Nếu là một người dùng iPhone, thì chắc chắn bạn sẽ biết rằng mỗi thế hệ iPhone được Apple chia làm hai chu kỳ, với sự khởi đầu của một chiếc iPhone "số" (như iPhone 4, 5, 6) và nối tiếp sau đó bằng một chiếc iPhone "S" (iPhone 4s, 5s, 6s). Trong khi những chiếc iPhone "S" thường chỉ bị coi là bản nâng cấp cấu hình, thì người dùng tỏ ra hào hứng hơn mỗi khi một thế hệ iPhone đi kèm với một con số mới được ra mắt – khi họ cho rằng đây mới là nơi những tinh túy của Apple được hội tụ.
Cá nhân tôi thì lại thấy ngược lại. Nếu được hỏi về thế hệ iPhone "số" cuối cùng mà tôi cảm thấy ấn tượng, thì chắc chắn đó là chiếc iPhone 4 ra mắt năm 2010. iPhone 5 và iPhone 6 tuy là hai chiếc máy thành công, nhưng xét một cách thẳng thắn thì nó chỉ là phiên bản được thiết kế lại của người tiền nhiệm với màn hình lớn hơn, nhưng lại không mang đến bước đột phá nào.
Kích thước màn hình chắc chắn là thay đổi lớn, đặc biệt là với một công ty từng một mực trung thành với cái triết lý "điện thoại phải nằm gọn trong lòng bàn tay" như Apple. Nhưng dưới góc nhìn của một người thường xuyên theo dõi công nghệ, khi mà chứng kiến việc Apple chỉ đơn thuần là đang chạy theo xu hướng màn hình lớn, hay nói một cách khác là chạy theo các nhà sản xuất khác, thì thật sự mà nói tôi cảm thấy không ấn tượng.
Trái lại, tôi lại cảm thấy hứng thú hơn với những chiếc iPhone "S", khi được chứng kiến sự bứt phá của Apple từ vị thế của kẻ theo sau, chuyển sang dẫn đầu xu hướng. Từ lâu rồi, "S" không chỉ đơn thuần là Speed (tốc độ) nữa. Với iPhone 4s, đó là trợ lý ảo Siri. Với iPhone 5s, đó là cảm biến vân tay Touch ID. Với iPhone 6s, đó là màn hình cảm ứng lực 3D Touch. Những công nghệ này nắm vai trò định hướng cho không chỉ các thế hệ iPhone tương lai, mà còn là toàn ngành di động. Do thị hiếu của người tiêu dùng luôn bị chi phối mạnh mẽ bởi những chiếc iPhone mới, các đối thủ cũng không thể cứ thế mà ngồi yên và buộc phải bổ sung những công nghệ trên vào sản phẩm của mình.
Thế nhưng, iPhone 7 năm nay thì lại mang đến một sắc thái khác biệt. Thời điểm này hai và bốn năm trước, người dùng mong đợi thế hệ iPhone tiếp theo sẽ có màn hình lớn hơn và thiết kế mới. iPhone 5 và iPhone 6 đều khiến họ thỏa mãn. Nhưng iPhone 7 thì không. Mang một thiết kế không đột phá, kèm theo việc Apple không còn phải chạy theo xu hướng màn hình lớn như những năm trước, iPhone 7 đã khiến không ít người tỏ ra thất vọng. Liệu còn gì hấp dẫn để thôi thúc người dùng bỏ ra hàng chục triệu đồng cho nó, trước thời điểm thị trường smartphone đang ngày một bão hòa?
Vào thời điểm 2016 hiện tại, mọi chiếc smartphone cao cấp đều có thể chụp ảnh đẹp, nghe nhạc hay, lướt web nhanh, chơi game mượt. Trong số những yếu tố hiếm hoi còn lại giúp người dùng chọn mua chiếc smartphone phù hợp với bản thân mình, thì thiết kế vẫn luôn là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu. Thế nhưng, đây lại không phải là một điểm mạnh của iPhone 7.
Thông thường, cứ mỗi hai năm thì một chiếc iPhone với thiết kế mới sẽ được ra mắt. Hai năm trước, Apple đã nhận phải hàng loạt chỉ trích bởi sự thô kệch của iPhone 6 – đến nỗi mà nhiều người đã cho rằng "Nếu Steve Jobs còn sống, chắc chắn ông ấy sẽ không bao giờ cho phép điều này xảy ra". Thế rồi, hai năm trôi qua và chúng ta vẫn thấy những chiếc iPhone 6/6s nhan nhản ngoài đường. Đơn giản là vì thiết kế của iPhone 5s tuy đẹp, nhưng lại dễ gây nhàm chán. Trước tình cảnh "người người iPhone, nhà nhà iPhone", sự mới mẻ vẫn là điều mà người dùng hết sức coi trọng.
Năm nay, Apple phải đối mặt với một rủi ro lớn trên iPhone 7. Đây là thế hệ iPhone đầu tiên mà Apple tái sử dụng một thiết kế trong vòng ba năm liên tiếp. Mặc dù có một vài sự thay đổi ở dải anten, nhưng từng đó là chưa đủ để người dùng cảm thấy thuyết phục. Thậm chí, ngay cả Jony Ive - Giám đốc thiết kế của Apple cũng phải thừa nhận: "Thiết kế của iPhone 7 chỉ là một sự tiến hóa, chứ không phải là lột xác."
Nếu bạn đã từng cầm những chiếc iPhone 6/6 Plus trước đây, thì bạn đã biết cảm giác mà iPhone 7/7 Plus đem lại là như thế nào rồi đấy. Nó y hệt. Vẫn là màn hình cong 2.5D. Vẫn là khung viền được uốn cong. Vẫn là camera lồi. Vẫn là mặt lưng phẳng lỳ được làm bằng nhôm.
Do tiếp nối thiết kế của những thế hệ iPhone trước, iPhone 7 cũng "kế thừa" tất cả nhược điểm của chúng. Vẫn là cái cảm giác trơn tuồn tuột khi cầm trên tay và có thể đánh rơi bất kỳ lúc nào. Vẫn là cái viền màn hình dày cui, khiến máy màn hình thì nhỏ mà kích cỡ thì lại lớn. Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng với iPhone 7 Plus, khi nó tạo một cảm giác khó chịu vô cùng trong túi quần, khiến ngay cả việc đi lại cũng trở nên hết sức khó khăn.
Tôi không thể tin được là có ngày mình lại thốt ra câu này, nhưng có lẽ Apple cần học hỏi Samsung về thiết kế. Thật đấy: Phép màu nào đã khiến Galaxy Note7 có kích cỡ nhỏ hơn, nhưng lại có màn hình to hơn cả iPhone 7 Plus?
Thế nhưng, bạn có thể chê iPhone 7 xấu, nhưng không thể phủ nhận rằng đây là một chiếc điện thoại cao cấp và được cân nhắc tỉ mỉ trên từng đường nét. Vẻ đẹp của những chiếc iPhone chỉ có thể cảm nhận được khi trực tiếp cầm trên tay. Chất lượng gia công vẫn luôn là một điểm mạnh của Apple trong suốt nhiều năm qua, và với iPhone 7, hãng không để chúng ta phải thất vọng. Tất cả những chi tiết dù là nhỏ nhất như nút bấm, lỗ mic, loa thoại đều được thiết kế một cách sắc xảo.
