Mình là Bình An, 6 tháng tuổi, con trai thứ của bố Đỗ Văn Hùng (31 tuổi) và mẹ Nguyễn Thị Liên (28 tuổi). Trên mình là chị Tít, 3 tuổi. Cả gia đình mình rất yêu thương nhau. Mình còn bé, chỉ nặng 7 cân, công việc chính là ăn và ngủ. Nói các bạn đừng cười, chứ mỗi ngày mình ăn 8 bữa lận, ngủ ngoan và không hề quấy khóc.
Mình đến với thế giới này vào ngày 22/5/2019. Bố mình kể, đó là một buổi chiều "kịch liệt" nhất cuộc đời mẹ tính đến bây giờ. Bởi ngoài công việc "làm mẹ của mình và chị Tít" ra, mẹ còn là một bệnh nhân ung thư vú giai đoạn cuối, đã di căn vào phổi và xương. Cùng một lúc, mẹ mang trong mình căn bệnh chết người và đứa con bé bỏng, là mình.
Đỗ Bình An đã được 6 tháng tuổi: Câu chuyện phi thường của người mẹ ung thư giai đoạn cuối, quyết sinh con bằng tất cả tình yêu thương và lòng dũng cảm
13h ngày 22/5/2019, mẹ được đưa vào phòng mổ chờ sinh, tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, Hà Nội. Mình khi đó ở tuần thứ 31 của thai kì. Bác sĩ từng động viên mẹ phải thật cố gắng để giữ mình trong bụng đến tuần thứ 34, nhưng chỉ 3 ngày sau, sức chịu đựng của mẹ đã đến giới hạn, mẹ không cố được nữa.
Trước khi vào ca mổ, mẹ mệt, chỉ gắng gượng thều thào nói với các bác sĩ: "Em chỉ mong ca mổ chiều nay diễn ra tốt đẹp, con được chào đời khỏe mạnh, em chỉ cần nhìn con một lần cũng mãn nguyện rồi. Đỗ Bình An là tên em đặt cho con, mẹ mong con một đời bình an".
2 ekip y bác sĩ gồm mổ đẻ và sơ sinh từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã cùng sang Bệnh viện K thực hiện ca mổ. Trong suốt quá trình, mẹ phải ngồi nghiêng, cúi người để thở. Đây là tư thế rất khó để thực hiện sinh mổ.
Mẹ được gây tê tuỷ sống thay vì gây mê, giảm thiểu khả năng không thể tỉnh lại. Các bác sĩ nỗ lực thật nhiều, thao tác mổ phải đảm bảo nhanh và chính xác, vì nếu mẹ thay đổi huyết động thì sẽ bị ngừng tim và ảnh hưởng tới tính mạng.
Và thế là, mẹ hoàn toàn tỉnh táo, từ từ ngắm nhìn mình "bước" ra. Sự sống đối với mẹ khi ấy thật mong manh, nhưng mẹ luôn cố gắng cho đến khi mình kịp cất tiếng khóc chào đời, vào 16h10 chiều hôm đó.
Mình sinh non, chỉ nặng 1,5kg, bị phù nhẹ, mọi bộ phận trong cơ thể đều non yếu, từ hệ miễn dịch, đến hệ tuần hoàn, hệ tiêu hóa, kèm theo suy hô hấp nặng. Mình được thở bằng máy qua mặt nạ, đưa vào lồng ấp và chuyển ngay sang Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Bác Đỗ Thị Vân (chị gái bố) là người đón mình từ tay bác sĩ, chăm sóc mình trong những tháng ngày sau đó. Bác kể, bố đã khóc thật nhiều khi biết 2 mẹ con mình đều "tai qua nạn khỏi".
Cái tên Bình An mà mẹ đặt cho mình, bố bảo, chỉ với một mong ước duy nhất, cuộc đời mình mãi mãi bình an.
Còn mẹ, câu đầu tiên sau khi hồi tỉnh, đã hỏi bố: "Con nặng bao nhiêu cân? Con thế nào rồi?".
Đã có những thời điểm, trải qua nhiều cuộc hội chẩn, bệnh tình 2 mẹ con mình diễn biến xấu. Khoảng cách 10 cây số giữa Bệnh viện K và Bệnh viện Phụ Sản, nhiều lúc trở nên quá xa vời, thậm chí là không thể tới nơi.
