"Mớ hỗn độn" Suicide Squad
Vì sao DC mãi hụt hơi trên
màn ảnh rộng?
"Để mà nói là phim bị lệch nội dung thì cũng chẳng đúng, làm như nó có nội dung để mà lệch ấy". Anthony Lane, NewYorker.
Cách đây vài ngày, bom tấn Suicide Squad đã chính thức đổ bộ xuống các rạp phim trên toàn cầu. Và giống như người tiền nhiệm Batman v Superman: Dawn of Justice, Biệt Đội Cảm Tử của Warner Bros. tiếp tục trở thành ranh giới chia rẽ người hâm mộ DC và phần còn lại của thế giới điện ảnh.
Đơn giản là vì người ta đã đặt quá nhiều hy vọng vào Suicide Squad. Ngay từ trong quá trình sản xuất, Suicide Squad đã khiến người hâm mộ sôi sục bởi tạo hình ấn tượng của Joker, Harley Quinn và những thành viên khác của Biệt Đội Cảm Tử. Bên cạnh đó, câu chuyện hậu trường giật gân về việc nam diễn viên Jared Leto gửi đến bạn diễn của mình những thứ kì dị như chuột sống, đạn thật hay heo chết cũng khiến báo chí hao tổn rất nhiều giấy mực. Không dừng lại ở đó, còn có tin đạo diễn David Ayer phải thuê cả bác sĩ tâm lý về để phòng trường hợp các diễn viên vượt quá giới hạn tinh thần khi diễn xuất.
Khi trailer đầu tiên của Suicide Squad được tung ra, công chúng dường như vỡ òa vì tin rằng đây chính là niềm hy vọng của Vũ trụ Điện ảnh DC. Từ đó, hàng loạt những hình ảnh quảng bá được tung ra đều đặn cho đến ngày công chiếu để nhắc nhở Disney/Marvel và 20th Century Fox hãy coi chừng, Warner Bros. và DC đã vào cuộc rồi.
Tuy nhiên, hy vọng càng nhiều thì thất vọng càng nhiều, Suicide Squad thực sự là một bước đi vội vàng và hấp tấp của Warner Bros. và DC. Bộ phim mở đầu việc giới thiệu toàn bộ các thành viên của Biệt Đội Cảm Tử. Tiếc rằng, quá khứ lẫy lừng của các tử tù này thú vị và ấn tượng bao nhiêu thì khi hợp thành một đội, mỗi nhân vật lại trở nên cực kì lạc lõng và nhạt nhòa. Hãy nhìn thử vào Guardians of Galaxy, đây cũng là một tập hợp của những kẻ bất trị, nhưng mỗi thành viên đều có những khoảnh khắc và cá tính riêng, quan trọng nhất, đó là vai trò từng nhân vật khác nhau. Còn với Suicide Squad, hẳn khán giả sẽ quên luôn những nhân vật mờ nhạt như Killer Croc, Katana hay Slipknot sau khi họ đã xem phim.
Một nhân tố khác khiến Suicide Squad chưa thể thỏa mãn người xem là sự xuất hiện của The Joker. Trong truyện tranh cũng như trên phim, The Joker luôn được xem là một trong những đối thủ đáng gờm nhất của Batman. Rất nhiều diễn viên nổi tiếng đã vào vai Joker và tạo ra những sắc thái rất riêng cho tên hề có nụ cười điên dại này, và không thể phủ nhận một điều rằng, di sản mà cố diễn viên Heath Ledger để lại là quá lớn.
Người viết tin rằng bản thân mình và những người khác, đã từng thấp thỏm mong rằng một diễn viên tài năng như Jared Leto sẽ đem lại diện mạo hoàn toàn mới cho Joker. Nhưng không, Suicide Squad không làm được điều này, sự xuất hiện của Joker trong phim là một cái gì đó “vừa thừa vừa thiếu”. Thứ nhất, kết nối của The Joker với Biệt Đội Cảm Tử là gần như không có. Nhân vật của Jared Leto hiện lên như một người tình cuồng si của Harley Quinn, lúc nào, hắn cũng chỉ bày mưu tính kế để cùng cô bạn gái “rủ nhau đi trốn”. Hẳn ai cũng nghĩ The Joker sẽ là người đứng sau giật dây Biệt Đội Cảm Tử để chống lại chính phủ hay Batman, nhưng không, The Joker chỉ xuất hiện trong phim vì anh đã lỡ có mặt trong trailer.