Nếu như người dùng có thể chấp nhận được thiết kế của iPhone 6, thì tôi nghĩ rằng không có lý do gì họ lại không thể tiếp tục làm như vậy với iPhone 7. Mặc dù vậy, để có thể khiến chủ nhân của những chiếc iPhone 6/6s nâng cấp, chắc chắn, sẽ không phải là chuyện đơn giản. Khi đưa chiếc iPhone 7 cho bố tôi (vốn đang là một người dùng iPhone 6), ông không thể nhận ra được sự khác biệt giữa hai chiếc máy này. Apple sẽ gặp rất nhiều khó khăn để thuyết phục những người dùng như ông - khi mà những yếu tố về hiệu năng, camera hay màn hình là không đủ để tạo ra sự hào hứng.
Tạm gác lại vấn đề về sự nhàm chán sang một bên, nếu như xét một cách công bằng thì tôi đánh giá thiết kế của iPhone 7 ở mức "ổn" với phiên bản màu sắc như vàng, vàng hồng, trắng; và "khá đẹp" với các phiên bản màu đen hay đen bóng. Có thể đây là một đánh giá có phần thiên vị, nhưng tôi tin các bạn cũng sẽ phải đồng ý rằng: việc dải anten bỗng dưng trở nên "vô hình" trên hai phiên bản màu sắc này khiến thiết kế của máy trở nên liền mạch và tinh tế hơn rất nhiều.
Hãy cùng nói qua một chút về màu sắc mới, và cũng là nổi bật nhất của iPhone 7 năm nay, Jet Black. Tôi từng nhớ vào thời điểm 2013 khi Samsung ra mắt Galaxy S4 – mặc dù máy nhận được nhiều đánh giá tốt, nhưng bị chỉ trích nhiều về thiết kế nhựa bóng ‘rẻ tiền’ và dễ xước.
Điều tương tự có vẻ như đang lặp lại với màu Jet Black. Nó cho cảm giác cầm trên tay rất kỳ lạ khi vừa giống kính, vừa giống nhựa nhưng trí não bạn thì lại luôn đinh ninh rằng nó là kim loại. Và đương nhiên, nó rất dễ xước. Dễ xước hơn bất kỳ chiếc điện thoại nào bạn đã từng sử dụng. Bù lại, Jet Black cho cảm giác cầm nắm chắc chắn hơn rất nhiều so với các màu sắc còn lại.
Tôi hoàn toàn có thể mượn một chiếc iPhone 7 Jet Black để làm bài review này, nhưng khi nghĩ đến việc máy sẽ bị "xuống mã" ngay khi vừa cầm trên tay, vậy nên tôi đã quyết định từ chối.
Nhìn chung, do đây là một vấn đề liên quan đến thẩm mỹ, tôi không thể khuyên các bạn nên mua màu này, hay màu kia - vì đây là quyết định riêng của mỗi người. Nhưng với Jet Black, tôi chỉ mong các bạn đừng ‘nghe lời Apple’ mà sử dụng ốp lưng. Vẻ đẹp bóng bẩy của nó chỉ có giá trị khi được phô trương, chứ không phải là nằm sau những lớp nhựa rẻ tiền. Nếu sợ xước, hãy sử dụng miếng dán trong hay những chiếc ốp viền. Còn nếu đến đây mà bạn vẫn cảm thấy lo lắng, tốt nhất là hãy mua một màu sắc khác.
Nhưng tất cả chưa dừng lại ở đó. Năm nay, thiết kế của iPhone 7 không chỉ còn là ở bên ngoài nữa, mà là còn ở bên trong. Đây là thế hệ iPhone đầu tiên có khả năng chống nước chuẩn IP67, cho khả năng chịu nước ở độ sâu 1m, trong thời gian 30 phút.
Đối với nhiều người thì chống nước là một tính năng nhảm nhí - vì đâu phải ai cũng hậu đậu đến mức đánh rơi cả điện thoại xuống nước? Nhưng trên thực tế, việc có thể tự tin nghe điện thoại khi trời đang mưa, chụp một vài tấm ảnh dưới nước khi đi biển, hay thậm chí là rửa điện thoại khi máy bẩn - đều là những ứng dụng mà theo tôi thấy là khá có ích. Đây là những điều mà không ai nghĩ sẽ có lúc làm, nhưng nếu công nghệ đã cho phép thì tại sao lại từ chối?
Đánh giá của tôi về khả năng chống nước của iPhone 7 thế nào? Er… tính đến thời điểm này thì máy vẫn chưa chết, vậy đã tính là đạt chưa nhỉ? Cộng thêm hàng loạt những bài tra tấn iPhone 7 mà bạn có thể dễ dàng tìm qua mạng, chúng ta có thể khẳng định rằng khả năng chống nước của nó là rất tốt, thậm chí ngang bằng với những máy khác đạt chuẩn IP68 cao hơn. Nhưng, chớ có tự tin thái quá mà suốt ngày thả máy vào nước chỉ để cho… vui vì (1) Apple sẽ từ chối bảo hành nếu máy bạn bị hư hỏng (2) khả năng chống nước của máy hoàn toàn có thể sẽ bị xuống cấp qua thời gian.
Thông thường, để đánh giá hiệu năng smartphone thì tôi sẽ đưa ra những con số và biểu đồ về kết quả benchmark. Nhưng thật sự với iPhone 7, tôi cảm thấy việc này là hoàn toàn không cần thiết, đơn giản là vì đây là chiếc smartphone nhanh nhất thế giới,
bỏ xa các đối thủ còn lại.
Yếu tố đầu tiên giúp máy đạt được hiệu năng tuyệt vời này chắc chắn là SoC A10 Fusion. Con chip mới của Apple sở hữu bốn nhân, nhưng đừng hiểu nhầm rằng nó sẽ nhanh gấp đôi A9 (vốn sở hữu hai nhân). Thay vào đó, Apple đã áp dụng kiến trúc tương tự như big.LITTLE, chia ra làm hai nhân hiệu năng cao và hai nhân hiệu năng thấp nhưng tiết kiệm năng lượng. Từ đó, A10 Fusion không những đạt được hiệu năng mạnh mẽ hơn 40% so với A9, mà còn giúp cho thời lượng pin cao hơn trước đó.
Yếu tố thứ hai là tốc độ của bộ nhớ trong (NAND). Nhiều người thường cho rằng hiệu năng của smartphone bị ảnh hưởng bởi CPU và RAM. Tuy nhiên trên thực tế, tốc độ của NAND mới là quan trọng nhất vì đây là yếu tố quyết định thời gian khởi chạy ứng dụng
– cũng là tác vụ phổ biến nhất của người dùng. Nó cũng giống như việc một chiếc máy tính dùng chip Core i7, RAM 16GB nhưng dùng HDD chắc chắn sẽ khởi động Windows và ứng dụng chậm hơn một chiếc máy tính khác với cấu hình thấp hơn nhưng lại dùng SSD.
Lần đầu xuất hiện trên iPhone 6s, sự kết hợp của giao tiếp PCI-e và chuẩn NVMe tiếp tục được Apple lựa chọn cho bộ nhớ trong trên iPhone 7. Và cũng không cần nói nhiều - khi đây là bộ nhớ trong cho tốc độ nhanh nhất hiện nay. Cần lưu ý rằng, phiên bản bộ nhớ trong 32GB sẽ cho tốc độ ghi thấp hơn khá nhiều so với các phiên bản 128GB và 256GB, do những hạn chế của kiến trúc bộ nhớ. Mặc dù vậy, trên thực tế sử dụng thì phiên bản 32GB vẫn hoàn toàn có thể đáp ứng tốt nhu cầu của người dùng.
