"Dân ta phải biết sử ta
Cái gì chưa biết thì tra Hoàng Thuỳ".
Những ngày gần đây, nhắc đến Hoàng Thùy, người ta thường gán cho cô người mẫu này một nickname mới là "tiến sĩ ca dao tục ngữ". Tên gọi này xuất phát từ việc cô thường xuyên đệm các câu ca dao dân gian vào phát ngôn của mình trong chương trình "The Face" khi chỉ dạy cho thí sinh hay nhận xét về các huấn luyện viên còn lại. Chính điều này vô tình lại khiến Hoàng Thùy tạo được một dấu ấn riêng đặc trưng và đến gần với khán giả hơn qua những hình ảnh, clip chế. Thậm chí ca dao tục ngữ hiện nay như một "chữ ký" đặc trưng của Hoàng Thùy, bởi dân mạng chưa bao giờ chăm chỉ tìm đọc kho tàng văn học Việt Nam để bình luận trên mạng xã hội như lúc này. Về một mặt nào đó, vị huấn luyện viên "The Face" đã tạo được một trào lưu khá thú vị trong giới trẻ hiện nay. Điều này không giống với hình ảnh và tính cách của người mẫu Hoàng Thùy mà người ta từng biết trước đó.
Tất cả những thay đổi, trưởng thành về kinh nghiệm, suy nghĩ và lối sống đều gói ghém trong chuyến hành trình 6 năm qua của cô, từ khoảnh khắc đầu tiên bước chân vào showbiz.
Khi được khán giả phong vui danh hiệu "Tiến sĩ ca dao tục ngữ" sau hiệu ứng tại The Face, tôi cảm thấy rất hài hước và bất ngờ vì mọi người đã rất ưu ái cho mình, vì chưa thấy tiến sĩ ca dao nào như mình cả. Các ảnh chế trên mạng cũng thực sự buồn cười đau hết cả bụng, không nghĩ dân mạng lại có nhiều ý tưởng "lầy" như vậy. Nhưng phải khen các bạn rất thông minh khi biến một câu nói hết sức bình thường thôi lại hợp với ngữ cảnh được chế tác lại hài hước.
Ở đời thường, tôi cũng có hay nói ca dao tục ngữ nhưng chỉ là một thói quen như những câu nói bình thường chứ không phải chủ đích gượng ép. Tôi bị ảnh hưởng một phần từ bố mẹ là nhiều và từ những cái đấy trở thành tiềm thức của tôi. Đây cũng không phải là chiến lược xây dựng hình ảnh gì của tôi khi đến với The Face, mọi thứ hoàn toàn tự nhiên. Cá tính của mình như thế nào thì tôi thể hiện ra trong chương trình như vậy, còn những người khác muốn drama, diễn sâu thế nào trong chương trình là định hướng của họ.
Sau những ảnh chế, tôi cũng "vui vui" vì mọi người biết đến mình nhiều hơn và đến gần với khán giả nhiều hơn bởi sự gần gũi. Nhưng tôi cũng mong mọi người sẽ nhìn mình với cái nhìn chuyên môn hơn như một người mẫu chứ không phải là cô bán chè hay tiến sĩ ca dao tục ngữ.
Khi ngồi ở vị trí giám khảo và đào tạo cho lớp người mẫu mới như mình trước kia, tôi cảm giác như mình là một người chị của các bạn và trọng trách rất nặng. Người ta nói "Làm anh khó đấy phải đâu chuyện đùa" là như vậy, thực sự rất khó.
Vì các bạn trẻ thời đại bây giờ đã rất giỏi, thì mình phải làm sao tận dụng sự giỏi giang đấy để biến thành thế mạnh đặc biệt cho cá nhân mỗi bạn và team của mình. Bên cạnh đó, thuyết phục, uốn nắn một cá tính đi theo đường hướng mà mình vạch ra thì cũng chính là một thử thách mới trong nghề mà mình tự đặt ra cho bản thân - đào tạo thế hệ mới.
