Khi nhận giải Oscar năm 2020 cho hạng mục Phim nước ngoài xuất sắc nhất, đạo diễn “Parasite” Bong Joon Ho đã nói: “Một khi bạn vượt qua được rào cản cao 1 inch là dòng chữ phụ đề, bạn sẽ được giới thiệu đến rất nhiều bộ phim tuyệt vời.” Câu nói này thực sự đã khiến nhiều người phải giật mình xem xét lại bản thân, đặc biệt là những người thường xuyên mở miệng lấy lý do “lười đọc phụ đề” và không biết rằng mình đã bỏ sót những tác phẩm điện ảnh và cả truyền hình vô cùng quý giá từ nhiều quốc gia trên thế giới chứ không chỉ riêng gì Hàn Quốc. Bên cạnh 4 giải thưởng Oscar danh giá, “Parasite” còn gặt hái thành công tại các thị trường quốc tế, là phim nước ngoài thành công nhất trong lịch sử tại Anh. Không chỉ thế, bộ phim phát hành năm 2019 này còn được nhiều nhà phê bình đánh gái là phim hay nhất năm 2019, và xếp vị trí thứ 46 trong danh sách những phim được đánh giá cao nhất trong lịch sử điện ảnh bởi Metacritics. Với chi phí sản xuất 11 triệu đô, phim thu về thu về 258 triệu đô, đứng đầu trong “bảng vàng” những bộ phim Hàn Quốc đạt doanh thu khủng nhất mọi thời đại.
Cho tới giờ, có lẽ nhiều người vẫn cho rằng thành công của nền giải trí K-biz trên phạm vi toàn thế giới là chỉ trong vài năm trở lại đây. Thực lực của các “idol” Hàn Quốc đã trải qua rất nhiều những bài kiểm tra không khoan nhượng từ cộng đồng fandom ngày càng đông và vô cùng dữ dằn. Không dễ gì để có thể thành công trên thị trường Hàn Quốc chứ đừng nói đến việc thành công tại thị trường Mỹ - nơi mà bản thân các nghệ sĩ nước sở tại cũng không thể tìm ra được một công thức nào cụ thể để đảm bảo “bách phát bách trúng”.
Cùng với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của các dịch vụ streaming, nhu cầu về các nội dung trên các kênh YouTube, Netflix,… cũng đã trở nên đa dạng hơn, đáp ứng được hầu hết các nhu cầu “cái gì cũng muốn” của người xem. Người người nhìn nhau xem, nhà nhà nhìn nhau xem, với giá tiền thuê bao theo tháng chỉ bằng một chiếc vé xem phim là người sử dụng có cơ hội được tiếp cận với hằng hà sa số các tựa phim đỉnh cao. Với YouTube thì câu chuyện hơi khác một chút, vì dịch vụ YouTube Premium chưa được triển khai tại thị trường Việt Nam, nhưng các fan âm nhạc thực thụ cũng chẳng sá gì vài phút cẩn thận tắt từng đoạn quảng cáo đầu các MV để ủng hộ cho các thần tượng của mình.
“Squid Game” chính là một thành công rực rỡ tiêu biểu nhất của dòng phim truyền hình Hàn Quốc trên nền tảng streaming Netflix. Bộ phim do nam diễn viên Lee Jung Jae thủ vai chính (Seong Gi Hun) cùng với bộ sậu toàn những diễn viên máu mặt như Lee Byung Hun, Park Hae Soo,… và cả sự xuất hiện lướt qua màn hình của Gong Yoo đã được hưởng ứng nhiệt liệt. Netlfix Mỹ ghi nhận “Squid Game” dẫn đầu danh sách Top 10 bộ phim được xem nhiều nhất trong 24 ngày, đồng thời giữ vị trí No.1 tại 94 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây cũng là series phim truyền hình được xem nhiều nhất trên toàn thế giới trong lịch sử của Netflix, với 1,65 tỷ giờ xem trong 28 ngày kể từ khi ra mắt vào ngày 17/09/2021.