Yếu tố thứ ba cũng không kém phần quan trọng, đó là hệ điều hành iOS với mô hình đa nhiệm "ảo" tỏ rõ sức mạnh trong việc quản lý bộ nhớ. Trên iPhone 7 với RAM 2GB, máy có thể lưu trữ khoảng 8-10 ứng dụng mà không cần phải tải lại. Trong khi đó, riêng iPhone 7 Plus với nâng cấp về RAM lên 3GB của mình, con số này có thể lên tới 12-15. Ngoài ra, do nắm lợi thế trong suốt những năm qua về khả năng tối ưu hóa cực tốt từ Apple và đội ngũ lập trình viên, tất cả các ứng dụng trên iPhone 7 đều cho một trải nghiệm mượt mà, không có bất kỳ một dấu hiệu nào của giật hay lag.
Nếu như bạn là một người dùng iPhone 6 nâng cấp lên iPhone 7, chắc chắn sự khác biệt về hiệu năng là rất rõ ràng. Trong khi đó, người dùng iPhone 6s có lẽ sẽ không thấy ấn tượng, đơn giản là vì A9 vẫn là một con chip rất mạnh, dung lượng RAM 2GB cũng là quá đủ với iOS và bộ nhớ trong NVMe cũng được trang bị trên chiếc máy này.
Tôi cảm thấy thật sự lo lắng khi phải chứng kiến những gì mà các đối thủ chạy Android đang phải chống chọi. Khi mà những chiếc smartphone Android đầu bảng hiện nay còn chưa thể bắt kịp được hiệu năng của iPhone 6s, khoảng cách này tiếp tục bị nới rộng
với iPhone 7. Đương nhiên, so sánh iPhone và Android là hoàn toàn khập khiễng do chúng chạy hai nền tảng hệ điều hành khác nhau. Nhưng đối với người dùng bình dân, khi mà họ chỉ cần một chiếc smartphone mượt mà, ổn định, thì iPhone vẫn là sự lựa chọn
duy nhất.
Màn hình của iPhone 7 và 7 Plus tiếp tục được giữ nguyên kích thước và độ phân giải so với các thế hệ trước, 4.7 inch (750x1334) và 5.5 inch (1080x1920). Sự thay đổi lớn nhất nằm ở khả năng hỗ trợ dải màu DCI-P3, so với dải màu sRGB hẹp hơn trên các thế hệ iPhone trước. Với sự nâng cấp lần này, màn hình của iPhone 7 sẽ có khả năng hiển thị nhiều hơn 25% số màu sắc. Đi kèm với đó, Apple cũng sẽ cần một giải pháp quản lý màu sắc (color management) hiệu quả. Do đây là một tính năng đã được tích hợp sẵn trên iOS, kèm theo việc Apple sẽ cân chỉnh màu của từng màn hình riêng lẻ khi sản xuất, người dùng có thể tự tin rằng iPhone 7 cho chất lượng màu sắc trung thực bậc nhất hiện nay.
Mặc dù nghe ấn tượng là vậy, nhưng trong thực tế sử dụng thì rất khó có thể nhận ra sự khác biệt giữa màn hình của iPhone 7 và các thế hệ trước, do đa số nội dung chúng ta tiêu thụ hiện nay vẫn sử dụng chuẩn sRGB. Ứng dụng lớn nhất của màn hình này có lẽ là ảnh và video, do camera của iPhone 7 cũng được trang bị khả năng chụp ảnh gam màu rộng theo chuẩn DCI-P3.
Một nâng cấp khác dễ nhận ra hơn của màn hình iPhone 7 là độ sáng màn hình. Trong khi màn hình của các thế hệ iPhone trước chỉ đạt độ sáng tối đa 500 nits, thì con số này của iPhone 7 và 7 Plus có thể lên đến 625 nits. Kết quả là chúng ta có một màn hình dễ đọc hơn nhiều trong điều kiện ngoài trời, đặc biệt là khi nắng gắt.
Nhìn chung, nếu bạn đã và đang hài lòng với màn hình của các thế hệ iPhone trước, bạn chắc chắn sẽ không bị thất vọng với màn hình của iPhone 7. Cá nhân tôi cũng cho rằng đây là một trong những màn hình cho chất lượng tốt nhất tại thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng với iPhone 7 Plus.
Với iPhone 7 và độ phân giải khiêm tốn của nó, thật sự tất cả những nỗ lực trên cũng chỉ là vô nghĩa. 326ppi từng là một con số cao, nhưng ở thời điểm hiện tại, khi so sánh với những đối thủ như Galaxy S7, HTC 10… với mật độ điểm ảnh lên đến hơn 500ppi, màn hình của iPhone 7 là không thể xứng tầm.
Xin đừng hiểu lầm rằng màn hình của iPhone 7 cho chất lượng thấp – hàng trăm triệu người ngoài kia vẫn đang sử dụng nó mà không hề có bất kỳ phàn nàn nào. Nhưng nếu bạn bỏ ra hàng chục triệu cho một chiếc điện thoại và mong muốn có được một trải nghiệm xứng đáng với đồng tiền, thì e rằng chỉ có iPhone 7 Plus mới có thể làm bạn tạm thỏa mãn.
Thay đổi lớn nhất và cũng được mong chờ nhất trên bộ đôi iPhone mới là camera. Trước đây, Apple từng tự tin rằng mình luôn sở hữu hệ thống camera tốt nhất trên thị trường. Nhưng trong những năm trở lại đây, các nhà sản xuất khác đã cho thấy những cải tiến vượt bậc và nhanh chóng thu hẹp khoảng cách. Và giờ đây, không chỉ riêng Apple, mà Samsung, LG, HTC, Huawei… đều đã có những sản phẩm với camera cực tốt, tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến.
Trong khi camera trên iPhone 6s chỉ đơn thuần là nâng độ phân giải và trang bị khả năng quay phim 4K nhằm "bắt kịp thời đại", thì hệ thống camera của iPhone 7 cho thấy sự đầu tư nghiêm túc của Apple nhằm lấy lại vị thế dẫn đầu của mình.
Tất cả các thành phần phần cứng cấu thành nên hệ thống camera của iPhone 7 đều được nâng cấp rõ rệt. Cảm biến ảnh vẫn được giữ nguyên ở kích thước 1/3", kích thước điểm ảnh 1.22 µm và độ phân giải 12MP, nhưng được Apple quảng cáo là nhanh hơn 60% và hiệu quả hơn 30%. Ngoài ra, nó còn mang đến khả năng chụp ảnh gam màu rộng theo chuẩn DCI-P3.
Nhưng thay đổi lớn nhất có lẽ nằm ở hệ thống ống kính. Từ khẩu độ f/2.2 và 5 lớp của iPhone 6s, thì trên iPhone 7, ống kính được nâng cấp lên f/1.8 và 6 lớp. Với ống kính khẩu độ lớn hơn, ánh sáng sẽ có thể lọt vào nhiều hơn, từ đó cải thiện khả năng chụp thiếu sáng của máy. Công nghệ chống rung quang học cũng không còn độc quyền trên những chiếc iPhone "Plus" nữa, mà đã được mang xuống cả phiên bản 4.7 inch. Và cuối cùng, đèn Flash LED dual-tone cũng được nâng từ hai bóng lên bốn bóng, cho khả năng phát ra ánh sáng mạnh hơn và xa hơn.