So với thời còn là một thí sinh tại Next Top, tôi thấy về tính tình và cách sống, mình vẫn là một cô gái như mọi người đánh giá là chân quê, chất phác, có chút "hương đồng gió nội". Một cô Hoàng Thùy 6 năm sau có khác đi cũng chỉ là về chuyên môn ngày càng trau dồi hơn, bản lĩnh và sự chuyên nghiệp nhiều hơn. Và bài học lớn nhất tôi có được sau những năm làm nghề đó là sự tự tin vào bản thân. Tôi quên đi con người từng tự ti về những điểm yếu về ngoại hình và biết biến nó thành điểm lạ, đặc biệt. Đó là lúc tôi biết được mình có một giá trị nhất định trong nghề mẫu để mà cố gắng hoàn thiện bản thân.
Mỗi người đều có một vẻ riêng và mỗi cặp mắt sẽ nhìn nhận bạn đẹp theo cách nào đó. Không hẳn số đông người ta không thích nét của bạn thì bạn là người xấu.
Tôi là một cô gái xuất thân từ một vùng nông thôn, rất ít khi tiếp xúc với thời trang, ít làm điệu, cũng không hiểu nghề mẫu là gì. Khi bắt đầu đi thi, tôi rất lo sợ và đấu tranh tư tưởng rất nhiều vì không biết gương mặt, ngoại hình mình có được mọi người yêu thích hay không. Bởi bản thân tôi vốn là người rất tự ti về mọi thứ: gầy, xấu, da đen, hay chiều cao quá khổ cũng khiến tôi rụt rè, không dám thể hiện mình.
Có rất nhiều người khuyên can tôi không nên đi thi vì họ cho rằng tôi không phù hợp với nghề người mẫu. Thậm chí chị gái và bố cũng không ủng hộ việc tôi tham gia một cuộc thi nào đó. Bởi gia đình cũng chỉ khuyến khích con cái sẽ phải học đại học đàng hoàng và có nghề nghiệp ổn định, chứ rẽ sang một lĩnh vực nào khác thì không biết sẽ như thế nào.
Tính tôi ngày bé lại rất ương bướng, ít khi nghe lời ai. Khi nghĩ về một vấn đề nào đó mà mình thích quá, thì tôi sẽ quyết tâm làm. Tôi nghĩ là cơ hội chỉ có một lần thôi mà mình rất muốn được thử sức với cuộc thi nên đã âm thầm đăng ký không cho ai biết. Đến khi vào top 15 khu vực phía Bắc, tôi mới nói với gia đình là mình sẽ vào Nam thi tiếp. Lúc đó thì bố mẹ cũng vui, và động viên cho lựa chọn của tôi.
Trước khi vào trong Nam thi, cả nhà tôi gặp phải một biến cố khá lớn. Ở nông thôn, gia đình tôi vốn cũng chỉ thuê nhà để sống chứ không có được một ngôi nhà riêng cho mình vì kinh tế rất khó khăn. Năm đó, cô chủ lấy lại căn nhà thuê để xây dựng, mà đối với bố mẹ tôi, chỉ có chỗ đó là buôn bán kiếm ra tiền bao năm nay. Thế là gia đình tôi phải xin người ta dựng một túp lều ở cạnh đó để có thể làm ăn.
Lúc đậu vào top 15 của cuộc thi, về nhà nhìn bố mẹ phải sống trong một túp lều như vậy, bên dưới là cống nước rất bẩn và phải ngồi ăn uống sinh hoạt cạnh đó thì tôi thực sự có cảm giác rất kinh khủng và thương gia đình rất nhiều. Tôi nghĩ rằng, nếu như mình cứ học thì bố mẹ cũng không có tiền nuôi mình thêm vì lên thành phố sống tốn rất là nhiều tiền, nhà lại nuôi đến 4 đứa con. Khi tôi đậu đại học, căn bản bố mẹ cũng nói là: "Con đậu một, bố mẹ lo mười". Tiền học của tôi cũng chỉ xin từ những khoản của cô chú trong nhà cộng với tiền làm thêm, bán hàng...
Mặc dù khoảng thời gian trước gia đình đã rất vất vả rồi mà giờ còn rơi vào hoàn cảnh tệ hơn nữa, tôi thấy cuộc đời mình cần phải có một cái gì đó thay đổi và động lực đó rất lớn. Đến mức khi vào cuộc thi Next Top, tôi nghĩ rằng đây là cơ hội sống còn của mình để có thể đổi đời. Vì nếu không phải bây giờ thì biết đến bao giờ mình mới mở ra được cánh cửa tương lai.
