Thất bại là một cái gì đó khá là buồn cười khi bạn là một đứa trẻ. Tôi nhớ cái ngày đó vô cùng rõ ràng. Ở sau căn nhà của gia đình tôi tại Chingford có một cái công viên, và tôi cùng bố với anh lúc nào cũng ra đấy để chơi bóng đá. Không có cầu gôn, cũng chẳng có sân cỏ đàng hoàng. Chỉ cần một ít cỏ với hai cái cây là chúng tôi vui lắm rồi.
Ngày ấy, tôi chơi cho đội trẻ Arsenal. Cũng chẳng phải vị trí gì cốt cán, nhưng cũng là một cơ hội rất tuyệt vời.
Một ngày ở tuổi lên 8, tôi đi dạo cùng cha trong công viên. Đột nhiên, ông cất lời: “Ba có điều này cần nói với con.”
“Vâng ạ, điều gì thế ạ?”, tôi nói.
Tôi nhớ, ông đặt tay lên vai tôi.
“Harry à, Arsenal quyết định để con ra đi.”
Tôi không thể nhớ chính xác lúc ấy mình đã cảm thấy thế nào. Thành thật mà nói, tôi còn chẳng hiểu điều ấy có ý nghĩa gì. Tôi còn quá nhỏ. Nhưng tôi nhớ phản ứng của cha tôi, và cảm giác ông ấy mang lại. Ông không hề chê trách tôi, cũng chẳng chê trách gì Arsenal cả. Thậm chí trông ông còn chẳng vướng bận lắm với cái tin xấu ấy. Ông chỉ nói: “Đừng lo, Harry. Chúng ta sẽ tập luyện thật chăm chỉ, chúng ta sẽ vượt qua và tìm cho con một câu lạc bộ khác. Nhé?”
Bây giờ nhìn lại, chắc hẳn tôi sẽ còn thất vọng nhiều hơn. Và rất nhiều ông bố nữa, nếu như họ từng khao khát hy vọng con trai mình sẽ trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp, họ sẽ phản ứng khác hơn nhiều.
Nhưng cha tôi, dù chuyện gì có xảy ra đi chăng nữa, cũng sẽ không đặt quá nhiều áp lực lên tôi. Ông luôn tích cực. Và câu nói kinh điển, trong bất cứ trường hợp nào: “Thôi, sự cũng đã rồi.”
Chúng tôi đã thế đấy.
Sau Arsenal, tôi cũng bôn ba và rồi quay trở về với câu lạc bộ địa phương. Sau đó tôi được phát hiện bởi một người đến từ câu lạc bộ Watford. Tôi nhận được lời mời tới chơi thử ở đó. Mọi chuyện diễn ra khá hay, vì chơi cho Watford đấu với Tottenham mà tôi lại nhận được thêm lời mời tới Học viện cầu thủ trẻ Tottenham. Chắc là màu trắng hợp với tôi hơn. Tôi nhớ lại cái lần mà chúng tôi đấu với Arsenal, và kể cả sau này, tôi cứ canh cánh một nỗi hận trên vai. Ngày tôi đi khỏi Arsenal là năm tôi 8 tuổi, nhưng cứ lúc nào chúng tôi chơi bóng với họ, tôi cứ nghĩ rằng: "Được thôi, để xem ai đúng ai sai."
Ngẫm lại, có khi đấy lại là điều tuyệt vời nhất từng xảy ra với tôi. Nó cho tôi cái động lực để toàn tâm chơi bóng mà trước đó chưa bao giờ tôi có cả.
Tôi thật sự vui sướng khi chạm đến mốc ghi 100 bàn tại Premier League. Khi Tottenham cho tôi đi theo dạng "cho mượn" 2 năm, đã từng rất nhiều khi tôi cứ tự thắc mắc, rằng liệu mình có được cơ hội để ghi, dù chỉ, một bàn thắng tại Premier League. Nhưng tôi cũng đã học được rất nhiều bài học trong những năm tháng ấy. Tôi nhớ lúc tới Millwall năm 2012, chúng tôi chơi xuống hạng. Và những người hâm mộ ở đó thì hơi có chút đáng sợ.
