập nhật chẳng kém cạnh những cái tên tiên phong.
Một chuyên gia tại cửa hiệu Barneys còn chỉ ra rằng giới trẻ ngày nay sẵn lòng bỏ ra vài trăm đô để sắm ngay chiếc túi đến từ một thương hiệu chưa rõ đầu cua tai nheo ra sao, lắm khi xông xênh mua hẳn dăm ba cái liền tù tì trong một mùa cũng nên. “Đó là một sự thay đổi lớn trong hành vi mua sắm của khách hàng. Xưa thì mọi sự kiểu như “Này, tôi muốn mua một chiếc túi thật oách từ cái nhà mốt cao cấp này cơ!”, anh cũng chia sẻ và chỉ ra rằng các dòng túi đến từ các thương hiệu mới dắt vai dăm ba danh tiếng nhất thời xem ra lại được ưa chuộng hơn cả, điển hình như Le Chiquito của Jacquemus. Khách hàng hào hứng trong công cuộc khám phá những cái mới, nóng lòng khoe về sự mới mẻ tinh tươm đó trên mạng xã hội thay vì xách một chiếc túi xịn sò nhưng nhan nhản trên các pano quảng cáo. Họ thấy mình hợp thời một cách khác biệt.
Cũng bởi sự ganh đua xem ai mới là kẻ tiên phong nên cơ man nào túi là túi đều bị cuốn phăng theo tốc độ đào thải đáng kể. Món phụ kiện mới khai sinh trong mùa này lập tức bị hất cẳng bởi thứ khác được cải biên mẫu mã trong mùa sau. Ví dụ trực quan mới nhất chính là ngày tàn của thương hiệu túi xách do hai ái nữ của tỷ phú Chris Burch gây dựng nên, bất chấp chiêu hạ giá sát sàn nhằm bán tống bán tháo để gỡ gạc tài chính. Tốc độ tăng trưởng có phần chững lại tại thị trường Trung Quốc cũng là nguyên cớ khiến tập đoàn LVMH Moët Hennessy Louis Vuitton toát mồ hôi hột trong im lặng.
Đó là đại cục diện chung của các dòng túi xách mới. Giới siêu sao vứt xó chúng ngay khi hợp đồng kết thúc, giới truyền thông cô lập chúng như một hiệu ứng domino, và tệ hại hơn cả là khi các khách hàng bắt đầu bỉ bôi rằng chúng đã lỗi thời.
Với tốc độ sinh trưởng tỉ lệ thuận với sự gia tăng của dân số toàn cầu, quả thật nhọc nhằn cho những ai phải cố nhồi nhét tên tuổi hay chí ít là “mặt ngang mũi dọc” của vô vàn dòng túi mang danh hậu bối.
Quá nhiều. Quá mới. Đôi khi lại còn quá… giống nhau. Cảm quan ban đầu chẳng khác nào khi chiêm ngưỡng dung nhan của 1 dàn thí sinh dự thi Hoa hậu Hàn Quốc vậy, cô nào cô nấy đều hao hao đến lạ khi cả tá đường nét cứ như đúc chung từ một khuôn ra vậy.
Chỉ một số ít giới mộ điệu đủ kiên nhẫn để thụ cảm những cái tên được gán danh “siêu phẩm” mỗi mùa mới như Chanel side pack, Louis Vuitton Oeuf, Hermès Musardine, Jacquemus Le Petit Rond, Off-white Warning Tape… Nếu chúng không có bệ đỡ là một nhà mốt cộm cán hay chiến dịch quảng bá triệu đô thì số phận chung quy cũng chỉ là vai phụ mờ nhạt bên cạnh những “It Bag” kinh điển. Chính Valerie Steele, Giám đốc Học viện Công nghệ thời trang tại New York City cũng phải nhận định rằng: “Điều thú vị nhất của thời trang trong 10 năm vừa qua là nó ngày càng giống cái bắt tay bí mật của hội Tam Điểm. Chỉ những người trong giới mới nhận biết bạn đang sử dụng sản phẩm gì và nó không dành cho số đông còn lại”.
Tuy gian truân là thế nhưng không phải nhà mốt nào cũng đăm đăm chiêu “bình cũ rượu mới”. Chẳng hạn như Balenciaga hay Burberry thường liên tục ra mắt các dòng túi mới từng mùa. Động thái này có hai mục đích: đầu tiên là khẳng định giá trị thẩm mỹ trội bật của từng nhà mốt, tiếp đó là nhằm câu dẫn sự chú ý của tới nhiều dòng sản phẩm khác thuộc ngành hàng phụ kiện. Xét về kinh doanh, chi phí đầu tư quảng bá những mẫu túi xách mới mang lại hiệu quả kép về kinh tế.
Nếu Speedy có tiểu sử đầy kiêu hãnh thì Neverfull lại được chào sân vào năm 2007 với một nhiệm vụ cao cả: giúp Louis Vuitton tạo nên đối trọng cân bằng trong cuộc cạnh tranh với dòng túi tote Saint Louis của Goyard. Cuộc tranh luận nảy lửa lúc bấy giờ quẩn quanh tính nguyên bản của cả hai dòng túi, nhưng đến cuối cùng thì câu trả lời bị xếp xó bởi dân tình cho rằng cái dáng tote thì đẫy rầy tràn lan chứ đâu độc bản cho cam. Chưa kể tuổi thọ bền bỉ và tính đa-zi-năng của dòng túi ngốn 45 giờ chế tác mỗi chiếc cũng làm giới khách hàng thực sự thỏa mãn, ngay cả chi tiết nho nhỏ như chiếc ví đính kèm để đựng những vật dụng quan trọng như chìa khóa hay thẻ ngân hàng cũng được đánh giá là vô cùng hữu dụng trong thường nhật. Nếu bạn chịu chi để tậu Neverfull cỡ GM thì yên tâm, thứ bạn sở hữu chẳng khác nào chiếc túi thần kỳ của Doraemon: Không bao giờ đầy!
