Một ngày thứ Hai, một ngày khiến người ta phải chững lại. Cứ mỗi năm trên bầu trời nghệ thuật lại phải chứng kiến một ngôi sao vụt tắt. Một tài năng trẻ từng đấu tranh để lao mình vào showbiz, sau cùng lại ra đi trong chính môi trường khắc nghiệt ấy.
Kim Jonghyun sinh ngày 8 tháng 4 năm 1990, mất ngày 18 tháng 12 năm 2017, hưởng dương 27 tuổi. Trong căn hộ tại Cheongdamdong, người ta phát hiện ra Jonghyun sử dụng khí than để tự sát. Qua bức thư tuyệt mệnh mà anh để lại, nguyên nhân khiến Jonghyun đi đến quyết định tự kết liễu bản thân được tiết lộ - đó là bệnh trầm cảm.
Mỗi năm chúng ta tìm đọc hàng chục tờ báo, lướt qua không biết bao nhiêu mẩu tin về những người mắc bệnh trầm cảm và cách họ lựa chọn. Kẻ chọn cách kết liễu cuộc đời mình để đặt một cái kết cho cuộc sống quẩn quanh, người rơi vào bế tắc nhưng vẫn cố chống chọi chỉ để được sống tiếp. Nhưng còn Jonghyun, anh tài giỏi, giàu có, làm chủ cuộc sống của mình, tại sao phải tự tử? Đây cũng là câu hỏi, là lời trách cứ rất nhiều người đặt ra cho các nghệ sĩ quá cố như Chester Bennington, Trương Quốc Vinh, Park Yong Ha hay Choi Jin Sil.
Chúng ta quen đặt những nghệ sĩ này lên ngai vàng xa hoa quyền quý, lên những nấc thang danh vọng để mà ngước lên rồi ao ước mà chợt quên mất một điều: ngôi sao cũng chỉ là người, và chứng bệnh tâm lý chẳng buông tha bất kỳ ai. Họ mắc chứng trầm cảm lâu năm, và gốc rễ của căn bệnh này nằm chính ở danh vọng và những thứ xa hoa họ nắm giữ trong tay. Sự quan tâm của công chúng, sự kìm kẹp của công ty quản lý đã vô tình nhốt họ vào một cái hộp vô hình. Tất nhiên ai cũng có thể buông tay và làm lại. Nhưng đối với người nổi tiếng, “làm lại” là 5 năm, 10 năm, có thể là cả đời hoặc là không bao giờ.
“Trong căn phòng tối
Tôi ngồi thu mình và nghĩ
Bao giờ em mới hối hận vì đã vứt bỏ mọi thứ
Những hơi thở dài vì mệt mỏi và tổn thương
Bây giờ liệu có chấm dứt được không?
Cầu cho em đừng đau khổ
Chỉ cầu mong em hạnh phúc
Xin em đừng ở một mình trong bóng tối
Làm ơn đừng làm em buồn, đừng làm em buồn”
Năm 2005, một cậu nhóc 15 tuổi được công ty giải trí danh tiếng bậc nhất Hàn Quốc thời bấy giờ - SM Entertainment - phát hiện khi đang biểu diễn cùng ban nhạc của mình. Cậu tin rằng, niềm đam mê âm nhạc cháy bỏng của mình cuối cùng đã tìm được bến đỗ bình yên. Cậu nghĩ rằng, khi trở thành một thần tượng, cậu sẽ tiến gần hơn đến với ước mơ của mình, rằng ngày nào đó không xa, âm nhạc của cậu sẽ được nhiều người biết tới.
Jonghyun đã bước vào giới showbiz như thế.
Thời điểm đó, thay vì đến trường, Jonghyun luôn túc trực tại trụ sở SM, điên cuồng rèn luyện kỹ năng để được ra mắt. Năm 2008, Jonghyun được đứng trên sân khấu bên những người anh em SHINee, cùng họ tạo ra thứ âm nhạc rất riêng và trở thành một phần của Kpop hoàng kim đối với thế hệ 9x. Đam mê ca hát, chăm chỉ sáng tác, khao khát được đứng trên sân khấu dù riêng dù chung, từ trước đến nay những gì Jonghyun hướng đến luôn chỉ là âm nhạc.
