Hơn thua giữa hai nhóm nhạc không thể chỉ đánh giá dựa trên một album, EXO có sứ mệnh riêng của mình và BTS cũng vậy.
Cùng là những nhóm nhạc thần tượng đình đám của Kpop thế hệ 3, từ lâu mối quan hệ đối địch của EXO và BTS đã là mối quan tâm đặc biệt của không chỉ hai fandom mà còn của fan Kpop nói chung và cả truyền thông. Kết quả của cuộc chiến năm 2018 này dường như đã ngã ngũ chỉ vài ngày sau khi album “Don’t Mess Up My Tempo” của EXO ra mắt, nhưng có thật là EXO đã không còn có cửa khi so với “biggest boyband in the world” theo cách gọi của truyền thông phương Tây?
EXO ra mắt vào năm 2012, BTS ra đời một năm sau đó. Ngay từ trước khi ra mắt, EXO đã được đông đảo fan Kpop biết đến bởi một lý do hết sức đơn giản: Đây là một dự án trọng điểm của ông lớn SM. Việc tung liên tiếp vài mươi teaser cho các thành viên với âm nhạc, vũ đạo và ngoại hình đều miễn chê, EXO dường như sẽ cầm chắc một suất thành công ngay từ đầu, tiếp bước các nhóm nhạc đàn anh như DBSK và Super Junior để làm nên lịch sử.
Mọi việc không suôn sẻ đến thế, MV đầu tiên có mặt đầy đủ cả 12 thành viên EXO tên là “MAMA” hoàn toàn không gây được dấu ấn. Có lẽ một loạt những teaser trước đã phản tác dụng khi khiến cho khán giả lầm tưởng rằng “MAMA” cũng chỉ là một MV teaser, nhưng điều chắc chắn đã diễn ra vào thời điểm đó chính là EXO được coi như thất bại đầu tiên của SM. Dù vươn lên mạnh mẽ với “Growl” và chính thức bước đi trên con đường hoa từ đó, nhưng những ngày “MAMA”, “History” thất bại hay “Wolf” bị chê cười vẫn là kỉ niệm khó quên cho những người dõi theo EXO từ những ngày đầu.
Không chỉ khó khăn trong những ngày đầu, khó khăn lớn nhất dành cho EXO chính là sự xáo trộn trong đội hình mà không ai có thể bù đắp nổi. EXO vốn được triển khai theo concept song sinh – mỗi đội hình EXO – K và EXO – M đều có 6 thành viên với ý tưởng “đứng trên cùng một mặt đất nhưng nhìn nhận hai khoảng trời riêng rẽ” và kết nối với nhau bằng hình tượng cây sinh mệnh. Việc EXO – M thiếu đi 3 thành viên người Trung lần lượt là Kris, Tao và Luhan đã phá vỡ hoàn toàn đội hình 6 – 6. Cá biệt có Kris Wu, trưởng nhóm EXO – M đã bất ngờ rời nhóm ngay trước thềm concert đầu tiên, khiến các thành viên phải gấp rút thay đổi đội hình và vũ đạo để lấp đầy chỗ trống. Đây là một điều hết sức đáng tiếc bởi vì EXO không chỉ là một dự án trọng điểm mà còn là dự án được SM thai nghén từ rất lâu.
“Con nhà giàu” EXO đã có thời gian chật vật vì cái bóng của công ty lẫn xáo trộn nội bộ, còn về phần BTS, chắc hẳn fan Kpop ít nhiều đều đã biết tới “truyền thuyết” về sự ra đời từ con số âm cùng khoản nợ hàng tỉ won.
BTS ra mắt năm 2013 và bước vào đường đua Kpop một cách khá lặng lẽ. Sau thất bại của nhóm nhạc nữ mang tên GLAM, Big Hit đứng trước nguy cơ giải thể và quyết định đặt cược tất cả hi vọng vào 7 chàng trai dưới cái tên vấp phải phản ứng chê cười của không ít khán giả - Chống Đạn Thiếu Niên Đoàn. Trước khi đứng ở vị trí hiện tại, BTS đã có thời gian tổ chức fan meeting ở công viên, đi phát vé biểu diễn miễn phí tại Mĩ. Với ngoại hình khó có thể gọi là hợp nhãn vào thời điểm đó, thậm chí một vài thành viên trong nhóm cũng tự ý thức được và tâm sự rằng thật biết ơn vì nhóm có những gương mặt hút fan như Jungkook, Jin và V.
