"Bộ phim là một cơ hội để Lý Hải viết về mẹ mình. Bản thân Lý Hải cũng là một nhân vật trong phim này."
Lý Hải: Ý tưởng được bắt đầu từ gia đình tôi. Nhà tôi có 9 anh em, chị cả đầu mất còn lại 8 người, Mẹ Lý Hải đã lớn tuổi, các anh em ai cũng bận đi làm. Nếu trong 1 đêm cần phải chạy về gấp ngay với mẹ thì bản thân Lý Hải cũng như các nhân vật, không biết phải làm thế nào. Các nhân vật Hải gửi gắm trong phim ai cũng yêu mẹ, vì hoàn cảnh mà khó xử thôi chứ họ không ghét mẹ hay bất hiếu với mẹ. Nhân vật Má Hai thì 90% dựa trên mẹ của Lý Hải, tên Má Hai cũng là tên mẹ mình luôn.
Khán giả đi xem nói nhân vật mẹ trong phim sao mà hư cấu, sao mà vĩ đại quá, tôi cũng không biết mình có quá tay không nhưng với riêng tôi thì mẹ mình còn hơn cả nhân vật trong phim nữa. Tôi không bao giờ quên lúc nhỏ nhà mình nghèo đến mức không có gạo để ăn, thiếu gạo thì chuyển qua khoai mì, khoai lang, chuyển đến cả chuối trong vườn nhà trồng, ăn hết chuối chín thì ăn chuối sống, rồi phải đào cả cả chuối mà ăn. Nghèo tới mức đó nhưng mẹ không cho đứa con nào nghỉ học, 8 anh chị em đều phải học thành tài.
Bộ phim là một cơ hội để Lý Hải viết về mẹ mình. Bản thân Lý Hải cũng là một nhân vật trong phim này.
Minh Hà: Khi lần đầu anh Hải kể cho Hà nghe ý tưởng phim, Hà đã trăn trở suy nghĩ cả 1 tháng trời câu chuyện anh Hải đặt ra.
Câu chuyện rất đơn giản: 1 bà mẹ, 5 người con, tất cả đều yêu thương mẹ và thành đạt, có cuộc sống riêng và ở riêng. Một ngày người mẹ không thể tự chăm sóc bản thân mình; cả 5 người con đều dở dang công việc không chăm mẹ được ngay. Anh Hải đặt câu hỏi cho Hà: Theo em trách nhiệm nuôi mẹ thuộc về ai?
Câu hỏi đó trăn trở trong đầu Hà cả tháng trời vì rất khó để trả lời đúng hay sai. Câu hỏi không chỉ dành cho những người con, mà còn gợi ra cả trăn trở cho các bậc cha mẹ liệu họ có nghĩ đến việc tự chăm sóc và nuôi bản thân khi về già?
Minh Hà: Sau một tháng, riêng Hà thì đã tìm được câu trả lời cho bản thân và Hà nghĩ rằng mỗi quý vị khán giả đi xem phim sẽ tự trả lời cho câu hỏi của riêng mình.
Với riêng Hà, thì Hà nghĩ lại cuối cùng những gì mình làm cho gia đình là yêu thương, chứ không phải trách nhiệm. Khi mình nghĩ đó là trách nhiệm thì mình sẽ rất khó trả lời tình huống đặt ra. Chỉ có sự yêu thương mới khiến mình thấu hiểu cho nhau, chia sẻ cho nhau và vượt qua được mọi giới hạn.
Sự đón nhận của khán giả dành cho Lật Mặt 7 là một sự lan tỏa yêu thương khiến anh Hải và Hà rất hạnh phúc.
Sẵn tiện đây thì Hà cũng muốn gửi gắm rằng quý khán giả hãy ở lại xem đến tận cùng của bộ phim, đừng bỏ lỡ đoạn kết sau để hiểu những tâm tư mà anh Lý Hải muốn gửi gắm.
Lý Hải: Hầu như trong câu chuyện, Lý Hải đều để lại một dấu chấm hỏi để mọi người tự suy nghĩ. Có 5 gia đình nhỏ trong một gia đình lớn thì trong 5 gia đình nhỏ đó đều là một dấu chấm hỏi để khi khán giả xem nếu như cảm nhận được gia đình mình gần gũi gia đình nào thì sẽ hòa mình và đặt mình vào vị trí đó để hiểu mình ở trong hoàn cảnh đó thì sẽ như thế nào. Mỗi một người sẽ có hoàn cảnh khác nhau và một góc nhìn khác nhau và từ đó sẽ tự trả lời câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai cho bản thân mình. Ngay cả với góc nhìn của những người lớn tuổi khi xem phim họ cũng sẽ có những câu trả lời cho riêng mình.