12 năm trước, Jong Hyun đến với âm nhạc một cách đơn thuần như thế. Vậy mà 12 năm sau, âm nhạc của anh lại rơi vào bế tắc, bởi đời không như mơ, nhất là trong giới showbiz tàn nhẫn này. Làm nghệ thuật tại Hàn Quốc chẳng khác gì loay hoay trong cái vòng luẩn quẩn của những mâu thuẫn. Người nghệ sĩ phải buộc mình vào cuộc đấu tranh nội tâm giữa “đặt cược tất cả” và “từ bỏ”, đi theo cái riêng hay hòa mình vào cái chung. Jonghyun đam mê nghệ thuật, và anh luôn muốn bản thân được công nhận, chẳng người nghệ sỹ nào lại không muốn nghệ thuật của mình cứ mãi lẩn khuất trong bóng tối được. Nhưng sự công nhận và danh vọng trong giới showbiz lại kéo theo những cái giá phải trả rất đắt mà chỉ có người trong cuộc mới thấm thía.
"Jonghyun thường nói rằng bản thân không đáp ứng được mong đợi của những người xung quanh. Điều khiến cậu ấy trăn trở, thứ nhất, hay thứ hai đều là âm nhạc. Cậu ấy muốn làm tốt nhưng năng lực còn thiếu sót. Càng nhiều tuổi càng bị tụt lại, Jonghyun cảm thấy rất mệt mỏi", bạn của cố nghệ sĩ chia sẻ. 9 năm làm nghệ thuật, Jonghyun sống theo quy tắc, hướng đi của công ty quản lý cùng với sự kỳ vọng của công chúng.
Cơ thể gầy guộc của Jonghyun buộc phải chịu đựng chế độ ăn kiêng khắt khe cùng những bài tập vũ đạo kiệt sức, làm thần tượng thà gầy chứ nhất quyết không được thừa cân. 8 tiếng nghỉ ngơi đối với anh là một thứ gì đó quá xa xỉ. Anh hầu như không thể ngủ nếu như không có thuốc an thần. Và tất nhiên, những gì khán giả nhìn thấy vẫn chỉ là hình ảnh hào nhoáng, giàu sang, nụ cười rạng rỡ mà Jonghyun luôn phải theo đuổi như một con robot. Nhưng mọi nỗ lực cũng không thể giúp bản thân anh tìm được nơi vỗ về tâm hồn.
Jonghyun có thể cười, có thể đứng đó diễn trò, có thể đem những sản phẩm âm nhạc để xoa dịu những vết sẹo hằn sâu trong trái tim khán giả. Tuy nhiên, một người bác sỹ không thể tự chữa bệnh cho mình, một người luôn lắng nghe cho bạn lời khuyên thường sẽ mắc kẹt trong chính vấn đề của mình. Jonghyun cũng thế.
Khi bản thân anh kiếm tìm một lời động viên, một lời công nhận cho những cống hiến nghệ thuật của mình, thì đâu đó ngoài kia lại vang lên hàng trăm hàng ngàn những lời nhục mạ, chửi rủa, đôi khi là những cái lắc đầu hay vô vàn ánh mắt khinh thường. Liệu có người nghệ sĩ nào như Jonghyun, đứng trên sân khấu chịu đựng những lời chửi rủa từ chính fan của mình, để rồi phải gập người 90 độ xin lỗi chỉ vì trót yêu thương một người con gái? Như một Shawol từng nói, cô đơn trong hàng vạn yêu thương là cuộc sống của giới nghệ sĩ và họ phải chấp nhận điều đó. Nhưng không có bất kỳ công việc nào có thể tạo ra cho bạn một con robot chỉ biết hạnh phúc cả.
Jonghyun từng ghen tị với chính mẹ và chị gái của mình vì họ có thể tự tin nói rằng, họ hạnh phúc và mãn nguyện với cuộc sống hiện tại. Còn anh vẫn loay hoay kiếm tìm chiếc chìa khóa vạn năng để mở ra chiếc tủ kính giam lỏng bản thân mình. Vậy mới nói, không có nghề nào tàn nhẫn hơn nghề làm nghệ sĩ trong giới showbiz Hàn. Bởi hạnh phúc của họ được định nghĩa bởi ý kiến của số đông.