Ở những năm đầu của Kpop thế hệ 3, việc quảng bá một ca khúc qua mạng xã hội còn là một điều xa lạ. Những sân khấu ca nhạc, show truyền hình hay những kênh quảng bá truyền thống vẫn chiếm thế thượng phong, mà BTS vốn không có được lợi thế đó bởi tiềm lực của công ty không quá mạnh. Bù lại, BTS có một lợi thế cực kì lớn chính là tình cảm giữa các thành viên với nhau được hàn chặt trong những ngày gian khó. Trưởng nhóm RM khi được hỏi “solo hay Bangtan” ở trong một trò camera ẩn đã ngay lập tức trả lời “Bangtan” mà không hề suy nghĩ. Giữa các thành viên BTS có sự thấu hiểu và chia sẻ với nhau, với công ty tới mức không một ai bất ngờ khi BTS quyết định kí tiếp hợp đồng 7 năm với Big Hit khi hợp đồng cũ vẫn còn 1 năm nữa mới đến hạn kết thúc.
Bàn tiệc SM dọn ra không dễ để EXO thưởng thức, còn quãng thời gian BTS tự thiết kế bàn tiệc cho mình cũng kéo dài suốt từ 2013 cho đến 2015 mới dần êm đẹp. Dù là “thìa vàng” hay “thìa sắt”, chặng đường đi lên của EXO và BTS đều có những gian khó, những bấp bênh và có lúc tưởng như thất bại đã gần kề.
“Nhóm nhạc triệu bản” vốn là một cái tên chưa bao giờ phổ biến, và nó cũng từng chỉ phổ biến đối với duy nhất một nhóm nhạc Kpop thế hệ 3 đó là EXO. Dự kiến sau album mới nhất là “Don’t Mess Up My Tempo”, tổng số lượng album mà EXO bán ra sẽ lên tới 10 triệu bản – con số khủng cho một thần tượng 6 năm tuổi. EXO là nhóm nhạc nam nổi tiếng hàng đầu ở Trung Quốc, người hâm mộ tại đại lục tỉ dân lại nổi tiếng chịu chi với số tiền lên đến hàng tỉ đồng mỗi lần mua album.
Nhìn vào đồ thị lượng bán album mỗi năm của EXO, có thể thấy được rằng con số này tăng khá đều và ổn định. Từ năm 2013, mỗi album của EXO đều có doanh số nằm trong khoảng trên 1 triệu (tính cả album tái phát hành), và chuỗi album mùa đông cũng đạt doanh số trên 500 ngàn bản.
Sau thành công của album “Wings” với ca khúc chủ đề “Blood Sweat and Tears”, tên tuổi của BTS đã vươn đến một tầm cao mới không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài. Cũng từ đó, các biểu đồ về lượng tiêu thụ album của BTS tăng đến mức chóng mặt. Lượng tiêu thụ cho album gần đây nhất của nhóm là “Love Myself: Answer” đã đạt đến con số 2 triệu bản, đây cũng là thành tích mà suốt 18 năm qua chưa có nghệ sĩ Hàn Quốc nào có thể đạt được.
Là hai nhóm nhạc nam lớn nhất Kpop trong thời điểm này, có thể nói rằng doanh số album của EXO và BTS đã ảnh hưởng qua về lẫn nhau. Áp lực “album sau nhiều hơn album trước” là chưa đủ, EXO – L và ARMY, vốn là 2 fandom kèm cựa nhau từng chút một ít nhiều cũng sẽ mang áp lực “nhà mình phải hơn nhà hàng xóm”. Điều này thể hiện rõ ràng qua việc lượng album bán ra của EXO trong năm 2017 tăng vọt và chỉ riêng con số album đặt trước cho “Don’t Mess Up My Tempo” năm 2018 này cũng lên tới hơn 1 triệu mà không cần cộng gộp với doanh số tái phát hành như những năm trước đây. Phần nhiều hiệu ứng cho con số triệu bản này đến từ việc EXO đã để fan chờ đợi quá lâu, nhưng rõ ràng “mối đe dọa” mang tên BTS (và fan của họ) càng ngày càng lớn đã có tác động đến hoạt động mua album của EXO – L.
