Ở thời đại mới, nhiều bậc phụ huynh cũng đã tiếp cận và đồng tình với ý kiến trên. Tuy vậy vẫn tồn tại một vấn đề thực tế là: cha mẹ nào cũng rất hào hứng khoe những thành tích dù là nhỏ nhất của trẻ, nhưng lại chưa sẵn sàng sẻ chia như vậy trong những tình huống trẻ đương đầu với thử thách.
Dịch bệnh trở lại đưa chúng ta về chế độ “phòng bị”. Bao hoạt động tạm dừng và như một lẽ tự nhiên, chúng ta hào hứng hơn với MXH. Không gian thu nhỏ bằng chiếc màn hình sáng đèn là nơi ta tâm tình, chia sẻ kiến thức… và cả khoe con: Bức tranh đầu tiên con vẽ, bài tập viết được điểm 10, tấm bằng khen Học sinh Giỏi… Bản thân tôi – một bà mẹ 9x cũng không phải ngoại lệ khi nhất cử nhất động của con đều được chia sẻ, cùng với đó là cảm xúc pha trộn giữa yêu thương, tự hào…
Lướt trên MXH, chúng ta dễ dàng thấy các bà mẹ nổi tiếng cũng thích thú với việc khoe các “nhóc tì” nhà mình: học nói rất siêu, hát hay dõng dạc… Đó là tâm lý dễ hiểu, là nhu cầu chính đáng nhất là khi các chuyên gia về trẻ em đều khuyến khích bố mẹ: “Đừng kiệm lời khen con!”. Trên tạp chí American Baby (3/2007), Dana Sullivan – người từng dành thời gian nghiên cứu về trẻ, đồng thời là tác giả hàng loạt đầu sách cho các con như Kay’s Alphabet Safari (2014) hay Family Farm (2018) cũng khẳng định: “Trẻ coi việc khen ngợi là một phần thưởng, là cách giúp chúng học được loại hành vi nào có thể chấp nhận được”.
Nhưng có một điều chắc chắn: Có những thời điểm, trẻ vẫn phải đương đầu thử thách thậm chí chật vật trước những khó khăn. Những đứa trẻ nổi tiếng, tưởng như sinh ra ở “vạch đích” cũng vậy. Thử lướt qua Facebook của các hot mom, hot dad mùa hè vừa qua, có lẽ ai cũng sẽ rất ngỡ ngàng khi nhận ra rằng, bé nào cũng từng trải qua cung bậc tương tự như con nhà mình hay chính mình ngày nhỏ, dù được tạo điều kiện tốt hơn đến mấy. Là con trai một nhạc sĩ nổi tiếng, Rio vẫn gặp khó khăn khi tập đàn, bé Xoài nhà Trang Lou “chán nản, hết gục xuống bàn thế này rồi lại nhúc nhích đứng ngồi không yên” khi tập viết chữ.
Bố mẹ Việt hiện đại liệu có dám khuyến khích, tạo cho con cơ hội thử thách để lớn khôn như những gì được “hô khẩu hiệu” trên các phương tiện truyền thông?
Hương Giang, đồng nghiệp của tôi là một bà mẹ trẻ 9x hiện đại. Khi được hỏi về cách cô xử trí lúc con mình phải đương đầu với khó khăn, tôi vẫn thấy sự hoang mang trong suy nghĩ của người mẹ trẻ này: “Thử thách đến đâu là đủ và đúng cách? Đâu là ranh giới giữa trẻ tự lập và trẻ phải… tự bơi?”. Bản thân tôi cũng tự hỏi bản thân rằng, liệu có nên chia sẻ những hình ảnh khi con thất bại, vì sợ con ngại ngần, cảm thấy yếu thế, mất vui…
Đi kèm với tâm lý bối rối, nhiều phụ huynh đã chọn cách nói “không” khi con muốn dấn thân đương đầu với một thử thách mới. Trong bài phát biểu của mình, Simon T.Bailey – Top 25 Diễn giả nổi tiếng thế giới, tác giả của những cuốn sách thuộc hàng best-seller tổng kết: “Từ thuở ấu thơ tới năm 17 tuổi, trẻ phải nghe tới 150.000 lần câu nói ‘không’ và chỉ có 5.000 câu nói ‘có’. Nhưng thực tế là càng nghe thấy nhiều lời nói ‘không’, con càng nghĩ rằng mình không thể trở thành người mà con muốn”. Khi bố mẹ nói “không” với việc con đương đầu thử thách, dần dần, con sẽ nghĩ rằng mình không thể làm được, hoặc cho rằng, việc xoay sở với thử thách là điều không nên nhớ tới, không đáng trân trọng.