Nhìn chung, iPhone 7 có cải tiến về chất lượng ảnh so với các thế hệ trước, nhưng tôi e rằng không phải ai cũng có thể nhận ra sự khác biệt. Về ảnh ban ngày, nếu chỉ nhìn một cách thoáng qua, ảnh của iPhone 7 trông chẳng khác gì iPhone 6, chứ đừng nói là iPhone 6s. Sự cải thiện lớn nhất chỉ có thể nhận ra ở màu sắc, khi lợi thế về khả năng chụp gam màu rộng DCI-P3 giúp ảnh của iPhone 7 trở nên đậm đà hơn, đặc biệt khi xem trên màn hình của máy.
Chỉ trong điều kiện ánh sáng thấp, những ưu thế về camera của iPhone 7 mới dần được lộ rõ. Khi so sánh với những bức ảnh được chụp bởi iPhone 6, về tổng thể ảnh của iPhone 7 tiếp tục không đem đến nhiều sự khác biệt. Tuy nhiên khi soi kỹ hơn, có thể thấy iPhone 7 giữ lại chi tiết tốt hơn rất nhiều, kèm theo lượng noise (nhiễu) ít hơn.
Trong khi iPhone 6 phải đẩy ISO lên đến 1250, thì iPhone 7 chỉ là 160. Điều này khiến cho bức ảnh của iPhone 7 bớt nhiễu hơn rất nhiều. Nhờ vào ống kính khẩu độ lớn, iPhone 7 cũng cho khả năng xóa phông tốt hơn.
Và đương nhiên, khả năng chụp ảnh trong điều kiện ánh sáng cực thấp của iPhone 7 là hoàn toàn vượt trội
Qua camera của iPhone 7, có thể thấy cách thức xử lý hình ảnh của Apple là rất khác biệt. Trong khi nhiều nhà sản xuất khác tìm mọi cách để khiến bức ảnh trở nên "sáng lóa", từ đó tạo cảm giác nịnh mắt nhưng lại khác xa với thực tế bên ngoài, thì Apple đi theo hướng bảo tồn vẻ tự nhiên. Những lợi thế về phần cứng như ống kính khẩu độ lớn, công nghệ chống rung quang học… sẽ được sử dụng để giảm ISO của bức ảnh đến mức tối thiểu, giúp tăng độ sắc nét và ít nhiễu hơn.
Khi so sánh với đối thủ chính là Galaxy S7, trong điều kiện chụp ảnh đủ sáng thì tôi đánh giá cao iPhone 7 hơn một chút, nhờ vào màu sắc trung thực và dynamic range tốt hơn. Nhưng trong điều kiện chụp tối, Galaxy S7 lại tỏ rõ ưu thế khi cho lượng nhiễu (noise) thấp hơn, và tính năng chống rung hoạt động hiệu quả hơn. Thực sự mà nói, cả hai máy sẽ đều giúp bạn cho ra những bức ảnh đẹp, và đến thời điểm này thì có lẽ tay nghề của người chụp mới là yếu tố quan trọng nhất quyết định đến chất lượng của bức ảnh.
Một yếu tố mà camera của Galaxy S7 vượt trội hoàn toàn là tốc độ lấy nét nhanh hơn rất nhiều so với iPhone 7. Có vẻ như công nghệ Dual Pixel của Canon đã thật sự đem lại hiệu quả cho nó. Ngoài ra, chế độ chỉnh tay cũng là một lợi thế mà iPhone 7 không có. Mặc dù trên iOS cũng có rất nhiều phần mềm chụp ảnh chuyên nghiệp như ProCam, nhưng tôi vẫn ưu tiên một giải pháp chính chủ và tích hợp hơn.
Tuy nhiên, nếu như camera trên iPhone 7 chỉ đơn thuần là ‘tốt hơn’, thì với iPhone 7 Plus, có thể nói nó là một bước đột phá. Các năm trước, sự khác biệt về camera giữa hai mẫu máy chỉ là công nghệ chống rung quang học, thì năm nay, khoảng cách đã được nới rộng hơn rất nhiều nhờ vào sự bổ sung của camera thứ hai trên iPhone 7 Plus.
Bên cạnh camera với cảm biến 12MP và ống kính góc rộng 28mm truyền thống, iPhone 7 Plus được trang bị thêm một camera nữa cũng với cảm biến 12MP, nhưng lần này đi kèm một ống kính tele 56mm. Đi kèm với ống kính này, máy thêm hai tính năng mới là zoom
quang học và chụp ảnh xóa phông (bokeh).
Tính năng zoom quang học của iPhone 7 Plus có thể dễ dàng kích hoạt thông qua một nút bấm duy nhất, xuyên suốt trong các chế độ của ứng dụng Máy ảnh. Cho dù bạn muốn đến gần với vật thể hơn, hay là muốn căn chỉnh khung hình theo cách mà bạn mong muốn, ống kính 56mm tỏ ra rất hữu hiệu.
Tôi đã thấy rất nhiều người sử dụng tính năng zoom trên camera của các thế hệ iPhone trước đây, nhưng không phải ai biết rằng đó là một việc làm hoàn toàn vô nghĩa, khi đây chỉ đơn thuần là zoom số. Với iPhone 7 Plus, Apple đã giải quyết được một vướng mắc rất lớn trong trải nghiệm chụp ảnh của người dùng.
Cách thức hoạt động của tính năng này rất đơn giản: Máy sẽ chuyển sang ống kính 56mm (thay vì 28mm) khi được zoom lên. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nó sẽ chỉ có thể hoạt động trong điều kiện ánh sáng tốt. Do có thông số kỹ thuật hạn chế (ống kính khẩu độ f/2.8 và cảm biến 1/3.6" nhỏ hơn, không hỗ trợ chống rung quang học), vậy nên khả năng chụp ảnh tối của nó là rất hạn chế. Lúc này, nó sẽ sử dụng zoom số để thay thế, khiến camera thứ hai của iPhone 7 Plus trở nên "vô dụng". Theo trải nghiệm của cá nhân tôi, nó chỉ phát huy hiệu quả khi chụp ảnh ngoài trời vào buổi sáng. Ngay cả trong điều kiện ánh sáng nhân tạo tốt (trong phòng với đèn huỳnh quang), ống kính thứ hai cũng hiếm khi được kích hoạt.
Tính năng thứ hai thậm chí còn được quan tâm hơn, đó là khả năng chụp ảnh xóa phông (bokeh). Thực tế, công nghệ này không còn mới khi nó đã xuất hiện trên nhiều smartphone trước đó như HTC One M8, Xiaomi Redmi Pro hay Huawei Honor 8. Tuy nhiên, chỉ đến khi Apple tham gia vào cuộc chơi thì nó mới thu hút được sự chú ý.
Để sử dụng tính năng này cũng đơn giản không kém. Tất cả những gì người dùng cần làm là chuyển sang chế độ chụp Chân dung (Portrait). Lúc này, iPhone 7 Plus sẽ sử dụng lợi thế về tiêu cự của ống kính 56mm để tiến gần hơn vào vật thể, sau đó chuyển cho ISP (bộ xử lý hình ảnh) để nó tạo ra sơ đồ khoảng cách và từ đó tạo hiệu ứng bokeh mờ bằng phần mềm.
