Sự lạc quan rồi sẽ trở thành tiền đề cho những nụ cười trọn vẹn nhất, trong cái Tết được gửi gắm bao mong chờ suốt năm qua.
Ngẫm nghiệm về LẠC QUAN: Chẳng cần phép màu, một nụ cười là đủ để đón Tết Bình An - Ảnh 1.

Có lẽ chưa bao giờ sự lạc quan lại trở thành một chủ đề phổ biến và thường trực đến thế. Chúng ta viết, nói và bàn luận về sự lạc quan xuyên suốt năm 2021. Những hashtag #staypossitive, #dontworry, #keepthefaith… xuất hiện bên dưới hàng triệu bài đăng trên mạng xã hội, rồi trở thành chủ đề cho những bản hit được nghe nhiều nhất trong năm. Mọi người an ủi nhau: “Không sao”, “Rồi sẽ ổn thôi…” dù nỗi hoang mang vẫn còn phảng phất.

LẠC QUAN là từ gốc Hán, cấu thành bởi “lạc” - vui vẻ và “quan” - nhìn nhận. Lạc quan là thái độ, là cách tư duy nhưng cũng gắn liền với hành động, phản ánh niềm tin về kết quả tích cực sẽ đến sau những nỗ lực đã bỏ ra; chứ không hẳn là cam kết cho một phép màu chắc chắn sẽ xảy đến.

Ngẫm nghiệm về LẠC QUAN: Chẳng cần phép màu, một nụ cười là đủ để đón Tết Bình An - Ảnh 2.

Nếu bạn nghĩ rằng mình đã lạc quan bằng cách ngồi yên và mỏi mòn trông chờ may mắn đến, hoặc bạn thường xuyên thấy mình bấp bênh giữa hy vọng - thất vọng và luôn sẵn sàng buông bỏ niềm tin, thì hạt mầm bạn đã gieo có lẽ lớn hơn lạc quan một chút. Tên của nó là Kỳ Vọng.

Ngẫm nghiệm về LẠC QUAN: Chẳng cần phép màu, một nụ cười là đủ để đón Tết Bình An - Ảnh 3.

Lớp yoga sáu rưỡi sáng của tôi có cô bạn tên Chúc, luôn đến sớm và hầu như chưa vắng buổi học nào. Trái ngược với Chúc là những người rất hay đến muộn tầm mươi phút, có khi là nửa giờ. Buổi sáng yên ắng, dù nhắm mắt thì chúng tôi vẫn có thể nghe rõ tiếng đẩy cửa vào, tiếng đặt giày lên kệ, tiếng trải thảm… Chúc rất không hài lòng về điều đó, cô thấy phiền.

“Có những người không thể đúng giờ được hay sao ấy. Em đi học, đi làm, lúc nào cũng gặp những người quanh năm xin lỗi vì đi muộn” - có lần Chúc cảm thán sau buổi học.

Khi đặt ra tiêu chuẩn, chúng ta tự thiết lập hạn mức từ những thứ mình có thể kiểm soát được: sắp xếp từng việc cần làm thế nào, tiến độ ra sao… Nhưng khi áp đặt tiêu chuẩn đó lên người khác, ta lại không thể đảm bảo được khả năng của họ trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn ta đặt ra. Chúc không chỉ đuổi theo tiêu chuẩn về thời gian, mà còn kỳ vọng những người xung quanh cũng xây dựng tiêu chuẩn giống mình. Điều này rõ ràng là bất khả thi, nên sự kỳ vọng lại rơi tõm vào vực thẳm thất vọng. 

Ngoài việc đặt kỳ vọng lên người khác, thi thoảng chúng ta còn “áp KPI” kỳ vọng cho chính mình.

Ngẫm nghiệm về LẠC QUAN: Chẳng cần phép màu, một nụ cười là đủ để đón Tết Bình An - Ảnh 4.

Sự kỳ vọng khiến bạn quên đi thực tế, rằng những người thành công hơn có lẽ đã phải đánh đổi nhiều hơn, họ đã cố gắng cho những điều mà bạn chưa từng cố gắng, để đổi lấy năng lực vượt trội hơn bạn.