Chuyên gia tâm lý Lê Khanh – Giám đốc Trung tâm GDĐB Diệp Quang (An Giang) cũng thừa nhận rằng ở Việt Nam, việc trẻ gặp thử thách hay thất bại đôi khi bị cho là việc mà “hai mẹ con nên quên đi”. “Trên Facebook, phụ huynh thường chỉ thích đưa ra những thành tích học tập, hình ảnh đẹp, dễ thương của trẻ, mà ít khi chia sẻ khi trẻ gặp khó khăn trong các thách thức vì cho rằng điều đó chứng tỏ cách giáo dục của mình kém cỏi, không muốn con mình làm trò cười cho mọi người”.
Tuy nhiên, thực tế đời sống lẫn nghiên cứu khoa học đều đã chỉ ra rằng, việc tạo cơ hội cho trẻ thử thách đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển của con. Thậm chí, bên cạnh chỉ số IQ, EQ, còn có một chỉ số khác mà bố mẹ thường bỏ quên nhưng lại rất cần được tiếp cận đúng: AQ! Chuyên gia Lê Khanh khẳng định: “Đương đầu với thử thách là một năng lực cần thiết trong cuộc sống. Các nhà khoa học gọi đó là chỉ số vượt khó (Adversity Quotient – AQ).
Khái niệm mới này được nhà tâm lý người Mỹ Paul Stoltz lần đầu tiên đưa ra năm 1997 trong cuốn sách “Adversity Quotient: Turning Obstacles into Opportunities” (AQ: Xoay chuyển trở ngại thành cơ hội).
Trong đó, ông định nghĩa, AQ là đại lượng đo khả năng dám đối diện và biết xoay sở của một người trước các thay đổi, áp lực và các tình huống khó khăn. Trước đây, người ta chỉ thấy sự cần thiết của Chỉ số Thông Minh (IQ) hay chỉ số Cảm xúc (EQ). Tuy nhiên, vẫn có những trẻ và những người có đủ IQ, có khả năng EQ tốt, mà vẫn thất bại trong cuộc sống. Đó là bởi họ không có đủ nghị lực và khả năng đương đầu với thử thách và đủ kiên trì để vượt qua những trở ngại, khó khăn!”.
Nhưng trên thực tế, chuyên gia khẳng định, nếu không chấp nhận và rèn luyện cho con, trẻ sẽ rất khó khăn để trưởng thành về mặt tâm lý và đương đầu với những sóng gió sau này. Tất nhiên, không nên khuyến khích con “lao đầu” vào thử thách, hay để mặc trẻ phải xoay sở với những thách thức đôi khi vượt quá tầm kiểm soát hay năng lực của con. Thậm chí, theo chuyên gia Lê Khanh, việc đưa lên MXH những trò đùa nguy hiểm của trẻ và xem đó là thử thách có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Chính vì vậy, mỗi chúng ta nên hướng dẫn và rèn luyện để trẻ dần dần có khả năng đương đầu với thử thách trong phạm vi an toàn chứ không phải là liều mạng.
Soi chiếu vào phương pháp đồng hành cùng con ở các quốc gia tiên tiến, có thể thấy, chỉ số vượt qua thử thách này đã được quan tâm từ lâu . Trên chuyên trang tâm lý học Psychalive, Tiến sĩ Tâm lý gia đình và trẻ em Debra Kessler từng chia sẻ: “Vào những năm 1960, rất ít người quan tâm tới việc học từ những thách thức, mà dễ dàng gán cho trẻ là chậm hiểu, gặp khó khăn về tâm lý… Rất nhiều người sau này khi đã trưởng thành vẫn để lộ vết sẹo là sự xấu hổ một cách sâu sắc, nghi ngờ khả năng của mình.”