Lý Hải: Gia đình Lý Hải là gia đình Hai Khôn trong phim. Giờ nếu ngay trong đêm nói bỏ hết công việc để về chăm mẹ thì mình cũng sẽ thấy căng, phải rất khó khăn để xoay sở dù rõ ràng là mình không phải bất hiểu.
Minh Hà: Gia đình Hà là gia đình gốc Bắc, nên bản thân Hà cũng rất đồng cảm với gia đình người anh cả trong phim, đặc biệt là nhân vật Mai vợ Hai Khôn. Ngày xưa khi Hà mới quen anh Hải, đến nhà anh Hải chơi thì anh Hải có nói với Hà là sao em khách sáo quá vậy, nghe câu đó Hà rất buồn và tổn thương. Anh Hải nói qua nhà anh, em muốn coi tivi hay mở quạt làm gì thì cứ tự nhiên. Trong khi trong gia đình Hà thì Hà đã được dạy là đến nhà người khác không được tùy tiện, nhỏ đến lớn Hà không bao giờ tự ý mở đèn mở quạt mở tivi. Sau này Hà hiểu được là văn hóa ở miền Tây rất thoải mái, nếu theo nề nếp của mình thì mọi người sẽ thấy khó gần. Không có cái gì là xấu nhưng phải hiểu được văn hóa vùng miền mình mới có thể hòa hợp.
Cũng như nhân vật Mai vợ Hai Khôn, Hà cũng mang tâm thế người phụ nữ lo toan, hằng ngày sáng dậy đi chợ lo cho các con và quán xuyến việc nhà lẫn công việc làm ăn, Hà hoàn toàn hiểu và đồng cảm những gì nhân vật Mai phải chịu đựng.
"Không một bà mẹ nào muốn làm ảnh hưởng đến hạnh phúc hay gia đình riêng của con."
Lý Hải: Cha mẹ nào cũng thương con. Quan điểm anh chia sẻ là tiếng nói chung của rất nhiều người mẹ không muốn làm phiền con cái của mình, vì mẹ hiểu rằng con cái lớn có vợ có chồng, phải lo bao việc ngoài xã hội rồi gia đình riêng; không một bà mẹ nào muốn làm ảnh hưởng đến hạnh phúc hay gia đình riêng của con.
Nhưng ở góc nhìn của tôi, cha mẹ khi còn khỏe mạnh, đặc biệt là tỉnh táo thì mới chia sẻ mong muốn và suy nghĩ đó với con. Còn trong trường hợp mẹ Lý Hải, mẹ không còn minh mẫn, không tự lo được cho mình, thì liệu mẹ có sống trong nhà dưỡng lão được không? Trong viện dưỡng lão cũng có người chăm sóc nhưng sự chăm sóc đó có đáp ứng đủ với nhu cầu cho mẹ hay không? Mẹ Lý Hải không phải lẫn hoàn toàn mà lúc lẫn, lúc tỉnh; lúc lẫn sẽ quên hết con cháu, không biết buồn nhưng khi tỉnh có thể sẽ rất buồn.
Câu hỏi phim đặt ra là một câu hỏi rất lớn cho cả chính Lý Hải. Một tình huống rất khó xử, biết là mẹ mình không muốn phiền con cái nhưng với góc nhìn của một người con thì rất khó để mẹ mình sống trong viện dưỡng lão. Có thể sẽ có người nói Lý Hải có điều kiện nên mới nói vậy; nhưng trong cuộc sống nếu chúng ta cố gắng làm mọi cách bằng tâm của mình thì Lý Hải nghĩ sẽ vượt qua tất cả.
"Các con tôi thắc mắc sao con không được coi? Sao ba làm phim mà con nít tụi con không coi được, mấy bạn con rất thích phim Lật Mặt của ba"
Lý Hải: Ý tưởng phim này Lý Hải đã ước mơ làm lâu lắm rồi. Những phần Lật Mặt trước, khi tôi dựng phim ở nhà thì con đi học về là nhảy vào xem ké. Nhưng khi dựng đến phân đoạn nhạy cảm thì phải cho mấy bé ra ngoài, mấy bé thắc mắc sao con không được coi, sao ba làm phim mà con nít tụi con không coi được, mấy bạn con rất thích phim Lật Mặt của ba.