Rồi bạn lại nghĩ: Đây là giai đoạn khó khăn chung, ít ra mình vẫn có việc làm và được công nhận. Mình có thể thăng tiến nếu tiếp tục duy trì phong độ này.

Hoặc: Công việc văn phòng có vẻ không hợp với mình. Mình sẽ thử học thêm một kỹ năng mới để khám phá giới hạn của bản thân.

Đó là khi bạn trở về với tiêu chuẩn căn bản: Là một phiên bản tốt hơn của chính mình ngày hôm qua.

Ngưỡng kỳ vọng có thể đến từ sự so sánh với quá khứ, từ hoàn cảnh sống, từ sự tưởng tượng của chúng ta… Người đặt quá nhiều kỳ vọng thường quên mất những tiêu chuẩn thực tế, dần dà họ thấy nỗ lực của mình trở nên vô ích.

Khác với kỳ vọng, tiêu chuẩn là phép tính giữa điều bạn có và điều bạn muốn. Đặt ra tiêu chuẩn phù hợp, bạn sẽ tìm thấy sự lạc quan để theo đuổi các mục tiêu của mình.

Ngẫm nghiệm về LẠC QUAN: Chẳng cần phép màu, một nụ cười là đủ để đón Tết Bình An - Ảnh 5.

Đã bao giờ bạn gọi cảm giác buồn bã, thất vọng là cảm xúc tiêu cực? Theo nhà trị liệu hôn nhân và gia đình Emma Carpenter, không có cảm xúc "tốt" hay cảm xúc "xấu". Cảm xúc chỉ là tín hiệu giúp chúng ta nhận biết những nhu cầu căn bản, từ đó kết nối với bản thân và với mọi người xung quanh. 

Mới đây, một bạn nghệ sĩ Gen Z, người sở hữu bản hit “quốc dân” từ năm 19 tuổi, đã chia sẻ về hành trình “tìm lại những cảm xúc thật sự”. Sau khoảng thời gian chăm chỉ “cày show”, bạn bỗng nhận ra, trên tất cả các sân khấu bạn trình diễn trong vài ngày liên tiếp, trạng thái của bạn đều giống nhau: Không vui. Không buồn. “Em chẳng còn cảm thấy gì hết”, bạn hồi tưởng. Xem việc biểu diễn như thói quen và thực hành theo tiềm thức mà không cần vận dụng đến sự sáng tạo - lẽ sống chân chính của người nghệ sĩ - dần khiến bạn rơi vào trạng thái trống rỗng.


Ngẫm nghiệm về LẠC QUAN: Chẳng cần phép màu, một nụ cười là đủ để đón Tết Bình An - Ảnh 6.

Rồi bạn quyết định trở về với vị trí của một nghệ sĩ độc lập. Chính trong giai đoạn giãn cách xã hội, bạn miệt mài theo đuổi dự án riêng và kịp cho ra đời những sáng tác mới. Khi tìm lại những trải nghiệm cảm xúc thật sự, sẵn sàng vui và sẵn sàng buồn, mạch sáng tạo trong bạn lại tràn đầy hơn bao giờ hết.

Sự sáng tạo là trạng thái nằm ngoài mong đợi của não bộ chúng ta, vốn có khuynh hướng giải quyết mọi việc theo thói quen, hơn là tìm kiếm các giải pháp đột phá. Cơ chế này cũng được áp dụng vào quá trình tiếp nhận cảm xúc. Khi vui, ta thường hướng sự tập trung vào những cơ hội, tiếp thu nguồn động lực để thực hiện những mục tiêu đã đề ra.

Với nỗi buồn, não bộ còn có xu hướng chú ý và ghi nhớ sâu sắc hơn (negativity bias). Cảm xúc này dễ dàng đi thẳng vào trí nhớ dài hạn, đúng như câu “Niềm vui thì dễ quên, còn nỗi buồn thì không bao giờ”. Vậy thì làm thế nào để nỗi buồn không lớn mạnh đến mức có thể “đánh bật” những xúc cảm háo hức trong ta?

Ngẫm nghiệm về LẠC QUAN: Chẳng cần phép màu, một nụ cười là đủ để đón Tết Bình An - Ảnh 7.