Nếu như mảng album cứng có phần tương đồng về số lượng và dễ dàng kiểm chứng thì trong âm nhạc, rất khó để so sánh EXO và BTS với nhau. Cùng đứng ở vị trí đỉnh cao nhưng con đường âm nhạc đưa EXO và BTS đến vị trí đó lại hoàn toàn khác biệt.
EXO có tự sáng tác hay không? Câu trả lời là có. Chanyeol vẫn thường đăng tải những ca khúc do mình tự sản xuất lên Soundcloud để tặng fan. Lay, thành viên người Trung còn lại từng sáng tác “Promise” như một lời hứa, lời cảm ơn và dành cho EXO – L. Thế nhưng là một nhóm nhạc dưới trướng SM, giống như truyền thống của các nhóm nhạc đàn anh đàn chị đi trước, EXO không có nhiều cơ hội quảng bá âm nhạc do chính mình viết lời và sản xuất. Âm nhạc SM dành riêng cho EXO thường khá phức tạp với nhiều phân đoạn và phần beat hết sức công phu. Không dừng lại ở bất cứ thể loại nào, mỗi lần comeback là một lần EXO mang tới một trải nghiệm âm nhạc mới: Nếu Power thuộc thể loại Big Room House thì Kokobop là Reggae, còn “Tempo” gần đây là một ca khúc theo thể loại Dance với điểm nhấn là phần beat sử dụng acappella. Điểm truyền thống duy nhất còn được giữ lại xuyên suốt trong những bài hát chủ đề của EXO chính là “killing part” gây nghiện.
Với những ai nói rằng âm nhạc của EXO chỉ là âm nhạc thị trường và không có tính nghệ thuật, chắc chắn người đó đã bỏ qua hai “nhân tố bí ẩn” là các bài hát B-side và loạt album mùa đông của nhóm. Đặc biệt là chuỗi album mùa đông ra mắt đều đặn mỗi năm, mỗi album đều khai thác hình ảnh con người cô đơn giữa vũ trụ và thể hiện bằng nhiều cách khác nhau. Từ “Miracles in December”, “Sing For You” cho đến “Universe” đều là những ca khúc mang lại cảm giác buồn nhưng không hề “lạnh”, cực kì phù hợp với không khí Giáng Sinh. Kể từ 2013 đến nay, mùa đông của Kpop không có EXO thì không phải là một mùa đông trọn vẹn.
EXO 엑소 'Sing For You' MV
Về phần BTS, thương hiệu “idol tự sáng tác” đã đi cùng nhóm từ những ngày đầu tiên. Là một nhóm nhạc hip hop và có 3 thành viên xuất thân từ giới underground, việc tự sản xuất âm nhạc và sử dụng luôn âm nhạc của mình dường như đã nằm trong dự liệu của nhà sản xuất Bang Si-hyuk từ khi bắt đầu ý tưởng thành lập nhóm. Khi tên tuổi BTS vượt xa biên giới Hàn Quốc và lịch trình ngày càng dày đặc ở khắp mọi nơi, các thành viên BTS vẫn ở phòng thu miệt mài thực hiện các sản phẩm âm nhạc của mình mà không giao công việc sản xuất cho người khác.
Âm nhạc đã cùng BTS đã thiết lập nên một phương thức giao tiếp đặc biệt giữa thần tượng và người hâm mộ, bởi âm nhạc nói lên chính bản thân họ và fan cũng hiểu rõ BTS nhiều nhất thông qua âm nhạc chứ không chỉ qua ống kính máy quay. Điều này không mấy phổ biến khi mà Kpop là một nền công nghiệp giải trí và mỗi thần tượng đều có quyền chọn cho mình một hình tượng để “sống chết” giữ gìn trong suốt sự nghiệp. Hình tượng có thể giả dối, nhưng âm nhạc do chính các thành viên nhóm nhạc sản xuất thì không hề nói dối mà chỉ mang những bộ dạng khác dựa trên trí tưởng tượng của mỗi người.
