Có người từng nói rằng: "Động lực của mỗi người thầy là được chứng kiến sự trưởng thành của học sinh".
Quả thực là vậy, không có gì vui hơn ngoài việc thầy cô giáo - những người lái đò tận tụy, đưa được lớp lớp thế hệ học sinh trưởng thành và tới bến bờ tri thức. Tuy nhiên, hành trình "trồng người" chưa bao giờ là dễ dàng, có những thầy dành cả thanh xuân của mình chỉ để "cắm bản", gieo những mầm non hy vọng cho các em học sinh, có những thầy phải rời xa gia đình đến những vùng đất xa xôi để mang con chữ gần hơn đến thế hệ tương lai của đất nước… Dù gian khó đến đâu nhưng những người thầy, người cô vẫn ngày ngày gắn bó với học sinh, vẫn tràn đầy nhiệt huyết bởi với họ, được dạy học thôi đã là một điều hạnh phúc rồi.
Tất cả những cống hiến, sự hy sinh thầm lặng của thầy cô đều được mọi người công nhận. Bằng chứng là, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long đã tổ chức chương trình mang tên "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2023. Đây là chương trình tuyên dương các thầy cô giáo có thành tích cao, có nghị lực vượt khó để mang tri thức đến với các thế hệ tương lai đất nước. Trải qua thời gian dài phát động, chương trình đến nay đã đi gần đến những chương cuối cùng.
Được biết, đây đã là năm nay là năm thứ 9 chương trình được tổ chức với nhiều điểm mới cả trên online lẫn offline. Sau khi phát động chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2023, Ban Tổ chức nhận được 105 hồ sơ hợp lệ. Tiêu chí để lựa chọn các thầy, cô giáo được tuyên dương bao gồm: có tư cách đạo đức, lối sống tốt; có nhiều đóng góp trong giáo dục học sinh ở địa phương, tạo được những chuyển biến nổi bật về chất lượng và hiệu quả giáo dục; có tinh thần bền bỉ vượt khó, tận tâm với sự nghiệp giáo dục, được học sinh, phụ huynh và cộng đồng yêu mến.
Chương trình ưu tiên các thầy, cô giáo có thời gian công tác lâu năm; các thầy, cô giáo trẻ tình nguyện dạy học tại các địa phương; có thành tích xuất sắc trong công tác; thời gian tham gia công tác dạy học trực tiếp tối thiểu là 3 năm.
Có thể nói, chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2023 là chiến dịch toàn diện từ trực tuyến và trực tiếp với sự đồng hành của nhiều đại sứ là các nghệ sĩ, chuyên gia giáo dục, giáo viên uy tín, học sinh tiêu biểu. Trong đó, có các đại sứ của chương trình là những người nổi tiếng và đều là người dân tộc thiểu số, như: H'Hen Niê (dân tộc Ê đê), Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Gương mặt trẻ VN tiêu biểu năm 2018; Hoa hậu Lương Thùy Linh (dân tộc Tày); ca sĩ Hà Myo (dân tộc Mường), Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022... Các đại sứ đồng hành cùng chương trình sẽ tham gia vào nhiều hoạt động có ý nghĩa để tôn vinh các thầy cô và lan tỏa mạnh mẽ những câu chuyện đẹp về thầy cô với toàn xã hội.
Tổng kết, chương trình đã có 12 đối tượng giáo viên được tuyên dương, 24 hành trình chia sẻ cùng thầy cô, 458 giáo viên được vinh danh. Sau tất cả, hội đồng xét chọn gương giáo viên chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô năm" 2023 đã chọn ra gương 58 giáo viên tiêu biểu từ 47 tỉnh, thành phố để vinh danh vào dịp 20/11.
Một trong những hoạt động nổi bật của chương trình là chuyến đi thăm các thầy cô giáo ở ba miền đất nước cùng các đại sứ nổi tiếng như: Hoa hậu H'Hen Niê, Hoa hậu Lương Thùy Linh… để tìm hiểu quá trình giảng dạy, đào tạo nhân tài của các thầy cô và lan tỏa đến xã hội hành trình dạy học gian khó nhưng đầy hạnh phúc của các thầy cô giáo.