Và theo chuyên gia này, ở thời đại ngày nay, phụ huynh, giáo viên và các chuyên gia tâm lý có thể can thiệp bằng cách đồng hành cùng con, chỉ ra cho trẻ thấy con làm tốt việc gì và còn điểm yếu ở đâu, để từ đó trẻ hiểu rõ bản thân, rút kinh nghiệm, trau dồi học hỏi và có động lực đương đầu thách thức trong lần sau.
Cũng theo chuyên gia Lê Khanh, những lời động viên “suông” là chưa đủ mà chính người lớn cần phải có chiến lược đầu tư để con trẻ có sức chịu đựng tốt, đề kháng với môi trường – đây là một việc làm hoàn toàn thiết thực. “Tập cho con quen với nắng mưa, sương gió một cách có tính toán, từng bước một thông qua các hoạt động vui chơi tự nhiên, những chuyến dã ngoại ngoài thiên nhiên".
Cách tiếp cận này là hoàn toàn có cơ sở khoa học. Cụ thể, nhà tâm lý học môi trường Louise Chawla đã nhận thấy rằng, việc tiếp xúc thường xuyên với thiên nhiên có thể làm giảm các triệu chứng rối loạn thiếu tập trung và tăng cường trí nhớ; góp phần làm giảm tỷ lệ trầm cảm. Tuy nhiên, cần phân biệt các hoạt động trải nghiệm thực sự với những kỹ thuật được hướng dẫn cẩn thận bởi những người có kinh nghiệm để con biết phòng tránh tai nạn, bảo vệ bản thân, tôn trọng khung cảnh thiên nhiên và môi trường.
“Điều này khác hoàn toàn với các chuyến tham quan cưỡi ngựa xem hoa, đi dã ngoại mà ăn cơm hộp, ngủ phòng máy lạnh và tệ hơn nữa, khi rời đi để lại sau lưng một bãi rác với vỏ chai, giấy vệ sinh, bao nylon bừa bãi”.
Một trong những lỗi mà bố mẹ thường mắc phải là cho con tham gia thật nhiều khóa học kỹ năng mà không chọn lọc. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây là một hướng đi cần có sự cân nhắc, chọn lọc cẩn thận. Thực tế, việc tập luyện cho trẻ biết đương đầu với thách thức không phải là cho con tham gia những khóa học “mì ăn liền” mà ở đó, trẻ em được tác động theo kiểu ám thị với tâm lý đám đông, mà là những rèn luyện hàng ngày một cách đơn giản trong gia đình, thông qua các hoạt động giữ gìn vệ sinh cá nhân, tự phục vụ bản thân, giúp việc nhà cùng những hoạt động tập thể với bạn bè cuối tuần.
Bạn có thể cho rằng, trẻ em ở nông thôn thì “auto” khỏe mạnh, rắn rỏi hơn trẻ em thành thị? Đó là sự thật nhưng là kết quả của một quá trình rèn luyện tự nhiên. Một đứa trẻ ở thành phố được khuyến khích bước ra ngoài thiên nhiên hợp lý vẫn có được những tố chất cần thiết để khỏe mạnh và đương đầu thách thức!
“Bổ sung cho con một chế độ ăn uống đầy đủ, bổ sung sữa tươi đặc biệt ở giai đoạn từ 4 - 12 tuổi” là lời khuyên của chuyên gia. Và ngay cả cách lựa chọn từng sản phẩm cũng cần sự để tâm, sát sao của bố mẹ. Chẳng hạn, giữa vô vàn nhãn sữa trên thị trường, hãy chọn cho con dòng sữa tươi thực sự an toàn, tinh khiết, với các chỉ số đúng thậm chí vượt chuẩn, cung cấp đủ canxi, vitamin và khoáng chất cho trẻ. Đó là một quá trình cần sự đầu tư chính đáng, đúng nghĩa, không được hời hợt, qua loa!