Tôi nghe vậy thôi nhưng thực sự để có một bộ phim mà rộng rãi mọi lứa tuổi xem lại là một điều rất khó chứ không hề đơn giản. Tôi ấp ủ ý tưởng đó, rồi đến Covid qua cuộc sống đảo lộn với rất nhiều khó khăn áp lực cơm áo gạo tiền, có những người rất hiến cũng trở nên dễ nổi nóng. Lý Hải nghĩ sao mình không làm gì đó tích cực. Mỗi buổi sáng chúng ta lướt mạng xã hội đã rất nhiều thông tin tiêu cực, đến độ Lý Hải Minh Hà phải kiểm soát rất kỹ những thông tin mà con mình xem. Bây giờ mình phải cố gắng làm một bộ phim không có tiêu cực, các nhân vật trong phim cũng không có người xấu.
Nếu như ai làm phim thì sẽ thấy rất là khó để kể một câu chuyện mà không có người xấu trong đó, nhưng lại phải đủ sức hút và đủ độ hấp dẫn cho người xem. Và khó nữa là bộ phim này mình xác định ngay từ đầu là cho mọi lứa tuổi, có nghĩa là con nít xem cũng có thể hiểu được, ông bà cụ 70 tuổi không quen xem nhịp phim nhanh cũng kịp hiểu và cả những người rành xem phim cũng chỉ thấy dư một xíu. Nếu dành cho khán giả trẻ thì nhịp phim sẽ nhanh hơn, tốc độ hơn; nhưng dự án này dành cho mọi người nên Lý Hải cũng có rất nhiều đắn đo khi dựng. Cắt, gọt, suy nghĨ xem nếu con mình không hiểu có sao không, lại bỏ vài lại, có dư không, lại cắt bớt.
Minh Hà: Anh Hải có rất nhiều ý tưởng để làm phim mỗi năm, vợ chồng Hà với anh Hải không vội vã. Như thói quen ngày ăn cơm ba bữa, hai vợ chồng cũng làm phim trải nghiệm để thực hiện đam mê của mình. Hai vợ chồng ngồi bàn với nhau xã hội năm nay thế nào, năm sau mình sẽ mang đến khán giả những gì để chọn lọc và quyết định về bộ phim năm sau sẽ phát triển từ kịch bản nào của anh Hải. Thời điểm rất quan trọng, quan trọng nhất là lắng nghe để biết được khẩu vị khán giả, khán giả đang mong mỏi điều gì.
"Nói "Lý Hải là ông hoàng miền Tây" thì không đúng."
Lý Hải: Đúng là Lý Hải có ý đồ đó. Rất may vợ mình là người Bắc 100% nhưng quả thực để chinh phục ý đồ này khó chứ không dễ. Cái khó của Lý Hải khi chỉ đạo diễn xuất cho diễn viên Minh Khuê là vấn đề lời thoại, ngôn ngữ. Nhân vật người vợ là người Bắc, nhưng lại có chồng là người Nam; 2 người sống với nhau mười mấy hai mươi năm nên sẽ khó có chuyện không ảnh hưởng về giọng nói, cách dùng từ. Vậy nên bắt buộc sẽ có tính toán cho hợp tình hợp lý, anh em phải ngồi với nhau để chuốt từng câu thoại. Rất may mẹ của Minh Hà là người Hà Nội gốc nên mẹ cũng góp ý rất nhiều cho lời thoại hợp lý và tự nhiên.
Minh Hà: Hà nhớ khi Lật Mặt 2 ra mắt, mọi người có nói Lật Mặt không phổ biến ở thị trường phía Bắc, điều đó cũng làm Hà rất trăn trở.
Thực tế cũng nhiều điều mọi người nói về anh Lý Hải cũng không đúng, do anh Hải cũng là người rất ít chia sẻ. Ví dụ, nói "Lý Hải là ông hoàng miền Tây" thì không đúng. Anh Hải kể cho Hà nghe khi anh Hải mới nổi tiếng thì anh nổi tiếng từ Hà Nội rồi mới dội ngược vào miền Nam, đi diễn miền Bắc còn nhiều hơn miền Nam nhưng mọi người vẫn hay gọi anh là "ông hoàng nhạc miền Tây". Bản thân Hà đọc báo nếu không nghe anh Hải nói cũng sẽ nghĩ như mọi người, do anh Hải cũng không đính chính.