Cũng nhờ những cơn sốt như “Squid Game” hay “Reply 1988” hay “Hometown Cha-Cha-Cha”, những người tiêu dùng chân chính tại Việt Nam bắt đầu quen dần với việc xem phim có trả phí. Dịch vụ nghe nhạc trực tuyến Spotify mặc dù chưa có đầy đủ kho nhạc Hàn nhưng cũng đã phần nào tạo cầu nối với người nghe nhạc luôn tìm kiếm những bản nhạc hay, cả mới và cũ – dù không đủ nhưng có vẫn còn hơn không.
Một trong những bí quyết thành công của các idol Hàn Quốc có lẽ là sự khổ luyện chăm chỉ, làm việc cật lực để có thể mang đến những sản phẩm âm nhạc tốt nhất có thể. Và không phải bây giờ các idol Hàn mới làm việc cật lực, các thế hệ đi trước – Gen-1, Gen-2 – cũng đã tập luyện hết sức mình, mặc dù xét về mức độ thành công thì có thể chưa được như mong muốn nhưng họ chính là những người tạo dựng nền tảng vững chắc cho các thế hệ hiện tại có thể vươn xa đến vậy. Lao động thì không phân định bằng ngôn ngữ mà được thể hiện ngay trong những sản phẩm mà họ mang đến cho các khán giả của mình bằng hình ảnh và âm nhạc chau chuốt, tỉ mỉ.
Chính sự bền bỉ, kiên trì và không nản chí cũng như không tự hài lòng với bản thân mình đã giúp cho K-biz liên tục có những sự bùng nổ, lập nên những kỳ tích đáng ngưỡng mộ trong khi các nền giải trí khác đang có biểu hiện của sự lười nhác. Năm 2012 – tức là 10 năm về trước, PSY đã gây chấn động toàn cầu với “Gangnam Style” – một ông chú Hàn Quốc với âm nhạc điện tử thình thịch khiến cho tất cả mọi người, từ biết tiếng Hàn tới không biết tiếng Hàn cũng phải nhảy cuồng say. Nhiều người ví thành công của “Gangnam Style” giống với “Macarena” – một hiện tượng trong những năm 1990, nhưng có lẽ ví von như vậy thì sẽ bất công với PSY – một trong những nghệ sĩ có sức bền bỉ nhất trong showbiz Hàn. Sự lập dị đến độ bất chấp miệng lưỡi thế gian của PSY đã làm nên thương hiệu cho anh. Và sau 5 năm yên ắng, PSY trở lại với album thứ 9 mang tên “Psy 9th” với đĩa đơn mở hàng là “That That” có sự tham gia của SUGA (BTS). Sự hợp tác giữa một anh chàng đẹp trai, nhảy đẹp, cool ngầu chuẩn “idol” như SUGA hợp tác cùng một ông chú U50, nhan sắc trung bình, bụng hơi to, nhảy không đẹp nhưng mà thực sự khỏe, đã khiến cho các fan vô cùng thích thú. Rõ ràng, ngoại hình chưa chắc đã là một điều kiện tiên quyết sự thành bại của các sao K-Pop.
BTS thì chắc cũng chẳng xa lạ gì với những câu chuyện truyền cảm hứng về 7 chàng thanh niên được Big Hit Entertainment (giờ là Big Hit Music) chăm bẵm cẩn thận. Ngay cả khi chật vật với chính thị trường trong nước thì cả 7 chàng trai Jin, SUGA, J-hope, Jimin, RM, V và Jungkook chơi một nước cờ vô cùng táo bạo – gây dựng tên tuổi ở thị trường nước ngoài và trở về Hàn Quốc trong một tâm thế hoàn toàn khác. Các ARMY (fandom của BTS) đã ủng hộ BTS từ những ngày đầu với sự trung thành tuyệt đối. Từ chỗ đứng phát tờ rơi, phát vé xem concert miễn phí, giờ đây cả 7 chàng trai đã thực hiện được các tour lưu diễn nước ngoài thường xuyên sold-out vé. Và giá vé xem BTS tại Mỹ giờ đây không hề rẻ, dao động từ 818 đô tới 3.500 đô. Khỏi nói các ARMY đã cảm thấy hả hê như thế nào khi các thần tượng của mình đã tự lực khẳng định tài năng tại một thị trường âm nhạc “khoai” nhất thế giới như Mỹ.