Khi còn bé, chúng ta khao khát được khám phá mọi thứ. Nhưng càng trưởng thành, ta sẽ càng nhận ra, việc nhìn thấy thế giới rộng lớn đôi khi còn dễ hơn soi vào bản thân mình. Ta khát khao sự bình an nội tại - như một chốn nương náu cho tâm hồn giữa những xô bồ ngoài kia.

Khi tập trung vào những suy nghĩ tích cực, một loạt các phản ứng sẽ diễn ra: sự giải phóng dopamine mang đến cảm xúc vui sướng, cortisol (hormone làm tăng huyết áp) giảm xuống, serotonin được sản sinh giúp ta ổn định cảm xúc, đồng thời cảm nhận được ý nghĩa, sự kết nối với cuộc sống và tiếp tục tìm kiếm những điều tốt đẹp tương tự. 

Đặt ra tiêu chuẩn thay vì kỳ vọng và chấp nhận những trải nghiệm cảm xúc thật sự là cách để thực hành lạc quan, đồng bộ trên cả tư duy và hành động. Trong thời gian dài, tác động này có thể kích thích sáng tạo, sự tập trung và giúp ta khám phá những khả năng mới của bản thân, đồng thời giữ cho tâm trí ta luôn cân bằng, đạt đến trạng thái bình an nội tại.

Ngẫm nghiệm về LẠC QUAN: Chẳng cần phép màu, một nụ cười là đủ để đón Tết Bình An - Ảnh 8.

Nhìn về năm 2021, có người sẽ thấy quặn lòng với những mất mát, nhưng cũng có người ấm dạ khi nghĩ đến những nốt nhạc sáng tươi. Chúng ta đã học được cách sống và làm việc một cách khoa học hơn; nhận ra mối liên kết mật thiết của sức khỏe cộng đồng; nhiều người bắt tay vào thực thi ý tưởng quán cơm 0đ, 1k, 2k… để san sẻ gánh lo cho người lao động nghèo; những chiến dịch thiện nguyện để xây thư viện cho trẻ em vùng cao nhận được nhiều sự quan tâm hơn; nhiều vấn đề môi trường được giải quyết một cách tự nhiên: dòng kênh Venice lại trong vắt như ký ức hàng chục năm trước, ô nhiễm không khí từng rút ví người Mỹ vài ngàn đô mỗi năm nay đã giảm mạnh, lỗ thủng tầng ozon hồi phục nhanh chóng, và dễ thấy nhất, là những ngày ta mở cửa sổ và chợt nhận ra bầu trời trong xanh đến lạ, nắng vàng ươm và không khí thật trong lành.

2021 cho ta cơ hội để làm quen với cuộc sống bình thường mới, học cách sống lạc quan, tích cực dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng như P/S trong suốt hành trình 25 năm theo đuổi sứ mệnh bảo vệ nụ cười Việt Nam vẫn luôn giữ vững niềm tin: Sự lạc quan rồi sẽ trở thành tiền đề cho những nụ cười trọn vẹn nhất.

Thay vì gọi 2022 là năm Covid thứ 3, hãy nhớ về nó như cột mốc đầu tiên của sự đổi khác, với cả con người lẫn môi trường sống. Dù không thể chọn điều gì sẽ xảy đến với mình, chúng ta vẫn luôn có cách để đối diện với nó. Nguồn năng lượng lạc quan ở nơi bạn, một khi được “kích hoạt”, sẽ dễ dàng lan tỏa đến gia đình, bạn bè và những người xung quanh, để chúng ta cùng nhau rộng lòng mở cửa, đón một cái Tết Bình An, ấm cúng.

Ngẫm nghiệm về LẠC QUAN: Chẳng cần phép màu, một nụ cười là đủ để đón Tết Bình An - Ảnh 9.

P/S | Cười Lạc Quan, Bình An Đón Tết | Tết 2022

Ngẫm nghiệm về LẠC QUAN: Chẳng cần phép màu, một nụ cười là đủ để đón Tết Bình An - Ảnh 11.
Nhi Nguyễn
Diễm My
Theo Trí Thức Trẻ

https://kenh14.vn/ngam-nghiem-ve-lac-quan-chang-can-phep-mau-mot-nu-cuoi-la-du-de-don-tet-binh-an-20220128210922349.chn