Sau Lật Mặt 2, Hà nghĩ là các khán giả phía Bắc yêu thích anh Hải không biết anh đã chuyển qua làm phim, đó là cái sai của mình đã không dành đủ sự quan tâm cho khán giả miền Bắc. Vậy nên Lật Mặt 3 Hà đã tổ chức Premiere ở Hà Nội, khi đó Hà và anh Hải cũng rất hồi hộp vì mình biết khán giả Hà Nội có phần khắt khe hơn một xíu. Sau đó Lật Mặt 3 được khán giả premiere và báo chí ở Hà Nội đón nhận mình mới an tâm. Cách kể chuyện của anh Hải là kể chuyện điện ảnh chứ không kể chuyện bằng lời thoại nên sẽ không quá giới hạn ngôn ngữ và vùng miền, mọi người theo dõi hình ảnh sẽ hiểu được câu chuyện.
Kể từ Lật Mặt 3 đến nay, mỗi năm một bước để gần gũi hơn với các khán giả phía bắc. Năm ngoái Hà cũng có một minishow của anh Lý Hải dành tặng cho quý vị khán giả đồng hành trong buổi ra mắt Phim Lật Mặt 6 và năm nay cũng như vậy. Vì ekip không ở Hà Nội được lâu, không đi được những tỉnh thành miền Bắc nên Hà luôn ưu ái hơn một chút với 1000 phần quà riêng cho khán giả miền Bắc, dù không thể tiếp cận tất cả mọi người nhưng cũng cho thấy nỗ lực của Hà và anh Hải.
Khi đi tiền kỳ cho Lật Mặt 7 ở Hà Nội, Hà và anh Hải rất vui bởi vì chị bán tạp hóa hàng rong ở ngay bờ hồ cũng nhận ra ekip Lật Mặt 7 đang chuẩn bị quay phim, hay khi đi ăn vặt ở Ô Quan Chưởng mọi người cũng nhận ra đây là bà xã của Lý Hải. Hà hiểu được rằng mình muốn đến gần khán giả thì mình phải thật sự dành thời gian và sự quan tâm. Xin lỗi các khán giả miền Bắc vì những năm trước chưa đủ chinh phục khán giả, năm nay thì mình đã khắc phục lỗi rồi. Hi vọng rằng khán giả miền Bắc xem bộ phim Lật Mặt 7 này sẽ thấy được những cảnh đẹp của thủ đô Hà Nội và sẽ thấy hài lòng.
Minh Hà: Thật ra nếu tính thể loại phim thì vòng vòng cũng chỉ khoảng 10 thể loại thôi, điều khác biệt chính là câu chuyện phim. Lật Mặt 7 là thể loại lát cắt cuộc sống - slice of life, một câu chuyện với rất nhiều hoàn cảnh khác nhau, rất nhiều gia đình và con người khác nhau cùng hiện diện trong một bộ phim Hà xem cả phim rạp lẫn phim mạng thì đã 1, 2 năm gần đây chưa có câu chuyện thể loại lát cắt cuộc sống như bộ phim Lật Mặt 7: Một điều ước.. Mặc dù thể loại tình cảm gia đình có rất nhiều phim làm nhưng kiểu kể chuyện theo lát cắt cuộc sống như vậy thì có lẽ những năm gần đây Hà không thấy. Chính vì điều đó mà Hà với anh Hải quyết tâm thực hiện một bộ phim mà mọi người hay nói không phải sở trường của anh Lý Hải nhưng Hà hi vọng rằng qua Bộ phim này, mọi người sẽ không đóng khung anh Hải trong một sở trường nào nữa bởi vì anh Lý Hải đã làm qua gần hết các thể loại phim rồi.
Lý Hải: Như Minh Hà đã nói, trên thế giới nếu nói phim về gia đình thì phải đến hàng triệu bộ phim nhưng tại sao làm thì vẫn có người xem bởi vì mỗi bộ phim có một câu chuyện khác nhau. Ví dụ 10 ông đạo diễn đọc một quyển truyện nhưng khi mà họ thực hiện kể lại thành phim thì bảo đảm 10 câu chuyện đó khác nhau. Đó là nét đặc trưng của từng đạo diễn. Lật mặt 5 cũng là phim về gia đình khi một người chồng phải bảo vệ vợ và con mình xuyên suốt quá trình chạy trốn. Tất cả là phim về gia đình nhưng khác thể loại.