Thứ âm nhạc tự sản xuất cùng với những thông điệp xuyên suốt cả một chuỗi album dài đã khiến cho việc truyền tải cá tính bản thân được BTS làm tốt hơn là EXO. Tuy nhiên, EXO lại làm được một điều mà đến bây giờ BTS vẫn chưa làm được: những bản hit quốc dân, điều không thể thiếu để “định giá” một nhóm nhạc thần tượng. Nhắc đến EXO, ngay lập tức fan lẫn non-fan đều sẽ nhắc đến “Growl” và gần đây là “Kokobop”, những bản hit mà người người nhà nhà đều thuộc nằm lòng. Về phần BTS, tuy “Spring Day” là bài hát liên tục bám trụ top 100 tại Melon - bảng xếp hạng nhạc số lớn nhất của Hàn Quốc kể từ khi ra mắt, “DNA”, “IDOL” được đưa đi khắp sân khấu lớn tại Mĩ, nhóm vẫn chưa chính thức có một bản hit nào được công nhận là hit quốc dân tại quê nhà.
Ngay khi danh sách đề cử cho các giải thưởng âm nhạc thường kì của Hàn Quốc trong năm 2018 được lên sóng, không một ai có thể phủ nhận sự thật rằng 2018 là năm của BTS. Sẽ rất bất thường nếu như BTS không được xướng tên tại giải Daesang dành cho nghệ sĩ hay album của năm. 2018 là năm Kpop ồ ạt tiến công sang thị trường US – UK, cũng là năm mà cái tên BTS được nhắc đến như một kì tích đến từ Hàn Quốc.
Thật khó để liệt kê hết thành tích mà BTS đạt được trong năm nay, từ thành tích giúp lan tỏa độ phủ sóng bề rộng cho đến thành tích giúp củng cố vị thế vững chắc của mình. 2 album cuối cùng trong series “Love Yourself” là “Love Yourself: Tear” và “Love Yourself: Answer” lần lượt ra mắt đều đạt được thành công về mặt doanh thu đĩa cứng lẫn nhạc số, và đương nhiên không thể không dành tặng lời khen về chất lượng âm nhạc trong từng album. Nhóm nhạc từng bị chỉ trích vì biến sân khấu MAMA thành sân khấu comeback nay đã có màn debut hoành tráng với “Fake Love” trên sân khấu American Music Awards; chàng trưởng nhóm từng bị cười nhạo vì phát ngôn “mục tiêu tiếp theo là giải thưởng Daesang” đã có bài phát biểu nhận giải lần thứ 2 tại Billboard Music Awards. Xa hơn nữa, BTS mang âm nhạc và sức ảnh hưởng của mình đến với Liên Hợp Quốc và cùng fan tham gia gây quỹ chiến dịch chống lại nạn bạo lực trong thanh thiếu niên qua việc trích lợi nhuận từ những album triệu bản. Tour thế giới của BTS ở khắp mọi nơi đều cháy vé, đặc biệt là tại sân vận động Citi Field của Mỹ với hơn 45 ngàn khán giả cũng đã tẩu tán vé chỉ trong vòng 15 phút đồng hồ.
Trong khi BTS bật lên mạnh mẽ và trở thành nhóm nhạc Hàn Quốc được săn đón nhất, “đối thủ” một thời là EXO lại lặng lẽ lui về phía sau, và dường như im hơi lặng tiếng trước sự bành trướng của BTS cùng những nhóm nhạc đàn em.
Lịch comeback bị lùi liên tục và khiến cho EXO – L mong đợi từng ngày, các thành viên EXO tỏa ra mọi hướng với hoạt động cá nhân. Em út Sehun cùng rapper Chanyeol có màn kết hợp trong khuôn khổ SM Station bằng ca khúc “We Young” , nhóm nhỏ EXO – CBX (gồm ba thành viên Chen, Baekhyun, Xiumin) cũng cho ra mắt album thứ hai là “Blooming Days”. Lay mải miết với các show tạp kĩ tại quê nhà cùng album solo đầu tay tấn công thị trường Mĩ, D.O. lại nổi tiếng với vai trò diễn viên hơn là ca sĩ. Sau bao nhiêu ngày mong ngóng, album “Don’t Mess Up My Tempo” dần lộ diện với độ hoành tráng của phần đồ họa không thua gì những “siêu phẩm” khác, và chính thức trình làng vào ngày 2/11 vừa qua với ca khúc chủ đề có tên “Tempo”.
