Trong khoảng thời gian mà các phim bom tấn của nước ngoài bỗng nhiên cùng nhau... dở đều, "Em chưa 18" bỗng trở thành một lựa chọn tối ưu của khán giả. Hóa ra cái mác "16+" không phải đáng sợ như nhiều nhà làm phim vẫn nghĩ. Bởi vì lứa từ 16-30 tuổi là lực lượng chính đến rạp. "Em chưa 18" đánh đúng vào phân khúc chủ lực của điện ảnh Việt Nam.
"Một miếng khi đói bằng một gói khi no" còn thể hiện ở chỗ sau một năm 2016 ngập tràn những phim từ dở đến rất dở, "Em chưa 18" bỗng dưng như một món ngon. Có thể nó chỉ là rau muống xào tỏi đơn thuần, nhưng hãy thử ăn "mì ăn liền" thiếu dinh dưỡng suốt một năm trời, bạn sẽ thấy "rau muống xào tỏi" ngon đến mức độ nào.
Năm 2016 chứng kiến cú ngã ngựa thê thảm của phim Việt nói chung, và những ngôi sao triệu đô (từ diễn viên đến đạo diễn) nói riêng. Trong 6 tháng cuối năm, chỉ có ba phim vượt qua nổi cột mốc một triệu USD. Đấy là Tấm Cám, chuyện chưa kể; Nắng và Cô hầu gái. Phim đầu tiên là một "case study" về chiến dịch PR nhiều hơn là làm phim, phim thứ hai bị tố là mượn tạm kịch bản "Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7" của Hàn Quốc.
Trong khi đó, "Fan cuồng" đánh dấu thất bại đầu tiên của "bộ ba triệu đô" Charlie Nguyễn, Johnny Trí Nguyễn và Thái Hòa. Những ngôi sao mà người ta từng ngỡ chỉ cần có hình họ trên poster là khán giả sẽ ùn ùn kéo đến rạp như Lê Khánh, Hoài Linh cũng dần có những bộ phim thất bại.
Từ thất bại của "Fan cuồng", Charlie lùi lại một chút để quan sát, và rồi trở lại ngoạn mục trên vai trò sản xuất với "Em chưa 18". Và bộ phim do anh cầm trịch đã vượt qua "Em là bà nội của anh" với những đặc điểm giống nhau.
Việc dùng một đạo diễn không thật sự đình đám và dàn diễn viên không phải ngôi sao nhưng ăn vai giúp "Em chưa 18" có một sự tươi mới. Khi các ngôi sao điện ảnh Việt Nam xuất hiện với tần suất ngày càng dày đặc trên truyền hình, họ không còn mang đến sự tò mò cho khán giả nữa, nhất là khi khán giả có quá nhiều lựa chọn trong danh mục phim. Những gương mặt mới, trái lại, mang đến sự tò mò ấy. Người ta sẽ đi xem Kiều Minh Tuấn diễn thế nào trong vai chính đầu tiên và xem cô nàng Kaity Nguyễn sẽ diễn xuất thế nào trước ống kính, thay vì tự livestream.
Quả nhiên, sự xuất hiện của Kaity không chỉ là một "bình hoa di động" trong bộ phim thú vị này. Diễn xuất tự nhiên, hoạt bát cộng với vẻ ngoài vô cùng xinh đẹp và dễ thương - Kaity là một bất ngờ với tất cả những khán giả của "Em chưa 18". Cô nàng lấn lướt cả Will, cả Kiều Minh Tuấn để tạo nên những dấu ấn của riêng mình và để lại trong lòng người xem thiện cảm về một vai nữ chính đáo để, xinh đẹp và vô cùng gần gũi. Chắc chắn, Kaity Nguyễn sẽ còn có những bước tiến dài trong sự nghiệp đóng phim của mình, khi khởi đầu một cách đầy hứa hẹn như thế này.
