Nếu bạn là một người trẻ, đã ra trường và đi làm, thời gian biểu của bạn có thể được tóm tắt ngắn gọn thế này: sáng đi làm đến tối, tối tranh thủ ra ngoài xả hơi cùng đồng nghiệp hoặc tụ tập cùng hội bạn thân. Vào những ngày cuối tuần, bạn có thể thu xếp một kì nghỉ ngắn để tái tạo năng lượng. Bạn lý giải rằng có thể bạn sẽ phát điên vì công việc nếu không tự cân bằng, dành những khoảng thời gian cho riêng mình. Tuy nhiên, trong quỹ thời gian riêng ấy, khái niệm "về nhà" hay "gia đình" tự nhiên vắng bóng một cách thật khó hiểu.
Bạn tôi, tạm gọi là A, nhân viên văn phòng, 30 tuổi, thích tự do và sống cùng mẹ ở thành phố. Ngày ngày, mẹ cậu như một thói quen, đều nhắn tin cho ông con trai hỏi có về ăn cơm không? Câu trả lời có thể nhiều người đoán được. A từng thừa nhận mình mắc chứng "cuồng chân", nếu có ở nhà một tối không ra ngoài với cậu chẳng khác gì ác mộng. Đều đặn, A có mặt trong tất cả các cuộc vui, khi thì là đầy tháng con anh bạn cùng công ty, lúc lại là buổi họp lớp đột xuất của hội cấp 2… Cậu luôn có lí do để không về ăn cơm với mẹ mình. Mẹ cậu chỉ gặp được con trai mình vào 2 thời điểm: khi kiên nhẫn đợi cậu về lúc nửa đêm trong tình trạng say mềm, hoặc sáng hôm sau dặn vội vài câu khi A cuống cuồng đi làm vì sợ muộn.
Bạn lý giải rằng có thể bạn sẽ phát điên vì công việc nếu không tự cân bằng, dành những khoảng thời gian cho riêng mình. Tuy nhiên, trong quỹ thời gian riêng ấy, khái niệm "về nhà" hay "gia đình" tự nhiên vắng bóng một cách thật khó hiểu.
Khác với A, C là một cô gái trẻ mới ra trường được 2 năm. Biết cá tính của con, bố mẹ cô tạo mọi điều kiện để C có thể làm được những việc mình thích. Vốn chơi chung với một đám bạn mê du lịch, lịch trình của C kín đặc với các kế hoạch lên rừng xuống biển mỗi dịp cuối tuần. Nhẹ nhõm thì cũng cùng đám bạn thuê homestay ở ngoại thành vui chơi ca hát. Để cày cuốc cho những chuyến du lịch của mình, C rất chăm chỉ ở lại làm việc thêm giờ, nhận cả việc ngoài… Trong gia đình, C hay bị gọi đùa là "cán bộ" vì thỉnh thoảng mới về nhà đúng giờ. Vào mỗi đợt cao điểm, cô vác đồ lên công ty rồi ngủ lại luôn. Với C, cô vẫn thường tự nhủ rằng khi còn trẻ nếu không làm hết mình, chơi hết mình thì còn gì thú vị nữa. Gia đình thì thỉnh thoảng, cô vẫn có mặt trong các buổi giỗ chạp hay kỉ niệm ngày sinh nhật các thành viên đấy thôi. Vì lẽ đó, dù đã có ý thức ở nhà giúp mẹ đợt làm giỗ ông nội vừa rồi, thì việc cô có không biết lọ hạt tiêu, đống bát đĩa mới, hay cái cây lau nhà nằm đâu… cũng là điều dễ hiểu.
Với C, cô vẫn thường tự nhủ rằng khi còn trẻ nếu không làm hết mình, chơi hết mình thì còn gì thú vị nữa. Gia đình thì thỉnh thoảng, cô vẫn có mặt trong các buổi giỗ chạp hay kỉ niệm ngày sinh nhật các thành viên đấy thôi.
Những người trẻ như A, như C thực ra ngày càng nhiều trong xã hội hiện nay. Một khảo sát nho nhỏ trong cộng đồng các bạn trẻ cho thấy, khi được hỏi thời gian rảnh rỗi bạn thường làm gì, đa số mọi người lựa chọn ra ngoài café tụ tập cùng bạn bè, đi xem phim, check in ở các tiệm ăn mới, đi du lịch. Rất hiếm có những lựa chọn như "tôi sẽ ăn tối cùng bố mẹ", "tôi sẽ vào bếp nấu một món gì đó hoặc rủ cả nhà đi ăn tiệm"… Và vì thế, khi bạn xem tivi hay lướt mạng, những đoạn quảng cáo hay thước phim về một bữa ăn gia đình đủ các thành viên…dường như lại là mong đợi khá xa vời với nhiều gia đình hiện đại.