Sau khi đăng quang Quán quân Vietnam's Next Top Model, vui và hãnh diện là điều tất nhiên. Nhưng rồi lúc bắt đầu bước chân ra khỏi cuộc thi, trở thành người mẫu chuyên nghiệp, đó lại là giai đoạn khó khăn hơn rất nhiều. Tôi bắt đầu không đi học đại học nữa mà tập trung vào công việc chuyên môn và ý thức được mình cần đi làm để kiếm tiền. Cuộc sống tự lập đòi hỏi tôi phải biết cách sắp xếp mọi thứ. Sự thay đổi quá đột ngột khiến tôi chưa kịp tiếp nhận với môi trường mới. Tôi chưa hiểu được việc làm người nổi tiếng thì sẽ như thế nào. Mơ hồ là từ diễn tả chính xác cảm giác lúc đó.
Thêm vào đó, môi trường showbiz khắc nghiệt, nhiều người không hiểu, không thích tính cách của tôi, rồi bị nói xấu... Đơn giản như có những câu chuyện mình nói lại bị người ta đem ra ngoài tam sao thất bản, thêm mắm dặm muối lên thành hướng khác để gây hiểu lầm. Lúc đó tôi khóc rất nhiều, cảm giác rất kinh khủng khi đối mặt với những chuyện mình không làm mà người ta lại dựng lên, đến mức rơi vào trình trạng stress khủng hoảng tâm lý. Từ đó khi đi làm, tôi hạn chế giao tiếp quá thoải mái với những chỗ đông người, chỉ tiếp xúc với những người thân thiết.
Năm 2013, tôi bắt đầu có những chuyến đi cùng một số nhà thiết kế Việt cho những chuyến giao lưu thời trang giữa các nước Ý, Pháp, Anh... Nhân cơ hội đó, tôi nán lại để đi casting cho một số công ty. Có nhiều lần tôi cũng tự bỏ tiền túi để bay sang casting. Tuy vậy, thời điểm đó, tôi bị từ chối rất nhiều. Có ngày tôi đi cast 15 công ty, hẹn người ta rất khó mà mỗi lần vào gặp chỉ có 2 phút, nhiều nơi còn không tiếp mình hay khi đưa hồ sơ họ còn không thèm xem. Không có một lý do cụ thể nào được đưa ra ngoài ba từ "không phù hợp". Họ không có thời gian để chỉ ra cho mình thiếu sót chỗ nào. Đơn giản từ chối là từ chối.
Một thời gian dài chuẩn bị, nuôi hy vọng rất nhiều để rồi chỉ nghe một lời từ chối, tôi cảm thấy rất thất vọng. Nhiều lần nghe họ nói xong, nước mắt tôi cứ chảy ra, trên đường về cứ khóc mãi. Bởi tôi nghĩ so với các cô mẫu trên các show thời trang quốc tế, mình cũng đâu có thua kém gì mà tại sao họ làm được còn mình thì không?
Đi bao nhiêu công ty hoài để cứ bị từ chối như vậy cũng không được, phải có một cách nào để lọt vào mắt xanh của một ai đó. Từ câu chuyện của Taylor Swift từng gửi hàng trăm bản ghi âm cho các producer trên khắp nước Mỹ, tôi nảy ra ý tưởng viết hơn một trăm email để gửi cho tất cả các nhà thiết kế tại London Fashion Week. Rất may trong đó, có một nhà thiết kế đã đồng ý cho tôi casting, ông là một trong những nhà thiết kế nổi tiếng và có show diễn chính trong tuần lễ thời trang năm đó. Ông nói rằng: "Tôi rất ngạc nhiên vì tại sao lại có một người mẫu lại gửi thư như vậy, vì bên nước ngoài người ta toàn làm việc thông qua bên công ty quản lý người mẫu chứ không có ai làm việc trực tiếp như vậy".