Lý Hải: Tôi quen quay những đại cảnh, quen việc trong phim mình phải có những điểm nhấn nào đó. Khi quay nhẹ nhàng quá thì tôi cảm thấy nó thiếu nên mình phải làm một cái gì đó để người ta cảm thấy tò mò. Nhiều bạn nghĩ lần phim này là phim tình cảm gia đình thì chắc đầu tư nhẹ lắm nhưng thật ra không có bộ phim nào đầu tư nhẹ hết. Có những cảnh rất hoành tráng lên phim chỉ có khoảng 30 giây, chưa đầy một phút thì Lý Hải vẫn đầu tư. Ví dụ như cảnh lễ hội lên phim đâu đó khoảng một phút nhưng để thực hiện được cảnh đó thì phải tính ra hàng tuần để setup tỉ mỉ. Đội thiết kế xuống gặp mấy chú, mấy bác để làm sao mà dựng và tái hiện lại cái cảnh ở chỗ đình phải được 100%.
Minh Hà: Ngay cả khía cạnh kịch bản, mấy hôm nay Hà đọc những bình luận nói kịch bản này khá bình thường. Hà thì không nghĩ như vậy. Hà nghĩ từ "bình thường" này nên thay bằng từ "gần gũi". Khi chứng kiến anh Hải viết kịch bản thì Hà thấy đây là một kịch bản rất khó viết, có tới năm gia đình trong một câu chuyện mà chỉ trải dài trong vòng 2 tiếng đồng hồ. Thông thường một gia đình là đã có thể viết thành một bộ phim rồi mà ở đây thì có tới năm gia đình với gần 50 diễn viên. Việc xếp bố cục để kể một câu chuyện bằng hình theo ngôn ngữ điện ảnh thì cực kỳ khó. Hà nghĩ rằng nói kịch bản này có nhiều chất liệu gần gũi thì sẽ đúng hơn bởi vì kịch bản này viết thật sự là không đơn giản.
Với tư cách là một nhà sản xuất, bạn sẽ thấy trong phim này bối cảnh trải dài từ Nam đến Bắc và giai đoạn tiền kỳ rất là lâu và mất thời gian. Đối với Lý Hải Production, giai đoạn Tiền kỳ thường lâu nhất, còn quay phim và dựng phim là nhanh nhất. Mọi người hay ngạc nhiên là sao bấm máy nhanh vậy, đó là khâu tìền kỳ là khâu chuẩn bị đã rất kỹ lưỡng và khớp hết để giai đoạn sau khớp bánh răng với nhau hết rồi.
Minh Hà: Về thời điểm phát hành phim thì giống như ông trời sắp đặt vậy đó, không biết sao mà cứ đến 30/4 hàng năm thì phim luôn hoàn thiện để ra mắt khán giả. Kể cả thời điểm dịch, sau 3 lần thay đổi lịch chiếu thì cuối cùng lật mặt 5 cũng được ra mắt vào tháng tư. Hà vẫn nghĩ rằng nếu là một bộ phim tốt thì có ra mắt vào thời điểm nào thì cũng sẽ được khán giả đón nhận mà thôi. Với Lật Mặt thì đến nay cũng là gần 10 năm rồi, năm nào đến 30/4 quý vị khán giả cũng chờ anh Hải có một bộ phim rạp. Đến nay thì đây không còn là đam mê riêng mình mà còn là trách nhiệm không để khán giả chờ đợi.
Mình làm gì cũng phải cần có duyên, Hà và anh Hải thì không bao giờ cố gắng làm điều gì mà mình không cảm thấy thuận lợi. Trước đây, khi anh Hải ra "Trọn đời bên em" thì anh Hải luôn ra vào dịp Tết nhưng không biết sao khi làm điện ảnh thì cái duyên nó lại vào dịp lễ 30/4. Biết đâu được trong những năm sắp tới lại có một bộ phim nào đó mà ông trời đưa đẩy mình lại ra mắt phù hợp vào dịp Tết. Mình cũng sẽ không biết được điều gì.
