Những chuyến tàu Tết nặng đầy yêu thương, chở hành khách về quê hương, mang theo cả nỗi nhớ gia đình, niềm mong mỏi đoàn viên, ước nguyện được đoàn tụ và bao xúc cảm dành riêng cho những ngày cuối năm.
Dọc ngang khắp miền quê hương, những chuyến tàu chở đầy yêu thương và tử tế sau một năm biến động - Ảnh 1.

Cuốn lịch trên tường nhà ai đã xé qua những ngày tháng Chạp đầu tiên. Trên bến Bình Đông, người qua đường thấp thỏm chờ những ghe hoa ghé ngang từ miền Tây về Sài Gòn, dẫu biết năm nay chẳng thể tấp nập như mọi năm nhưng thiếu sắc cúc, sắc mai vàng đâu làm nên ngày Tết. Giờ tan ca của những nhóm công nhân hối hả hơn, hỏi nhau xem năm nay bao giờ mới được về, có đủ lương để về không. Nghe đâu tiếng một chị nói lớn: "Về chứ! không có thưởng Tết cũng về."

Dọc ngang khắp miền quê hương, những chuyến tàu chở đầy yêu thương và tử tế sau một năm biến động - Ảnh 2.

Và trên sân ga, thấp thoáng những cành hoa, túi quà đã sẵn trên tay hành khách, chuẩn bị mang Tết về nhà. Đoàn tàu chạy dọc Bắc Nam, mỗi người rồi sẽ xuống một sân ga - Tuy Hòa hay Đồng Hới, Vinh hay ra tuốt tới Hà Nội, nhưng trên chuyến tàu ngày cuối năm, những người xa lạ bỗng hóa thân quen vì ai cũng mang trong mình một nỗi nhớ nhà, một niềm mong mỏi đoàn tụ với gia đình.

Chuyến tàu hồi hương ngày Tết, bỗng vì thế mà "nặng" hơn - khoang hàng chất đầy cũng không sao nặng bằng những nhớ nhung, nghĩa tình hành khách mang theo vì chỉ vài chục tiếng nữa thôi, họ sẽ được trở về với gia đình. Chuyến tàu năm nay có lẽ đặc biệt hơn mọi năm khác. Tàu Tết năm nào chả háo hức, nhộn nhịp đông vui rộn ràng nhưng năm nay, phảng phất trên sân ga, theo khói tàu bay có chút nỗi buồn vương của những người con xa nhà. Vì dịch bệnh, đã lâu rồi họ không được trở về. Vì dịch bệnh, hành lý năm nay nhẹ hơn một xíu khi làm ăn không khấm khá, chẳng mang về cho ba mẹ cái Tết đầy đủ. Vì dịch bệnh, có những người chẳng thể cùng trở về với nhau trên chuyến tàu Tết như mọi năm. Nhưng Tết mà, ta còn giữ cho nhau chút niềm hân hoan để rộn ràng đón năm mới. Dù thế nào đi nữa, được trở về là thấy yêu thương. Như chị công nhân quả quyết năm nay phải về, như một cô bé ôm ba lô trên tàu, rủ rỉ với người phụ nữ xa lạ bên cạnh: "Không về làm sao được, ba má em cũng già cả rồi, Tết của mình còn rộng dài nhưng biết đâu khi nào là cái Tết cuối cùng của ba mẹ." Nói rồi cô bé cười xòa bên ô cửa sổ trong tiếng còi tầm, lòng mong được về nhà như hoa nở trong nắng chiều cuối năm.

Và trên những chuyến tàu cuối năm ấy, người dưng bỗng hóa người quen, nhỏ to với nhau câu chuyện trong năm để đường về chẳng còn xa xôi…

Dọc ngang khắp miền quê hương, những chuyến tàu chở đầy yêu thương và tử tế sau một năm biến động - Ảnh 3.
Dọc ngang khắp miền quê hương, những chuyến tàu chở đầy yêu thương và tử tế sau một năm biến động - Ảnh 4.