Vai trò đã không rõ ràng, nhưng tần suất xuất hiện trong phim của Joker cũng gây ra tranh cãi. Rất nhiều hình ảnh của Joker trong chiến dịch quảng bá đã “mất tích” trong bản phim chiếu rạp. Chính diễn viên Jared Leto, trong phỏng vấn của mình, đã nửa đùa nửa thật mà nói rằng: “Nếu tôi chết sớm, may ra những đoạn phim về Joker sẽ được công bố”. Và quả thực, nếu The Joker chỉ đóng vai trò phụ như vậy, thì tại sao nhân vật này lại được dùng như mồi câu chính để quảng bá cho Suicide Squad? Điều này chắc chỉ có nội bộ của Warner Bros. và DC trả lời được. Nhưng chắc chắn một điều rằng, hình ảnh của The Joker do Jared Leto thủ vai đã đem lại một ấn tượng xấu cho người hâm mộ vì sự thiếu định hướng từ nhà sản xuất.
Suicide Squad gỡ gạc lại ở sự quyến rũ của Harley Quinn, cái của hài hước sát thủ Deadshot cùng những bài nhạc phim cực chất, nhưng như vậy là chưa đủ. Sự lỏng lẻo trong tình tiết câu chuyện, kẻ phản diện chính yếu ớt đã khiến cho bộ phim mất đi cái sự sống động mà người xem hằng mong đợi.
Đã thu về đến hơn 140 triệu USD ở Bắc Mỹ sau khi ra mắt, Suicide Squad đã đạt được con số mơ ước của nhiều bộ phim cũng như đánh bại kỷ lục ra mắt của Guardians of Galaxy cách đây hai năm. Trong thời gian tới, cũng chưa có bom tấn nào có thể đối đầu với Biệt Đội Cảm Tử nên việc phim tiếp tục kiếm bộn tiền giống như Batman v Superman: Dawn of Justice là chuyện hoàn toàn dễ dàng. Tuy nhiên, chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận rằng bộ phim Suicide Squad có rất nhiều vấn đề trong khâu xây dựng kịch bản. Tệ hơn nữa, phiên bản ra rạp của Suicide đã bị cắt xén đi rất nhiều do những bất đồng giữa đạo diễn David Ayer và Warner Bros.
Đã rất thành công với bộ ba về Batman do Christopher Nolan đạo diễn nhưng đến khi xây dựng Vũ trụ Điện ảnh của riêng mình, DC và Warner Bros. lại vấp phải rất nhiều khó khăn. Vậy nguyên nhân gì khiến bộ máy hùng mạnh của DC vẫn chưa thể hoạt động trơn tru?
Trước hết phải khẳng định, trong thế giới truyện tranh không phân ra rạch ròi “DC là đen tối, Marvel là tươi sáng”. Mỗi hãng có vô số đầu truyện với phong cách khác nhau và bản thân Marvel cũng có những nhân vật vô cùng bạo lực như Punisher hay Blade. Ngay cả khi chuyển thể lên màn ảnh, Marvel cũng thể hiện sự đa dạng khi dành riêng mảng truyền hình ở Netflix cho các nhân vật đen tối như Daredevil hay Jessica Jones, còn các phim điện ảnh thường hài hước hơn.
Vũ trụ Điện ảnh DC ra đời khi Marvel Studios đang ở đỉnh cao với The Avengers. Việc mở lối đi riêng so với người tiền nhiệm là hoàn toàn hợp lý, nhưng với trường hợp của DC, có lẽ định hướng này đi quá mức cần thiết. Trong quá trình quảng bá, Warner Bros. liên tục đánh mạnh vào yếu tố “đen tối” để chứng tỏ “chúng tôi rất khác với Marvel”. Điều này cũng buồn cười như chính bộ phim Suicide Squad, khi mà nhóm ác nhân trong phim cứ vài phút lại phải nhắc lại “chúng tôi là người xấu” như sợ khán giả quên mất vậy. Ngoài ra, còn có tin đồn DC còn đề ra chính sách “không nói đùa trong phim”.
Sự đen tối gượng ép sẽ không phù hợp trong một số trường hợp cụ thể. Hãy nhìn vào Superman – người mang trên ngực biểu tượng của sự “Hy Vọng”. Xét về bản chất, ngoài sức mạnh vô song của mình, Superman là một người nông dân chân chất, không bao giờ so đo và toan tính. Nhưng khi bước vào những thước phim ảm đạm của DC, áp lực phải “trở thành Chúa trời hoặc không gì cả” đã đè nặng lên vai của Người Đàn ông Thép. Hãy nhớ, vào thời điểm này, anh vẫn là gã trai quê mùa hơn ba chục tuổi, một phóng viên hiền lành của tòa soạn Daily Planet. Rõ ràng, cả Superman lẫn người xem chưa được chuẩn bị tinh thần để đối diện với những vấn đề phức tạp mang tầm vóc vĩ mô. Như một hệ quả, nhân vật của Superman trong hai phần phim Man of Steel lẫn Batman v Superman: Dawn of Justice luôn trong trạng thái cảm tính, tẻ nhạt và bị động.