Chuyến đi đầu tiên trong hành trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2023 là tại Vĩnh Long và điểm đến chính là tại Trường tiểu học Tân Mỹ B (xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long). Ngôi trường này nằm sâu trong một cánh đồng gập ghềnh sỏi đá, đường đến trường vô cùng khó khăn.
Được biết, ở đây đa phần là người dân tộc Khmer, đời sống còn nhiều khó khăn nên cha mẹ lên thành phố mưu sinh hết, để con ở nhà với ông bà. Chính vì lý do đó, thay vì xây ra ngoài đường lớn, thì trường phải ở vị trí gần nhà dân, thuận tiện để các em học sinh đi học, xây trường ra xa khéo khi lại… nghỉ học ở nhà hết.
Giữa trăm ngàn khó khăn, nhưng vẫn có những người yêu nghề, yêu trẻ thơ như thầy giáo Nguyễn Như Ý (34 tuổi). Tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin nhưng lại quyết định học thêm khóa nghiệp vụ sư phạm để về trường dạy tin học cho các em tại điểm trường khó khăn này.
Nhà cách trường khoảng 10km, mỗi ngày đi dạy phải qua một con phà lớn, nhiều hôm không kịp phà là trễ tiết. Vì thế thời gian đầu thầy Ý ở lại trường, cuối tuần mới về nhà một lần. Chưa kể lúc mới đầu, thầy Ý vô cùng chật vật làm quen vì cơ sở vật chất, mọi thứ thiếu thốn vô kể.
Nhưng với sự quyết tâm của mình, thầy Ý đã tạo sự đam mê, yêu thích môn học này với các bạn học sinh. Thầy Ý còn thành lập CLB Tin học giúp các em tự viết phần mềm trò chơi, luyện tập chuyên sâu hơn về tin học và công nghệ thông tin. Từ CLB này, nhiều em từ chỗ không biết gì về máy tính đã đoạt những giải cao ở Hội thi Tin học trẻ.
Từ một trường với 90% là học sinh dân tộc thiểu số; đối tượng hộ nghèo, cận nghèo chiếm hơn 70%, đến nay Trường tiểu học Tân Mỹ B đã trở thành trường đạt chuẩn quốc gia. Trong hành trình đầy tự hào và cũng vô vàn gian khó đó, có sự đóng góp và cống hiến thầm lặng của những thầy, cô giáo trẻ như thầy Như Ý.
Song song với đó là chuyến đi đến Trà Vinh. Tại đây, chương trình cũng có cơ hội được ghé vào lớp 4/1 Trường tiểu học Tân Mỹ B (xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) để chứng kiến một giờ học hạnh phúc của cả thầy Nguyễn Trọng Thứ.
Năm 2008, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành giáo dục THCS của Trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Long, thầy Thứ xin việc về huyện Trà Ôn. Vì là người địa phương, lớn lên với cuộc sống người dân tộc thiểu số Khmer nên thầy Thứ hiểu được những khó khăn của học sinh nơi đây.
Lúc đầu khi nhận nhiệm vụ là Tổng phụ trách Đội, thầy Thứ rất chú trọng đến việc vận động hỗ trợ để giảm tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng; tổ chức các phong trào hoạt động ngoại khóa giúp trẻ em dân tộc thiểu số được vui chơi, trải nghiệm và rèn luyện kỹ năng để trưởng thành một cách toàn diện.
Không năng nổ trong các hoạt động ngoại khóa mà khi giảng dạy, thầy cũng luôn tạo ra không khí vui tươi đúng với tính chất của lớp học hạnh phúc. Nói đâu xa nhìn xung quanh lớp học, thay vì những tờ A4 nội quy, lại là các bức tranh sinh động chuyển tải đầy đủ quy định nhưng rất cuốn hút và dễ nhớ. Kế bên nội quy lớp là vườn hoa thi đua. Mỗi khi làm việc nhóm, đội nào xuất sắc sẽ được thưởng một bông góp vào vườn hoa thi đua. Cuối tuần, dựa vào số lượng bông hoa của mỗi nhóm để đánh giá và tuyên dương trong tiết sinh hoạt lớp.
