Ở thời điểm Samsung ra mắt chiếc Galaxy Z Flip4 hồi năm 2022, khi bị so sánh với chiếc Galaxy Z Flip3 trước đó, không khó để thấy rằng Galaxy Z Flip4 chỉ là một bản nâng cấp nhẹ. Cả hai có thiết kế giống hệt, và Galaxy Z Flip4 được tập trung cải thiện về hiệu năng, pin và camera.
Dù những nâng cấp này là hết sức thiết thực, nhưng rất nhiều người dùng đã kỳ vọng vào một Galaxy Z Flip5 đột phá hơn. Và nay khi đã được chính thức công bố, Galaxy Z Flip5 mang đến nhưng nâng cấp nào?
Nhưng ở một năm 2023 khi kinh tế suy thoái, con người thắt chặt chi tiêu không cần thiết (trong đó bao gồm nâng cấp smartphone), cái “hoàn thiện” của Galaxy Z Flip5 là không đủ để hấp dẫn người dùng. Thay vào đó, họ mong muốn một trải nghiệm hoàn toàn mới, đặc biệt sau một thế hệ Galaxy Z Flip4 tương đối nhạt nhòa.
Nếu chỉ với những thay đổi trên, có thể thấy Samsung sẽ gặp rất nhiều khó khăn để có thể thuyết phục người dùng nâng cấp. Nhưng, Galaxy Z Flip5 còn được trang bị một nâng cấp khác có giá trị hết sức quan trọng, và có thể coi nâng cấp này là thứ mang tính chất quyết định về việc liệu người dùng có nên sở hữu chiếc máy này hay không.
Kể từ thời điểm bắt đầu, thiết kế smartphone màn hình gập dọc như Galaxy Z Flip đã cho thấy lợi ích rõ ràng là kích thước nhỏ gọn chỉ bằng một nửa so với smartphone dạng thanh truyền thống. Nhưng kéo theo đó cũng là quá trình sử dụng phức tạp hơn khi người dùng sẽ phải thêm thao tác mở máy. Mặc dù Samsung đã bổ sung một màn hình phụ ở ngoài, nhưng nó không đem lại nhiều ý nghĩa do kích thước quá nhỏ.
Để giải quyết vấn đề này, với Galaxy Z Flip5, Samsung đã tăng đáng kể kích thước của màn hình phụ. Từ 1.1 inch của Galaxy Z Flip thế hệ đầu tiên và 1.9 inch của Galaxy Z Flip3, nay màn hình phụ mang tên “Flex Window” của Galaxy Z Flip5 có kích thước tới 3.4 inch và mang hình dạng như biểu tượng thư mục máy tính. Theo giải thích từ ông Tae-joong Kim, Trưởng bộ phận thiết kế smartphone màn hình gập của Samsung, thiết kế của Flex Window là cách mà hãng này phá vỡ định kiến “màn hình phải là một khối chữ nhật” đã ăn sâu vào tiềm thức.
Về phần cứng, kích thước đủ lớn và khả năng dùng bằng một tay dễ dàng của Flex Window khiến cho nó dễ dàng làm thỏa mãn người dùng. Tuy nhiên, phần cứng chỉ là một nửa của câu chuyện, bởi một phần cứng mạnh chỉ trở nên hữu ích khi phần mềm có thể phát huy tối đa khả năng của nó.
Vậy, màn hình của Galaxy Z Flip5 làm được gì? Mặc định, màn hình ngoài của Galaxy Z Flip5 có khả năng thực hiện các tác vụ như:
Ở thiết lập mặc định, Flex Window của Galaxy Z Flip5 mang tính chất “tiếp nhận nội dung” là chủ yếu, và người dùng sẽ không có quá nhiều tương tác với các ứng dụng. Để có thể thực sự sử dụng chiếc điện thoại, người dùng sẽ vẫn phải mở máy ra, từ đó làm giảm giá trị của Flex Window rộng lớn.
