Trong lòng tôi luôn có một tượng đài. Đó là mẹ.
Tôi cũng tin rằng không chỉ riêng mình, mà rất nhiều người khác cũng có một tượng đài như thế. Và mỗi người lại có một cách tạc tượng khác nhau. Đến bây giờ mẹ vẫn nửa đùa nửa thật bảo: “Đời tao, có thể viết thành sách....”. Tôi nghiêm túc suy nghĩ, nếu có cơ hội viết về cuộc đời của mẹ, tôi sẽ bắt đầu từ đâu nhỉ?
Ký ức của tôi bỗng dừng lại ở hình ảnh mẹ khi dựng chiếc xe đạp trong sân, chân thấp chân cao bước vào nhà. Cái nắng non trưa tháng 5 rải xuống mặt đường nhựa rồi tán ngược lên không khí cái nóng hầm hập làm gò má mẹ đỏ bừng. Mẹ nói: Toà tuyên ly hôn rồi.
Tôi đã thấy nhẹ nhõm trong lòng. Đó là cái cảm giác của một đứa trẻ mười mấy tuổi đầu vừa được kết quả của một vụ án dân sự giải thoát khỏi chuỗi ngày xung đột giữa những người lớn, những cuộc cãi vã, tranh chấp tài sản.
Tôi đâu biết rằng, từ giây phút ấy mẹ tôi sẽ trở thành mẹ tôi của bây giờ còn tôi cũng chẳng giống như trước nữa.
Năm đó mẹ còn rất trẻ và có một số nợ rất lớn. Ngoài tuổi trẻ và nợ, mẹ còn có 2 đứa con. Có những người dành cả thanh xuân để mắc nợ và trả nợ tiền mua nhà, đó là mẹ tôi.
“Nếu mẹ không mua căn nhà này, không mắc nợ nhiều đến thế thì có lẽ mẹ với ổng (bố tôi) không bỏ nhau. Nhưng nếu vậy tụi mày làm gì có nhà để mà ở. Sau này nếu không mua được chỗ nào, cứ về đây. Đất của mẹ là của tụi con hết. Liệu mà chia nhau", mẹ vẫn hay nói thế khi tôi nhắc đến chuyện mua nhà Sài Gòn. Mẹ sợ chúng tôi lại vất vả, lại đánh đổi quá nhiều như mẹ ngày đó.
Khi bạn tôi khoe nó có chiếc máy tính để bàn đầu tiên, lên lịch cho một kỳ nghỉ hè ở nơi nào đó rất hấp dẫn, tôi khép cửa nhà cẩn thận sau đêm tiễn mẹ lên xe khách vào Sài Gòn chữa bệnh.
Mắt mẹ bị viêm kết mạc phải điều trị bằng phương pháp mạo hiểm. Nếu không chữa trị kịp thời, có thể bị mù vĩnh viễn.
Có những đêm ngủ mơ, tôi khóc ướt gối vì thoáng thấy ngày không còn mẹ. Tôi với em gái phải làm sao đây? Trên vô tuyến tối nay vừa chiếu một bộ phim rất buồn về những đứa trẻ không có mẹ, đến bữa cơm phải nhịn đói, nghỉ học sớm để lao động... Tôi sợ lắm, chúng tôi chỉ có mẹ để dựa vào.
Mắt mẹ vừa khỏi. Em gái tôi lại ốm. Là một căn bệnh hiếm gặp. Mẹ ôm em đi viện cả tuần. Những ngày sau đó, mẹ con chúng tôi 3 người chất hết lên một chiếc cà tàng nhỏ xíu ì ạch chạy vài chục cây số tìm thuốc cho em. Đôi khi chúng tôi cười phá lên khi thấy một cảnh hài hước trên đường, quên mất chuyện mình vừa trở thành một gia đình có-hoàn-cảnh-đặc-biệt trong xóm nhỏ.