Thầy Thứ được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích trong công tác giáo dục và đào tạo từ năm học 2013 - 2014 đến năm học 2017 - 2018; nhận danh hiệu "Viên phấn vàng" năm học 2022 - 2023 của Sở GD-ĐT Vĩnh Long... Anh Thứ cũng là một trong những thầy, cô giáo được tuyên dương trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2023 do Bộ GD-ĐT, T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Tập đoàn Thiên Long tổ chức.
Điểm đến tiếp theo của "Chia sẻ cùng thầy cô" là tại Đắk Lắk. Tại đây, chương trình có ghé qua trường PTDT Nội Trú THCS huyện Lắk (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, Đắk Lắk) để xem một ngày giảng dạy của cô Hoàng Thị Bảy - một trong số 58 giáo viên được tuyên dương trong chương trình năm nay. Được biết, cô Bảy là giáo viên dạy Văn và đã gắn bó với nghề giáo suốt 16 năm với nhiều kỷ niệm vui buồn cùng nhiều lớp học sinh tại huyện Lắk.
Không chỉ là một người thầy, mà cô Bảy còn là một người bạn, người mẹ của các em học sinh. Cô chính là nơi bao thế hệ học trò trút bầu tâm sự, chia sẻ những điều thầm kín từ tình yêu tuổi mới lớn, chuyện gia đình… Ngay như trong lớp cô Bảy đang chủ nhiệm, có một nữ sinh tâm sự chuyện đang thích một bạn trai cùng lớp. Bằng kinh nghiệm của mình, cô Bảy khéo léo giúp nữ sinh hiểu về tình yêu tuổi học trò. Cách để các em nuôi dưỡng tình yêu đẹp bằng cách trở thành đôi bạn cùng tiến. Thậm chí đã có thời gian cô giáo Bảy đã giúp một nữ sinh lớp 8 thoát khỏi hủ tục tảo hôn.
Cô Bảy quan niệm, làm giáo viên ngoài trách nhiệm cần có tình yêu thương học trò. Đó là kim chỉ nam giúp cô luôn tìm thấy niềm vui, hạnh phúc trong suốt 16 năm làm "người lái đò".
Khi nhận được tin mình được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô", cô giáo dạy văn này không giấu nổi niềm hạnh phúc nhưng cũng bất ngờ vì cô cho rằng ngoài kia còn rất nhiều thầy cô giáo, những đồng nghiệp giỏi giang hơn mình.
Ngoài ra, các đại sứ còn có những chuyến thăm thầy cô ở các tỉnh thành khác, như: Hòa Bình, Bắc Giang… Dẫu biết những chuyến hành trình "Chia sẻ cùng thầy cô" tại các tỉnh thành không quá dài, còn rất nhiều câu chuyện chưa được kể ra, nhưng thông qua hành trình cùng các đại sứ chúng ta vẫn cảm nhận được sự tận tâm tận tụy của những nhà giáo trong hành trình "trồng người" của mình. Khó khăn thật đấy, vất vả cũng nhiều nhưng họ vẫn cố gắng, vững tin để truyền đạt những kiến thức, những điều hay lẽ phải cho học sinh. "Dạy học hạnh phúc" là một điều mà bất cứ thầy cô nào cũng mong muốn hướng tới. Chỉ khi trò hạnh phúc thì những người thầy, người cô lúc đó mới thực sự hạnh phúc.
Một điều khá thú vị của chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm nay không thể không kể đến 2 buổi TikTok Live với sự tham gia của các chuyên gia giáo dục, đại sứ bàn về "hành trình dạy - học hạnh phúc".
Buổi giao lưu trực tuyến đầu tiên có sự góp mặt của 3 khách mời gồm PGS.TS. Trần Thành Nam - Phó hiệu trưởng trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý và Giáo dục Việt Nam, Hoa hậu Lương Thùy Linh và MC - Á khôi Ngô Mai Phương. Hai khách mời nữ đồng thời là đại sứ của chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2023.
Theo các khách mời, giáo viên cần đổi mới phương pháp dạy học để học sinh không chỉ có đơn thuần là ghi nhớ, mất cảm hứng và xúc cảm trong học tập; cần thay đổi cách tiếp cận với học sinh từ việc trẻ làm sai cho tới việc động viên, khích lệ, dành thời gian gần gũi, giao lưu với học sinh.