Ở một trong những trận đấu đầu tiên của tôi tại The Den, trọng tài đã ra một quyết định sai lầm. Chỉ một quyết định sai lầm thôi. Và ngay sau đó, các cổ động viên bắt đầu ném cả mớ các thứ linh tinh xuống sân. Họ vớ được bạ cái gì là ném cái đó. Ban tổ chức buộc phải dừng trận đấu 5 phút cho đến khi các cổ động viên bình tĩnh trở lại. Hãy nhớ cho một điều, năm ấy tôi mới 18 tuổi. Tôi nhìn xung quanh, kiểu, “Ôi mẹ ơi… Thật điên rồ.”
Mùa giải cứ tiếp tục và đội của chúng tôi vẫn mãi giậm chân dưới đáy. Vài đồng chí đã nói những câu làm tôi hơi chột dạ. “Này ông, nếu chúng ta xuống hạng, lương của tôi sẽ bị cắt giảm một nửa”.
Hoặc, “Nếu đội chúng ta xuống hạng, chắc tôi sẽ không được ký hợp đồng nữa.”
Những đồng chí đó có con nhỏ ở nhà. Và chính lúc ấy, tôi bắt đầu nhìn nhận trận đấu ở một mức độ cao hơn. Bạn nhận ra có những người chơi bóng không chỉ vì niềm đam mê thể thao. Đó còn là để nuôi sống gia đình. Bạn bắt đầu nhận ra, trong bóng đá, tất cả những gì bạn nỗ lực để đạt được có thể ra đi trong một cái nháy mắt. Trải nhiệm ở Millwall khiến tôi nhận ra tôi không còn là một đứa trẻ nữa. Một sự cảnh tỉnh, và phong độ tuyệt vời của tôi lúc ấy không hề là sự trùng hợp. Quan trọng hơn, chúng tôi đã lên hạng. Chính điều ấy tạo cho tôi mối liên hệ sâu sắc với cổ động viên Millwall. Tôi yêu họ, dù đôi khi họ hơi khùng.
Lúc ấy tôi hy vọng rằng mình làm đã đủ để Spurs (một cách gọi khác của Tottenham) giữ tôi ở lại vào mùa giải kế tiếp. Nhưng thật là không may, họ lại tiếp tục “cho mượn” tôi. Để rồi, nó mở ra một thời kỳ thật khốn đốn. Cái khoảnh khắc dưới đáy nhất chắc hẳn là khi tôi thi đấu ở Leicester City, và tôi dường như chẳng thể hoà nhập được với đội. Họ vẫn ở giải vô địch Championship ở thời điểm ấy. Và tôi, ngồi một mình trong căn hộ của mình, ôm nặng mối suy tư: “Nếu như mình không thể chơi cho Leicester ở Championship, vậy làm sao mình có thể chơi cho Spurs ở Premier League đây?”.
Đó cũng là lần đầu tiên trong sự nghiệp chơi bóng mà sự nghi ngờ có cơ hội len lỏi. Đó là một sự khó khăn. Gia đình tôi tới thăm tôi vào tối hôm đó. Chúng tôi có một cuộc thảo luận nảy lửa. Tôi đã thất vọng đến nỗi tôi nói với cha rằng tôi muốn từ bỏ. Nếu chuyện đó thực sự xảy ra thì đúng là một sai lầm vô cùng lớn. Nhưng ở thời điểm ấy, tôi nghi ngờ chính mình.
Cha tôi nói: “Này, hãy tiếp tục cố gắng đi con, tiếp tục chơi bóng, sự cũng đã rồi, mọi thứ sẽ ổn thôi.”
Một vài tuần sau, vẫn là tôi, đang ngồi trong căn hộ của mình, đang mê mẩn NFL (giải bóng bầu dục Mỹ). Nếu như không phải tập luyện, tôi sẽ chơi game, hoặc xem các đoạn video của đội New England Patriots trên Youtube. Thế là một ngày nọ, tôi vô tình tìm được một phim tài liệu về Tom Brady (một cầu thủ của đội bóng bầu dục New England Patriots) và 6 trung phong từng được chọn trước anh trong giải NFL.
Hoá ra, Tom Brady là người thứ 199 được gọi trong buổi tuyển chọn. Hãy tưởng tượng đi. Điều ấy thổi tung suy nghĩ của tôi, nhưng theo một chiều hướng tốt. Bộ phim tài liệu đó cứ mãi in đậm trong tâm trí tôi. Trong suốt cuộc đời, mọi người ai cũng nghi vực Tom. Kể cả khi anh tới trường cao đẳng, các huấn luyện viên cũng cố gắng để thay thế anh bằng một trung phong nào đó khác. Họ trình chiếu hình ảnh này của Tom khi đang cân đo trong buổi tuyển chọn NFL trong tình trạng không mặc áo. Thật buồn cười vì trông anh chẳng khác gì một gã trai thông thường cả.