27 năm anh là thanh xuân của người hâm mộ, 27 năm thanh xuân anh dồn hết thảy vào thứ âm nhạc truyền cảm hứng cho biết bao người. Bản thân anh là một người đem lại niềm tin cho người khác, tại sao chính anh lại mất đi niềm tin? Gia đình, bạn bè luôn ở bên, tại sao anh lại quyết định tự tử? Hàng trăm hàng vạn câu hỏi như lời trách cứ chĩa thẳng vào người nghệ sĩ đã khuất. Anh để lại bức thư tuyệt mệnh, nói về lý do mà mọi người vẫn gặng hỏi ấy:
“Nếu như bạn hỏi tôi rằng tại sao tôi lại ra đi, tôi sẽ trả lời rằng tôi đã quá kiệt sức rồi. Tôi đã phải chịu đựng và dằn vặt suy nghĩ. Tôi chưa bao giờ học cách biến những nỗi đau kiệt quệ trở thành niềm vui. Họ bảo tôi rằng đừng nên làm vậy. Tại sao? Tại sao tôi thậm chí không thể kết thúc mọi thứ theo cách mà tôi mong muốn? Họ nói với tôi rằng hãy tìm ra nguyên nhân khiến tôi đau khổ. Tôi biết rõ chứ”.
9 năm sống theo kỳ vọng của số đông, Jonghyun dần kiệt sức và rơi vào hố đen trầm cảm. Trầm cảm chẳng giết chết một người ngay tức khắc, cũng chẳng dồn dập đòi họ mạng sống. Nó gặm nhấm những khổ đau, dằn vặt trong chính con người của Jonghyun, khi anh rơi vào bế tắc trên con đường sự nghiệp, vào một ngày vô tình anh chẳng tìm được ai ở bên.
Người ta bảo Jonghyun sướng hơn vô vàn người khó khăn ngoài kia, vấn đề của anh nằm ở đâu? Anh đáp: “Những người đau đớn hơn cả tôi vẫn còn sống tốt, những người yếu đuối hơn tôi vẫn trụ lại được. Rất có thể điều ấy không đúng. Chẳng có ai đang sống trên cõi đời này lại đau đớn hơn tôi, cũng chẳng có ai trên đời yếu đuối hơn tôi”. Jonghyun nhận thấy, cuộc sống danh vọng chưa bao giờ dành cho anh, bởi cái anh kiếm tìm là âm nhạc chứ không phải những gì kéo theo. “Vì tôi nổi tiếng. Tại sao tôi lại chọn con đường này nhỉ? Thật nực cười làm sao? Đó là một điều kỳ diệu mà tôi đã kéo dài quá lâu”.
Cuộc đời Jonghyun cũng như chính bức thư của anh nằm trong cái vòng luẩn quẩn không lối thoát, cũng chẳng rõ ràng, rành mạch. Nhưng đó chính là cách trầm cảm hành hạ “vật chủ” của nó. Nhà văn Mỹ David Foster Wallace từng ví người mắc bệnh trầm cảm có ý định tự tử như đang bị mắc kẹt trong tầng lầu cháy. Dù không muốn, nhưng họ vẫn phải nhảy, không phải để chết mà chỉ muốn tránh xa khỏi đám cháy mà thôi. Điều chúng ta cần làm không phải là hô hào “Đừng”, “Đừng nhảy”, mà là tìm cách giúp họ dập lửa. Như cái cách Jonghyun cầu mong mọi người thấu hiểu: “Xin hãy nói với tôi rằng tôi đã làm tốt. Như thế là đủ rồi. Rằng tôi đã làm việc chăm chỉ. Dù bạn chẳng thể nở nụ cười tiễn biệt, cũng mong bạn đừng trách cứ tôi. (Hãy nói) Bạn đã làm tốt rồi, bạn thực sự đã vất vả rồi. Tạm biệt”.
"Jonghyun, bạn đã làm tốt rồi, bạn thật sự đã vất vả rồi!" ( Hình ảnh trong buổi tưởng niệm Jonghyun tại Hà Nội của fan Việt).
Jonghyun từng là một người cởi mở. Nụ cười rạng rỡ trên bức di ảnh của Jonghyun tại tang lễ làm người ta nhớ về những khoảnh khắc hạnh phúc hiếm hoi khi anh được ở bên gia đình, bên những người bạn đồng nghiệp, khi anh được hát trên sân khấu. Nếu như có người ở bên cạnh anh, có thể đủ vững vàng để làm một chỗ dựa cho anh, đủ tin cậy để từ từ dập đi ngọn lửa đang mon men tiến đến nơi Jonghyun sợ hãi, để anh bình tĩnh, nhìn lại, tìm một lối thoát khỏi sự quẩn quanh thì có lẽ, ngày thứ Hai vừa qua đã không buồn đến vậy.
Một lần nữa, đừng để nghệ sỹ cô đơn.