Được mệnh danh là thế hệ từ khi sinh ra đã không thể tách rời Internet, Gen Z chứng minh được tầm ảnh hưởng của mình thông qua việc khởi đầu và dẫn đầu xu hướng. Họ đang cho thấy đây chính là thế hệ sẽ tạo nên nguồn cảm hứng mới. Vậy nên cứ bước chân ra đường, lại thấy một bạn trẻ Gen Z có cá tính nổi bật, đang dẫn đầu hay tạo nên xu hướng mới nào đó trên mạng xã hội. Bí quyết của những bạn trẻ này là gì, hãy cùng thử khám phá!
Có một định nghĩa trendy về thế hệ Gen Z được dân tình truyền tai nhau: "Một thế hệ nối tiếp millennials, cool hơn 8X, giàu hơn 9X đời đầu và đi nhiều, trải nghiệm nhiều, tự tin làm chủ cuộc đời nhiều hơn bất kì thế hệ nào trước đó". Cứ lên mạng xã hội, chúng ta sẽ bắt gặp hình ảnh những bạn trẻ cuối 9X - đầu 10X với những sản phẩm cool ngầu khiến bạn phải thốt lên "ồ quao" đầy ngạc nhiên. Tôi vẫn nhớ như in cảm giác thích thú khi biết các buổi triển lãm nghệ thuật đương đại do những người trẻ chỉ mới mấp mé đầu 2k đứng ra tổ chức. Rồi trên Instagram có biết bao influencer mới chỉ đôi mươi nhưng đã có trong tay hàng trăm ngàn follow, mở ra các local brand cộp mác dấu ấn bản thân.
Sinh trưởng trong thời đại bùng nổ công nghệ số, khi giá trị cá nhân trở thành tấm passport thứ 2 để bước vào đời; không ngoa khi nói rằng: Thời thế không cho phép Gen Z được "sống nhạt". Thực tế những bạn trẻ này cũng rất độc lập và tự tin vào quan điểm cá nhân. Họ không còn chịu nhiều sự ràng buộc của những định kiến cũ, cộng thêm cả sự phát triển của công nghệ nên mọi thông tin cần tìm chỉ mất vài giây để tìm ra. Suy nghĩ của Gen Z vì thế cũng cởi mở hơn. Họ được tự do quăng mình trong không gian "cái tôi sáng tạo" để tự tìm câu trả lời: "Tôi là ai?"
Đơn cử như chuyện chọn trường đại học đã khác đi rất nhiều. Với thế hệ học trò trước, nhiều người ở thế bị động khi thấy trường này top quá thì đi học đại hay "cha mẹ đặt đâu con ngồi đó". Khi điều này kéo dài, nó sẽ kéo theo nhiều hệ lụy như chán ghét ngành mình học, ra trường làm trái nghề… Nhưng giờ đây Gen Z tự chủ hơn trong việc chọn lựa thông tin. Theo khảo sát, có đến 81% Gen Z tự tin sau khi tốt nghiệp lớp 12 hiểu rõ bản thân thích gì và muốn gì. Không còn phụ thuộc quá nhiều vào định hướng của các bậc phụ huynh, thế hệ trẻ này có trong tay các trang mạng xã hội để tự dò hỏi thông tin, có website để tự kiếm ngành học thay vì phải đến tận trường nhờ tư vấn tuyển sinh.
Khác biệt lớn nhất của thế hệ chúng ta so với các thế hệ trước là tư duy mở. Nếu thế hệ X - cha mẹ chúng ta - khá hoài nghi và cẩn trọng, thì thế hệ Z lại dễ dàng tiếp cận mọi thứ, từ kiến thức cho đến công việc. Họ có xu hướng lựa chọn những ngành nghề trái hoàn toàn với cha mẹ. Họ thích làm việc freelancer, thích khởi nghiệp và làm những thứ liên quan đến trách nhiệm xã hội.
Theo khảo sát của Navigos Group, có đến gần 2/3 ứng viên trẻ tham gia cho biết họ mong muốn khởi nghiệp trong 3-5 năm tới. Hay theo một cuộc khảo sát, có đến 8% sinh viên không muốn làm trong môi trường quá ổn định, làm freelancer cũng tốt; trong khi 14% lại muốn làm việc cho các tổ chức cộng đồng. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy giới trẻ là những người dám "nghĩ lớn". Và việc cho bản thân tự tìm kiếm môi trường học phù hợp - năng động - sáng tạo sẽ giúp Gen Z dễ dàng thành công hơn.