Galaxy S7 Edge bị xóa mất logo Samsung - với nguyên nhân là do tính năng Depth Effect của iPhone 7 Plus hoạt động chưa thật sự hiệu quả với các vật thể màu đen
Vậy kết quả ra sao? Tôi cảm thấy khá ấn tượng với những gì được thấy, đặc biệt là trong điều kiện ánh sáng tốt. Có một số người cho rằng những bức ảnh chụp bởi tính năng này vẫn quá "ảo" và không thật sự thuyết phục. Điều nghịch lý là phát biểu này đều đến từ những người am hiểu, sành sỏi công nghệ. Trong khi đó, bố mẹ tôi, bạn bè tôi – đại diện cho 99% những người dùng bình dân, "mù công nghệ" ngoài kia, thì lại không thể tin nổi đây là những bức ảnh do một chiếc điện thoại chụp. Xét một cách công bằng, trong đa số trường hợp thì chiều sâu của bức ảnh theo tôi đánh giá là khá thực tế.
Tuy nhiên, không gì là hoàn hảo, và tính năng này vẫn còn bộc lộ một số nhược điểm. Trong một số hình ảnh với chi tiết phức tạp (tóc, cành cây…), phần viền của chủ thể sẽ bị "nham nhở" bởi hiệu ứng blur. Yếu điểm này còn bị bộc lộ rất rõ với các vật thể màu đen.
Nhưng đó chưa phải vấn đề lớn nhất. Như đã nói ở trên, chế độ chân dung sẽ luôn sử dụng ống kính 56mm với những hạn chế về kỹ thuật. Và kẻ thù lớn nhất của ống kính này là gì? Bóng đêm.
Nếu với tính năng zoom, Apple có thể sử dụng zoom số bằng phần mềm để thay thế, thì với chế độ chân dung, camera 56mm buộc phải "xung trận" trong mọi điều kiện ánh sáng. Kết quả được tạo ra khi màn đêm buông xuống quả thật là… thảm họa. Trong khi phần bokeh vẫn tỏ ra khá mượt mà, thì chủ thể lại xuất hiện đầy nhiễu (noise), khiến cho bức ảnh trông rất kỳ cục và gần như không thể sử dụng được. Trên thực tế, khi trời đã tối hẳn, máy còn không thể kích hoạt chế độ này và liên tục hiển thị thông báo yêu cầu thêm ánh sáng (More light required) để tính năng có thể hoạt động.
Trong điều kiện thiếu sáng, chủ thể của bức ảnh bị noise, trong khi phần bokeh thì vẫn rất mượt, từ đó khiến bức ảnh trông rất kỳ cục
Trong khi những hạn chế về thuật toán xử lý bokeh của hình ảnh có thể được giải quyết bằng các bản cập nhật phần mềm tiếp theo (hiện tại tính năng này chỉ có mặt trên phiên bản iOS 10.1, vốn vẫn còn đang trong giai đoạn thử nghiệm), thì có lẽ những hạn chế về phần cứng trong điều kiện ánh sáng không lý tưởng sẽ khó có thể khắc phục được.
Ở phía còn lại của chiếc máy, camera FaceTime HD cũng được nâng cấp độ phân giải lên 7MP. Tôi cho rằng danh hiệu "chuyên gia selfie" vẫn luôn thuộc về iPhone. Đây là một quan điểm cá nhân, nhưng tôi rất ghét những hiệu ứng làm đẹp mà khá nhiều nhà sản xuất Android đang mặc định kích hoạt mỗi khi người dùng khởi động camera selfie - khi đôi lúc chúng cho kết quả quá "ảo" và rất khó có thể sửa chữa sau này. Với ứng dụng Máy ảnh của iPhone, thì chúng ta có một kết quả có thể không ảo diệu, nhưng rất tự nhiên và có thể dễ dàng chỉnh sửa bằng các ứng dụng bên thứ ba.
Ảnh selfie của iPhone 7 Plus có sắc thái trung thực, không "ảo diệu" nhưng rất dễ chỉnh sửa bằng các ứng dụng bên thứ ba.
Bên cạnh màu sắc trung thực, dễ chỉnh màu, thì độ ổn định và tốc độ cũng là một yếu tố được đánh giá cao. Nghe có vẻ kỳ quặc khi tôi đề cập đến tốc độ, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại thì Apple vẫn là nhà sản xuất duy nhất cho phép người dùng chụp liên tục (burst) cả camera sau lẫn camera trước mà không bị dừng lại – tất cả nhờ vào bộ xử lý hình ảnh (ISP) trong con chip A10 Fusion và tốc độ ghi nhanh của bộ nhớ trong.
Một yếu tố cuối cùng mà không nhiều người nhắc đến trong các bài đánh giá camera – nhưng theo tôi là rất quan trọng, đó là hỗ trợ từ phần mềm bên thứ ba. Trong lĩnh vực này, Apple tiếp tục vượt trội hoàn toàn so với đối thủ. Nếu bạn là một người dùng Snapchat, thì khi nhìn thấy chất lượng tệ hại mà hình ảnh của ứng dụng Android đem lại, chắc chắn bạn sẽ muốn chuyển sang iPhone. Những ứng dụng với các hiệu ứng ‘cute’ như SNOW Camera khi chạy trên iPhone cũng tạo ra video với framerate mượt mà hơn rất nhiều những chiếc flagship Android khác trên thị trường. Đây là những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt, nhưng sự khác biệt mà nó đem lại là rất lớn trong quá trình sử dụng hàng ngày.
Trong khi ưu thế của iPhone 7 so với các đối thủ là chưa thật sự rõ ràng, thì tôi nghĩ rằng Apple cuối cùng đã có thể giành lại ngôi vương của mình với iPhone 7 Plus. Tuy nhiên, đây là tình cảnh "một đất nước có hai ông vua", khi mà bên cạnh đó chúng ta còn có Galaxy S7. Trong khi Galaxy S7 có được lợi thế nhờ vào chất lượng ảnh chụp đêm, tốc độ lấy nét nhanh hơn và khả năng chỉnh tay, thì iPhone 7 Plus lại phù hợp hơn với đối tượng người dùng bình dân, khi chất lượng ảnh đôi khi không phải yếu tố quan trọng nhất mà còn là độ dễ sử dụng và tính ổn định.
Đặc biệt, với sự bổ sung của hệ thống camera kép và hai tính năng mới, Apple cũng có thể giúp những người dùng bình dân kia, vốn không có nhiều kỹ thuật về nhiếp ảnh và không muốn sở hữu những bộ DSLR nặng nề và đắt tiền, có thể tạo ra những bức ảnh đẹp hơn để chia sẻ với bạn bè, người thân. Trong khi sự khác biệt về chất lượng ảnh giữa iPhone 7 Plus và những chiếc flagship khác là điều không phải ai cũng có thể nhận ra, thì những tính năng như chế độ Chân dung sẽ khiến nhiều người cảm thấy bị ấn tượng.
Bên cạnh màn hình, thì nút Home là thứ mà người dùng iPhone chạm vào nhiều nhất trên chiếc máy của họ. Và với iPhone 7, Apple đã có một quyết định táo bạo, đó là thay đổi hoàn toàn nó. Đây là nút Home sử dụng công nghệ Force Touch (nhận diện lực) và không thể bấm được nữa. Bù lại, mỗi khi người dùng bấm phím Home thì Taptic Engine sẽ rung lên, kèm theo loa phát ra âm thanh để "đánh lừa" cảm giác của người dùng. Khi cầm trên tay, cảm giác như cả phần dưới của chiếc iPhone như đang rung lên vậy.