Công bằng mà nói, “Tempo” là một ca khúc hay, thậm chí là ca khúc hay nhất của EXO so với “Lotto” hay “Monster”, những ca khúc có thể loại gần giống đã được phát hành trước đó. Tuy nhiên, liệu một mình “Tempo” có thể lấp đầy kì vọng của EXO – L nói riêng và fan Kpop nói chung sau hơn 1 năm chờ đợi?
Vốn được nhá hàng là sản phẩm hoành tráng với xe phân khối lớn cùng những cảnh quay ngoài trời, thế nhưng MV “Tempo” lại một lần nữa khẳng định niềm đam mê bất tận của SM với những khối hộp. Lay, thành viên đã lâu không gặp xuất hiện như… khách mời tại chính MV của nhóm mình. Là thành viên người Trung cuối cùng còn lại và đang tạo dựng được sự nghiệp riêng tại quê nhà, việc lo ngại Lay sẽ dứt áo ra đi là điều không tránh khỏi. Sự mong chờ về một “Tempo” phiên bản 9 người hoành tráng đã trở thành nỗi thất vọng lớn nhất, vài phân cảnh ngắn ngủi tạo cảm giác những cảnh quay có Lay chỉ được thêm vào sau nhằm mục đích trấn an fan.
EXO 엑소 'Tempo' MV
Xét đến những con số cân đo đong đếm thành tích cụ thể, “Tempo” và album “Don’t Mess Up My Tempo” đều không thể vượt qua những kỉ lục mà BTS tạo được với những album gần đây. Đương nhiên, vị trí “phía sau” BTS của EXO là một vị trí mà không phải ai cũng có thể ngồi. “Phía sau” BTS là hơn 1 triệu album đặt trước, 463 ngàn album bán ra trong ngày đầu tiên, 19 triệu lượt xem Youtube trong vòng 24 giờ đầu tiên. Nhưng nếu như hai album cuối trong chuỗi “Love Yourself” của BTS gây ấn tượng về thứ âm nhạc liền mạch, xuyên suốt, có nội dung như một câu chuyện lớn mang tính an ủi và chữa lành thì “Don’t Mess Up My Tempo” chỉ là album có ý nghĩa kéo dài thành tích triệu bản cho EXO và chấm hết. Những thành tích mang tầm quốc tế của BTS trong thời gian này đều không chỉ có lợi cho một mình nhóm, mà còn góp phần định hình Kpop trong con mắt của khán giả ở thị trường US – UK.
Không chỉ bị át vía bởi BTS, EXO dường như cũng đã chới với trước sự vươn lên của các nhóm nhạc đàn em. Trong khi EXO – L hả hê vì SM có động thái “tẩy chay” giải thưởng âm nhạc thị phi bậc nhất là MAMA thì không ít fan Kpop đã có suy nghĩ tréo ngoe rằng thực tế EXO ít tham dự các lễ trao giải cuối năm này là vì… không chắc chắn đạt giải. Một cái tên lớn như EXO khó mà chỉ làm khách mời đến xem và ra về tay trắng, nhưng xét về lượng bán album thì BTS vẫn đang chiếm ưu thế, nói tới danh tiếng cùng tần suất hoạt động trong năm qua thì nhóm nhạc đàn em Wanna One lại có phần nhỉnh hơn. Comeback vào dịp cuối năm, khi các giải thưởng âm nhạc đã hòm hòm xác định đề cử xem ra lại là một hành động rất khôn ngoan. Xét cho cùng thì nó giúp bảo toàn danh tiếng của EXO, đề phòng trường hợp… Daesang không về tay còn giải thưởng phụ thì EXO đã quá tầm để nhận.
EXO, BTS cũng như EXO-L, ARMY là hai cái tên tiêu biểu nhất khi nhắc tới những “kình địch” của Kpop thế hệ thứ 3. Hai nhóm nhạc cách nhau 1 năm tuổi, hai fandom sẵn sàng “xâu xé” nhau trong những cuộc hỗn chiến trên mạng xã hội dần dần bỏ xa phần còn lại của Kpop về độ nổi tiếng cũng như mức độ hung hãn, quyết liệt khi bảo vệ idol. Sở dĩ có điều này là vì BTS được mặc định như đối thủ nặng kí nhất đe dọa đến vị trí số 1 của EXO, và quá trình đi từ nguy cơ cho đến vượt qua EXO của BTS chỉ gói gọn trong vòng 3 năm gần đây nhất. Cuộc chiến của hai fandom cũng dần đảo chiều, ARMY lúc này đã có thể lớn tiếng tự hào về thành tích của thần tượng mình thay cho việc bị “vùi dập” và chê cười vì dám đặt ra tham vọng như thời gian trước đây.
