Theo dòng thời gian và chuyển động của thời trang thế giới, cộng đồng các bạn trẻ yêu thời trang Việt Nam cũng dần xuất hiện những "Hypebeast" thứ thiệt. Vậy, "Hypebeast" và những "Rich kid đi xe bus", họ là ai?
Hypebeast Việt và câu chuyện về những rich kid đi xe bus, tiền nhiều mà gu thẩm mỹ chẳng bao nhiêu - Ảnh 1.
Hypebeast Việt và câu chuyện về những rich kid đi xe bus, tiền nhiều mà gu thẩm mỹ chẳng bao nhiêu - Ảnh 2.
Hypebeast Việt và câu chuyện về những rich kid đi xe bus, tiền nhiều mà gu thẩm mỹ chẳng bao nhiêu - Ảnh 3.

Ảnh: Internet

Đối với những người thường qua lại khu Soho, West End, London, Lance Walsh không phải là một người xa lạ. Năm nay đã ngoại ngũ tuần, Lance Walsh là chủ một sạp bán hoa quả và nhiều nông phẩm ở giữa khu phố sầm uất Berwick, tuy nhiên điều làm Lance nổi tiếng chính là bộ sưu tập các món đồ thời trang nhãn hiệu Supreme do chính tay ông dày công gây dựng từ năm 2012 tới giờ.

Ông bác chịu chơi này đã chứng tỏ rằng đam mê thời trang là không có giới hạn. Từ những phiên bản hợp tác với Lacoste hay The North Face của Supreme, Lance đều sở hữu tất cả và làm mọi người luôn trầm trồ mỗi khi cần mua một quả táo hay mớ rau mà lại thấy ông chủ đóng nguyên một cây Supreme đắt đỏ.

Hypebeast Việt và câu chuyện về những rich kid đi xe bus, tiền nhiều mà gu thẩm mỹ chẳng bao nhiêu - Ảnh 4.

Walsh thừa nhận, công việc kinh doanh của ông không thực sự đem lại nhiều lợi nhuận tới mức bản thân có thể liên tục mua hàng hiệu. Để sở hữu được những cây đồ Supreme bá cháy này, bản thân ông cũng phải tích cóp khá nhiều mới thỏa mãn được đam mê. Những người như Lance - có thể quên ăn, bớt ngủ, tằn tiện để mua sắm những món hàng hiệu nổi tiếng giữa dòng văn hóa đại chúng - được gọi chung là những Hypebeast.


Hypebeast Việt và câu chuyện về những rich kid đi xe bus, tiền nhiều mà gu thẩm mỹ chẳng bao nhiêu - Ảnh 5.

Cụm từ Hypebeast, nôm na có thể hiểu là những người mải miết chạy theo trào lưu. Không giống như những người tạo ra xu hướng (trend-setter), các Hypebeast giống như những kẻ mộ điệu có chút quá đà, đam mê những sản phẩm mới tới từ các thương hiệu thời trang hàng đầu. Tờ The Guardian định nghĩa khái niệm "Hypebeast" là "Những gã luôn thèm thuồng tất cả các món hàng thời trang nổi tiếng, đồng thời tìm mọi cách để sở hữu nó ngay trong tuần ra mắt."

Hypebeast Việt và câu chuyện về những rich kid đi xe bus, tiền nhiều mà gu thẩm mỹ chẳng bao nhiêu - Ảnh 6.

Ảnh: Internet

Hàng hiệu dễ đổi, bản tính khó dời, chính sự thay đổi của trào lưu thời trang thế giới luôn làm sản sinh ra những xu hướng mới cho các Hypebeast chạy theo. Giả dụ như 5 năm trước, Hypebeast sẽ là những anh chàng mỗi cuối tuần đứng xếp hàng ở phố Brooklyn, giành giật nhau những đôi Air Jordan mới ra mắt ở số 302 Malcolm X Blvd thì giờ đây, Hypebeast là những gã hai tay thủ hai chiếc điện thoại, liên tục tìm cách nhấn nút thanh toán online cho từng đôi Louis Vuitton Archlight một. Thời thế sinh đồ hiệu, và đồ hiệu sinh Hypebeast.