Tại Trung tâm sơ sinh - Bệnh viện Phụ sản Trung ương, mình bé xíu như hạt đậu, không thể tự thở, phải hỗ trợ hô hấp thông qua nội khí quản, có tình trạng phù. Sau khi thở máy và dùng bơm giãn nở phổi, nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch, phối hợp ăn xông qua dạ dày, thì sau 9 ngày chào đời, tình trạng phù đã hết, mình được rút ống nội khí quản và thở ô-xy, tim mạch tốt, hệ tiêu hóa có xu hướng phát triển. Các bác sĩ cũng chưa phát hiện dị tật bất thường nào, tuy nhiên phải theo dõi một số nguy cơ bởi mẹ đã điều trị hóa chất và quá trình mang thai bị suy kiệt sức khỏe.
Sau sinh, sức khỏe mẹ có chiều hướng đi xuống, suy hô hấp, kết quả chụp X-quang phổi không khả quan. Ngay lập tức các bác sĩ Bệnh viện K đã tiến hành hội chẩn liên viện với Bệnh viện Bạch Mai đề nghị điều trị, chăm sóc theo dõi tích cực, sát sao, sử dụng những thuốc điều trị đích, hỗ trợ thở tốt nhất cho mẹ.
Đến ngày 29/5, tình trạng của mẹ ổn định hơn. Những ngày sau đó, mẹ được các bác sĩ theo dõi tích cực và có lẽ, động lực được ngắm nhìn mình qua màn hình điện thoại của người thân đã tiếp thêm sức mạnh cho mẹ. Để đến ngày 6/6, sau khi các bác sĩ hội chẩn và cân nhắc kỹ, đã đưa ra quyết định truyền hóa chất kết hợp nhiều thuốc hỗ trợ để mẹ cải thiện hơn nữa về sức khỏe.
Từ khi hôn mê cho đến lúc tỉnh lại, từ khi chỉ có thể dùng tay viết bảng, miệng thều thào những tiếng không ra hơi cho đến lúc nói được những câu tròn rõ, ước ao duy nhất của mẹ vẫn chỉ là được gặp mình. Dù còn đau, còn mệt, nhưng bác sĩ cho đi gặp lúc nào là mẹ sẽ đi ngay lúc ấy vì thương mình, nhớ mình, muốn bế mình vào lòng.
"Nay em cũng khoẻ, mong được nhanh gặp Bình An thôi".
"Em ăn uống nhiều rồi, đủ sức để đi gặp con. Nếu lựa chọn lại, em vẫn chọn con em, là người mẹ không bao giờ từ bỏ con mình. Ngày xưa em đau lắm, cả đêm đau phát khóc lên, nhưng sờ bụng có con ở đó nên thôi, không nghĩ gì nữa, tất cả là vì con, mong con từng ngày".
"Ngày nào em cũng xin chồng cho sang gặp con nhưng không được. Em sẽ tặng con một chiếc dây chuyền bạc khắc tên Bình An".
"Con ngủ một tí thôi, mẹ nhớ gọi con dậy vì con sợ ngủ lâu".
Đằng sau những lời nói đứt quãng, mong ngóng con mỗi ngày của mẹ, đã có rất nhiều nước mắt, nụ cười trong cuộc gặp đầu tiên - ngày 13/6/2019.
Hai mẹ con mình gặp nhau, mọi người đều xúc động và rơi nước mắt. Mẹ bỡ ngỡ bơm cho mình miếng ăn đầu tiên, nước mắt từ từ rơi lã chã. Khoảnh khắc ôm gọn mình vào lòng, có thể quá đỗi giản đơn với những người mẹ khác, nhưng là nỗ lực vượt qua mọi đau đớn của riêng mẹ. Nụ cười mẹ tràn ngập hạnh phúc, sự mãn nguyện và đầy yêu thương!
Ôm con ngắn ngủi chưa đầy 10 phút, trước khi lên đường quay về Bệnh viện K, mẹ "từ chối" xe lăn, tự đứng dậy, vuốt ve đôi tay bé xíu của mình. Mẹ vừa khóc, vừa nói: "Bình An nắm tay mẹ à. Ở đây ngoan, bao giờ mẹ khoẻ... mẹ lại sang".