Một người bạn của mẹ lâu ngày ghé thăm, cô ấy thật tâm hỏi: Có nuôi được chúng nó không? Hay cho một đứa về ở với bố chúng nó đi. Nghe xong câu đó, tôi từ chối luôn quà bánh của cô, mỗi lần cô ghé đến nhà chúng tôi. Tôi biết mẹ rất khổ nhưng thực tâm mẹ không coi chúng tôi là một gánh nặng.
Mẹ rất khắt khe với tôi. Cuối năm cấp 3, tôi vẫn bị mẹ đánh bằng roi mây vì một chuyện cỏn con. Ấm ức trong lòng tôi giận mẹ cho đến khi nghe được câu nói vu vơ của người ta: “Con không cha như nhà không có nóc", tôi mới hiểu ra lý do.
Từ nhỏ đến lớn, tôi chưa khi nào thấy mẹ ăn sáng ở ngoài, chưa từng thấy mẹ có túi xách hay đồng hồ. Mẹ nói sống đừng phí phạm tiền cho mấy vật ngoài thân. Số nữ trang thời con gái của mẹ đã bán sạch sau mấy trận ốm. Tằn tiện tích góp tháng qua ngày, số nợ mua nhà cũng dần vơi. Tôi vào cấp 3. Em gái vào lớp 1. Mẹ bước qua tuổi 40 rồi 45 không hoa cũng không bánh.
Ba người nhà chúng tôi cách đây hơn 15 năm trước, hoặc là còn quá nhỏ hoặc là chẳng có đồng nào trong người nhưng bằng một cách kì diệu nào đó, chúng tôi vẫn tồn tại và vẫn bên nhau.
Trên đời này, người ta hay gọi những người có sức mạnh phi phàm là siêu nhân. Trong mắt tôi, người có bản lĩnh và nghị lực phi phàm nhất là mẹ. Mẹ là siêu nhân của riêng chị em tôi.
Mẹ tôi chào Sài Gòn bằng cơn say xe dữ dội. Ngồi bên mẹ trên xe khách ghế ngồi hạng tốt, xe bon bon chạy trên đường cao tốc êm ru nhưng đêm đó tôi không ngủ được. Tờ mờ sáng, tài xế thả chúng tôi xuống ven đường quốc lộ, cạnh tấm bảng có đề dòng chữ: “Làng đại học quốc gia Thủ Đức”.
Sau này, tôi chưa có dịp nào quay lại Sài Gòn cùng với mẹ.
Mẹ đi cùng tôi đến căn phòng nhỏ, nơi tôi sẽ sống 4 năm cùng bạn bè. Sau khi làm các thủ tục cần thiết, mẹ dặn dò tôi vài điều, cho tôi một ít tiền dằn túi rồi mẹ nói phải quay về ngay để kịp chuyến tàu trưa. Cách làng đại học 500km, em gái tôi đang đợi mẹ ở nhà. Cái cảnh đơn chiếc nó khổ vậy. Vốn hiểu, nên tôi lặng lẽ gật đầu.
Những điều diễn ra sau đó khắc sâu trong tôi đến nỗi thỉnh thoảng nhớ lại tôi vẫn còn thấy đau lòng.
Giữa hai hàng phượng đỏ rực dọc con đường thoai thoải lối vào và cũng là lối ra duy nhất của khu KTX, mẹ bước đi không ngoái lại. Tôi đứng ở cuối con dốc nhìn theo tấm lưng bé nhỏ của mẹ, bước chân rất nhanh và rất vội. Mẹ bảo tôi hãy đứng yên ở đó, đừng đi theo.
Tôi đã thầm mong mẹ quay lại, nhìn tôi và nở nụ cười, chúc tôi học tốt như cách mà những phụ huynh khác vẫn động viên con họ trước khi bước vào cuộc sống xa nhà.
Nhưng tất cả tôi có chỉ là một tấm lưng.