Tuổi trẻ là quãng đời mà con người ta tràn trề lý tưởng và năng lượng, khao khát đi tới những miền xa và muốn trải nghiệm mọi thứ trong cuộc sống. Dù mơ hồ có ý tưởng về việc gia đình là nơi ấm êm duy nhất để mỗi người trở về, nhưng ta lại lập tức cuốn trôi vào một chuỗi tự thỏa hiệp: hiếm khi có cuộc vui nào đầy đủ bạn bè như thế, người bạn thân từ Sài Gòn chỉ ra đây mấy ngày, đã lâu rồi tụi bạn cũ không tụ tập… Còn gia đình thì vẫn luôn luôn ở đó, bố mẹ thì ta vẫn gặp hàng ngày. Bố mẹ cũng hiểu cho việc con cái bận bịu ấy mà. Nhưng thực sự chúng ta có bận rộn đến vậy?
Tuần trước, bạn tôi tâm sự, năm nay bạn dồn phép để về quê sớm, cũng là để có một cái Tết dài hơn với gia đình. Bao nhiêu năm lên thành phố học hành, rồi đi làm, quãng thời gian bạn về quê với bố mẹ thực sự ít ỏi. "Hôm trước bà già vừa gọi điện, thút thít bảo bố tao có bệnh lâu rồi nhưng giấu, đợt này bệnh trở nặng, không biết có được ba tháng không…", dù bạn đã cố giữ giọng bình tĩnh nhưng không giấu được đôi mắt đỏ hoe. "Nghĩ cũng kì mày nhỉ, cả tuổi trẻ bọn mình mải miết theo đuổi những mục đích, những cuộc vui của đời mình. Để giờ lại chỉ ao ước được đổi quãng đời ấy lấy thêm vài tháng ở bên ông già mình…".
Bạn làm tôi nhớ đến mẹ mình. Do tính chất công việc, tôi cũng hiếm khi có thời gian ở nhà ăn cơm cùng mẹ. Mọi việc trong nhà, tôi đều nghĩ đơn giản rằng chỉ cần mình đi làm, đóng góp về tài chính, rồi mẹ sẽ lo chu toàn mọi việc. Nhưng tôi cũng quên đi rằng, mẹ cũng là con người, cũng có nhu cầu được yêu thương, chia sẻ. Dù đó có là câu chuyện không đầu không cuối về một người họ hàng xa lắc, hay về đám hỏi con cô hàng xóm tầng trên… nhưng mẹ tôi đều có thể kể lại bằng một giọng điệu thật hào hứng. Và ngần ấy lần như thế, đã bao nhiêu lần tôi coi câu chuyện của bà, cả thói quen nhớ nhớ quên quên… như một thứ phiền phức khó chịu?
Thực ra, chúng ta chỉ thực sự cảm thấy những người thân yêu có vị trí quan trọng với mình thế nào khi không còn cơ hội ở cạnh họ nữa. Năm 2014, giữa chuyến công tác ngắn ngày lên vùng núi phía Bắc, cô bạn thân của tôi nhận được tin bố cô qua đời. Dù ông cụ đã mắc bệnh hiểm nghèo một thời gian, nhưng cái cảm giác không được ở cạnh bố mình trong giờ phút cuối cùng khiến cô thực sự ân hận và ám ảnh. "Ngần ấy năm, mình cứ nghĩ bố mẹ sẽ luôn ở đó, yêu thương và đưa tay chở che mình vô điều kiện. Rồi chẳng ngờ thời gian chẳng chờ đợi ai. Đến lúc nhìn lại cũng đã muộn".