Đầu tiên, khi làm một dự án anh Hải sẽ không nghĩ đến doanh thu. Thứ hai là không nghĩ đến việc mình phải cố làm một điều gì đó mà mình phải luôn đặt trái tim của mình ở quý vị khán giả để lắng nghe những điều mà khán giả mong muốn. Mình đem lại ý nghĩa gì cho xã hội này, mình đóng góp được gì cho đất nước, con người và văn hóa của Việt Nam.
Lý Hải: Thật may mắn vì mỗi dự án mà Lý Hải làm thì hai vợ chồng và cả Ekip sẽ toàn tâm toàn lực tạo ra một sản phẩm tốt nhất. Đặc biệt là Lý Hải coi trọng nhất là uy tín tạo được trong lòng khán giả. Mọi người đã yêu thương Lật Mặt từ 1 đến 6 rồi thì không có lý do gì mà mình làm cuốn 7 tệ hơn cả. Chính vì thế, không riêng vợ chồng mình mà cả anh em ekip phải ngồi lại với nhau để làm sao có một sản phẩm tốt nhất để trình làng.
Minh Hà: Đến hôm nay thì anh Lý Hải cũng đã trải qua rất nhiều thể loại phim, từ hành động đến hành trình, đến phim ma, đến phim tâm lý. Và ngày hôm nay thì kể một câu chuyện tình cảm rất là mượt mà. Hi vọng là mọi người thấy được sự nỗ lực trong chính bản thân anh Lý Hải, anh luôn đổi mới bản thân không ngừng để phục vụ quý vị khán giả.
Lý Hải: Thật ra lúc nào cũng vậy thôi. Khi cuốn 6 mới phát hành, rồi chiếu nước ngoài, chính tôi cũng tự hỏi ủa giờ cuốn 7 mình làm gì ta? Không biết là có tốt hơn cuốn 6 không? Nhưng nếu mình cứ ngồi nghĩ thì biết chừng nào có sản phẩm, nên thôi cứ bắt tay vào viết, cứ thế mày mò rồi tập trung làm việc.
Minh Hà: Hà thì nghĩ rằng cái gì mình cứ làm áp lực cho mình thì nó sẽ khó cho mình. Giống như Hà làm công việc cũng vậy, Hà không bao giờ nghĩ chuyện Hà không làm được tại vì khi mình nghĩ mình không làm được là mình đã thua ngay từ lúc bắt đầu rồi. Cho nên là trong đầu Hà không bao giờ nghĩ là không làm được cũng như không áp lực. Mỗi dự án khi mà bắt đầu, Hà đều coi rằng đó là dự án đầu tiên bởi vì mình đang làm trong một lĩnh vực đòi hỏi sự sáng tạo rất cao cho nên việc mình làm lại những điều đã có ở năm ngoái thì đã là không nên rồi. Hà và anh Hải luôn nghĩ khi bắt đầu một dự án mới mình nghĩ rằng mình không có gì trong tay cả và mình đang là ngày đầu tiên khi mình làm Lật Mặt. Mình hãy nhớ đến thời gian đó mình đã cố gắng và nỗ lực như thế nào, mình đã say mê như thế nào và mình hãy dành trọn con tim cho điều đó thay vì nghĩ đến chuyện áp lực. Hãy làm điều gì hoàn toàn mới mẻ và hãy nỗ lực hết sức.
Minh Hà: Ông bà hay có câu nói trước bước không qua. Tất nhiên dự tính thì sẽ có chứ không phải không nhưng mà thật sự không dám nói trước. Đến bây giờ Hà với anh Hải có kinh nghiệm của mình đó là mình không lên một kế hoạch quá dài hạn mà cứ một năm mình lại phải nhìn lại hành trình mình đi như thế nào, mình phải sắp xếp lại những mục tiêu dự định tương lai cho nó phù hợp. Tại vì bản thân Hà trước đây đã từng có dự định rất dài đó là qua 30 tuổi Hà mới lấy chồng và chị có một đứa con duy nhất thôi. Nhưng tới khi gặp anh Hải thì tất cả dự định của mình thay đổi 180 độ. Khi đó Hà mới rút kinh nghiệm có lẽ mình không nên dự định quá nhiều mà mỗi một năm mình phải nhìn lại chặng đường mình đã đi để học hỏi, cải tiến mình hơn, để phù hợp với xã hội, phù hợp với xu thế và sự phát triển với công việc mà mình đang làm.