Đương nhiên, để sử dụng nút Home mới, bạn sẽ cần tốn chút thời gian làm quen. Nhưng tôi tin rằng, quá trình này chỉ mất một vài phút, lâu thì một vài giờ hoặc cùng lắm là một ngày. Và, một khi bạn đã quen với nó, bạn sẽ cảm thấy việc phải quay về những nút Home cũ rất nặng nề, khó khăn và… low-tech. Bên cạnh ưu điểm lớn nhất của nó là không bao giờ lo bị hỏng hay kẹt (đồng nghĩa với việc không cần dùng Assistive Touch nữa), thì công nghệ này cũng cho phép chúng ta điều chỉnh mức độ nặng-nhẹ của phím Home thông qua phần mềm.
Nút Home này cho phép điều chỉnh lực bấm bằng phần mềm - một điều mà không nút bấm cơ học nào làm được
Nhưng, hiện đại cũng đi kèm với "hại điện". Do nút Home này cũng sử dụng cảm ứng điện dung tương tự như màn hình cảm ứng, nó sẽ không hoạt động khi chúng ta sử dụng găng tay dày. Không sao cả, chúng ta vẫn còn nút nguồn cơ mà!
Quay trở lại với nhân tố chính tạo nên sự "thần kỳ" của nút Home trên iPhone 7: Taptic Engine, hay nói một cách dễ hiểu hơn là motor rung. Thực chất, nó đã có mặt từ iPhone 6s để phục vụ cho tính năng 3D Touch. Thế nhưng ở iPhone 7, chúng ta mới thấy được tầm ảnh hưởng của nó trên trải nghiệm người dùng là lớn đến mức nào.
Sẽ có nhiều bạn cho rằng: "Tại sao phải phát triển một motor rung mới, khi các motor hiện nay vẫn đang làm tốt nhiệm vụ của mình?" Đơn giản là vì chúng không thể tạo ra những chuyển động rung ngắn và chính xác như những gì Taptic Engine có thể làm được.
Taptic Engine trên iPhone 7 cũng không chỉ phục vụ riêng cho các tác vụ liên quan đến 3D Touch nữa. Giờ đây, nó được Apple gắn với hàng loạt những thành phần giao diện hệ thống, cũng như các tính năng của hệ điều hành. Từ những tác vụ nhỏ như gạt các công tắc trong ứng dụng cài đặt, kéo Control Center từ dưới màn hình, dùng hai ngón tay để zoom trong ứng dụng ảnh, cho đến những hiệu ứng iMessage mới trên iOS 10… Taptic Engine khiến trải nghiệm iPhone trở nên thật và có hồn hơn rất nhiều.
Các bạn sẽ không thể tưởng tượng được cảm giác tuyệt vời như thế nào khi nhận được tin nhắn "Happy birthday" từ một người bạn, đằng sau là những chùm bóng bay bao trọn màn hình và cùng lúc đó Taptic Engine rung lên khe khẽ như thể chúng đang bay qua đôi tay của mình vậy. Nếu như bạn có cơ hội được trên tay một chiếc iPhone 7 – thì bên cạnh camera, tôi khuyên các bạn nên trải nghiệm hệ thống Taptic Engine mới này, vì quả thật là nó rất tuyệt vời.
Sau iPad Pro, không ngạc nhiên khi đến lượt iPhone là thiết bị tiếp theo được Apple chú trọng vào âm thanh, thể hiện qua hệ thống loa kép của iPhone 7. Tuy nhiên, rất tiếc rằng hệ thống loa này được bố trí không thật sự cân đối, khi một loa nằm ở dưới loa thoại, còn một loa nằm ở bên phải cổng Lightning như truyền thống.
Lợi ích duy nhất mà tôi nhận thấy được là âm lượng lớn hơn và cái cảm giác trống trải của một bên tai cũng đã không còn. Ngoài ra, tôi không cảm thấy thật sự ấn tượng. Lý do lớn nhất dẫn đến việc này là do khả năng chống nước của máy khiến âm thanh không thể thoát ra được, từ đó khiến chúng chỉ "luẩn quẩn" bên dưới lớp vỏ của máy. Mặc dù vậy, nếu bạn chỉ là một người dùng thông thường, thì hệ thống loa kép của iPhone 7 Plus sẽ đủ khiến bạn hài lòng.
iPhone 7 và 7 Plus được Apple gọi là "Thế hệ iPhone với thời lượng pin tốt nhất từ trước đến nay". Và Apple hoàn toàn không sai với lời quảng cáo này. Bên cạnh những nâng cấp trên con chip Apple A10 Fusion và lợi thế có sẵn về quản lý năng lượng của iOS, Apple cũng tiếp cận vào con số quan trọng nhất, đó là dung lượng pin. Từ 1715mAh của iPhone 6s, iPhone 7 sở hữu dung lượng pin 1960mAh. Trong khi đó, iPhone 7 Plus được nâng lên 2900mAh từ mức 2715mAh của iPhone 6s Plus. Khi chúng ta so sánh với các đối thủ Android cùng kích cỡ và cùng phân khúc giá, có thể thấy những con số này là khá khiêm tốn. Tuy nhiên, nếu bạn là một người dùng iPhone, thì bạn sẽ biết rằng thế mạnh của iPhone không nằm ở những con số.
iPhone 7 – với vai trò là chiếc điện thoại cỡ nhỏ phù hợp với đa số người dùng, cũng cho một thời lượng pin… phù hợp với đa số người dùng, cụ thể là một ngày sử dụng vừa phải, không tác vụ nặng. Đối với nhu cầu của bản thân tôi, khởi đầu từ lúc 8h sáng với 100% pin, xuyên suốt một ngày làm việc là khoảng 5-7 cuộc điện thoại, nhắn tin OTT, lướt web và Facebook hỗn hợp qua 3G và Wi-Fi khoảng 1.5 tiếng kèm theo chụp một vài tấm ảnh… thì máy có thể trụ đến 22h cùng ngày với khoảng 20% pin. Nhìn chung, kết quả này tuy có khá hơn iPhone 6s đôi chút, nhưng với việc những chiếc iPhone cỡ nhỏ chưa bao giờ có thể khiến người dùng thỏa mãn bởi thời lượng pin, lịch sử này sẽ tiếp tục lặp lại với iPhone 7. Vẫn sẽ có nhiều người dùng với nhu cầu cao hơn phải sạc nhiều hơn một lần trong ngày.
Điều hoàn toàn trái ngược lại đang xảy ra với chiếc iPhone 7 Plus. Có thể nói rằng đây là một con quái vật về thời lượng pin. Cũng với những tác vụ như trên, tôi có thể kết thúc một ngày với 50-60% pin. Trong khi với iPhone 7, tôi luôn nơm nớp máy hết pin và lúc nào cũng "kè kè" theo cục pin dự phòng trong túi, thì với iPhone 7 Plus, tất cả những lo lắng trên đều tan biến.
Đi kèm iPhone 7 và 7 Plus vẫn là củ sạc 1A/5W "thần thánh", vốn đã theo suốt chúng ta trong nhiều năm qua. Dung lượng pin tăng lên nhưng sạc đi kèm vẫn vậy, điều này đồng nghĩa với việc iPhone 7 có thể là thế hệ iPhone cho thời lượng pin tốt nhất, nhưng cũng là thế hệ iPhone có tốc độ sạc chậm nhất. Theo thử nghiệm của tôi, iPhone 7 mất 2 tiếng để sạc đầy, trong khi iPhone 7 Plus cần đến hơn 3 tiếng.
