"Từ những ngày đầu Đen thu âm ở nhà, những người hàng xóm luôn than phiền tôi hát nhạc gì đây. Nhưng hôm
nay, bố mẹ tôi chắc hẳn sẽ bất ngờ. Và tôi hy vọng những người hàng xóm đã hiểu mình làm gì, đóng góp
được gì cho xã hội".
Đó là lời phát biểu của Đen Vâu sau khi nhận hai giải thưởng "Ca sĩ có hoạt động đột phá" và "Sản phẩm
Underground được yêu thích" của WeChoice Awards 2018. Khoảnh khắc run rẩy khi đó với anh có lẽ là phút
giây xúc động nhất trong 10 năm kiên định theo đuổi đam mê Rap - thứ âm nhạc từng chưa phổ biến với công
chúng, thậm chí đôi khi còn bị đánh giá không-giống-ai. Phải nghe câu chuyện của Đen để hiểu rằng, niềm
cảm hứng đẹp nhất trong cuộc sống luôn là những gì đến theo cách tự nhiên nhất, và luôn có một cái giá
đánh đổi để bạn vững tin bảo vệ nó giữa những lúc bị người khác chối từ. Câu chuyện truyền cảm hứng của
một rapper, một người hoạt động âm nhạc Underground bắt đầu từ câu nói:
"Đến âm nhạc của tôi,
họ còn không thực sự
coi đó là âm nhạc"
Hồi cấp 3, có một ngày tôi lên lớp và thấy thằng bạn cứ đọc lẩm nhẩm mấy câu nghe vui tai. Tôi hỏi nó
"Hát nhạc gì vậy?", nó trả lời “Đây là nhạc chế”. Thời đó, ai cũng nghĩ Rap/Hip-hop là dòng nhạc chế
thôi. Sau đó, tôi lên mạng tìm nghe thử bài của các anh em nổi tiếng như LK, Eddy Việt… Về nhà, tôi bắt
đầu mày mò và cover nhạc của họ. Dần dần tôi cảm thấy nền văn hoá này thực sự hay và phù hợp với bản
thân mình. Ở những năm 2002, làn sóng Hip-hop bắt đầu lên cao, tôi tự thu âm những bài mình thích.
Khoảng năm 2007 – 2008, khi học xong lớp 12, tôi có chiếc máy tính đầu tiên và tập tành thu âm, rồi đưa
bản thu đó lên mạng. Đợt đó rộ lên rất nhiều diễn đàn âm nhạc, nơi mà các anh em cứ lên đấy trao đổi và
chia sẻ với nhau xem bài này được chưa, hay còn không tốt chỗ nào.
Bây giờ nghe lại thấy nó khá ngây ngô chứ hồi đó cứ thu âm được một bài là tôi thấy đã lắm, cảm giác như
làm được một điều lớn lao cho tâm hồn mình vậy. Có những ngày cảm giác "máu Hip-hop" tràn ngập trong cơ
thể của mình, viết ra đến 3 bài nhạc. Hip-hop lúc đó thực sự là một thứ nhạc khác lạ. Nó càng bị phê
phán, bị đánh giá thì những người mê nó lại càng muốn chứng minh màu sắc và cái tôi của mình.
Học xong cấp 3, tôi đi tìm việc và bắt đầu đi làm công nhân. Lúc đó chật vật kinh khủng lắm. Ngày xưa đi
làm, lương chỉ có khoảng 3 triệu thì làm sao mà đủ cho tiền mua nhạc, làm nhạc. Nghĩ cũng may, tôi có
một người anh làm ở Đài truyền hình Quảng Ninh, anh có một phòng thu nhỏ và cho mình làm miễn phí. Bài
“Đưa Nhau Đi Trốn” cũng được làm tại phòng thu đó. Tôi còn nhớ ngày nhận tiền phát hành nhạc trên mạng
được 4 triệu, tôi về nhà cho ba 2 triệu và còn 2 triệu đưa cho anh làm phòng thu đó nhưng anh từ chối
nhận vì muốn giúp thằng em mê nhạc rap này.