Có thể nói, phim Việt đang bước vào thời kỳ tạo ra những ngôi sao, chứ ngôi sao không còn quyết định phim thành công nữa. Charlie từng tạo ra ngôi sao phòng vé Thái Hòa, giờ anh lại tạo ra một ngôi sao phóng vé mới là Kiều Minh Tuấn. Mà Tuấn khởi đi từ một vai phụ trong "Bụi đời chợ Lớn", do Charlie đạo diễn và bị cấm chiếu. Sự vươn lên của Tuấn khiến cho phim tiếp theo của Thái Hòa rất đáng xem. Phim Việt cần nhiều hơn những cuộc "lật đổ" kiểu như thế, vì đó chính là động lực phát triển.
Đạo diễn lừng danh Alfred Hitchcock từng nói có ba yếu tố quyết định đến thành công của một bộ phim: "Kịch bản, kịch bản và kịch bản". Thất bại của tuyệt đại đa số các phim trong năm 2016 đến từ việc nhà sản xuất đã coi nhẹ khâu kịch bản. Kịch bản "Em chưa 18" chưa phải xuất sắc, nhưng nó được sửa đi sửa lại đến gần 20 lần để rồi cuối cùng mang đến một bộ phim thật sạch sẽ, có cấu trúc chặt chẽ, đúng mô típ rom-com Hollywood.
Bên cạnh đó, sự ăn rơ tuyệt vời của những cặp đôi trong phim (hai diễn viên chính, hai ông bố, hai vai phụ đi theo rình cặp vai chính) khiến cho người ta bỏ qua những lỗi logic của phim. Đây là một dạng phim "lộ", tức mọi người xem 1/3 đầu phim đã đoán được kết cục, nhưng cách dựng phim nhanh gọn và diễn xuất tốt, đặc biệt lời thoại cực kỳ tự nhiên đã kéo khán giả đi phăng phăng đến hết phim. Vâng, là lời thoại. Những phim Việt có lời thoại nhưng không ra ngôn ngữ giao tiếp của người Việt hàng ngày thực chất vẫn tràn ngập trong thị trường điện ảnh Việt.
Một lý do khác: Người Việt Nam rất tình cảm, thế nên những phân đoạn liên quan đến gia đình (hai nhân vật chính nói chuyện với bố) làm cho họ cảm động. "Em là bà nội của anh" thành công nhờ đánh vào tình cảm của nhân vật chính và các thành viên trong gia đình.
Nhưng sau mọi phân tích, điều quyết định "Em chưa 18" thành công rực rỡ đến vậy chính là vận may. Bởi vì ngay chính những người trong cuộc cũng không thể ngờ phim rực rỡ đến vậy. Khởi đi từ hai ngày sneak show (lần đầu tiên "sneak show" lại chiếu dày đặc đến thế), "Em chưa 18" thu về 13,2 tỷ ngọt sớt. Và nhà phát hành lập tức nhanh nhạy chiếu sớm và thành công rực rỡ. Phim kẹp giữa hai bom tấn Guardians of The Galaxy 2 và Alien: Covenant. Nhưng khán giả Việt Nam chưa từng mặn mà với dòng phim không gian, thời may Alien lại quá cũ kỹ.
Thiên thời, địa lợi, nhân hòa, "Em chưa 18" là một bất ngờ rất lớn, ngay cả với chính những người làm ra nó. Nhưng nó cho thấy tiềm năng của điện ảnh Việt Nam là lớn đến như thế nào. Nếu một bộ phim sạch sẽ, chỉn chu như "Em chưa 18" mà còn thành công vang dội, chỉ mất 9 ngày để phá kỷ lục của "Em là bà nội của anh" thì những bộ phim thật sự đột phá, với kịch bản xuất sắc hơn và những cú máy độc đáo hơn sẽ còn có thể tiến xa đến đâu.
Tuy nhiên, có khai phá được thị trường tiềm năng đó hay không lại là một câu hỏi lớn. Bởi vì điện ảnh Việt đã chờ gần hai năm mới có phim vượt qua "Em là bà nội của anh". Trong khi đó tại Trung Quốc, kỷ lục doanh thu được phá theo hàng tháng. Muốn mở thị trường lớn, ta cần có những sản phẩm lớn. "Em chưa 18" vì thế chỉ đang dừng lại ở mức độ hiện tượng, chứ chưa phải bản chất của một nền điện ảnh giải trí. Chúng ta cần... một chục phim như thế để có thể trưởng thành. Còn hiện tại, phim Việt vẫn... chưa 18.