Tất cả các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới đều luôn có những khoản ngân sách kếch xù dành cho công việc marketing, quảng bá sản phẩm. Không chỉ ra sức giữ chân khách hàng cũ mà những nhà mốt lừng lẫy này cũng phải ra sức thu hút, thuyết phục thêm các đối tượng khách hàng mới ngày càng trẻ và không ngừng tìm kiếm những điều mới mẻ. Chính vì vậy, K-Biz đã trở thành một chiếc cầu kết nối không thể hoàn hảo hơn – đối tượng trẻ trung, năng động và ủng hộ các idol hết mình, thường xuyên theo sát nhất cử nhất động của các idol trên mọi mặt trận.
Cứ thử tưởng tượng, bạn muốn “lan tỏa” hình ảnh một sản phẩm nào đó, bạn sẽ nghĩ đến những hình thức nào? Giả sử bạn có rất nhiều tiền luôn! Xuất hiện trên phim truyền hình với dàn diễn viên hút khách? Xuất hiện trong MV sang-xịn-mịn? Xuất hiện cùng người nổi tiếng trên đường phố một cách tình cờ? Xuất hiện cùng người nổi tiếng tại sân bay trước khi lên đường dự một sự kiện tầm cỡ quốc tế?... Đấy là chưa kể nếu khéo chọn người đại diện có nhiều lượt theo dõi, có nhiều hoạt động,… thì các nội dung liên quan đến họ sẽ còn được nhân lên nhiều lần, sản phẩm cũng theo đó mà được lan tỏa đến đông đảo người xem. Chưa kể đến những tài khoản trên mạng xã hội thường xuyên chơi trò “bóc mác” xem giá các sản phẩm mà sao mặc, sử dụng trong tất cả các dịp.
K-Biz có đầy đủ hết tất cả các nền tảng này để phục vụ cho nhu cầu quảng bá của bất kỳ thương hiệu nào chịu chi. Chưa cần biết sản phẩm sẽ bán được như thế nào nhưng một chiến dịch truyền thông sâu và rộng đến vậy hoàn toàn có thể giúp thương hiệu tiếp cận được với hàng triệu khán giả, không chỉ tại Hàn Quốc mà cả những fan K-Biz ở khắp mọi nơi trên thế giới.
Nếu người xem có điều kiện, có quan tâm thì chắc là họ sẽ mua sản phẩm thôi. Nếu người xem quan tâm mà chưa có điều kiện mua thì biết đâu đấy trong tương lai, khi có điều kiện, họ sẽ mua. Ít ra là họ cũng được biết đến một sản phẩm sang chảnh và ưng mắt, được biết đến hình thù của những giấc mơ có thật.
Sự toàn năng của một idol (hát, nhảy) là điều không thể xem nhẹ. Điều đáng mừng là chất lượng thực tập sinh của K-Biz ngày càng khá hơn trước (trích lời PSY). Ngoài ra, lý lịch sạch sẽ cũng là điều tối quan trọng đối với bất kỳ idol Hàn Quốc nào. Sơ sẩy “sống lỗi” trong một phút chốc thôi cũng có thể để lại hậu quả khôn lường đối với sự nghiệp của họ.
Một trong những đội hình idol thành công nhất tại Hàn Quốc có lẽ là BlackPink với 4 cô gái “đầu quân” cho 4 nhà mốt đình đám Paris: Chanel (Jennie), Celine (Lisa), Saint Laurent (Rosé) và Dior (Jisoo). Thay vì “bỏ hết trứng vào một giỏ” – cả nhóm đại diện cho một nhãn hàng, thì YG đã đi một nước cờ đầy tham vọng và thành công ngoài sức tưởng tượng, trở thành một case-study vô cùng thú vị. Cả bốn cô gái không đơn thuần chỉ là những quả trứng trong rổ nữa, mà là bốn con gà đẻ trứng vàng hẳn hoi. Dĩ nhiên cũng vẫn có trường hợp cả bốn đều xuất hiện trong một chiến dịch quảng cáo cho một thương hiệu – adidas – nhưng hoàn toàn mang tính chất thời vụ chứ không có sự gắn kết sang-xịn như với các nhà mốt lừng lẫy Paris.
bài viết
Ảnh
Thiết kế
INTERACTIVE
MOTION
Tuấn Mania
ELLE, harper's bazaar, rolling stone, getty image
Anh Nhân
tùng tt
LT VINH