Hypebeast Việt và câu chuyện về những rich kid đi xe bus, tiền nhiều mà gu thẩm mỹ chẳng bao nhiêu - Ảnh 7.

Làn sóng Hypebeast bắt nguồn từ các thương hiệu phương Tây (với Palace và Supreme là hai cái tên chia ngôi Vương - Hậu trong giới mộ điệu thời trang đường phố), tuy nhiên sự giao thoa văn hóa trong thời đại bùng nổ Internet đã biến nó thành văn hóa toàn cầu. Hypebeast nhanh chóng trở thành một lối sống, khi mà thị trường Châu Á tiềm năng trở thành mảnh đất màu mỡ của các thương hiệu lớn; từ bình dân như Supreme, The North Face cho tới xa xỉ như Louis Vuitton, Gucci hay Balenciaga. Bằng chứng là vào những năm 2015, khi kinh tế Trung Quốc suy thoái, nhiều nhà mốt lớn đã lao đao khi thị trường tỷ dân giảm sức mua rõ rệt; và giai đoạn 2016-2017, khi sức mua của thị trường này nhích dần lên, các ông lớn lại dần khởi sắc, dẫn tới thời điểm hoàng kim hiện tại của văn hóa street wear thế giới; và theo mũi tên hai chiều, thứ văn hóa đó lại kích cầu tiêu dùng, mua sắm của các Hypebeast Châu Á, trong đó có Việt Nam.

img
img
img
img
img
img

Ảnh: Nguyễn Lệ Tâm Linh, Đan Đỗ, Bảo Duy, Quân Nguyễn, Tân Nguyễn

Cần phải thẳng thắn công nhận rằng người Việt Nam chơi gì cũng giỏi. Cầu lông, chúng ta có Tiến Minh đứng top 4 toàn cầu. Thể thao điện tử, chúng ta đã có nhiều hơn 1 lần vào vòng Chung kết thế giới ở nhiều bộ môn. Kể cả những môn chơi đắt đỏ như siêu xe hay công nghệ, người Việt Nam chẳng bao giờ đi sau thế giới, thành thử nước bạn có Hypebeast, hà cớ gì mà Việt Nam lại không có?

Và các Hypebeast Việt Nam cũng chịu chơi không kém gì những người bạn ngoại quốc. Vào năm 2012, cả thế giới như phát hỏa khi Kanye West cùng Nike cho ra mắt phiên bản Yeezy "cụ tổ 2.0" - Nike Air Yeezy 2. Nghi thức ra mắt nhuốm màu Thần giáo Ai Cập cùng bảo chứng tên tuổi về độ chơi bời của Kanye West đã khiến giới mộ điệu thời trang điên cuồng lùng sục cho mình những đôi Air Yeezy 2 ở cả hai phối màu. Và vào giữa thời điểm mùa hè nóng nực của cái năm 2012 ấy, một số du học sinh Việt Nam về nước nghỉ hè đã mang trên chân những phát hành này, trong khi một số "rich kid" ngồi nhà thì chịu chơi hơn khi bỏ khoản tiền vài nghìn USD để mua lại các phát hành kể trên với giá chợ đen cấp số nhân.

Hypebeast Việt và câu chuyện về những rich kid đi xe bus, tiền nhiều mà gu thẩm mỹ chẳng bao nhiêu - Ảnh 9.

Ảnh: Bảo Duy, Quang Du_Arch

Ngoài ra, ngay ở thời điểm hiện tại, giới street-wear Việt vẫn có nhiều "rich kid" tiêu biểu thực thụ, sở hữu những item đáng mơ ước với số lượng lớn. Từ Rick Owens x Chrome Hearts, Louis Vuitton x Supreme cho tới các thương hiệu đắt giá ít người biết hơn như Christian Carol Poell, Ann Demeulemeester hay Guidi - Việt Nam đều có những người chơi sưu tập đầy đủ và mặc rất đẹp, rất đúng.