Điều đáng ngạc nhiên là khả năng hạn chế của Flex Window không phải đến từ năng lực của Samsung, mà là do hãng này đang cố tình ghìm hãm. Bởi lẽ, ngay trong phần mềm của Galaxy Z Flip5 là tính năng ẩn nhằm mở rộng khả năng của Flex Window, nằm trong một phần cài đặt mà 99% người dùng phổ thông sẽ không bao giờ tìm thấy (Cài đặt > Tính năng Nâng cao > Phòng thí nghiệm > Ứng dụng được phép trên màn hình ngoài).
Lúc này, người dùng sẽ có thể kích hoạt thủ công một vài ứng dụng bên thứ ba lên Flex Window, nhưng chỉ các ứng dụng được Samsung chỉ định chứ không phải tất cả các ứng dụng được cài đặt trong máy. Danh sách các ứng dụng này bao gồm (nhưng không hạn chế): Tin nhắn (Samsung & Google), Google Maps, Netflix và YouTube.
Mặc dù tất cả các ứng dụng kể trên đều hoạt động tốt trên Flex Window, nhưng nó vẫn chưa khiến cho người dùng thỏa mãn. Vấn đề một lần nữa đến từ những rào cản của Samsung, khi danh sách ứng dụng mà hãng này cho phép trên Flex Window là quá hạn chế. Đặc biệt, hai ứng dụng tin nhắn phổ biến nhất tại Việt Nam là Facebook Messenger và Zalo hoàn toàn thiếu vắng, đồng nghĩa với việc người dùng sẽ vẫn phải mở máy ra để trả lời tin nhắn.
Tưởng chừng như mọi chuyện đã kết thúc ở đây, nhưng Samsung lại một lần nữa “mở khóa” cho Flex Window bằng một công cụ khác. Good Lock là ứng dụng do Samsung phát hành trên Galaxy Store, một kho ứng dụng của Samsung nhằm cạnh tranh với Google Play Store mà rất ít người biết tới. Điểm đáng nói ở GoodLock là khả năng kích hoạt các tính năng “ẩn” của điện thoại Samsung, trong đó với Galaxy Z Flip5 là khởi chạy bất kể ứng dụng nào trên Flex Window mà người dùng muốn.
Sau một vài thao tác không mấy trực quan, cuối cùng Good Lock đã “giải thoát” cho Galaxy Z Flip5 làm được điều mà đáng lẽ ra chiếc máy này phải làm được ngay từ khi mở hộp: khởi chạy bất cứ ứng dụng nào ở màn hình phụ.
Khi đã được mở khóa với Good Lock, người dùng có thể chạy bất kể ứng dụng nào mà mình muốn - nhưng liệu trải nghiệm có đủ tốt và xứng đáng để “tiết kiệm” một lần mở máy hay không là điều mà mỗi người phải tự đưa ra đánh giá. Ví dụ, việc có thể trả lời tin nhắn Messenger hay Zalo từ Flex Window dù không phải là cách thức hiệu quả nhất do bàn phím QWERTY khả nhỏ, nhưng trong nhiều tình huống vẫn thuận tiện hơn so với việc phải mở máy. Trong khi đó, các tác vụ giải trí như TikTok, Netflix hay YouTube hoàn toàn không xứng đáng để sử dụng trên Flex Window mà chỉ mang tính chất trình diễn.
Tính hữu dụng của Flex Window vẫn còn là một dấu hỏi mà mỗi người phải tự quyết định, nhưng một điều mà chúng ta có thể đánh giá ngay lúc này là Samsung đang lựa chọn một phương án quá an toàn với cách thức hoạt động của Flex Window. Có lẽ, Samsung quan tâm tới trải nghiệm người dùng và không muốn họ sử dụng các ứng dụng khi chưa đảm bảo được sự tối ưu hóa. Tuy nhiên, việc phải kích hoạt các tính năng ẩn, hay cài đặt thêm ứng dụng bổ trợ chỉ để khai thác tối đa khả năng của Flex Window, là quá đỗi phức tạp.