Là người thích quan sát người khác, đôi khi tôi thật sự cảm động vì những việc làm tưởng chừng rất nhỏ của họ. Đó là khoảnh khắc anh bạn đồng nghiệp từ chối kèo nhậu để kịp về nhà ăn bữa cơm tối cùng gia đình. Đó là khi giữa cuộc vui, người bạn thân xin phép ra về để chở vợ cậu đi có công việc quan trọng. Đó là giây phút háo hức của cô bạn thân khi nhờ tư vấn một món quà tặng bố mẹ nhân kỉ niệm ngày cưới. Hoặc giản đơn hơn, đó là khi nhận được tin nhắn từ mẹ: "Tối nay mẹ nấu dưa cá ngon lắm, về ăn nhé". Trong thang ưu tiên của chúng ta, ai cũng coi gia đình là số 1. Nhưng mấy ai hành động xứng đáng với sự ưu tiên ấy? Dù thời gian cứ đi miết, và bố mẹ thì già đi theo tháng năm…
Tôi thích câu nói này: "Đừng kì vọng quá nhiều vào lòng tốt vô điều kiện mà người khác dành cho bạn. Bởi đó là một món quà mà chỉ có những người ruột thịt mới có thể trao nhau". Không ai yêu bạn nhiều như bố mẹ yêu bạn đâu, vì kể cả chính bạn cũng có nhiều khoảnh khắc không biết yêu quý bản thân mình cơ mà…
Nhà là một chốn bình yên để ngả đầu. Một ngày tồi tệ khi bị sếp mắng, đối tác cằn nhằn, đồng nghiệp làm hỏng việc… cũng sẽ tự khắc dừng lại sau cánh cửa. Là khi bạn yên ổn thưởng thức một bữa ăn gia đình. Là khi bạn lắng nghe người thân chia sẻ về cuộc sống, về những câu chuyện họ hàng, làng xóm mà đã từ rất lâu rồi bạn từ chối lắng nghe. Là khi bạn cảm động đến rơi nước mắt khi nghe mẹ nhắc bạn dù bận đến mấy cũng giữ sức khỏe, khi bố bạn lo lắng thấy bạn cứ vùi đầu vào công việc mà quên đi hết thảy các mối quan hệ khác… Bất ngờ bạn nhận ra, bạn đang sống trong một thế giới mà người ta dễ chia sẻ niềm vui hơn là nỗi buồn. Chỉ có gia đình mới tạo cho bạn cảm giác vững tâm, là chốn bạn có thể buồn, có thể khóc khi yếu lòng… nhưng tuyệt nhiên tin tưởng. Bởi đó "đơn giản là nhà".
Nhà cũng là chốn sẵn sàng mở rộng vòng tay đón bạn trở về. Có cánh chim nào bay mãi mà không mỏi? Có ai tự tin nói được cuộc đời mình có thể độc lập trong mọi lúc mà cảm xúc luôn ổn định, chẳng cần cậy nhờ ai? Chúng ta gắn bó với nhau, với thế giới này bằng những mối quan hệ ràng buộc và bền chặt. Ở đâu có gia đình, ở đó "đơn giản là nhà".
Tôi tin đó cũng là lí do mà mỗi dịp Tết đến xuân về, những quảng cáo cảm xúc nhất của các thương hiệu đều đánh mạnh vào yếu tố sum họp gia đình. Bởi càng gần đến những thời khắc thiêng liêng, ta mới hiểu được điều gì là quý giá nhất. Đó là giây phút bố mẹ hồi hộp chờ đứa con xa về nhà đón Tết. Đó là cảm giác của chàng trai trẻ vui mừng thế nào khi mua được vé chuyến tàu về nhà với bố mẹ. Đó cũng có thể là cảm giác tự hào nhỏ nhoi, khi cùng mẹ lướt qua những dãy hàng Tết để mua đồ cho gia đình. Nhà không chỉ là nơi để ở hay chốn để ta quay về. Mà nhà chính là thành trì cuối cùng bảo vệ ta trong cơn nguy biến, giúp ta hiểu rằng yêu thương và gắn bó là những điều lớn lao nhất mà ai cũng phải nhớ về.
Hay như vài người bạn tôi lên lập nghiệp ở thành phố, cũng đã bắt đầu khởi động kế hoạch mua một ngôi nhà cho riêng mình. Đó sẽ là nơi họ đón bố mẹ lên để tận hưởng cảm giác gia đình trọn vẹn. Đó cũng là nơi họ gieo mầm hạnh phúc, xây dựng nên một gia đình nhỏ cho riêng mình. Nơi trái tim bạn thuộc về, đơn giản là nhà.
Tôi chọn cái kết cho bài viết này bằng khổ cuối trong bài thơ "Giang hồ" của nhà thơ Phạm Hữu Quang:
"Giang hồ tay nải cầm chưa chắc
Hình như ta khóc. Mới hôm qua
Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà.
Vì hơn tất cả, nhà chính là nơi chưa xa đã nhớ!".
Với khát vọng hiện thực hóa ước mơ về một "tổ ấm" cho các gia đình trẻ, EZ Land đã nỗ lực không ngừng cho mục tiêu xây dựng từ 3.000 – 5.000 căn hộ mỗi năm. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân mà còn góp phần tạo tiền đề phát triển bền vững cho thị trường BĐS Việt Nam.
Tại Việt Nam, EZ Land được biết đến là chủ đầu tư uy tín, với tiềm lực mạnh mẽ từ quỹ đầu tư Châu Âu. Thông qua các dự án căn hộ chất lượng và giá cả hợp lý, EZ Land đã tạo được tiếng vang trong phân khúc căn hộ tầm trung và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ thị trường.
Tham khảo thông tin của EZ Land tại: Ezland.vn