Chủ đề về bạo lực học đường cũng được 2 khách mời chú trọng. Câu chuyện gây nhức nhối này đã khiến cả PGS.TS. Trần Thành Nam và Hoa hậu Lương Thùy Linh dành nhiều tâm huyết để chia sẻ.
Khép lại hơn một giờ chia sẻ, những thông tin bổ ích và đầy tâm huyết của 2 vị khách mời đã mang đến cho người làm giáo dục, cha mẹ học sinh kiến thức cần thiết, những điều đáng để suy ngẫm.
Buổi TikTok Live số 2 đã được tổ chức với sự tham gia của các khách mời gồm PGS. TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó chủ tịch Hội khoa học tâm lý và giáo dục Việt Nam, Hoa Hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2018 H'Hen Niê, đại sứ chia sẻ cùng thầy cô 2023.
Xuất thân là người dân tộc thiểu số, câu chuyện về cuộc sống của Hoa hậu H'Hen Niê thực sự là một hình tượng truyền cảm hứng. Cô đã chống lại hủ tục kết hôn sớm, khao khát đến trường, chinh phục tri thức với mơ ước thay đổi cuộc đời.
Trên cương vị là người làm công tác giáo dục nhiều năm, PGS.TS Trần Thành Nam khẳng định việc học là điều tuyệt vời. Mỗi người trong chúng ta nếu không muốn bị bỏ lại phía sau. Học tập không chỉ mang tới cơ hội tìm kiếm nghề nghiệp một cách bền vững mà còn phát triển cả nhân cách.
Một trong những điều đầu tiên mà PGS.TS Trần Thành Nam nhắn gửi tới những người trẻ là để học tập trở thành niềm vui, niềm hạnh phúc, chúng ta cần phải tôn trọng giá trị và vẻ đẹp của tri thức chứ không phải học vì kỳ vọng của bất cứ ai hay chạy theo thành tích.
Trong hành trình theo đuổi tri thức, chúng ta cần học cách thay đổi thói quen. Trước hết, phải dám thừa nhận "Tôi không biết", bởi chỉ khi dũng cảm đối diện với yếu kém, ta mới có cơ hội lĩnh hội kiến thức và phát triển.
Hai buổi TikTok Live còn có sự đồng hành của chương trình "Future In Hand". Chương trình hướng đến việc xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, giúp học sinh phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần. Ngoài ra, chương trình còn có sự đồng hành của TikTok Việt Nam, với TikTok Challenge.
Bên cạnh đó là chuỗi hoạt động tuyên dương đầy xúc động diễn ra vào ngày 17/11/2023 tại Thủ đô Hà Nội. Phần lớn các giáo viên được tuyên dương đều có thâm niên công tác trên 10 năm, có 11 cá nhân công tác từ 20 - 30 năm, có 2 giáo viên đã công tác trên 30 năm ở vùng dân tộc thiểu số. Người có số năm công tác nhiều nhất là cô giáo Nguyễn Thị Ngà (53 tuổi, quê Bình Định) có thâm niên công tác 32 năm 9 tháng. Người trẻ nhất là thầy Trần Lê Minh Chiến (Quảng Ngãi) và thầy Nguyễn Thanh Dương (Bình Dương) đều 27 tuổi.
Chia sẻ về hành trình đã qua, ông Trịnh Văn Hào, Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại, Tập đoàn Thiên Long, chia sẻ: "Là đơn vị đồng tổ chức chương trình, Thiên Long thật sự hạnh phúc vì chúng tôi nhìn thấy sức lan tỏa sâu rộng qua từng năm, mỗi năm đều có điểm mới và được sự ủng hộ ngày càng mạnh mẽ của xã hội. Từ những câu chuyện nhân văn và sâu sắc, chương trình tôn vinh những giá trị của người thầy, đề cao giá trị tốt đẹp của giáo dục và cổ vũ hành trình dạy và học hạnh phúc".
Chương trình "Cùng chia sẻ với thầy cô" có thể sẽ kết thúc, thế nhưng những giá trị mà nó mang lại vẫn còn đồng hành trong một thời gian dài nữa. Và sau tất cả, những người thầy, người cô, những con người làm giáo dục vẫn sẽ tiếp tục nối dài hành trình dạy - học hạnh phúc và truyền cảm hứng của mình theo những cách khác nhau!