Chính vì cuộc sống càng khó khăn nên tôi càng phải duy trì âm nhạc. May mắn là thời điểm đó tôi có âm
nhạc, nếu không thì cuộc sống của tôi đã bị giết chết từ lâu rồi. Bạn thử tưởng tượng khi bạn cô độc, có
quá nhiều thứ để nói ra nhưng không ai nghe bạn, cảm giác đó còn tệ hơn việc mình không có gì để kể. Tôi
có quá nhiều thứ muốn kể và âm nhạc là thứ lắng nghe tôi đầu tiên. Tôi được giải toả hết mọi thứ với âm
nhạc.
Ba mẹ tôi đều là những người lao động nên rất khó để tôi chia sẻ những điều thầm kín. Môi trường làm
việc của tôi cũng toàn người lớn tuổi hơn tôi rất nhiều, họ sẽ không thể nào hiểu được. Đến âm nhạc của
tôi, họ còn không thực sự coi đó là âm nhạc. Nhưng cũng là điều hợp lý thôi, bởi rước đây, Rap và
Hip-hop không được đưa lên phương tiện thông tin đại chúng mà chỉ là những "dòng chảy ngầm", nên chẳng
ai biết mình làm gì.
Khi mọi người trong chỗ làm biết tôi tham gia âm nhạc, tất cả họ đều rất bất ngờ, không ai nghĩ rằng một
thằng ù lì và im ắng như tôi lại làm nhạc. Mọi người hỏi tôi hát nhạc gì, tôi không dám nhận mình hát
rap bởi có nói thì họ cũng không hiểu. Những ngày lễ cơ quan, mọi người bảo tôi tham gia văn nghệ, lên
hát những bài truyền thống vì tưởng tôi làm nhạc thì cái gì cũng hát được. Lúc ấy, tôi mới giải thích
nhạc rap là gì, và tôi chỉ đọc rap được thôi.
Năm 2016, tôi quyết định nghỉ và đi học một cái nghề gì đó để có kĩ năng và sống dễ hơn sau này, ví dụ
như cắt tóc, thợ xăm… Đến giờ tôi vẫn nhớ như in cảm giác xin nghỉ việc khi đó. Bởi vì ở tỉnh lẻ, tìm
được công việc ổn định cũng khó lắm. Không dưới 3 lần tôi viết đơn xin nghỉ việc rồi xé đi. Vì tôi lo sợ
không biết ngày mai thức dậy mình sẽ đi làm gì để sống.
Khi quyết định nộp đơn nghỉ việc xong, tôi vừa lo lắng vừa nhẹ nhõm. Nhẹ nhõm vì từ nay không phải cố
gắng làm công việc mình không thích nữa. Còn lo lắng vì có khi nào mình không thể kiếm sống nổi rồi lại
phải quay về những ngày như thế không, khi những đồng lương cuối cùng của mình còn sót lại quá ít ỏi.
Tôi xách xe máy và chạy đi xuyên Việt. Trên hành trình ấy, tôi hát miễn phí ở 6 địa điểm. Tức là khi
chạy đến thành phố nào, tôi đăng lên facebook và rủ anh em quây quần hát với nhau cho vui. Sau hành
trình đó, khoảng cuối năm 2016 tôi bắt đầu nhận được một số lời mời đi hát show có cát-sê. Tôi dùng số
tiền đấy để tái đầu tư cho các sản phẩm sau.
Đến bây giờ nhiều khi tôi cũng lo. Bản thân tự hỏi không biết mình còn viết nhạc đến khi nào được nữa,
nếu sau này không còn người nghe nhạc của mình thì phải làm sao? Nhưng dù sao, niềm vui trong âm nhạc đã
giải toả bớt nỗi lo đó.