Ngày nay, chính giới trẻ tạo nên độ hot cho ngành nghề mình theo đuổi, chứ không phải thụ động dựa vào danh xưng nghề để chạy theo. Đã qua rồi cái thời người lớn áp đặt con cái chạy theo những ngành nghề mà họ cho là hot như bác sĩ, ngân hàng, kinh tế… Khi thế giới chuyển động không ngừng cũng là lúc nhiều ngành học mới thú vị được khai mở, từ đó giúp mỗi bạn trẻ có thêm sự lựa chọn. Thậm chí, nhiều bạn trẻ còn tự tin theo đuổi ngành hiếm vì dự báo được xu hướng tuyển dụng trong tương lai.
Các ngành nghề mới mẻ của thời 4.0 này đã chứng tỏ sức hút và sự thú vị của mình ngay từ đầu và cứ thế nó ngày càng có sức ảnh hưởng. Bởi thế mà có thể nói, ngày nay, chính giới trẻ tạo nên độ hot cho ngành nghề mình theo đuổi, chứ không phải thụ động dựa vào danh xưng nghề để mà chạy theo.
Nguyễn Trúc Khang (sinh viên năm 3) là nhân vật điển hình cho những Gen Z dám bứt phá ra khỏi vùng an toàn. Nam sinh đã nung nấu niềm đam mê với những dãy code từ những năm cấp 3 khi còn là một học sinh lớp chuyên Tin. Đặt bút vào giấy đăng ký xét tuyển, cậu bạn quyết định chọn ngành Kỹ thuật phần mềm của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM (viết tắt là UEH) chứ không phải là các trường thuộc khối Tự nhiên khác.
Sau 3 năm, 10X đã cho thấy mình đã có quyết định sáng suốt. Tại đây, cậu bạn được hỗ trợ tối đa về mọi thứ để phát triển năng lực bản thân. Cơ sở vật chất như Thư viện thông minh, phòng LAB hiện đại, nhiều không gian sáng tạo phục vụ cho việc học và nghiên cứu. Đặc biệt, nhà trường có đội ngũ giảng viên là những Giáo sư, Tiến sĩ đầu ngành với kiến thức và kinh nghiệm dày dặn, nhiều Workshop, chương trình ý nghĩa và thực tiễn, nhiều CLB/Đội/Nhóm giúp sinh viên có môi trường để vận dụng kiến thức.
Riêng đối với các sinh viên Kỹ thuật phần mềm, ngoài các kiến thức chuyên ngành như các trường Tự nhiên khác, UEH còn trực tiếp giảng dạy cả kiến thức liên quan đến Kinh tế, qua đó giúp Trúc Khang có sự am hiểu nhất định về các vận hành và quản lý doanh nghiệp.
Cậu bạn chia sẻ: "Mình đặc biệt thích tư duy ‘Công nghệ thông tin là dịch vụ, là công cụ phục vụ phát triển kinh tế nhưng nó cũng là một phần không thể thiếu và tách rời trong bộ máy hoạt động của doanh nghiệp’ từ UEH. Mình cảm thấy học ở đây lúc nào bản thân cũng có một nguồn năng lượng dồi dào và ở hiện tại, mình đã hình dung ra được lộ trình, định hướng và cơ hội nghề nghiệp sau này".
Còn với Nguyễn Thùy Linh, khi nhìn thấy xu hướng Thương mại điện tử đang ngày càng trở nên thu hút và thống lĩnh thị trường, cô bạn đã nhen nhóm ý định tìm hiểu về các khối, trường đào tạo ngành này dù khi học cấp 3, mọi khái niệm về nó còn mơ hồ.
Dù phổ biến ở các nước khác nhưng Thương mại điện tử vẫn là ngành học mới mẻ ở Việt Nam. Đây là lý do để ngành học này vẫn nhiều sinh viên như các ngành truyền thống khác.Tuy nhiên gạt qua điều này, Thùy Linh vẫn quyết định theo đuổi nó vì với cô bạn, không cần chạy theo những ngành học hot vì Thương mại điện tử dù chưa "hút" nhưng sẽ là ngành khát nhân lực trong tương lai, khi ngày càng nhiều doanh nghiệp nhảy vào địa hạt này để kinh doanh.
Cô bạn còn cho rằng: "Thất nghiệp hay không là do năng lực của mỗi người. Nếu đủ sẵn sàng và trang bị tốt chuyên môn thì ai cũng có thể có một công việc của riêng mình."