Cùng chịu trận với Louis Vuitton và Celine trong cơn bão đồ nhái là Gucci và Chanel, cũng là 2 trong số 20 thương hiệu hay lọt vào “mắt xanh” của cánh sản xuất hàng giả từ Trung Quốc. Thậm chí Gucci còn rút khỏi Liên minh Chống hàng giả Quốc tế khi có sự gia nhập của Alibaba – “chợ hàng giả” khét tiếng nhất toàn cầu. Sản xuất và tiêu thụ hàng giả đã đành, giới mộ điệu ở quốc gia tỷ dân này còn hay đốt túi Gucci… vàng mã trong các hoạt động đám ma và cúng bái. Đó là thảm cảnh ê chề của GG Marmont.
Niềm yêu thích quá khích của dân Trung Quốc và số lượng hàng nhái khổng lồ là hệ quả của thành công mà GG Marmont mang lại cho Gucci. Đây cũng chính là chiếc “IT Bag” đầu tiên khi Gucci được tiếp quản bởi Alessandro Michele. Ngay từ năm 2015, báo giới đã công nhận nó như một cuộc cách mạng từ nhà mốt Gucci bởi hàng loạt ưu điểm như logo GG kinh điển được làm bằng kim loại vàng cổ (antique gold), cảm hứng thập niên 70 tuôn chảy trong phom dáng mềm mại mang tiêu chuẩn ứng dụng rất cao… Mục đích sử dụng của mỗi chiếc túi thuộc dòng này cũng phụ thuộc nhiều vào kích cỡ. Mỗi kích cỡ khác nhau sẽ mang lại cho chủ nhân một công năng riêng biệt và thú vị.
Nếu xem GG Marmont là cách Alessandro Michele tôn vinh quá khứ huy hoàng của Gucci thì tương tự, Chanel Boy Bag là lời tri ân mà ngài Karl Lagerfeld muốn gửi đến Coco Chanel. Chiếc túi này được đặt theo tên người chồng – tình yêu trong cuộc đời của Coco Chanel, thuyền trưởng Arthur Edward – có biệt danh Boy Capel. Tuổi đời mới vỏn vẹn 8 năm, ấy thế mà ai nấy đều những tưởng rằng dòng túi này đã tồn tại trên cõi đời từ thiên sử trăm năm. Âu cũng bởi thiết kế đỉnh cao của nó: cấu trúc nắp túi linh hoạt kết hợp với khóa đặc biệt, trở thành công thức nằm lòng với ngay cả với những nhà mốt danh tiếng khác. Chanel Boy cũng luôn nằm trong top những dòng túi đắt giá cũng như đắt hàng nhất của nhà mốt nước Pháp, được “mông má” liên tục để chiều lòng giới khách hào phóng.
Truyền nhân của Chanel Boy, dòng túi thứ hai được khắc họa như một món phụ kiện phi giới tính là Chanel Gabrielle (Xuân-Hè 2017). Ở dòng túi này tồn tại nhiều điểm dị biệt nhất nếu so sánh với cả dàn tiền nhiệm: phần quai đeo mắt xích dài phóng khoáng và trẻ trung, chất liệu vải tweed với sự kết hợp của các sợi đan nhiều màu tạo nên hiệu ứng thị giác mạnh mẽ, lại còn được quảng bá bởi các nam nhân lừng lẫy như Pharrel Williams hay G-Dragon. Chẳng trách sao vừa ra mắt dòng túi này đã nhan nhản khắp nẻo, ngay cả tại Vbiz cũng chẳng ngoại lệ.
Và cuối cùng nhưng không hề kém cạnh, đó là “bầu đoàn thê tử” các dòng túi xách từ nhà Dior. Tạm gác hào quang của dòng Lady Dior với dự án Dior’s Lady Art #3 (11 nghệ sĩ đến từ 11 quốc gia, sản sinh nên các phiên bản giới hạn hoàn mỹ) thì nhà mốt này còn có khá nhiều hậu bối đáng gờm như Diorama, (r)evolution, J’adior hay Diorever. Thế nhưng cái tên đáng nhắc đến ở đây là Dior Diorissimo Bag vốn ra mắt từ mùa Xuân-Hè 2012. Nó được sáng tạo dựa theo tôn chỉ "Một chiếc túi xách dùng hàng ngày phải thật đơn giản và sang trọng", với điểm đặc biệt là kỹ thuật làm từ trong ra ngoài nên tất cả những đường may, ráp nối đều được "giấu" đi rất tinh tế và khéo léo. Đây cũng là chiếc túi Dior được dân tình lùng sục kỹ càng nhất mỗi khi họ bước vào một cửa hàng đồ cũ cao cấp nào.
Với ngần ấy thành tích, xem ra cái nhìn của WWD dành cho những chiếc túi mang danh hậu bối có phần quá khắt khe.