Hypebeast Việt và câu chuyện về những rich kid đi xe bus, tiền nhiều mà gu thẩm mỹ chẳng bao nhiêu - Ảnh 10.

Tuy nhiên, với nền kinh tế đang phát triển, việc nhà nhà mua và mặc đồ hiệu là điều không thể, do đó Hypebeast ở Việt Nam cũng có nhiều hình thái riêng. Do ảnh hưởng từ thú chơi giày (vốn là khởi nguồn cho văn hóa thời trang đường phố Việt Nam), các Hypebeast chưa đủ điều kiện ở Việt Nam thường rơi vào tình cảnh "Giày chục củ, đồ thì vừa đủ" khi cắn răng mua những đôi Presto hay Balenciaga Triple S giá chục triệu đồng, trong khi quần áo trên người thì có giá trị (và thẩm mỹ) đôi khi không tương xứng. Đây thường là những bạn học sinh, sinh viên chưa có đủ điều kiện để tận lực theo đuổi đam mê, tầng lớp này hay được gọi đùa là "Rich kid đi xe bus" - những bạn trẻ Việt thà mua một đôi Gucci Ace có giá 17 triệu đồng hơn là một chiếc xe máy để đi lại. Cũng chẳng hề gì, các Hypebeast ở Congo thậm chí còn bán nhà, cầm cố tài sản để mua đồ hiệu cơ mà.

img
img
img

Ảnh: Internet

Đồ đắt là vậy, thế nhưng không phải Hypebeast Việt nào mặc cũng đẹp. Với thực trạng chung trên làng mốt thế giới là thời trang đường phố vẫn luôn được đặt ở nấc bình dân thì việc đại chúng hóa thời trang cao cấp (bằng cách tập trung vào mảng "ready-to-wear") đã khiến việc "chơi quần áo" của các bạn trẻ đôi khi không đi đôi với kiến thức tương xứng.

Vào khoảng thời gian 2015 - 2016, khi trào lưu Darkwear (nhà nhà mặc cây Rick Owens hay Julius 7) nở rộ ở Việt Nam cùng lúc với Purpose Tour của Justin Bieber khai mở phong trào mặc đồ "merchandise" (nôm na là đồ gắn liền với tên tuổi của một thương hiệu/ nhân vật không chuyên về thời trang. Những chiếc áo Kỷ niệm Sầm Sơn về cơ bản có thể coi là một dạng Merchandise), nhiều bạn trẻ chưa đủ hiểu biết đã liên tục mang những đôi Rick Owens Ramones hay Geobasket với quần jeans rách và hoodie in hình JB để đăng lên các hội nhóm yêu thời trang.

Hypebeast Việt và câu chuyện về những rich kid đi xe bus, tiền nhiều mà gu thẩm mỹ chẳng bao nhiêu - Ảnh 12.

Ảnh: Internet

Ở group lớn nhất về thời trang Việt hiện tại - Vietnamese Street Style Group - đã có vô số những cuộc tranh cãi nổ ra với chủ đề "giày Rick Owens phải mang với gì" khi Đảng bảo thủ cho rằng item này chỉ nên mang với trang phục darkwear, trong khi Nhóm cấp tiến xem nhẹ chuẩn mực thời trang cho rằng mặc với gì cũng được, đẹp là được. Câu chuyện mở rộng ra với nhiều ca tranh luận dữ dội hơn mỗi khi có một trào lưu mới du nhập vào Việt Nam mà gần đây nhất chính là mốt nhét ống quần vào tất cao cổ hay mang giày của bố (chunky sneaker) với quần skinny jeans. Tuy nhiên, ít người để ý rằng việc mang quần áo lệch pha đó thực chất cũng một phần bắt nguồn từ tiềm lực kinh tế có hạn của các bạn trẻ Việt. Chắt chiu tiền ăn sáng mua được đôi Dior Homme B22 giá 22 triệu VNĐ thì còn có thể, chứ dành dụm thêm tiền mua quần ống rộng của Balenciaga nữa thì "rich kid đi xe bus" nào chịu cho thấu!