Lại nói đến đối thủ của Superman trong Dawn of Justice, là Batman. Hình tượng của Kỵ Sỹ Bóng Đêm được lấy cảm hứng từ tác phẩm The Dark Knight Return của Frank Miller. Lúc này, Bruce Wayne/Batman đang ở cái tầm ngũ tuần, khủng hoảng về mặt tinh thần, luôn gặp những cơn ác mộng trong đêm. Batman dần trở thành một con người có phần cay độc, sẵn sàng giết chết lũ tội phạm, sẵn sàng tiêu diệt bất cứ ai đe dọa sự an toàn của bản thân cũng như thành phố anh bảo vệ. Có thể thấy, sự đen tối dành cho Batman là rất hợp lý. Trong The Dark Knight Return, Batman không dừng bước trước bất kì ai, kể cả đó là Người Đàn ông Thép. Nhưng trong Dawn of Justice, Bruce Wayne đồng cảm với Superman chỉ vì mẹ của cả hai cùng có tên là Martha. Chính chi tiết dễ dãi này đã phản bội lại tông màu đen tối và sâu sắc mà Warner Bros. và Dc cố gắng xây dựng cho bộ phim.
DC muốn đối nghịch với Marvel, muốn lặp lại thành công của The Dark Knight nhưng họ chỉ thực hiện nó một cách “bề ngoài” bằng màu sắc ảm đạm trong các cảnh quay. Trong khi đó, điều cốt lõi là một kịch bản ấn tượng thì vẫn còn thiếu.
DC có lịch sử các nhân vật nổi tiếng và giàu tính biểu tượng hơn Marvel. Bản thân hãng Warner Bros. cũng nắm toàn quyền chuyển thể các nhân vật DC chứ không có những đứa con “lưu lạc” ở hãng khác như Marvel. Nhưng, lợi thế này hóa ra lại trở thành sự bất lợi. Vũ trụ Điện ảnh Marvel thành công vì hầu hết các nhân vật của họ còn mới mẻ, các diễn viên như Robert Downey Jr. hay Chris Evans không chịu áp lực phải so sánh với ai.
Với DC, mọi chuyện khác hẳn khi đã có không ít phiên bản về Superman, Batman hay Joker trên màn ảnh. Thật khó khăn cho Ben Affleck hay Jared Leto khi phải sống trong cái bóng của Christian Bale hay Heath Ledger. Khi nhập vai Superman, Henry Cavill cũng gánh trách nhiệm ngàn cân trên vai để tiếp nối di sản của Christopher Reeve.
Ngoài ra, việc tồn tại một vũ trụ truyền hình riêng biệt cũng ảnh hưởng đến vũ trụ điện ảnh DC. Từ khi nhận vai Flash, Ezra Miller đã không ngừng bị các fan của Grant Gustin (bản truyền hình) chê bai. Mới đây nhất, loạt phim Supergirl cũng vừa công bố sự xuất hiện Superman. Như vậy là chúng ta có đến hai Người Đàn Ông Thép trong cùng thời điểm. Một số tình tiết “độc và lạ” như hồ Lazarus có khả năng hồi sinh hay Flash chạy về thay đổi quá khứ cũng đã được “xào nấu” nhiều lần trên màn ảnh nhỏ. Nếu chúng lại xuất hiện trên phiên bản điện ảnh, khán giả sẽ không còn bất ngờ nữa.
Năm 2016 được coi như cột mốc hoàng kim của dòng phim siêu anh hùng khi cả Warner Bros./Dc, Disney/Marvel và 20th Century Fox cùng ra mắt những bộ phim quan trọng nhất nằm trong Vũ trụ Điện Ảnh do mỗi hãng xây dựng nên.