Nhìn vào phân khúc điện thoại màn hình gập, không khó để thấy vị thế của Samsung hiện tại là rất khác so với thời điểm vài năm trước. Những năm 2019-2020 với Galaxy Fold và Galaxy Z Flip, Samsung kiểm soát toàn bộ thị trường điện thoại màn hình gập. Nhưng hiện tại, vị thế của Samsung đã lung lay. Các nhà sản xuất Trung Quốc như Huawei, Xiaomi, Moto, Vivo không những đã có những thiết kế riêng của mình, mà thậm chí còn có phần vượt trội hơn cả Samsung.
Đơn cử với thiết kế màn hình phụ lớn, OPPO và Moto đều đã làm được từ trước đó với Find N2 Flip và RAZR 40 Ultra. Trong đó, ấn tượng nhất là chiếc RAZR 40 Ultra với màn hình phụ chiếm trọn gần như toàn bộ mặt trước, một thiết kế được đánh giá là quyến rũ hơn cả Galaxy Z Flip5. Hay, những mẫu smartphone màn hình gập khác từ Huawei hay Xiaomi đều có độ mỏng ấn tượng, nếp gấp màn hình bị loại bỏ, chưa kể các lợi thế khác về thời lượng pin, công nghệ sạc nhanh hay camera.
Vậy, giữa một rừng điện thoại màn hình gập đến từ các đối thủ, tại sao phải lựa chọn Galaxy Z Flip5? Đây là điều mà khi nhìn vào bảng thông số sẽ không bao giờ có thể hiểu được, mà chỉ khi người dùng rút hầu bao mới hiểu rõ.
Mua hàng xách tay, người dùng phải đối mặt với hàng loạt vấn đề. Ngay từ bước đầu, họ đã phải cài đặt Play Store và dịch vụ Google theo một cách không chính thống - điều mà đối tượng người dùng cao cấp quan tâm tới bảo mật không khỏi e dè. Nhưng quan trọng hơn, điện thoại gập vừa mỏng manh, lại vừa phức tạp trong thiết kế phần cứng. Nếu gặp trục trặc, hỏng hóc, người dùng Moto, Huawei, Xiaomi xách tay chỉ biết “kêu trời” do quá trình sửa chữa phức tạp, thậm chí không thể sửa được nếu ở Việt Nam.
Trong khi đó, tất cả những khía cạnh này đều được đảm bảo trên Galaxy Z Flip5. Không chỉ đảm bảo chế độ trước và sau bán hàng, Samsung còn mang đến những đặc quyền mà không một hãng điện thoại nào khác tại Việt Nam có thể làm được.
Suy cho cùng, người dùng tại Việt Nam nếu muốn mua điện thoại màn hình gập sẽ không có sự lựa chọn nào khác ngoài Samsung - ít nhất là trong tương lai gần. Vì vậy, thực tế sự cạnh tranh của các thương hiệu Trung Quốc hoàn toàn không khiến cho Samsung đáng phải bận tâm, ít nhất là tại Việt Nam.
Không những thế, sự xuất hiện của những sản phẩm đối đầu này còn tạo thêm cơ hội cho Samsung. Người dùng sẽ ấn tượng với những công nghệ mới trên điện thoại màn hình gập của đối thủ, để rồi khi chốt hầu bao thì cũng lại đến với Samsung và Galaxy Z Flip, đơn giản vì đây vẫn là lựa chọn khả dĩ nhất.
Và đó cũng chính là đối tượng mà Samsung nhắm đến trong lần ra mắt lần này của Galaxy Z Flip5 - những người dùng điện thoại truyền thống. Nếu như ở những thế hệ trước, người dùng có vẻ như sẽ luôn phải đánh đổi một thứ gì đó chỉ để có được thiết kế gập, thì với Galaxy Z Flip5 và Flex Window, cuối cùng Samsung đã tạo ra một chiếc điện thoại màn hình gập với hầu hết những hạn chế được khắc phục.
Khi công nghệ trở nên ngày một hoàn thiện, việc chuyển đổi sang dùng một chiếc điện thoại màn hình gập không còn là canh bạc rủi ro như cách đây 4 năm. Giờ đây, câu hỏi chỉ đơn giản là “Bạn có thích hay không?”. Và nếu câu trả lời của bạn là “Có”, Galaxy Z Flip5 là sự lựa chọn duy nhất ở thời điểm hiện tại.