Hypebeast Việt và câu chuyện về những rich kid đi xe bus, tiền nhiều mà gu thẩm mỹ chẳng bao nhiêu - Ảnh 13.

Một trong những chủ đề thường xuyên được đem ra bàn luận về Hypebeast Việt, đó là các bạn mặc có đẹp?

Đỉnh cao của câu chuyện "hypebeast Việt mặc có đẹp" mới đây được ghi lại qua clip "Bóc tag giá đồ" của các bạn trẻ tham dự Sneakerfest 2018. Những món đồ mà các bạn trẻ khoe trong đoạn video ngắn ngủi đã khiến nhiều người giật mình khi có giá thành lên tới cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên rất nhiều người sau khi xem xong đoạn clip đều để lại những bình luận rằng, dường như các bạn trẻ này đang mặc "không đẹp", khi mà hầu hết các bạn đều gặp phải những lỗi khá cơ bản về thời trang như mặc không đúng size số khiến trang phục cứ rộng lùng thùng hay mang đồ của phong cách này mix với trường phái khác (hẳn). Đã không hợp mắt ắt có gièm pha, những bình luận gay gắt của cư dân mạng nhanh chóng lái sang chuyện "tiền đâu mà các bạn trẻ mua đồ gắt vậy" hay "có tiền mà không biết mặc đẹp", góp phần tạo nên cục diện khốc liệt của làng Hypebeast Việt.

Một trong những admin của cộng đồng Vietnamese Streetstyle Group - Tân Nguyễn, người được đánh giá khá cao về kiến thức thời trang - khi được hỏi về Hypebeast Việt đã cho rằng họ không thực sự khác biệt với những thần dân yêu đồ hiệu trên toàn thế giới. "Tuy người trẻ nước mình và quốc tế có thể có cách ăn mặc khác nhau, những nguồn cảm hứng tham khảo khác nhau nhưng nhìn chung họ đều thích việc đi theo xu hướng, sẵn sàng nhảy từ xu hướng này sang xu hướng khác mà đôi khi bỏ qua bước tìm hiểu quan trọng." - Tân chia sẻ.

Hypebeast Việt và câu chuyện về những rich kid đi xe bus, tiền nhiều mà gu thẩm mỹ chẳng bao nhiêu - Ảnh 14.

Ảnh: Nam Trương

Tuy nhiên, khi làn sóng street-style đã du nhập và có chỗ đứng ổn định ở Việt Nam (nhờ công lớn của trào lưu chơi giày), việc số lượng các bạn trẻ làm chủ những item đẹp, độc, đắt ngày càng nhiều hơn cũng là tín hiệu đáng mừng cho thời trang nước nhà.

Hypebeast ở Việt Nam sinh sau đẻ muộn hơn thế giới, thế nhưng do được ra đời trên vai người khổng lồ nên tầm nhìn và gu thẩm mỹ của các bạn trẻ Việt Nam cũng thừa hưởng kha khá từ tinh hoa đương thời. Từ phong trào Darkwear, mốt thời trang Grunge có chút kiểu cách được khơi mào bởi Saint Laurent Paris (nay được kế thừa bởi Amiri) hay mới nhất là Techwear (đang được 11 by BBS, ALYX, Acronym hay Enfin Leve thống lĩnh), các bạn trẻ Việt Nam đều chơi đều, chơi đủ và làm chủ những item đắt đỏ mà nhiều tín đồ thời trang thế giới cũng phải ao ước, vậy thì hà cớ gì mà không tự tin rằng những bạn trẻ Hypebeast Việt sẽ có một ngày vượt khỏi cái mác vẫn có ít nhiều định kiến này để trở thành các fashionista/ fashionisto đích thực?

img
img
img
img
img
img
img

Ảnh: Nam Trương, Tân Nguyễn, Aiden Phạm, Nguyễn Lệ Tâm Linh

Nam Thanh
VSSG, Internet
nhatanhngx
Theo Trí Thức Trẻ17.08.2018