“Mẹ ơi quay lại nhìn con này, mẹ không thể nhìn con một lần trước khi tạm xa nhau hay sao? Con biết mẹ nôn nóng về nhà với em, nhưng con cũng… cần… có… mẹ", tôi khổ sở.
Quá buổi trưa, mẹ gọi điện bảo đã mua được vé tàu để về quê. Tôi thu dọn đồ đạc, đi rửa mặt và cầm một ít tiền ra khu chợ sinh viên, bắt đầu từ việc mua một chiếc bàn học.
Lần chia tay năm đó ở sân KTX giữa tôi và mẹ đã mở ra rất nhiều những lần chia tay khác sau này. Khi tôi ra trường và chọn Sài Gòn làm nơi sinh sống và làm việc, mẹ luôn là người tiễn tôi ra xe để từ quê vào lại thành phố.
Tôi nhận ra: Những khi mẹ là người ở lại, tôi là người đi xa, mẹ sẽ trở nên kiên nhẫn bất ngờ trong việc đợi chờ và tiễn biệt. Phải chăng, là người ở lại thì sẽ luôn dễ chịu hơn (dẫu buồn) là khi bạn phải xa một thứ gì đó, nơi nào đó mình yêu?
Mẹ vẫy tay chào tôi, gương mặt tươi tỉnh. Còn tôi thì chỉ muốn oà khóc.
Vì mẹ khóc nhiều, buồn quá nên khóc đến nỗi khô tuyến lệ, viêm kết mạc.
Bác sĩ dùng một cây kim tiêm thuốc vào hốc mắt. Nếu mẹ nháy mắt trong lúc tiêm có thể dẫn đến một số tổn thương lớn. Bệnh nhân phải rất kiên định khi theo phương pháp chữa trị này. Trước khi phó thác số phận của mình cho bác sĩ, mẹ đã khóc và suy nghĩ rất nhiều. Mẹ đứng trước lựa chọn: Hoặc là bằng mọi cách chữa xong căn bệnh này rồi tập trung làm việc nuôi các con; hoặc là làm việc ít lại, nghĩ cho bản thân nhiều hơn và tìm một cách chữa an toàn nhưng có thể siêu đắt đỏ. Con nghĩ mẹ còn cách nào?
Làm sao con có thể hiểu hết nỗi lòng của mẹ khi còn chưa biết cuộc đời méo tròn ra sao? Hôn nhân là gì? Tại sao người ta yêu, sống chết đòi bên nhau rồi lại bằng mọi cách vùng vẫy để xa nhau?
Không phải là mẹ chưa từng nghĩ đến bờ vai khác. Không phải là mẹ chưa từng cảm thấy bản thân sợ hãi chống chếnh trước những sóng gió đã qua, mà bởi vì mẹ không kịp chuẩn bị điều gì cho mình trước khi mọi khó khăn ập đến, cả về vật chất lẫn tinh thần.
Hết khó khăn này lại đến biến cố khác. Con vào cấp 3 rồi lại tốt nghiệp đại học, em gái con bước qua tuổi dậy thì rồi trở thành thiếu nữ với nhiều tâm tư… Mẹ vừa làm mẹ vừa phải làm bố của các con rồi một ngày nhìn lại bỗng thấy mình đã 50 tự lúc nào. Tóc đã muối tiêu nhuộm mãi không đen. Con nghĩ xem, mẹ có thể tìm một ai đó vào lúc nào?
Là mẹ có nỗi khổ của riêng mình. Mẹ đã khóc rất nhiều khi quay lưng bước đi. Mẹ không muốn con nhìn thấy gương mặt đầm đìa nước mắt ấy, xấu hổ lắm. Và mẹ sợ rằng nếu quay lại, mẹ sẽ không nỡ lòng bước đi.
Người tài xế chạy xe ôm chở mẹ từ làng đại học Thủ Đức lên ga tàu hoả cứ ca thán: Cô ơi, cô khóc nhiều quá cô nín đi giùm tôi. Tôi nghe mà não lòng quá! Ông ta sau đó còn giảm giá cho mẹ tiền cuốc xe ấy. Chắc vì thương!
