Lặng ngắm làn da đầy những hình xăm gần như phủ khắp cơ thể cùng niềm đam mê nhạc rock, không ai nghĩ rằng cô gái Hà Nội sinh năm 1987 – Tạ Châm Anh đang phải từng ngày chống chọi lại căn bệnh Lupus ban đỏ hệ thống.
Trở về nước sau những năm tháng du học, làm việc trong công ty mơ ước của bao bạn trẻ với vị trí chuyên gia phân tích tài chính, Châm Anh cứ ngỡ mình đã có một cuộc sống hạnh phúc với gần như tất cả mọi thứ đều trong tầm với. Nhưng rồi, tất cả những thứ ấy dần vuột mất khi căn bệnh Lupus ban đỏ hệ thống tìm đến cô, và hành trình “vượt tử” cũng bắt đầu từ đó.
“Chị từng oán trách số phận sao đẩy chị vào bệnh tật, sao để chị chống chọi với thứ bệnh quái quỷ này; hoặc nếu đã làm vậy, sao không để chị đi luôn mà còn sống sót sau hai lần đã vào nhà xác…” - Châm Anh chia sẻ.
Thi thoảng tìm được những ý nghĩa, tâm đắc trong cuộc sống, hay đôi lần vượt qua cơn sinh tử, chị lại “ghi dấu” lên làn da mình một hình xăm mới. “Hai lần vào cửa tử nhưng vẫn thoát được, rồi những ngày mở mắt thấy mình vẫn sống, chị tự thấy hài lòng khi nhận ra những khe sáng nứt ra từ cuộc đời. Mỗi lần nhìn ngắm làn da mình, đâu chỉ thấy những vệt máu li ti hay những vùng da sạm cả đi vì uống thuốc, mình còn thấy và biết ơn những hình xăm ghi dấu quãng đường đời mình đã trải qua.”
26 tuổi, có việc làm ổn định trong ngành truyền thông cùng sự nghiệp kinh doanh, có lẽ Phương Thảo sẽ là hình mẫu phụ nữ hoàn hảo trong mắt nhiều người. Nhưng ít ai biết cô gái trẻ này có một vết sẹo dài từ đầu gối xuống nửa bàn chân trái. “Nhiều người nhìn vết sẹo trên chân chị thì cứ nghĩ ngày xưa chị chơi bời lắm, kiểu vết sẹo dài thế chắc là do đua xe nên ngã xe ấy mà” - Phương Thảo cười.
“Hồi mới thi xong đại học, chị bị ngã xe máy. Vết thương không may bị nhiễm trùng nặng. Suốt hai tuần liền, ngày nào bác sĩ cũng phải đến nhà để giúp vệ sinh. Chị vẫn còn nhớ như in cảm giác rùng rợn lúc đó, không dùng thuốc giảm đau để mau lành, vết thương cứ thế bị “lột sống” rồi cạo rửa suốt hai tuần liền. Da chân cứ mọc lên được một chút thì lại bị lột ra để rửa sạch chỗ mủ mưng nhiễm trùng”.
Dù kí ức đau đớn là thế, nhưng Thảo luôn coi vết sẹo dài này là “một kỷ niệm đong đầy những giọt nước mắt”. Hỏi vì sao, Thảo đáp rằng, có lẽ vì đó là lần đầu tiên chị thấy người bố nghiêm nghị của mình nhỏ lệ. Cũng từ đó, có một chiếc cầu vô hình kéo Thảo gần hơn với bố, với gia đình của mình. Vết sẹo ấy như là minh chứng cho tình cảm của bố dành cho mình, đứa con gái hậu đậu này. Làn da ghi dấu vết sẹo yêu thương, vừa đậm sâu mà dài lâu.
Nhìn gương mặt bé con kháu khỉnh, chị Thùy Dung mỉm cười thật hạnh phúc. Những vết rạn thâm đen rải đều và sẹo mổ chạy dọc trên bụng là “dấu ấn diệu kì” chị có được khi chào đón “thiên thần” nhỏ bé của mình chào đời.
Sinh con là chuyện thiêng liêng cần được miêu tả bằng những mỹ từ đẹp đẽ, nên đôi lúc người ta cố tránh nhắc đến những “vết thương” mẹ phải trải qua. Những nỗ lực chăm sóc làn da cơ thể bấy lâu dường như trở nên vô ích, khi mỗi milimet da bụng mỏng manh phình lớn, căng đến đau đớn để san sẻ thân mình cho một sinh linh bé bỏng. Từ tháng thứ 8 trở đi, phần da đùi và bụng bắt đầu có dấu hiệu rạn, mà như chị miêu tả là "rạn tung toé", không thể cứu vãn.
Gần ngày sinh, bác sĩ dự kiến em bé chỉ nặng 2 cân rưỡi, nhỏ hơn những em bé bình thường. Đến ngày sinh, biến cố bỗng ập đến với thai nhi khi đứa bé được chẩn đoán bị suy tim, dây rốn quấn vào cổ. Bác sĩ kết luận phải mổ cấp cứu, nếu không, không thể cứu cả mẹ lẫn con. Chị Dung lần lượt trải qua 5 tiếng đau đớn, trước khi được đưa vào khu vực mổ. Chị hoang mang, lo lắng và đôi chút sợ hãi: Không biết có qua khỏi được không, có cứu được con hay không?