Khoang hành khách năm nay không đông như mọi năm nhưng vẫn rộn ràng, vẫn rôm rả. Nếu có người kể chuyện nào chịu khó gom nhặt trên chuyện tàu Tết, chắc cũng gom góp được bao điều dễ thương, bao chuyện tử tế của một năm đã qua.

Chị Nhung ngồi cạnh hai đứa con của mình; đứa bé nhìn ra ngoài cửa sổ, háo hức được về nhà ông ngoại, đứa nhỏ ngủ gật, tựa khẽ lên vai mẹ. Làm công nhân tại Sài Gòn, bám trụ với mùa dịch tại thành phố, đã lâu rồi chị không biết quê ra sao. Nếu không vì dịch bệnh, một năm chị cũng cố gắng thu xếp cho con về nghỉ hè. Vậy mà thoắt cái đã một năm, kể từ Tết năm ngoái, chị Nhung nhớ xóm chài ven biển nơi chỉ còn những người già còn bám trụ. Ngồi huyên thuyên với một nhóm công nhân khác trở ra Bắc, chị kể.

"Năm ngoái cả nhà cháu cũng suýt phải kẹt lại Sài Gòn vì không mua được vé tàu Tết. May mắn thế nào cuối cùng lại đăng ký được 3 vé ô tô từ chương trình Mang Tết về nhà. Năm nay mẹ con rút kinh nghiệm, mua vé thật sớm. Tết này chắc nhiều người còn khó khăn hơn mình, ít nhất mình còn có việc giữa ngày mùa dịch. Ba mẹ con cháu cầm được tấm vé tàu trên tay, vui vì năm nay mình được về sớm, vui nữa vì biết sẽ có 3 tấm vé sẽ được dành cho người khác để ai cũng về quê. Tết không về quê thì đâu còn là Tết."

Dọc ngang khắp miền quê hương, những chuyến tàu chở đầy yêu thương và tử tế sau một năm biến động - Ảnh 5.

Đằng xa xa, người mẹ trẻ mẹ cũng đang bồng đứa bé chưa đầy một tuổi. Linh và Hoàng từ Yên Bái vào Sài Gòn làm lao động tự do, chồng chạy xe, vợ phụ bán hàng quán xá. Ngày Linh sinh con đầu lòng, thành phố cũng đạt đỉnh số ca mắc. Tháng ngày vừa sinh con, vừa lo xoay sở tiền bạc của vợ chồng trẻ, vừa lo dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe qua lời kể của Linh như một câu chuyện phi thường - mà cũng phi thường thật, đi qua ngày dịch với nỗi lo cả về thể chất, tinh thần, tiền bạc đâu phải dễ dàng. Nước đến đâu cầu ắt sẽ thắng, ngày Tết gần kề rồi những vận xui năm cũ cũng khép lại. Ngồi trên chuyến tàu lắc lư và còn xa lắm mới tới Hà Nội và hai vợ chồng còn phải đi thêm 300km nữa mới về tới quê, Linh và Hoàng vẫn nhẹ nhõm vì cuối cùng cũng có thể trở về. Được đưa con về gặp ông bà, về ngắm nhìn núi rừng quê hương, vợ chồng trẻ đã mang một cái Tết thật hạnh phúc về nhà.

Dọc ngang khắp miền quê hương, những chuyến tàu chở đầy yêu thương và tử tế sau một năm biến động - Ảnh 6.

Chuyến tàu cuối năm cũng là một cuộc đoàn viên nhỏ khi mỗi người đều đưa gia đình trở về ăn Tết. Nhưng cũng có không ít người lẻ loi trên hành trình trở về quê năm nay. Ngày hai vợ chồng vào Sài Gòn làm ăn, gửi đứa nhỏ ở Hoài Nhơn cho ông bà trông, anh Sơn chẳng nghĩ rằng sẽ có ngày phải trở về quê một mình. Thành thị giờ đây phảng phất những nỗi buồn. Những người ngồi quanh nghe anh kể chuyện mà ai cũng rầu, ái ngại cho hành trình trở về lẻ loi của anh. Thấy bầu không khí yên lặng quá, anh chỉ cười:

"Rầu rĩ chút vậy thôi, chứ rồi cũng phải gồng gánh mà lo cho đứa nhỏ ở nhà nữa chứ. Tết này về, em đem cả mẹ nó về nhà luôn, năm nay vợ em "gọn gàng" lắm. Em tính chắc còn lâu mới về lại Sài Gòn, chờ cho dịch lắng xuống rồi cũng dành thời gian cho con nữa. Thiệt thòi nhất là đứa trẻ, mình phải sống thật tốt để bù đắp cho con, sống thay phần mẹ nó luôn nữa."