Khi so sánh tốc độ sạc với những chiếc máy đầu bảng khác hỗ trợ công nghệ sạc nhanh, như việc Galaxy S7 Edge có thể sạc đầy viên pin 3600mAh chỉ trong vòng gần hai tiếng, Apple nên cảm thấy xấu hổ. Trong buổi thuyết trình của mình, Apple đã dành riêng
một phần để nói về chiếc tai nghe AirPods và tầm nhìn của hãng về công nghệ không dây. Ấy vậy mà, khi người dùng không còn bị vướng bận bởi dây tai nghe nữa, thì họ lại bị mắc kẹt bởi một thứ còn được sử dụng nhiều hơn, đó là dây sạc. Thôi thì, không
có sạc không dây cũng được, nhưng ít ra phải cho tôi sạc nhanh chứ!?
Nhắc đến AirPods ở trên thì không thể không nói đến yếu tố gây tranh cãi nhất của iPhone 7 trong thời gian qua, đó là sự gỡ bỏ của jack cắm tai nghe.
Đầu tiên, cần phải nói rằng tôi không phải là một audiophile. Tôi không sở hữu những chiếc tai nghe đắt tiền, không sở hữu những bộ amp kèn "khủng". Tôi chỉ là một con người bình thường với sở thích về âm nhạc, như bao người khác.
Đi kèm mỗi chiếc iPhone 7 là một tai nghe EarPods chuẩn Lightning. Nếu như bạn từng hài lòng với những chiếc tai nghe EarPods chuẩn 3.5mm trước đây, thì bạn sẽ tiếp tục cảm thấy như vậy với chiếc tai nghe mới, và ngược lại. Với việc đang có hàng trăm triệu người trên thế giới vẫn đang sử dụng EarPods như chiếc tai nghe duy nhất mà họ có bên mình, tôi tin họ sẽ không gặp phải bất kỳ gì về chất lượng trong quá trình sử dụng chiếc tai nghe mới.
Trong trường hợp iPhone 7 là thiết bị duy nhất bạn sử dụng để nghe nhạc, thì bạn sẽ không gặp phải bất kỳ vấn đề nào liên quan đến tương thích. Nhưng chỉ cần bạn có thêm một chiếc laptop, hay một chiếc điện thoại Android, mọi thứ sẽ trở nên hết sức phức tạp do chúng không có cổng Lightning. Vậy nên, mặc dù cá nhân tôi có thể chấp nhận được chất lượng âm thanh của tai nghe EarPods mới, nhưng tôi lại không thể sử dụng nó được. Tôi không muốn mình phải mang theo hai chiếc tai nghe chỉ để sử dụng trên iPhone và laptop.
Giải pháp được đưa ra là sử dụng cọng adapter 3.5mm to Lightning đi kèm trong hộp của máy. Đã có nhiều lo ngại rằng kích cỡ nhỏ bé của nó sẽ khiến người dùng dễ dàng đánh mất nó chỉ trong tích tắc. Tôi thì không thấy đây là một vấn đề quá to tát, khi chúng ta hoàn toàn có thể cắm cố định adapter này vào tai nghe.
Đã có một số người tỏ ra rất tức giận khi biết rằng Apple loại bỏ jack cắm tai nghe trên iPhone 7 và ép họ phải sử dụng những chiếc tai nghe Lightning – một chuẩn kết nối độc quyền của Apple mà không hãng nào khác có. Nhưng thực chất, công nghệ mà Apple đang thực sự hướng đến là không dây, là Bluetooth. Mặc dù cá nhân tôi không thật sự thấy hứng thú với việc có thêm một thiết bị phải sạc, nhưng tôi tin rằng, với sự thúc đẩy của Apple thì những chiếc tai nghe Bluetooth sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, trong đó bao gồm thời lượng pin. Nhưng đấy vẫn còn là tương lai xa, còn trong thời điểm hiện tại, chúng ta có thể tạm thời "chống cháy" bằng những giải pháp ở trên.
Sự thiếu vắng của jack cắm tai nghe chắc chắn là nhược điểm lớn nhất của iPhone 7. Nhưng, iPhone có thế nào thì vẫn cứ là iPhone, tầm ảnh hưởng của nó đã quá lớn khiến cho người dùng chỉ biết chạy theo nó, chứ Apple chẳng việc gì phải chạy theo người dùng. Vậy nên, người dùng cũng vì thế mà cũng sẽ thích nghi dần với những gì mà Apple tạo ra.
Tôi vẫn nhớ vào thời điểm trước khi iPhone ra mắt, ai cũng sở hữu cho mình một đoạn nhạc chuông riêng. Giờ đây, khi iPhone không cho phép người dùng tự cài nhạc chuông một cách dễ dàng, ai cũng sử dụng những nhạc chuông đi kèm máy. Hay khi iOS còn chưa được trang bị tính năng chia sẻ file AirDrop, người dùng iPhone thường… mail cho nhau ảnh mỗi khi cần chia sẻ. Khổ thật đấy, nhưng Apple nó cấm thì biết làm sao? Tương tự như vậy với jack cắm tai nghe 3.5mm, tôi tin rằng người dùng sẽ tìm ra cách để khắc phục. Cùng lắm thì đành… nghỉ nghe nhạc vậy!
iOS 10 là phiên bản hệ điều hành mới nhất của Apple dành cho các thiết bị di động của mình. Bên cạnh rất nhiều tính năng mới không có giá trị sử dụng tại Việt Nam như ứng dụng Tin tức, Siri, Bản hồ, Quản lý nhà thông minh, Apple Pay trên nền web… thì iOS 10 cũng mang đến một số thay đổi về giao diện màn hình khóa, 3D Touch, iMessage, ứng dụng Ảnh hay ứng dụng Nhạc.
Nếu được chỉ ra tính năng tôi yêu thích nhất ở iOS 10 thì đó là ứng dụng Ảnh. Mặc dù không có nhiều thay đổi về giao diện, tuy nhiên qua ứng dụng Ảnh mới, Apple đã phô diễn khả năng phát triển AI (trí tuệ nhân tạo) của mình. Điều này được thể hiện qua khả năng phân tích khung cảnh và đối tượng trong bức ảnh, để từ đó tạo nền tảng cho hai tính năng rất hữu ích là tìm kiếm và "kỷ niệm" (Memories).
Trong khi mục đích của tính năng Tìm kiếm đã là quá rõ ràng, thì Memories lại tận dụng AI một cách thông minh để giải quyết một vấn đề khác mà đa số chúng ta đều đang gặp phải: Chụp ảnh rất nhiều nhưng hiếm khi xem lại. Với Memories, thay vì phải lần
mò trong một "mê cung" ảnh và quẹt qua quẹt lại một cách vô vị, nó sẽ tự động tổng hợp thành các kỷ niệm, ví dụ như "Khoảnh khắc đẹp của năm qua", "Những hình ảnh đáng nhớ trong chuyến đi Hạ Long", hay "Chân dung của gấu". Quá trình này được
tạo ra một cách hoàn toàn tự động và không hề yêu cầu sự can thiệp của người dùng, mặc dù chúng ta hoàn toàn có thể thêm bớt ảnh/video, thay đổi nhịp điệu video và các bài nhạc nền.
Video được tự động tạo ra bởi ứng dụng Ảnh trên iOS 10
Còn nếu để nói về điểm mà tôi ghét nhất ở iOS 10, thì đó chắc chắn là ứng dụng Nhạc. Trước đây, Apple từng nhận được nhiều lời phàn nàn về việc ứng dụng Nhạc trên iOS 9 quá khó sử dụng. Thế nhưng tôi không nghĩ rằng cách giải quyết tốt cho vấn đề này là sử dụng phông chữ CỰC TO cho tất cả mọi thứ. Thật sự tôi không thể hiểu nổi các nhà thiết kế của Apple đã nghĩ gì khi tạo ra thứ thảm họa này. Dù sao thì cũng xin được cảm ơn Apple vì đã quan tâm đến thị giác của tôi.