Vị huấn luyện viên này nói: “Chúng ta đang chiêm ngưỡng nhóc Brady này đây. Một cậu bé cao to, hung dữ, trông như chưa bao giờ được nhìn thấy phòng cân đo cả”.
Tom Brady khiến tôi liên tưởng đến chính mình. Mọi người thường xuyên đưa ra các kết luận về tôi, đại để: “Cậu ta trông chả giống một tiền đạo gì cả”.
Một sự truyền cảm hứng đáng kể. Brady từng tin vào chính mình rất nhiều. Nhiều đến nỗi cho anh niềm tin để cứ nỗ lực và nỗ lực, gần như ám ảnh sự nỗ lực ấy, chỉ để hoàn thiện mình thật tốt. Rất giống với tôi. Nghe thì hơi kỳ, nhưng tâm trí tôi như được gạt nhẹ công tắc một phát, ngay trên chiếc sofa trong căn hộ ở Leicester. Bỗng dưng tôi thốt lên: “Các người biết không? Tôi sẽ làm điều đó. Tôi sẽ nỗ lực hết sức, cơ hội sẽ đến với tôi, và tôi sẽ nhanh tay bắt lấy nó.”
Vài trận đấu sau, chúng tôi gặp Millwall – CLB cũ của tôi. Một trong các hậu vệ cố gắng khiêu khích tôi. Hắn kèm ngay sau tôi, lẩm bẩm: “Ôi chà, Harry.”
Tôi nói: “Ừ, sao?”
“Tôi chưa có thẻ vàng nào hết”
“Ờ… Thì sao?”
Hắn bảo: “Thì tốt chứ sao, tôi sẽ dùng một tấm với cậu.”
Hắn cố bắt nạt tôi, một cách thuần khiết, đơn giản. Và khi bóng vào sân, cả hai chúng tôi đều nhảy đến bắt bóng, với một chút cử động của cùi chỏ. Vô tình cùi chỏ của tôi va vào xương sườn của hắn. Hắn ngã xuống đất, mặt nhăn nhó, và tôi gần như giẫm lên người gã đàn ông đang sõng soài kia. Tôi thậm chí còn không nói một lời. Tôi chỉ giẫm lên người hắn thôi. Đó là cách để tôi nói với hắn, nói với bản thân mình, cũng như tất cả mọi người ngoài kia, rằng thằng Kane này không dễ bị bắt nạt.
Mùa giải kế tiếp, tôi trở về Tottenham và có cuộc gặp gỡ với Quản lý đội bóng, Andre Villas Boas. Anh ta lại một lần nữa muốn cho mượn tôi. Một số câu lạc bộ khá tốt có hứng thú với tôi, điều đó ổn, nhưng không phải giấc mơ tôi ấp ủ. Giấc mơ của tôi là được chơi giải Premier League. Giấc mơ của tôi là được chơi giải Premier League dưới màu áo của Spurs.
Tôi nói với anh ta một cách thực lòng: “Tôi không muốn đi”.
Khi lời nói đã tuôn rơi, tôi bỗng nghĩ, Ô kìa, có khi như thế không phải…
Anh ta chỉ nhìn tôi, hơi xáo trộn một chút.
Phóng lao rồi phải theo lao. “Tôi sẽ chứng minh cho anh thấy tôi nên được ở lại đội. Anh có thể nói với tôi vào mỗi thứ Sáu, khi trận đấu sắp bắt đầu, rằng tôi không xứng đáng, rằng tôi sẽ không được ra sân. Thế cũng được, nhưng tôi không muốn đi.”
Thế đấy. Anh ta cho tôi ở lại và tập luyện với đội. Đó cũng là bước ngoặt lớn cho sự tự tin của tôi. Tôi luôn cảm thấy mình có khả năng, nhưng tôi phải tự đứng lên đấu tranh cho mình. Nó giống như tôi có thể nhìn thấy giấc mơ thời thơ ấu, ngay trước mắt mình thôi nhưng xa tận chân trời. Tôi cứ mãi chờ đợi một ai đó trao cơ hội với tới ước mơ cho tôi. Nhưng đời thì làm gì có chuyện êm đềm như thế, phải không?