Lâu đời nhất, có lẽ là Fox với thương hiệu X-Men được thiết lập từ năm 2000. Sau 9 bộ phim, X-Men đã hãnh diện đứng trong hàng ngũ những thương hiệu kiếm tiền khủng nhất thế giới khi mang về cho hãng Fox hơn 4,3 tỷ USD toàn cầu. Có thể, khi bắt đầu làm phim về X-Men, hãng Fox chưa định hình rằng mình sẽ xây dựng một Vũ trụ Điện ảnh, nhưng qua từng tác phẩm, Fox đã cố gắng đưa tất cả các nhân vật vào một vũ trụ hợp nhất. Trong tương lai, phần phim cuối của Wolverine, Deadpool 2 hay phần phim riêng của Gambit cũng sẽ giúp cho Vụ Trụ Điện ảnh của X-Men được mở rộng hơn nữa.
Quả bom Deadpool hồi đầu năm cho thấy một nỗ lực của Fox trong việc chứng minh việc phim siêu anh hùng dù cho có tục tĩu và bạo lực thì vẫn cứ ăn khách như bình thường. Đáng tiếc, X-men: Apocalypse lại có chất lượng không tốt và thất bại tại phòng vé.
Khởi đầu muộn hơn Fox, nhưng chính Marvel Studios mới là những người đầu tiên xây dựng Vũ trụ Điện ảnh với những kế hoạch dài hơi và bài bản. Chủ tịch Kevin Feige nắm quyền lực gần như tuyệt đối trong việc định hướng cũng như tuyển chọn đạo diễn cho từng dự án. Trong những phim bị đánh giá thấp như Thor 2 hay The Incredible Hulk, chúng ta vẫn thấy một đường dây tâm lý mạch lạc, câu chuyện ăn khớp với vũ trụ chung.
Và trong năm 2016, tất cả những nỗ lực của Marvel đã được đền đáp xứng đáng khi quả bom Captain America: Civil War đã làm rung chuyển phòng vé thế giới. Giới phê bình, người hâm mộ cũng như những khán giả thông thường đều phải ngợi khen tác phẩm này. Thành công của tác phẩm này không phải do ngày một ngày hai mà thành. Nó là kết quả của quá trình gần 10 năm xây dựng Vũ trụ Điện ảnh của Marvel và Disney.
Và cuối cùng, DC chính thức vào cuộc vào năm 2013. Mở đầu Vũ trụ Điện ảnh của mình với nhân vật biểu tượng Super-Man trong bộ phim Man of Steel. Gặt hái được ít nhiều thành công, nhưng phải mất đến ba năm thì Batman v Superman mới ra đời. Lúc đầu, dự án này tập trung vào Superman, nhưng rồi các nhà sản xuất quyết đẩy vai trò của Batman lên. Kết quả là một bộ phim nhồi nhét quá nhiều thứ: xuất thân của Batman, cái chết của Superman, cuộc ra mắt của Wonder Woman, màn đi ngược thời gian của Flash và thêm ba pha cameo khác nữa. Điều này khiến khán giả lần đầu biết đến vũ trụ DC không khỏi bỡ ngỡ.
Zack Snyder vì vậy cũng “mất điểm” trong mắt các lãnh đạo Warner Bros. Lúc này hãng bắt đầu lo lắng cho dự án sắp ra mắt là Suicide Squad. Sau khi xem bản dựng thử, các chóp bu của Warner Bros. sợ phim quá bạo lực và ảm đạm, đi theo con đường của Batman v Superman. Họ yêu cầu đạo diễn David Ayer quay lại một số cảnh để tăng độ hài hước. Thế nhưng chính điều này đã khiến Suicide Squad có phong cách bất nhất, nhập nhằng giữa hài và nghiêm túc, đường dây tâm lý không ổn định.
Để đón đầu Avengers: Infinity War (2018), hãng Warner Bros. dự định công chiếu Justice League vào năm 2017. Như vậy, họ làm phim chung về nhóm trước, sau đó mới đến phim riêng về các nhân vật như Flash, Cyborg và Aquaman. Một lần nữa, sự “chạy đua” với Marvel này có thể dẫn đến hậu quả là khán giả bối rối vì chưa hiểu được các nhân vật.
Mặc dù vậy, gần đây Warner Bros. đã cho thấy tín hiệu tích cực qua việc bổ nhiệm Geoff Johns làm “tổng quản“ mảng phim DC. Năm nay 43 tuổi, Johns có nhiều kinh nghiệm trong cương vị nhà sản xuất và biên kịch phim. Đặc biệt, ông là một fan cứng của truyện tranh DC và còn đảm nhận chức vụ giám đốc sáng tạo của hãng từ năm 2010. Tầm nhìn của Geoff Johns được kỳ vọng sẽ giúp vũ trụ điện ảnh DC hoạt động thống nhất hơn trong tương lai.