2017, 2018 và rất có thể là những năm về sau nữa, BTS sẽ tiếp tục viết nên những điều kì diệu cho mình. Thành tích mà BTS đã có trong tay, những lần đầu tiên gọi tên BTS, những giá trị tinh thần to lớn hơn tất cả những gì một nhóm nhạc thần tượng có thể mang lại là chưa từng có tiền lệ, điều này khiến cho nhiều người nhìn về tương lai của BTS và Kpop mà đem tới một nhận định rằng EXO lúc này đã hết thời, không còn đáng để đem so cùng BTS.
Tuy nhiên, sự so sánh lúc này sẽ rất phiến diện và sai lầm nếu như không nhìn ngược về quá khứ. Những ai hả hê với “chiến thắng” của BTS trước EXO hiện tại dường như đã bỏ quên một thời điểm quan trọng: những năm từ 2013 cho đến 2015, khi mà BTS vẫn ngụp lặn đâu đó trong bản đồ Kpop thì vị thế của EXO đã cách BTS một bức tường thành. Cơn sốt EXO lan tỏa khắp mọi nơi, thậm chí logo của nhóm còn trở thành một… biểu tượng thời trang quen thuộc. Những giá trị đó không chỉ có ý nghĩa riêng cho nhóm, mà sự phát triển của EXO từ 2013 cho đến 2015 gần như đã vực dậy làn sóng Hàn đã bị đóng băng trong giai đoạn chuyển giao giữa các thần tượng thế hệ 2 và thế hệ 3. Kpop vẫn chưa thoái trào, vẫn còn có người kế vị những nhóm nhạc đàn anh đàn chị đi trước, chính EXO là biểu tượng sáng giá nhất để những ai yêu mến và theo dõi Kpop từ những ngày đầu có lại niềm tin đó, nhất là trong khi dàn thần tượng thế hệ 3 vẫn chưa có một ai kịp tạo được dấu ấn.
Thời đại của EXO không hẳn thuộc về thế hệ thần tượng thứ 3, nói đúng hơn là “bản lề” của Kpop thế hệ thứ 2 và 3. EXO đã làm tốt vai trò của mình trong giai đoạn đó, và tất cả những gì cần thiết cho danh xưng “nhóm nhạc hàng đầu Kpop”, EXO đều đã có cho mình: Một fandom cực kì lớn mạnh, những bản hit quốc dân, doanh thu khủng từ loạt concert, sự nghiệp riêng của từng thành viên cũng đã cơ bản được đặt nền móng. BTS khai phá một công thức mới dành cho thần tượng Kpop, còn EXO đứng trên đỉnh cao của Kpop với những tiêu chí truyền thống. Một bên kế thừa, một bên phát triển, câu chuyện về “đối thủ” là vô nghĩa khi con đường đi của hai nhóm là hoàn toàn khác biệt.
Album “Don’t Mess Up My Tempo” lần này của EXO dù không khẳng định sự thụt lùi của EXO thì cũng đã khẳng định rõ hơn tốc độ phát triển kinh hoàng của BTS, có thể tạm thời đánh giá rằng EXO của năm 2018 đã bị BTS bỏ xa. Tuy nhiên, thành công của một nhóm nhạc không thể xem xét dựa vào ngày một ngày hai, EXO có sứ mệnh riêng của mình và BTS cũng vậy. Thế hệ Kpop thứ 3 rực rỡ hơn hẳn rõ ràng là nhờ công của EXO và BTS, EXO đã khai thông cho Kpop đầu thế hệ thứ 3 trong khi BTS lại là người mang một hướng đi khác đến cho Kpop manh nha bước vào thế hệ thứ 4. Những tranh cãi và so sánh vẫn luôn diễn ra dù rằng vô nghĩa, nhưng chúng ta cũng có thể yên tâm rằng chừng nào những tranh cãi về vị thế vẫn chưa kết thúc thì cũng là lúc BTS và EXO còn đứng ngang hàng để cùng cạnh tranh và viết nên những thành tựu mới trong sự nghiệp của mình.