Muốn có cơ hội, phải biết bắt lấy cơ hội.
Tôi tập luyện một cách bùng cháy, nhưng mãi vẫn chưa được ra sân. Mùa đông năm ấy, người ta nói lời chia tay với Quản lý cũ và Tim Sherwood thay anh ta đảm nhận vị trí đó. Anh ta trao cho tôi cơ hội. Phần còn lại, như người ta vẫn nói, chính là lịch sử. Tôi ghi được 3 bàn thắng đầu tiên trong 3 trận đấu đầu tiên. Cảm giác thật không thể dùng từ ngữ nào miêu tả nổi, nhất là bàn thắng đầu tiên tại sân vận động White Hart Lane. Nhưng thật sự để mà nói, tất cả những gì mà tôi đã trải qua trước khi ghi bàn thắng đầu tiên ấy mới là những gì nhào nặn nên Harry Kane.
Khi Mauricio Pochettino tới vào mùa giải sau đó, mọi thứ thay đổi, không chỉ với tôi, mà còn với cả Câu lạc bộ. Không ai có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp của tôi như Maurico cả. Cũng bởi anh không những đã mang một tư tưởng quản lý đại tài tới CLB, mà còn mang các cầu thủ lại thật gần nhau. Anh có một sự nghiệp huy hoàng, nhưng hiếm khi thấy anh khoe khoang về chuyện ấy. Với tư cách một quản lý, anh không để CLB xoay xung quanh anh, mà nhiệt tình giúp đỡ các cầu thủ, kể cả đó có là cầu thủ đang ở phong độ đỉnh cao hay đang chật vật sa sút. Đương nhiên, nếu như bạn không muốn cố gắng, thì rõ là bạn lười, và Maurico không khoan nhượng với những kẻ lười biếng.
Vậy đấy, bạn không chơi bóng, cánh cửa phòng Maurico cũng sẽ đóng lại với bạn. Nhưng nếu bạn tôn trọng anh, bạn chơi nhiệt tình và nỗ lực cho anh? Anh ta sẽ cho bạn tất cả thời gian trên thế giới này.
Một trong những ký ức tuyệt vời nhất về bóng đá của tôi là khi tôi ghi được pha hattrick vài mùa giải trước. Maurico gọi tôi vào văn phòng của anh sau trận đấu. Ở thời điểm đó, chúng tôi có thể gọi là thân thiết, nhưng chưa đến mức cực thân để có thể thoải mái vào văn phòng anh. Tôi không biết Maurico muốn gì. Tôi mở cửa phòng, Maurico ngồi ở bàn làm việc, với một ly vang đỏ trên tay – hình như là một ly Malbec loại ngon (loại vang hảo hạng làm từ nho Malbec của Argentina). Một nụ cười thật tươi trên mặt, anh vẫy tôi vào.
“Nào, chụp một tấm ảnh nhé.”
Anh quàng tay lên người tôi, với ly vang bên tay còn lại, cùng chụp một tấm ảnh. Thật tuyệt vời. Đó là lần đầu tiên tôi nghĩ: “Ô, đây là một người đàn ông thật đặc biệt”. Anh là một người đàn ông siêu, siêu đẳng. Tôi tôn trọng anh dưới vai trò Quản lý, một người sếp – dĩ nhiên, nhưng anh cũng là một người bạn của tôi bên ngoài sân cỏ nữa. Anh là lý do để đội chúng tôi trở nên thân thiết gần gũi đến vậy. Chúng tôi trở thành những đồng đội thật sự, một điều rất hiếm có trong bóng đá thời nay.
Với tôi, sự từ chối có lẽ là điều tốt nhất từng xảy đến. Khi tôi đang cột dây giày cho trận đấu đầu tiên ở trận derby Bắc London năm 2015, tôi chợt có một đoạn hồi ức về năm 11 tuổi, đang đấu với tuyển trẻ Arsenal. Cứ như Deja-vu vậy. Trước mỗi trận đấu, tôi thường có viễn cảnh trong đầu về chính xác cái cách mà tôi sẽ ghi bàn trong trận. Một cú bóng cong đi từ góc cuối sân. Một cú volley chân phải từ cánh phải. Tôi cứ thế thôi, tưởng tượng thật chi tiết nhất có thể, từ đối thủ, cho đến những ngọn cỏ trên sân, và mọi thứ nữa.