Sau khi nhận lời chấp nhận đó, tôi đã book vé máy bay ngay để sang Anh casting và cũng từ đó tôi đã được trúng rất nhiều show khác cũng như lọt vào mắt xanh của nhiều đơn vị tìm kiếm người mẫu. Từ đó, cơ hội làm việc ở Anh, Mỹ... dần mở ra cho tôi.
Từng thua cuộc 5 lần 10 lượt như vậy, tôi nghĩ nếu bản thân không đủ kiên quyết với đam mê thì tôi đã bỏ cuộc từ lâu rồi. "Liều ăn nhiều" - đó là câu mẹ từng nói mà tôi nhớ mãi trên suốt chặng đường mình đi. Vì giờ cũng chỉ có liều thôi thì mới mở ra cánh cửa mới cho mình được, đã liều một lần ở Next Top rồi, giờ phải dốc hết sức liều tiếp cho cơ hội tiếp theo. Nhìn lại một chặng đường dài nhiều năm, tôi thấy đúng là trong lúc tuyệt vọng, chỉ cần mình lỡ nản chí một giây thôi thì đã không có Hoàng Thùy ngày hôm nay.
Tôi có nghe một số bạn phát ngôn mẫu Việt ra nước ngoài để lấy tiếng mà không có miếng gì. Đó chỉ là phần ít những ý kiến chủ quan thôi vì ngay cả ở Việt Nam, bạn không giỏi thì cũng đâu kiếm ra được tiền. Tôi nghĩ bạn phải là người có khả năng, nỗ lực, sự may mắn và tất cả những yếu tố này phải đặt vào một thị trường phù hợp với bạn. Nếu bạn ở sai thị trường nào đó thì bạn khó có thể kiếm được nhiều tiền, bởi mỗi thị trường cần một gương mặt khác nhau.
Tôi đã phải cố gắng rất nhiều, phải trải qua cái rét cắt da thịt vào mùa Đông ở New York, có bật khóc thì nước mắt cũng đóng băng ngay, hay bị sốt nhiệt độ đến chảy máu mũi, tay chân tím đen... Tất cả đều là cái giá phải trả tương xứng trước khi tôi tìm thấy cơ hội cho mình ở nước ngoài. Và may mắn, gương mặt và ngoại hình của tôi được thị trường Anh Quốc chấp nhận để có thể sinh sống và kiếm tiền ở đó. Tôi nghĩ ngoài "tiếng", mình còn có "miếng" nữa.
Thời trang với Thùy hiện tại là lẽ sống. Cùng với sự cố gắng, nó đã mang lại cho cô công việc với những đồng tiền chân chính và một cuộc sống tốt đẹp. Trong những năm làm nghề, Hoàng Thùy cũng có nhiều lúc từng muốn bỏ cuộc vì khó khăn, như bao nhiêu người. Có khi là những lời từ chối casting ở nước ngoài, khi thì lại rào cản ngôn ngữ, lúc thì căng thẳng vì nghĩ đến vòng xoáy đào thải khắc nghiệt trong nghề... Nhưng rồi tất cả rèn nên một Hoàng Thùy cứng cỏi và bản lĩnh hơn rất nhiều sau từng bước đi - mà theo như lời cô nói: "Có cứng mới đứng được đầu gió". Và tất nhiên, cái giá lớn nhất cô được trả lại tương xứng với những chông gai đã đi qua đó là sự tự tin vào bản thân có thể làm được mọi thứ mình muốn.
Sau nhiều năm trong nghề, người ta vẫn không nhìn thấy Hoàng Thùy có những thay đổi về thần thái như một ngôi sao mà đâu đó vẫn còn nét chân chất trong giọng nói, suy nghĩ. Người mẫu cũng không phủ nhận điều này mà ngược lại, cô còn thấy tự hào vì bản thân vẫn giữ được cội nguồn, xuất xứ của mình. Dù có là một cô siêu mẫu diện những bộ đồ đắt đỏ, sải bước tại những sự kiện xa hoa, Thùy vẫn là Thùy, vẫn không quên mình từng là một cô gái nông thôn đầy hoài bão và cuộc sống chân thành đó, cô không bao giờ muốn rũ bỏ để chạy theo những hào nhoáng.