Tại UEH, từ năm nhất, Thùy Linh đã được tìm hiểu tổng quan các kiến thức về kinh tế, quản trị. Đặc biệt, nhà trường còn chú trọng nâng cao trình độ tiếng Anh thương mại của sinh viên. Từ năm 2, các bạn được bắt đầu đào tạo kiến thức chuyên ngành bao gồm cả mảng công nghệ (Lập trình website, Hệ thống thông tin, ERP, Bảo mật hệ thống TMĐT...) và mảng kinh tế nói chung (bao gồm Thương mại, Marketing, Quản trị kinh doanh…). Ngoài ra, UEH còn đầu tư phát triển các kỹ năng mềm như thuyết trình, phản biện, phân tích… cho sinh viên.
Sau quãng thời gian gắn bó với UEH, cô bạn nhận ra rằng mình đã tìm được hướng đi đúng đắn cho bản thân. 10X tâm sự: "Những việc mình đang làm khiến mình vui vẻ, mình hiểu được mình đang làm vì mục đích gì? Làm như thế nào? Đó là những điều mà bản thân mình tìm được trong suốt khoảng thời gian vừa học, vừa trải nghiệm."
Còn với Lê Trần Hải Vy - sinh viên ngành Marketing - cũng có những trải nghiệm đáng nhớ với việc lựa chọn ngành học của bản thân. Cô nàng chia sẻ: "Hồi đầu ba mẹ cũng định hướng mình đặt nguyện vọng vào các ngành hot như Kinh doanh quốc tế hay Ngoại thương. May mắn mình cũng đậu vào, nhưng lúc đi nộp hồ sơ nhập học thì mình quyết định đổi sang ngành Marketing vào phút chót."
Tự nhận thấy mình là một người năng động, sáng tạo và yêu thích trải nghiệm thú vị trong ngành Marketing, Hải Vy đã không ngần ngại chọn lựa và "dấn thân" vào ngành học mình yêu thích. Trải qua thời gian học tập, Hải Vy mừng rỡ vì nhận ra bản thân và Marketing như một cặp trời sinh, càng học càng thấy đam mê.
Theo Hải Vy chia sẻ, sinh viên ngành Marketing tại UEH thường phải chạy nhiều project ngay từ năm nhất. Để học tốt tại đây, sinh viên cần phải có kỹ năng quản lý thời gian cực kỳ chắc. Để cải thiện kỹ năng này, Hải Vy áp dụng luôn phương pháp lấy độc trị độc. Cô nàng năng nổ đăng ký tham gia nhiều hoạt động và tổ chức trong trường để luyện tập kỹ năng quản lý thời gian. Đây cũng là cơ hội để Hải Vy được trải nghiệm và có mối quan hệ rộng rãi với các anh chị đi trước. Hải Vy nhận thấy mình không chỉ cần sự thành công, mình muốn thành công nhưng phải kèm thêm cả sự thú vị!
Với Hải Vy, điều khiến ngành Marketing tại UEH luôn nằm trong top ngành hot bởi vì khi tham gia học sinh viên sẽ được học song song hai mảng client và agency. Ví dụ như được học các môn bên agency side như Creative Marketing, IMC, Digital Marketing, Research Marketing, PR… Và có những môn thiên về client side hơn như Branding, Marketing Management, B2B Marketing, Consumer Behavior, Pricing...
Tại UEH, sinh viên luôn được trau dồi kỹ năng và kiến thức bằng những hoạt động thực tế. Ngoài ra, đoàn hội UEH hoạt động theo chủ trương trao quyền, gần như sinh viên được chủ động trong tất cả chương trình tổ chức. Không chỉ vậy, tất cả những đề xuất đều được lắng nghe và tiếp nhận một cách rất cởi mở. Từ đường chạy trực tuyến để gây quỹ, đến cuộc thi sáng tạo nội dung giáo dục và cả những chương trình quy mô vài ngàn người đều được hỗ trợ tổ chức.
Không ai có thể phủ nhận đi học là để tiếp thu kiến thức. Thế nhưng nếu vai trò trường lớp chỉ dừng lại ở việc giảng dạy thì người trẻ cũng chỉ trở thành những cỗ máy học thuộc lý thuyết. Người trẻ cần môi trường năng động để thực hành những gì họ học, trao cho họ cơ hội được thể hiện bản thân. Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đã chứng tỏ đây là ngôi trường giúp sinh viên phát triển toàn diện, giúp họ nhận ra bản thân là ai và cần gì.
Điểm đặc biệt ở UEH là có hệ thống chương trình dạy và học chuẩn quốc tế, kết nối với top 200 đại học hàng đầu trên toàn thế giới, nhờ đó sinh viên có thể chuyển tiếp học tập ở các môi trường quốc tế, nắm bắt các cơ hội trở thành công dân toàn cầu.