Mẹ âu yếm mình không muốn rời xa, cảm ơn mình đã đồng hành với những nhọc nhằn của mẹ, đồng hành với nỗi đau và cả niềm mong mỏi đến khắc khoải. Mẹ còn bảo, mình là niềm lạc quan và là hy vọng kéo dài sự sống, để 2 mẹ con mình có thể kéo dài mãi những lần âu yếm, vỗ về sau này.
Đến ngày thứ 55 kể từ khi sau ca mổ, 2 mẹ con mình được xuất viện trở về bên gia đình ở Hà Nam. Đây là lần thứ 2 mẹ được gặp mình, nhưng lần này khác hẳn lần đầu tiên ngắn ngủi, vì không chỉ gặp chốc lát mà là được về bên nhau, ở bên nhau thật lâu.
Mẹ đi lại được, không phụ thuộc vào xe lăn hay người đỡ. Mẹ còn cười rất tươi, tự bước lên xe, di chuyển 10km từ Bệnh viện K Tân Triều lên Bệnh viện Phụ Sản. Làn da mai mái xanh xao giờ hồng hào hơn, hai má tròn đầy, mẹ nói tròn vành rõ tiếng, khoe với bác Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản, người trực tiếp mổ đẻ cho mẹ và mình: "Em tăng cân nhiều rồi, sức khỏe cũng ổn hơn".
Mình nằm trong xe, được các bác sĩ đẩy về phía bố, mẹ và chị gái. Nhìn thấy mình, miệng mẹ cười tươi, mắt đỏ hoe. Mẹ cố không khóc, rồi đứng dậy, bước vội về phía mình. Mẹ dang tay đón, mình cảm nhận được hơi ấm từ mẹ, bất giác nhoẻn miệng, áp đôi má tròn vào ngực mẹ.
Hôm đó - lầu đầu tiên mình và mẹ được ở cạnh nhau cả ngày, cũng là đêm đầu tiên, mình có giấc ngủ e ấp trong vòng tay mẹ.
"Điều kỳ diệu đã đến, khó có thể mô tả hết được. Một bà mẹ ung thư giai đoạn cuối đáp ứng điều trị tốt. Một em bé 31 tuần tiến triển bình thường. Bệnh tình trước đó quá nặng nề, chỉ hy vọng cứu được con. Không ngờ, hôm nay lại được đưa Bình An về nhà với mẹ Liên. Có lẽ không có bộ phim nào có kết thúc đẹp hơn hành trình chống chọi bệnh tật và hành trình phát triển bên ngoài cơ thể của 2 mẹ con chị Liên" - bác sĩ Trần Danh Cường xúc động.
Bác Vân đón mình về nhà chăm sóc để bố mẹ yên tâm chữa bệnh. Bác bảo, lúc mẹ có mình, sức khỏe mẹ vẫn ổn định. Mẹ thường gọi điện về nhà tếu táo: "Năm nay bác lại tốn một khoản tiền qua mừng cháu rồi".
Trước mang thai chị Tít, mẹ có một ngấn ở đùi, mọi người đều nghĩ chị là con trai, nhưng ông trời đã cho chị làm một "cô công chúa nhỏ" trong vòng tay bố mẹ. Bố mẹ và chị Tít ngày đêm mong ngóng mình, cho đến khi phép màu nhiệm biến thành sự thật, mình xuất hiện trong cuộc đời. Đến tháng thứ 3 của thai kì, mẹ phát hiện có khối u ở ngực, đi khám người ta chỉ bảo là viêm xơ, lại đang mang thai nên không tính chữa chạy gì. Rồi một cục hạch nổi to giữa cổ, lần này có điều gì đó bất ổn.
Người nhà gọi điện cho bố khi đó vừa vào miền Nam đi làm thuê mới chỉ mấy ngày. Không hiểu bệnh tình mẹ diễn biến như nào, mình chỉ biết bố vội phi về gặp bác sĩ ngay lúc đó.
Bố không phải là người bình tĩnh nhất trong gia đình khi đón nhận lời nói của bác sĩ, rằng mẹ bị ung thư vú giai đoạn cuối, đã di căn. Rất nhiều người đã khuyên bố mẹ bỏ mình, để mẹ tập trung chữa bệnh, không để di căn thêm, và để mẹ sống thêm một thời gian nữa, bên cạnh yêu thương và chăm sóc chị Tít.