Và thật may mắn, mẹ tròn con vuông sau mọi nỗ lực. Em bé an yên đến với thế giới, cơ thể mẹ cũng có thêm nhiều “kỳ quan” đáng để chiêng ngưỡng, là biểu tượng thiêng liêng của sự chở che và cũng đánh dấu cột mốc ngày “thiên thần” của mẹ chào đời.
Ít ai nghĩ rằng Trần Trang có thể chinh phục được 5,000m Everest Base Camp – một việc gần như không tưởng với cô gái bé nhỏ có vết sẹo mổ tim dài trên cơ thể. Mà vết sẹo ấy không chỉ “thủ thỉ” thật nhiều điều về những tháng ngày chị phải tự đấu tranh để giành sự sống, mà còn là người bạn đồng hành cùng chị hít thở và chinh phục những vùng đất mới.
“Nếu không phẫu thuật thì chỉ có thể sống được đến năm 40 tuổi”. Bác sĩ chuẩn đoán căn bệnh của Trang. Cuối cùng, chị và gia đình lựa chọn phẫu thuật. Sau khi mổ xong, không chỉ chịu đựng những đau đớn về thể chất cùng chứng rối loạn nhịp thở, bản thân chị cũng phải đối mặt với chứng trầm cảm trong suốt một năm dài.
Ấy vậy mà cô gái nhỏ bé ấy đã tự đặt và chinh phục mục tiêu 5,000m Everest Base Camp để thử thách trái tim mới giành được về từ “thần chết”, bởi niềm đam mê dịch chuyển đã in hằn dấu vết khắp da thịt. Đâu chỉ vậy, chị còn quyết định sinh thường hai thiên thần bé nhỏ, dù đã được chỉ định phẫu thuật xong mới được có em bé. “Đó cũng như là một kì tích mà chị chinh phục được trong cuộc đời mình vậy” – chị Trang chia sẻ.
Lướt Instagram nhiều màu sắc của Ly Vũ - cô gái 33 tuổi người Hà Nội, ấn tượng đầu tiên của bạn chắc chắn sẽ là làn da rám nắng khoẻ mạnh căng đầy sức sống, và một “profile khổng lồ” những vùng đất mà cô đã đi qua.
Từ bé, Ly Vũ đã là một cô gái yêu ánh nắng, luôn vui vẻ và đặc biệt có sở thích di dịch, leo núi, lặn biển. Năng động, tự tin và lựa chọn cuộc sống phiêu lưu, làn da của Ly Vũ thêm rám nắng qua mỗi cung đường, thêm những vết sẹo vì bị san hô cào vào da trong những ngày lặn dưới đáy đại dương. Trái ngược với vẻ năng động và hiện đại ấy, Ly Vũ lựa chọn xăm hình bản đồ Việt Nam trên bàn chân của mình như một cách để thể hiện tình yêu với đất nước, với con người tại nơi cô sinh ra. Mỗi lần đi du lịch dù châu Á hay châu Âu, cô đều chia sẻ kỷ niệm cùng bà và mẹ, để những người phụ nữ gia đình của thế hệ trước, đều tự hào khi phụ nữ Việt Nam có thể đến những nơi kỳ vĩ như thế.
Phụ nữ nói chung, đều yêu và dành thời gian chăm sóc da mặt nhiều hơn làn da cơ thể. Bởi những biểu cảm hạnh phúc, vui cười, buồn thương, đau đớn… trên gương mặt chính là “tuyên ngôn” của họ đối với thế giới xung quanh. Nhưng có ai biết chính làn da cơ thể cũng chất chứa biết bao tâm tình, những kỉ niệm, những dấu vết thầm lặng chưa từng bày tỏ cùng ai.
Làn da của mỗi người cũng giống như cuộc đời vậy; không có hai làn da giống hệt nhau và không có câu chuyện đời nào tương tự. Không có một chuẩn mực nào để gọi một làn da đẹp hay xấu. Và dù bạn là ai, thích làm gì, đi đâu, làn da đều cùng bạn cảm nhận. Mỗi làn da là một tác phẩm nghệ thuật đáng được nâng niu.
Như Châm Anh, mỗi lần nhìn thấy vết sẹo mổ trên bụng sau cơn thập tử nhất sinh đến nỗi các bác sĩ đã chuyển chị vào nhà xác, chị luôn cảm thấy biết ơn cuộc đời này quá nhiều. “Tỉnh dậy giữa không gian chật chội và lạnh khủng khiếp, chưa bao giờ chị cảm thấy sự sống mong mạnh đến thế. ”.
Hay như Làn Da Phiêu Lưu cùng tấm bản đồ Việt Nam trên đôi chân trần ngao du không thôi nhắc Ly Vũ nhớ phải luôn khao khát và làm dày thêm trải nghiệm của mình bằng những chuyến ngao du đến vùng đất mới. “Chăm da mặt thế nào, mình cũng sẽ chăm da mình thế nấy. Da có khỏe mới cùng mình ngao du thêm được thật nhiều vùng đất mới chứ" – Ly Vũ dí dỏm chia sẻ.
Nếu chưa từng chở che cho một sinh linh bé bỏng như chị Thùy Dung, hẳn những vết rạn thiêng liêng hay vết sẹo mổ kia sẽ trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng. “Chị tự hào về những vết rạn, vết mổ và nâng niu từng điều “không hoàn hảo” trên cơ thể. Sau này, chị có thể kể cho con mình nghe rằng mình chị đã hạnh phúc đến nhường nào khi có bạn ấy. Mà muốn kể, thì phải có bằng chứng biện hộ trước tòa đó, phải không nào?”