Điều này đặc biệt cần thiết với thế hệ Gen Z. Bởi họ là những người đang trở thành tiêu điểm của thế giới khi được tiếp cận tiến bộ khoa học kĩ thuật, nắm trong tay nhiều công cụ cũng như kỳ vọng chinh phục cuộc cách mạng 4.0. Mang trong mình những kiến thức chuẩn quốc tế, sinh viên cũng được "quốc tế hóa" để trở nên mới mẻ trong tư duy, không còn chạy theo lối mòn của những công thức rập khuôn và cũ kĩ.
Không chỉ tạo ra môi trường học chuẩn, mà Trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh còn hướng đến nhiệm vụ là "tạo nên những sinh viên đa-zi-năng". Đó là những sinh viên học Kinh tế nhưng vẫn có kiến thức về công nghệ, những bạn trẻ học truyền thông nhưng vẫn hiểu biết về Thiết kế Đồ họa, hay học Quản trị Kinh doanh lại biết về khởi nghiệp… Những kiến thức bổ trợ cho nhau khiến người trẻ không chỉ có thể làm tốt một việc, mà cứ "quăng" bất cứ cơ hội nào thì họ cũng đủ tri thức để chinh phục nó.
Như ở chuyên ngành Kiến trúc và thiết kế đô thị thông minh, sinh viên UEH được đào tạo tham gia các dự án phát triển, quy hoạch, thiết kế đô thị, thiết kế kiến trúc và cảnh quan, ứng dụng công nghệ và tích hợp để phát triển. Sinh viên không chỉ được học ở những lớp học tương tác trực tiếp truyền thống, mà còn được trải nghiệm những lớp học mô phỏng đô thị Studio Lab hiện đại.
Hay nổi bật là ngành Thuế trong kinh doanh - lần đầu tiên UEH tiên phong đào tạo về thuế trong kinh doanh dưới góc nhìn doanh nghiệp. Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể trở thành hội viên dự bị của hiệp hội kế toán Úc CPA Australia. Bên cạnh đó, sinh viên cũng được học thêm ngành phụ và ngành song song với thời gian rút ngắn như: Kế toán, Luật Kinh doanh, Quản trị nguồn nhân lực… Minh chứng rõ ràng cho việc học 1 ngành nhưng biết được N ngành là đây!
Bên cạnh đó, Quản trị tín dụng là một trong những chuyên ngành mới, cung cấp cho người học các kiến thức nền tảng, kiến thức chuyên ngành và các kỹ năng cần thiết để ứng dụng vào công việc ở bộ phận tín dụng, quản trị rủi ro, quan hệ khách hàng, thẩm định tín dụng - những bộ phận chủ yếu, cốt lõi của mỗi ngân hàng.
Bên cạnh cung cấp môi trường học và bài giảng chất lượng, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM còn tạo nên sự hứng khởi cho sinh viên thông qua các hoạt động ngoại khóa. Chỉ cần bước chân vào ngày chào đón tân sinh viên, các bạn trẻ sẽ được nhiều CLB mời chào tham gia. Ở UEH, có đến hơn 30 CLB đa dạng thể loại từ tình nguyện, văn nghệ, cho đến học thuật. Nhà trường cũng đặc biệt tạo điều kiện cho các hoạt động ngoại khóa nhằm giúp sinh viên rèn kĩ năng giao tiếp, kĩ năng nghề nghiệp. Thế hệ sinh viên bước ra từ những hoạt động này sẽ mang lối tư duy phóng khoáng và có khả năng giao tiếp đặc biệt tốt. Đây cũng minh chứng cho việc "thành công không chỉ gói gọn trong điểm số", mà ở bạn có biết tận dụng tốt cơ hội của mình hay không.
Ngoài cơ sở tại TP.HCM, UEH còn đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong kỷ nguyên số tại Phân hiệu Vĩnh Long. "Học tại Vĩnh Long - Chất lượng, bằng cấp UEH", đây cũng là sự lựa chọn cực cool cho các bạn trẻ ở miền Tây. 4 năm đại học, tưởng dài nhưng lại là quãng thời gian ngắn ngủi cho sinh viên chuẩn bị hành trang trước khi thực sự cạnh tranh với cuộc đời. Và điều bạn cần là một môi trường năng động, không chỉ dạy tốt kiến thức mà còn kĩ năng xã hội, có những hoạt động đa dạng để sinh viên khám phá hết tiềm năng còn ẩn giấu trong bản thân mình.