Mang tiếng màn hình lớn, nhưng ứng dụng Nhạc trên iPhone 7 Plus chạy iOS 10 lại hiển thị ít thông tin và tính năng hơn cả iPhone 6 trên iOS 9
Đến đây thì bạn sẽ hỏi: "Nó chỉ là ứng dụng Nhạc thôi mà, dùng Zing Mp3 cũng được. Tại sao phải "quan trọng hóa" lên làm gì?" Vào thời điểm iOS 7 ra mắt, Apple đã mang đến một ngôn ngữ thiết kế mới, trong đó bao gồm việc tận dụng tối đa các font chữ mảnh (thin). Trong khi giao diện cơ bản của iOS 7 và iOS 10 là vẫn rất giống nhau, thì sự giới thiệu của những ứng dụng mới như Nhạc, Tin tức hay Nhà (Home) sử dụng các font chữ đậm, cho thấy sự mâu thuẫn trong ngôn ngữ thiết kế của hệ thống.
Các ứng dụng như Nhà, Tin tức, Nhạc cho thấy một ngôn ngữ thiết kế hoàn toàn mới của Apple, trái ngược hoàn toàn với những gì chúng ta từng được thấy.
Điều này không chỉ khiến người dùng cảm thấy lạ lẫm, mà còn làm các nhà phát triển trở nên bối rối, không biết nên đi theo "phe" nào. Một trong những yếu tố chính khiến iOS được đánh giá là nền tảng di động dễ sử dụng và làm quen, đó chính là sự thống
nhất trong giao diện và trải nghiệm (UI và UX) của các ứng dụng. Và, tôi không muốn điều này biến mất chỉ vì những bước đi sai lầm của Apple.
Cũng như bao cặp đôi iPhone và hệ điều hành nguyên thủy của nó như iPhone 6 với iOS 8, iPhone 6s với iOS 9, thì iPhone 7 với iOS 10 cho một trải nghiệm rất mượt mà. Thay đổi nhận được rất nhiều sự chỉ trích nhất trên iOS 10 là "Bấm nút Home để mở khóa", thực tế lại khá hợp lý trên iPhone 7. Do tốc độ của cảm biến vân tay Touch ID quá nhanh đến nỗi không kịp nhìn những thông báo ở màn hình khóa, việc yêu cầu bấm phím Home thêm một lần nữa để mở khóa là rất cần thiết.
Tính năng "Bấm nút Home để mở khóa" từng bị người dùng ghét bỏ, nhưng thực ra khá hợp lý trên iPhone 7
Tuy nhiên, cũng như nhiều phiên bản iOS x.0 trước đây, iOS 10.0.1 vẫn còn một vài hạt sạn nhỏ. Trong đó, một vấn đề mà bạn sẽ nhanh chóng nhận ra là hiệu ứng thoát ứng dụng về màn hình bị "giật cục". Đây là một vấn đề mà chỉ riêng iPhone 7 gặp phải, trong khi những chiếc máy khác như iPhone 6s hay iPhone 6 lại không gặp phải. Những thông báo trườn xuống từ cạnh trên màn hình đôi lúc cũng không thể bấm vào được. Thậm chí, chiếc máy của tôi còn bị treo cứng một lần, buộc lòng tôi phải khởi động lại.
Với iPhone 7 năm nay, câu hỏi không còn là "Bạn có nên mua chiếc máy này hay không?" như mọi năm nữa, mà là "Bạn có thể chịu được sự thiếu vắng của jack cắm tai nghe 3.5mm không?". Đơn giản là vì, ngoài jack cắm tai nghe 3.5mm, tôi thật sự không thấy có nhược điểm lớn nào với bộ đôi iPhone mới này. Chúng đều là những thiết bị cho hiệu năng mạnh mẽ, thiết kế cao cấp, camera tốt, thời lượng pin có thể chấp nhận được và chạy một hệ điều hành thân thiện với người dùng.
Bên cạnh những người dùng nâng cấp từ các thế hệ iPhone cũ, thì một đối tượng mà iPhone 7 năm nay sẽ có cơ hội "dang tay chào đón" chính là người dùng Android cao cấp. Trước tình cảnh đối thủ lớn nhất là Galaxy Note7 gặp sự cố, đây là thời điểm không thể tốt hơn để người dùng thử đổi gió sang một chiếc iPhone.
Thế nhưng, iPhone thì muôn đời vẫn cứ là iPhone. iOS vẫn là một nền tảng bị kiểm soát chặt chẽ bởi Apple, đi kèm với hàng loạt những hạn chế và chắc chắn sẽ khiến nhiều người dùng Android cảm thấy khó chịu. Vậy nên, mặc dù iPhone 7 đánh bại hoàn toàn các đối thủ Android về hiệu năng, thì nói nó "tốt hơn Android" là một nhận định thiếu cơ sở. Nhưng tôi tin rằng, với đại bộ phận người tiêu dùng, những người chỉ coi điện thoại như một công cụ kết nối và giải trí đơn thuần, iPhone sẽ vẫn là sự lựa chọn tốt nhất.
Có thể thấy giữa iPhone 7 và 7 Plus, thì việc lựa chọn iPhone 7 Plus là một sự lựa chọn đúng đắn hơn rất nhiều. Những nâng cấp của iPhone 7 Plus nằm ở màn hình, camera và thời lượng pin - và đây đều là những yếu tố rất quan trọng, ảnh hưởng mạnh mẽ đến trải nghiệm sử dụng hàng ngày. Đương nhiên, chỉ với điều kiện là bạn có thể "chịu nổi" kích thước to quá khổ của nó.
Trước khi ra mắt, đã có nhiều tin đồn cho rằng iPhone 7 năm nay sẽ mang tên "iPhone 6SE" do sự thiếu đột phá trong thiết kế. Và nếu như bạn đã đọc phần đầu bài viết của tôi, thì bạn sẽ biết rằng thiết kế nhàm chán của iPhone 7 không những không khiến tôi thất vọng, mà thậm chí còn khiến tôi hứng thú. Công nghệ mới như chống nước, loa kép hay camera kép mới là những nâng cấp thật sự có ý nghĩa mà người dùng sẽ được hưởng lợi nhiều trong quá trình sử dụng sau này – chứ không phải là một thiết kế mới vốn chỉ để nhằm mục đích... thể hiện trong vài tháng đầu, sau đó nhanh chóng trở nên bão hòa khi ai cũng đã đủ điều kiện tài chính để sở hữu cho mình chiếc iPhone mới.
Và, cũng như những thế hệ iPhone "S" trước đây, thị trường di động sẽ lại một lần nữa được hâm nóng khi các nhà sản xuất phải chạy theo những gì Apple đang làm để tỏ rõ ưu thế cạnh tranh. Cũng như việc Apple không phải là người đầu tiên với trợ lý ảo hay cảm biến vân tay, các công nghệ như chống nước, loa kép hay camera kép không còn mới. Nhưng tôi tin rằng, với vai trò thúc đẩy và định hình của Apple, các tính năng trên sẽ được các nhà sản xuất Android mạnh dạn tích hợp vào trong tất cả các flagship của mình trong tương lai. Vậy nên, cho dù bạn có dùng iPhone hay không, thì chắc chắn là bạn cũng sẽ được hưởng lợi từ những gì mà Apple mang lại với iPhone 7.