Bố mẹ nghĩ nhiều, trằn trọc và băn khoăn: giữ hay không? Mẹ và mình, liệu có thể cùng nhau sống sót qua "thử thách" này, hay một trong hai, thậm chí là cả hai sẽ chẳng còn cơ hội sống. Đến cuối cùng, mẹ quyết định giữ lại mình và nói với mọi người: "Nếu tôi phải ra đi, thì vẫn có cái gì đó để lại cho chồng. Anh ấy có thể chăm sóc được cho bé. Cứ quyết định giữ lại tính mạng cho con, còn sau này, đến đâu thì sẽ đến".
Ngày lên bệnh viện siêu âm 4D, mẹ có thể nhìn thấy mọi thứ về mình, từ chân tay, mặt mũi, đến cái xương mẹ cũng nhìn thấy luôn. Mình hay đạp, để ra hiệu cho mẹ rằng mình vẫn đang khỏe mạnh. Mỗi lần mình đạp, mẹ đều rất mừng. Lúc nào lâu quá không thấy mình "ra hiệu", mẹ lo lắng, lấy tay vỗ vỗ bụng, "gọi" mình dậy.
Mình được 5 tháng thai kỳ, bụng mẹ bắt đầu to lên, mình đạp nhiều hơn. Những lúc mẹ ho, mình sẽ nằm im, cố gắng không làm mẹ đau. Còn những khi mẹ có thể ngồi dậy, mình sẽ đạp, để mẹ cảm nhận được sự sống diệu kỳ đang lớn lên từng ngày trong cơ thể mẹ. Và bố - người đàn ông trụ cột trong gia đình, chưa bao giờ trọn vẹn giấc ngủ kể từ ngày mẹ nhập viện. Mỗi đêm, bố đều tận tình bóp chân và xoa người cho mẹ, nên những lần muốn buông xuôi, mẹ đều nghĩ đến mình và chị Tít, nghĩ đến bố, để tự nhủ bản thân phải cố gắng sống, sống thật tốt.
Mẹ mệt, không thể thở vì tế bào ung thư di căn vào phổi. Mẹ không ngủ được, có ngày mẹ không ngủ một tí nào. Nếu muốn ngủ, mẹ phải uống thuốc giảm đau. Để mẹ đỡ mỏi, bố mua chiếc bàn học sinh có bàn tựa phía trước cho mẹ ngồi, khi nào mệt quá thì gục xuống ngủ.
Mẹ lần lượt trải qua 2 đợt hoá trị, tóc rụng sạch trơn. Tất cả thuốc sử dụng đều được cân nhắc tuyệt đối để không ảnh hưởng quá nhiều đến thai nhi, mẹ sợ mình thiệt thòi hơn những người bạn khác vì mẹ phải uống thuốc, truyền hóa chất Bác sĩ từng nói với mẹ, tiên lượng xấu nhất là mất cả mẹ lẫn con, không thể chắc chắn tình trạng của mình. Bởi thế, mẹ mới dặn bố, "Nếu em có chuyện gì xảy ra, anh hãy cố gắng chăm sóc con. Khoảng vài năm sau hẵng đi bước nữa cũng được, chờ ngày con lớn, thì em trên trời cũng yên tâm".
Thế rồi, sau tất cả, mẹ con mình đều đã chiến thắng "tử thần" để tự tin quay về bên bố và chị Tít. Cuộc sống này, là món quà diệu kỳ nhất bố mẹ đã ban tặng cho mình, còn cái tên Bình An như một tấm bùa hộ mệnh, giúp mình vượt qua những năm tháng đầu đời thật khó khăn này.
Nếu như mình đã có thể bình an sau ca mổ đặc biệt ngày hôm đó, thì sau này, mình tin rằng, bản lĩnh và sức mạnh mình có được, sẽ dành trọn vẹn để bảo vệ và chở che cho tổ ấm nhỏ - nơi có bố Hùng, mẹ Liên và chị Tít.
Cảm ơn bố mẹ đã không bỏ con, mong bình an rồi sẽ bình an, cho tất cả chúng ta!