Lần đó, tôi tưởng tượng ra những gã hậu vệ trong màu áo đỏ của Arsenal. Bất chợt tôi sởn da gà.
“Được rồi. Mất 12 năm đấy nhưng hãy xem ai đúng, và ai sai.”
Tôi ghi được 2 bàn hôm ấy, đem lại chiến thắng ở phút 86 chưa bao giờ là viễn cảnh tôi tự vẽ trong đầu. Đó là một cú đánh đầu, một cú đánh đầu tốt nhất tôi từng thực hiện, và cái cảm giác khi bóng đánh bay lưới đối thủ, chưa bao giờ tôi thấy được thôi thúc đến thế trong cả sự nghiệp cầu thủ của mình.
Tôi nhớ mình đã đi quanh sân khi tiếng còi báo hiệu kết thúc rít lên, đập tay với các cổ động viên, cảm giác: “Thấy chưa, đã bảo rồi mà.”
Điều ấy không chỉ là Arsenal. Nó còn sâu sắc hơn nữa. Nó chứng tỏ nhiều điều cho tôi, và gia đình tôi – những người luôn ủng hộ, tin tưởng vào từng bước đi của tôi trên chặng đường bóng đá. Ngay cả khi tôi ở Millwall hay Norwich hay Leicester, và ngay cả khi chính tôi đặt sự nghi ngờ lên chính mình, thì họ vẫn tin tưởng tôi đến cùng.
Giờ đây, khi đã ghi được 100 bàn thắng ở Premier League, đến lúc tôi nên nói lời cảm ơn tới một số người.
Cảm ơn vị hôn thê của tôi, Kate, đã luôn đồng hành với tôi khi kết quả không như ý muốn.
Cảm ơn ba, vì đã choàng tay ôm con sau cái tin con bị thải hồi khỏi Arsenal trong công viên ngày hôm ấy. Và cảm ơn cả gia đình mình, vì đã luôn linh cảm rằng con sẽ làm nên chuyện khi con đang chạm đáy trong căn hộ ở Leicester.
Cảm ơn mẹ vì tất cả thời gian chẳng đong đếm được mà mẹ đã dành để đưa con đi khắp nơi, khắp chốn, để làm những điều mà những người mẹ luôn dành cho con.
Cảm ơn anh Charlie vì đã đấu 1-1 với em hàng nghìn giờ đồng hồ, và vì đã thi thoảng để em được làm Teddy Sheringham (cựu cầu thủ bóng đá người Anh).
Cảm ơn anh Tom Brady vì đã mang hy vọng đến cho những gã trông giống như chưa bao giờ được nhìn thấy cái phòng cân đo trong đời.
Cảm ơn tất cả đồng đội của tôi, đặc biệt là những ông anh đã cổ vũ tôi trong thời gian tập luyện, khi tôi còn chẳng được ra sân trận nào rồi nói: “Cậu xứng đáng được chơi”. Điều ấy gần như cả thế giới với tôi vậy.
Cảm ơn anh Maurico Pochettino vì đã khơi gợi được khả năng tiền đạo của tôi.
Và chân thành cảm ơn các cổ động viên của Tottenham. Tôi từng mơ ước được chơi cho Spurs từ khi tôi còn là một cậu nhóc. Trong một thời gian dài, động lực của tôi đơn giản chỉ là nhắm mắt lại và tưởng tượng mình đang ghi bàn vào khung thành Arsenal trong giải Premier League. Cuối cùng cũng đã làm được vài lần rồi, nhưng chẳng bao giờ tôi thấy chán cả. Nhưng đến bây giờ, động lực của tôi đã khác hơn chút. Bây giờ, tôi nhắm mắt lại, tưởng tượng rằng mình đang nâng cúp Premier League tại sân vận động mới với các đồng đội của mình. Tôi nguyện đánh đổi 100 bàn thắng chỉ để lấy cảm giác ấy thôi.
Chúng ta đã thân thiết với nhau được một vài mùa giải, nhưng chỉ có một cách duy nhất để xoá nhoà khoảng cách thôi. Tôi thì hơi e sợ đó sẽ là một câu trả lời nhàm chán. Nhưng như ba đã nói, chúng ta cứ nỗ lực, cứ tiếp tục chơi thôi. Sự cũng đã rồi.
COYS,
Harry.
Nguồn: The Player’s Tribune