Còn bây giờ? Sao con biết mẹ không khóc? Không buồn nữa?
Đêm trước ngày con thông báo sẽ về mẹ vui lắm, đem chăn màn chiếu gối ra mắc sẵn, rồi cứ thế đợi chờ từng phút. Đêm con đi, mẹ vào phòng con nhìn thấy mọi thứ vẫn ở đó mà con thì đã đi mất rồi, mẹ lại ôm chăn mền của con ngồi khóc. Nhưng mẹ không muốn mình chìm trong cảm xúc ấy lâu, mẹ biết con sẽ có cuộc sống của riêng mình.
Một lần thất nghiệp, tôi đi dạo ngoài đường và tình cờ thấy họ bày bán những chiếc túi Chanel xuất xứ Trung Quốc.
Tặng mẹ chiếc túi, tôi nghĩ mẹ sẽ làm kiểu mặt cực chẳng đã vì từng nói rằng “sắm sửa cho những thứ ngoài thân là phí phạm", nhưng mẹ đón lấy món quà từ tay tôi với gương mặt rạng rỡ. Mẹ vui. Tôi hơi bất ngờ.
Sáng hôm sau, một người họ hàng bỗng hỏi tôi rằng con vừa mua tặng mẹ chiếc túi à, ở đâu thế, người đó cũng muốn mua. Đến chiều, một người chị lâu ngày không gặp đến nhà chơi, cũng biết chuyện cái túi mới của mẹ tôi. Người hàng xóm cầm tấm thiệp cưới của con trai bà đến nhà mời, mẹ tủm tỉm cười. Một lúc sau quay vào nhà, mẹ nói vừa đủ để tôi nghe thấy: Vậy là có túi để đi ăn đám cưới rồi.
Tất cả mọi người bỗng nhiên đều nói về chiếc túi mới của mẹ tôi. Có lẽ họ không quan tâm lắm đến thương hiệu và gốc gác của nó, chỉ biết rằng khi mang chiếc túi ấy vào mẹ trông rất đẹp.
“Từ nhỏ đến giờ, đây là món quà đầu tiên con tặng mẹ. Là món quà đầu tiên mẹ được nhận từ con. Là món quà đầu tiên của con gái mẹ", mẹ thì thầm rồi quay lưng kéo chăn, tắt điện.
Đêm đó, tôi khó ngủ. Giá như tôi nhận ra mẹ đang trông đợi mình một điều gì đó sớm hơn.
Người từng nói không thích quà, không thích hoa, không thích nhận lời chúc mừng vào dịp 8/3 hay ngày phụ nữ vì nó sến sẩm, là mẹ. Người từng nói chỉ cần trả xong nợ nhà, ăn cơm mắm dưa cà gì cũng được… chỉ cần khoẻ mạnh, là mẹ.
Nhưng bây giờ tôi mới nhận ra, bởi vì năm xưa mẹ tôi nghĩ mãi không ra ai sẽ là người cho mình những thứ ngọt ngào mà người phụ nữ nào cũng thích, nên cứ tuỳ tiện nói ra câu không cần. Bởi vì mẹ nuôi chúng tôi bằng tình yêu chứ không phải bằng những kỳ vọng lớn lao nên mới không đòi hỏi sự báo đáp ngay cả khi chúng tôi trưởng thành.
Tôi đúng là có lớn mà chẳng có khôn.
Sinh nhật lần thứ 54 của mẹ, tôi tặng mua một chiếc hoa tai. Là vàng thật chứ không phải như chiếc túi hôm nọ. Mẹ cứ gặng hỏi mãi nó bao nhiêu tiền, có tốn nhiều tiền của con không.
Tôi có công việc mới và bắt đầu tặng mẹ những món quà giá trị hơn.