Tôi biết là rất khó, nhưng các chuyên gia đều dặn chúng ta – những người làm cha, làm mẹ phải nhớ: đối diện thử thách nghĩa là không chỉ có hoa hồng mà có cả gai nhọn. Hải Long – một ông bố trẻ có tư duy rất “mở” chia sẻ: “Tôi khá bối rối chưa biết ứng xử thế nào khi con chật vật trước những thử thách, và cả thất bại nữa. Theo tôi, thất bại cũng là trong những thử thách khó nhất mà cả cha mẹ và con cái phải vượt qua!”.
Việc tập cho con biết thế nào là khó khăn và chấp nhận thất bại quan trọng không kém sự ngợi khen khi trẻ đạt được kết quả tốt. Chuyên gia Lê Khanh bày tỏ quan điểm: “Khi trẻ gặp thất bại, sự an ủi qua loa đôi khi không tác dụng, nhưng sự nhìn nhận các cố gắng của con, tìm ra điều tích cực mà trẻ đã làm được trong chính thất bại của con, mới là điều quan trọng, để trẻ con không thua, mà chỉ chưa thắng! Hãy thẳng thắn chỉ ra cho trẻ thấy các điểm hạn chế và cùng với trẻ tìm ra biện pháp khắc phục”.
Trẻ em không cần lời khuyên đạo đức, không nhớ các lý thuyết về tốt xấu, nhân quả, cũng không có ý chí như người lớn, để vượt qua thất bại trong cuộc đời bằng những lời phê phán, chê bai. “Nhóc tì” cần có sự quan tâm và cả những phần thưởng cụ thể về tinh thần, vật chất để dần dần cải tiến, nâng cao khả năng linh hoạt, sự kiên trì chấp nhận thử thách. “Cùng nhau làm, cùng nhau cùng nhau vượt qua thử thách chính là những yếu tố đem lại sự thành công trong tiến trình giúp con thành người”!
Và cả trẻ lẫn bố mẹ đều phải học cách chấp nhận: “Điều làm trẻ em lo sợ không phải là sự thất bại, mà là thái độ không chấp nhận của phụ huynh các em, để từ đó chính các em cũng không chấp nhận sự thất bại của chính mình rồi liều mạng lao đầu vào thách thức mà không cân nhắc hay lại trở nên tự ti, hạ thấp giá trị bản thân và luôn tự nghĩ mình là một kẻ thất bại…”. Không nên chế nhạo, mỉa mai hay đem ra so sánh với những trẻ khác, nhưng cũng đừng tập cho con cam chịu, để không dám tiếp tục sự đương đầu trong những lần sau.
Đến cuối cùng, tôi nghĩ rằng bên cạnh những kiến thức, thông tin mà cả bố mẹ và con đều cùng trau dồi mỗi ngày trên hành trình trưởng thành, điều quan trọng nhất phải nhớ là: Mỗi một lần thử thách, vấp váp của trẻ đều là kỷ niệm đáng nhớ với con và chính chúng ta nữa. Thử thách không phải để quên đi, mà là để trân quý, vậy thì hãy bắt đầu cùng con đương đầu thử thách để lớn khôn!
Bởi chúng tôi và các bậc cha mẹ hiểu rằng, chỉ có thử thách mới giúp các con khôn lớn và từng bước trưởng thành. Và để vượt qua mọi thử thách, trẻ không chỉ cần một tinh thần không bỏ cuộc mà còn cần một nền tảng thể chất thật vững vàng.
Với hơn 145 năm kinh nghiệm trong ngành dinh dưỡng toàn cầu, Cô Gái Hà Lan tự hào mang đến nguồn sữa tươi tinh khiết, an toàn hơn 11 lần so với chuẩn cơ bản, để đồng hành cùng mẹ xây dựng nền tảng vững vàng cho một thế hệ tương lai Việt Nam không sợ thử thách, mạnh mẽ vươn cao.