Chuyện trên tàu là vậy, có chuyện rầu rầu nghe muốn sụt sùi, có chuyện vui vui nghe cũng thấy hạnh phúc lây, có những câu chuyện chẳng buồn chẳng vui, nghe xong bỗng thấy bình an và nhẹ nhõm. Mang Tết về nhà, họ mang theo cả những câu chuyện chờ kể cho nhau nghe, buồn hay vui rồi cũng khép lại năm cũ để bước sang năm mới.

Dọc ngang khắp miền quê hương, những chuyến tàu chở đầy yêu thương và tử tế sau một năm biến động - Ảnh 7.

Hiểu được niềm mong mỏi được trở về nhà của mọi người trong dịp Tết năm nay - một năm đặc biệt với nhiều điều muốn kể cho nhau nghe, nhãn hàng Pepsi phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực hiện chương trình "Mang Tết về nhà" năm 2022. So với năm 2021, chương trình "Mang Tết về nhà" năm 2022 sẽ tăng số lượng vé hỗ trợ từ 3000 vé lên 3.290 vé, trong đó bổ sung thêm phương tiện di chuyển là bằng tàu hỏa. Theo đó, sẽ có 03 chuyến bay (TP. Hồ Chí Minh – Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh – Vinh, TP. Hồ Chí Minh – Đà Nẵng), các chuyến tàu khứ hồi và 55 chuyến xe về các tỉnh miền Trung - Bắc được tổ chức. Hơn 500 vé máy bay khứ hồi, gần 2.500 vé xe ô tô khứ hồi và hơn 200 vé tàu khứ hồi cùng các phần quà ý nghĩa sẽ được trao cho 3.290 đối tượng sinh viên, thanh niên công nhân, người lao động xa nhà có hoàn cảnh khó khăn và chịu ảnh hưởng dịch bệnh để đón một mùa Tết đoàn viên.

Dọc ngang khắp miền quê hương, những chuyến tàu chở đầy yêu thương và tử tế sau một năm biến động - Ảnh 8.

Không chỉ trực tiếp trao tặng vé tàu, Pepsi và Trung ương Đoàn còn tổ chức hoạt động gây quỹ "Mang Tết về nhà" trên nền tảng ví thanh toán điện tử Zalo Pay, với mong muốn có thể lan tỏa nhiều giá trị tích cực nhất, bằng những hành động thiết thực nhất. Bằng cách quy đổi số tiền ủng hộ thành những tấm vé tàu khứ hồi, sẽ có thêm thật nhiều những chuyến về nhà, những cái "thưa ba má con mới về" ngoài hiên nhà, những cái chào hỏi họ hàng lâu ngày không gặp. Ngày Tết vì vậy sẽ thêm ấm áp những nghĩa tình.

Không dừng lại ở những hỗ trợ về vật chất, chiến dịch "Mang Tết về nhà năm 2022" còn lan rộng niềm vui tinh thần sau một năm biến cố và đầy mất mát. Những bức ảnh ghi lại cảnh "Tết đoàn viên", những hoạt động truyền thống trong Ngày hội "Mang Tết về nhà", tất cả đều cùng hướng đến mục tiêu lan tỏa tinh thần đặc trưng của ngày Tết - sâu lắng khi nhớ về quá khứ, hạnh phúc với hiện tại và hy vọng vào tương lai.

Vì đó là Tết, ai cũng xứng đáng được trở về nhà.

Dọc ngang khắp miền quê hương, những chuyến tàu chở đầy yêu thương và tử tế sau một năm biến động - Ảnh 9.
Dọc ngang khắp miền quê hương, những chuyến tàu chở đầy yêu thương và tử tế sau một năm biến động - Ảnh 10.
Minh Đức
Trim