Ngày tiễn chiếc tủ lạnh xài 10 năm chưa hỏng để đón chiếc tủ lạnh đời mới sang trọng có ngăn đông, ngăn làm lạnh, ngăn để rau củ rộng bằng 2 chiếc tủ lạnh cũ cộng lại… mẹ nửa vui, nửa chạnh lòng.
Mẹ vệ sinh chiếc tủ lạnh cũ gắn bó với gia đình 1 thập niên lần cuối, thì thầm cảm ơn nó vì đã phục vụ chúng tôi rất tốt, không bỏ rơi chúng tôi giữa đoạn đời khốn khó. Chiếc tủ lạnh ấy, còn hơn cả một con người.
Ngày mang tủ lạnh mới về đặt ở góc nhà, nửa đêm tỉnh giấc, mẹ ra mở cửa tủ nhòm vô bên trong rồi mỉm cười khép lại. Mẹ tâm đắc vì nhiệt độ ổn định, rau củ tươi tốt, sáng mai nhất định sẽ có những bữa ăn ngon.
Yêu thương là một vòng tròn, người trao đi yêu thương cũng kỳ vọng nhận lại được thương yêu dù có nói ra thành lời hay không. Mẹ từng nói chỉ cần con khoẻ mạnh đã cảm thấy rất vui. Nhưng nếu con vừa khoẻ mạnh vừa có thể yêu thương mẹ, hạnh phúc sẽ nhân đôi.
Mẹ à, mẹ đã cố gắng để mạnh mẽ nhiều rồi, bây giờ hãy dựa vào chúng con mẹ nhé!
Sau 27 năm sau ngày cưới, mẹ tôi nhắc nhiều về một người đàn ông. Người đó, không phải bố tôi. Mẹ không đi tìm, là chú ấy tự xuất hiện. Mẹ tạm quên những bất công trong cuộc đời mình. Thời gian ngồi thở dài khi nghĩ về tuổi già xế bóng cô đơn mẹ dành để nấu đồ ăn chăm sóc những người mình yêu thương.
Mẹ tin tưởng rằng: Cứ sống đúng đạo lý, số phận ắt sẽ đền đáp cho mình một người xứng đáng.
Tôi chưa biết chú ấy có xứng đáng với mẹ hay không nhưng chỉ cần thấy mẹ vui mỗi ngày thì tôi đã cảm thấy sự xuất hiện của người ấy là một điều có ý nghĩa. Mẹ gọi điện quan tâm hỏi han tôi mỗi ngày ở xa, thì có một người ở gần cũng ngày ngày quan tâm đến mẹ. Yêu thương và được yêu thương, đó mới là một cuộc sống cân bằng.
Tình yêu của chúng tôi dành cho mẹ là thứ tình cảm tròn đầy. Mẹ chưa từng đòi hỏi, chưa cố gắng kiếm tìm một thứ tình cảm khác ngoài chúng tôi song không có nghĩa là mẹ không cần. Khi mẹ mở rộng cánh cửa nhà và nói với bạn rằng hãy bay đi với những ước mơ to đẹp của con. Xin bạn, hãy một lần bận lòng với câu hỏi: Rồi ai sẽ bên mẹ những ngày sau?
Tôi ước gì mình có thể kể một câu chuyện về mẹ với nhiều mẩu chuyện nhỏ mang màu sắc vui tươi hơn, lý thú hơn nhân Ngày của mẹ. Tôi cũng đã từng muốn mẹ mình là người học rộng hiểu cao, dắt tôi đi du lịch vòng quanh thế giới từ khi còn nhỏ… Nhưng đó chỉ là suy nghĩ của đứa trẻ non nớt ngày trước. Nếu sau này tôi có trở thành một người mẹ, tôi chưa tự tin mình có thể làm được những điều vĩ đại như người mẹ bình thường của tôi đã làm ngày đó.
Mẹ ơi, con yêu mẹ!